Khoảng cách giữa lời

Chia sẻ

Biết làm sao! Chúng ta quá nhiều lời
Ngay ở chỗ lẽ ra cần nói ngắn!

Bao lần em lẳng lặng
Đủ khiến tôi bàng hoàng!

Khi phần nói lấn hết phần được sống
Lấn hết mọi điều tiềm ẩn giữa câu
Thì vạn câu thơ cũng thành rẻ rúng
Liệu còn gì vang vọng nữa trong nhau?...
                                                                BẰNG VIỆT
  1983 (Tác phẩm chọn lọc, NXB Hội Nhà văn, 2010)

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Tình yêu qua đi, chỉ để lại cho mỗi chúng ta những suy cảm lặng lẽ. Những gì cần nói thì cũng đã nói, những gì dẫu chẳng muốn nghe cũng đã phải nghe. Chỉ còn một khoảng lặng, không lời đóng băng, câm nín mà thật nhiều ý tứ được gợi mở.

Khi ta yêu chính là lúc ta đang nông nổi nhất, vội vàng và dễ sai lầm nhất. Rồi cũng từ đó, những giận hờn, trách móc cứ thế mà sinh ra, để rồi ai cũng thành người có lỗi. Một trong những sai lầm ấy thường là: Nói ra quá nhiều, nói cả những điều đáng ra không bao giờ được nói lời nói. Bởi khi giận, người ta có thể thốt ra cả những lời đối lập với trái tim mình. Nhà thơ Bằng Việt ví đó như một bước ngoặt của tình yêu:

Biết làm sao! Chúng ta quá nhiều lời
Ngay ở chỗ lẽ ra cần nói ngắn!

Hai câu thơ như một phân cảnh của một bộ phim tâm lý, tình cảm. Chẳng biết họ đã nói với nhau những gì? Oán trách, giận hờn để được chia sẻ hay lời chia tay? Nhưng chỉ cần như thế, người đọc đã đủ cảm nhận một kịch tính “lẽ ra cần nói ngắn”. “Nói ngắn” tức là dứt khoát lắm, lạnh lùng và cương quyết lắm. Rồi nhân vật trữ tình còn bộc bạch tiếp một cá tính của cô gái ấy là im lặng. Im lặng chính là một phán quyết đáng sợ nhất trong tình yêu: “Bao lần em lẳng lặng/ Đủ khiến tôi bàng hoàng!”. Cô gái cứ lẳng lặng làm việc gì đó, kệ anh chàng này muốn nói gì, muốn nghĩ gì? Cô gái cứ lẳng lặng sống, mặc cho ai hiểu lầm hay trách cứ mình. Để rồi, sự “bàng hoàng” ấy còn là chân lý mà anh chàng đã hiểu ra, đã thấu tỏ. Bàng hoàng nhận ra lỗi lầm của mình, sự nông nổi của mình. Sau tất cả va vấp ấy, người đang yêu mới có được một một triết lý cho riêng mình:

Khi phần nói lấn hết phần được sống
Lấn hết mọi điều tiềm ẩn giữa câu
Thì vạn câu thơ cũng thành rẻ rúng
Liệu còn gì vang vọng nữa trong nhau?...

Ở đây không phải mối tương quan giữa sống và chết, sống và nghĩ mà lại là sống và… nói. Phần lời đã lấn hết phần sống, tức là lấn át sự tự nhiên, tự thân của tình yêu. Đáng ra, cả hai phải im lặng để nhường chỗ cho cảm xúc, lý trí phải nhường lời cho con tim. Là một người tinh tế và sâu sắc, nhà thơ chỉ ra một sự thật, một bài học kinh nghiệm mà cả đến những ai đã từng yêu cũng phải giật mình: “Lấn hết mọi điều tiềm ẩn giữa câu”. Lời tiềm ẩn ấy chính là: nói thế mà không phải thế, nói vậy mà không phải vậy. Nếu như lắng nghe bằng tiếng lòng, trong lời lẽ tưởng như lạnh lùng ấy của cô gái, biết đâu ta sẽ nhận ra có một tình yêu tiềm ẩn giữa hai câu nói. Và sự tiếc nuối ấy ngân mãi, buồn và đẹp như một câu hỏi: “Liệu còn gì vang vọng nữa trong nhau?...”.

Còn chút gì vang vọng sau tất cả? Câu hỏi đó thật khó trả lời, đầy bất an nhưng đâu phải đã hết hy vọng. Khi chúng ta sống quá ồn ào, lại tiếc nuối vì thiếu những khoảng lặng, khi đã quá hiểu nhau, lại mong có một sự mông lung, mơ hồ nào đó. Cứ thế, một người đang yêu chìm đắm trong mong mỏi và chờ đợi điều gì đó thật kì diệu, thật bất ngờ giữa hai người.

Câu chuyện tình yêu trong bài “Khoảng cách giữa lời” của thi sĩ Bằng Việt là một bài học vô giá cho tình yêu, giúp chúng ta trân trọng những khoảnh khắc quý giá bên nhau trong cuộc đời này.

MAI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Làm gì khi con biết yêu?

Làm gì khi con biết yêu?

(PNTĐ) - Khi phát hiện con, nhất là con đang trong cấp học phổ thông biết yêu, một số cha mẹ lo lắng, hoang mang, một số lại bình tĩnh đón nhận. Cũng có cha mẹ chọn cách quyết liệt ngăn cấm, nhưng có người lại “ngó lơ” để con được tự nhiên với những rung động đầu đời. Chia sẻ của Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Nguyễn Hải Vân, chuyên viên tâm lý học đường Trường liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội sẽ giúp các cha mẹ có thêm câu trả lời cần làm gì khi con biết yêu.
Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

(PNTĐ) - Xã đảo Minh Châu là nơi bao đời nay người dân sống dựa vào nghề chăn nuôi với những chuồng trại lợn, bò, mùi hôi từ chất thải gia súc. Và rồi, có một người phụ nữ nhỏ nhắn đang mạnh dạn góp sức để biến Minh Châu thành một điểm du lịch xanh, sạch trong tương lai. Đó chính là bà Ngô Thị Thanh Vân – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ Bảo vệ môi trường Minh Châu Organic Farm.
Sống xanh ở Thủ đô

Sống xanh ở Thủ đô

(PNTĐ) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, sống xanh đã trở thành xu hướng tích cực lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là ở giới trẻ. Từ việc hạn chế sử dụng đồ nhựa, chọn phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, đến việc tham gia các hoạt động tình nguyện vì thiên nhiên – những hành động tưởng chừng nhỏ bé ấy lại đang góp phần xây dựng một Thủ đô Hà Nội ngày một xanh.