Là phụ nữ hãy cương quyết và khéo léo

Chia sẻ

Một hôm, đang thiu thiu ngủ, tôi bỗng nhận được tin nhắn của anh bạn với những yêu cầu cực kỳ khách sáo và khẩn thiết: “Ông có thể giúp tôi một việc ngay lúc này được không?”.

Thấy lạ, tôi nửa đùa nửa thật: “Khó lắm, đêm hôm khuya khoắt rồi, không rượu chè tụ tập, không viết bài thi của ngành hộ đâu nhá. Tôi ngủ đây”. Nhưng khác với mọi lần, đáp lại sự bông đùa của tôi là những dòng tin nhắn khẩn khoản khiến tôi thực sự tỉnh ngủ.

Thì ra, lúc chiều tôi có vào bình luận ở trang của một cô bạn cùng tuổi. Và, trong câu chuyện vui đùa có nhắc đến tên anh ta. Dạo chưa lập gia đình, chúng tôi cùng trong một nhóm bạn chơi với nhau. Mấy đứa khi thì tụ tập ăn uống, khi thì đàn hát, đi picnic… đến khi có gia đình dù ai cũng bận rộn nhưng hễ có thời gian là lại gặp gỡ, trò chuyện. Qua năm tháng tình bạn khá thân thiết.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ấy vậy mà tôi lại không để ý đến một chi tiết khá nhạy cảm: Cô vợ của anh bạn tôi rất hay ghen vì là một người phụ nữ… quá yêu chồng. Còn nhớ, ngày mới yêu nhau, khi đi bên anh, đôi mắt cô lúc nào cũng như hệ thống rada phòng thủ luôn “quét” khắp nơi hòng tìm ra một ánh mắt nào đó đáng nghi ngờ. Ngày nào hai người gặp nhau, cô ta cũng để ý xem trên áo anh bạn tôi có mùi nước hoa lạ nào không, người yêu của mình có sử dụng một đồ vật gì mới không. Có bạn còn kể, trong lần sinh nhật trước khi hai người kết hôn, không có một cô bạn nào dám đến dự mà chỉ toàn con trai. Điều đó lại càng khiến cho cô dâu tương lai thêm nghi ngờ: đã rõ mặt đám “yêu tinh nhện” bấy lâu nay rình mò bên chồng chưa cưới của mình.

Từ ngày có mạng xã hội facebook, zalo, cô ta càng “tăng cường kiểm soát”. Thậm chí có lần đến cả gmail của anh chồng cũng “được” cô “thanh, kiểm tra” đột xuất vì thấy nhiều thư điện tử mời mua nhà đất xuất hiện trong hộp thư lại có nickname mang tên các cô gái. Thế là, cô bắt chồng phải giải trình cả buổi trưa.

Nhưng đáng sợ nhất là việc cô vợ cả nghĩ này hay “truy vết” các bình luận. Ban đầu, ai cũng tưởng cô chỉ để ý đến mấy nàng sống ảo có avatar đẹp như hoa hậu ai ngờ cô còn nghiên cứu, phân tích cả những bình luận của cánh đàn ông vì nghĩ rằng đàn ông hay tố nhau, cùng hội, cùng thuyền hay bại lộ. Và có lẽ, các bình luận của tôi cũng bị theo dõi như thế.

Nhiều lần tôi cũng đặt ra câu hỏi: Vì sao anh bạn tôi có thể chung sống với người phụ nữ ghen tuông như thế ngần ấy năm qua? Trước thắc mắc ấy, nhiều bạn bè tôi đều cười và lắc đầu. Có người giải thích: “Cậu không biết sao? Chúng tớ rất quý nó, cũng đâu có ghét vợ nó, nhưng ngoài công việc xã giao thì không dám rủ nó nhậu nhẹt hay đi thăm bạn bè (trừ khi vợ nó cũng đi cùng), âu cũng đều do quá yêu đấy thôi…”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chuyện của gia đình anh bạn tôi cũng không hiếm gặp trong cuộc sống này. Lâu nay, chúng ta thường ví những người phụ nữ hay ghen với nhân vật Hoạn Thư trong truyện Kiều của Nguyễn Du cùng một câu thơ nổi tiếng “Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”. “Thường tình” là điều dễ tha thứ nếu như chỉ dừng ở những ghen tuông ấm ức của chị vợ vừa kể trên. Ở vào cái tuổi mà người phụ nữ đã trải qua những vất vả của việc sinh nở, nuôi dạy con cái và lo toan, gây dựng cơ nghiệp; việc cô ta cảm thấy tự ti, dễ tủi thân trước người chồng vẫn trẻ trung là điều dễ hiểu. Nhưng, cô vợ trong câu chuyện này quả thật lại lắm chiêu và dường như không ý thức được tác hại từ những hành động bồng bột cho thoả cơn ghen của mình.

Cách đây ít hôm, có một đồng nghiệp mới của anh bạn tôi đã vô tình trở thành nạn nhân như thế. Vốn quen cách viết tin nhắn không dấu và cách nói tắt của dân làm báo nên cô ta rơi vào thế “tình ngay lý gian”. Chuyện là hôm trước cô có nhờ anh bạn tôi dẫn đến nhà một nhân vật để phỏng vấn. Nhưng khi được biết anh bạn tôi vừa tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 mũi thứ hai, đang bị sốt và mệt nên cô đã không muốn làm phiền và chủ động tự đến nhà nhân vật đó. Cô nhắn cho anh một tin nhắn với nội dung: “A o nha nghi. E di mot minh dc”. Có thể diễn giải thông tin đó là: Anh cứ ở nhà nghỉ (ngơi). Em đi một mình (đến nhà nhân vật) được.

Chẳng nói thì ai cũng hiểu, tin nhắn không dấu này trở nên nguy hiểm vô cùng nếu được luận giải theo hướng khác. Khi trong đầu đã sẵn có mối nghi ngờ, cô vợ của anh bạn tôi thật sự sôi máu với hai từ “nhà nghỉ” và những hình ảnh mây mưa… để rồi bao chuyện lùm xùm làm xấu mặt cả ba người đã diễn ra khiến ai chứng kiến cũng phải lắc đầu.

Các cụ ta vẫn nói, “không có lửa làm sao có khói”, sở dĩ các chị vợ hay ghen cũng bởi các ông chồng đã đánh mất lòng tin ở họ. Có những anh tuy chưa ngoại tình nhưng đã ít nhiều có thái độ đẩy đưa, tán tỉnh kiểu ngoại tình tư tưởng cũng đủ khiến những người vợ cảm thấy nguy cơ tan vỡ hạnh phúc.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhưng, nếu nhìn ở một góc độ khác, chính sự ghen tuông thiếu cơ sở và trở nên mù quáng đó sẽ làm mất đi vị thế của người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Hôn nhân dựa trên tình yêu, sự tôn trọng, vì thế người phụ nữ cũng không nên hạ thấp chính vị thế của mình, trở thành người chạy theo, thành nhân vật yếu thế khiến cho bản thân người chồng của mình có một cái nhìn khác đi. “Phải ghen” chính là điểm yếu “chết người”mà một cô gái tinh quái nào đó sẽ nắm bắt để trêu ngươi, để thách thức một người vợ “non tay” như thế.

Người phụ nữ hãy luôn nhớ rằng sự chính danh chính là sức mạnh, là quyền chủ động trong việc giữ gìn hạnh phúc. Mọi cư xử đều phải khôn khéo, cao thượng để vừa đủ khiến người chồng thức tỉnh, kéo anh ta trở về với tổ ấm bằng sợi dây tình cảm sau những cú sốc bởi sự cám dỗ về nhục dục. Sự ghen tuông vô cớ của những người vợ khiến người chồng luôn cảm thấy xấu hổ, là cách vô tình đẩy anh ta ra khỏi tầm kiểm soát của bản thân mình.

Như A. A. Milne từng nói: “Dịu dàng không phải nhu nhược. Dịu dàng mà vẫn cương quyết là bí ẩn của người phụ nữ”. Người phụ nữ dù có yêu chồng đến mấy, muốn bảo vệ hạnh phúc đến đâu cũng nên khéo léo thể hiện sự cương quyết đó. Như thế, trong mắt người đàn ông của cô ta, người bạn đời chung sống bấy lâu vẫn luôn giữ được sức hút của sự bí ẩn…

LÂM VIỆT

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.