Liên tục các vụ cháy kho, xưởng sản xuất: chuyện cũ vẫn mới vì đâu?

QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh hiện nay vẫn chưa chấp hành nghiêm quy định về phòng cháy, chữa cháy, dẫn đến khi cháy nổ xảy ra, các doanh nghiệp không có thiết bị và phương án chữa cháy tại chỗ.

Thời gian gần đây trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như một số tỉnh thành khác đã xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản. Theo đó, khoảng 23h34 ngày 20/5, một đám cháy đã xảy ra tại hộ sản xuất, kinh doanh đồ gỗ thuộc làng nghề Tân Hội, huyện Đan Phượng. Khu vực cháy có quy mô 1 tầng, kết cấu khung thép mái tôn với chất cháy chủ yếu là gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã khẩn trương khai thác nguồn nước trên địa bàn làng nghề Tân Hội, tổ chức triển khai chữa cháy, ngăn đám cháy lan sang các hộ kinh doanh, sản xuất lân cận. Sau hơn 1 giờ nỗ lực chữa cháy, đám cháy mới được khống chế. Theo thống kê ban đầu, tổng diện tích đám cháy khoảng gần 500m2. Hiện nguyên nhân đám cháy đang được điều tra, làm rõ. 

Trước đó, ngày 15/5, một đám cháy xảy ra tại công ty TNHH xây dựng vật liệu xây dựng mới Hoàng Thành (xã Trung Châu, huyện Đan Phượng) với nhiều bao bì, thùng nhựa, sika, xi măng… với diện tích khoảng 600m2. Theo Công an huyện Đan Phượng, cơ sở xảy ra cháy thuộc đối tượng công trình có vi phạm về phòng cháy chữa cháy. Hiện Công an huyện Đan Phượng đã ra quyết định đình chỉ hoạt động đối với cơ sở trên.

Trước đó, ngày 1/5, vụ cháy xảy ra tại một xưởng sản xuất gỗ dán của Công ty TNHH Hải Nam (thôn Yên Viên, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã thiêu rụi 800m2 xưởng gỗ của công ty này. Ngày 2/5, đám cháy lớn xảy ra tại 4 hộ liền kề (là nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất chăn, ga gối đệm ở đội 7 xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội), lan rộng ra gần 300m2, thiêu rụi nhiều tài sản của người dân. Hay ngày 25/4, vụ cháy tại xưởng cắt vải nhà ông N.D.V (sinh năm 1960, trú tại thôn Vân, xã Hợp Thành, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã khiến 1 người tử vong, tổng diện tích cháy khoảng 295m2. Do chất cháy chủ yếu là các nguyên liệu (vải may mặc…) dễ bắt cháy, sinh ra nhiều khói khí độc, vận tốc cháy lan nhanh.

Liên tục các vụ cháy kho, xưởng sản xuất: chuyện cũ vẫn mới vì đâu? - ảnh 1
Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy đang nỗ lực dập tắt đám cháy ở Cty TNHH Hải Nam 

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh hiện nay vẫn chưa chấp hành nghiêm quy định về phòng cháy, chữa cháy, dẫn đến khi cháy nổ xảy ra, các doanh nghiệp không có thiết bị và phương án chữa cháy tại chỗ. Như đối với Công ty TNHH Hải Nam – nơi xảy ra vụ cháy ngày 1/5 vừa qua, nguyên nhân vụ cháy là do vi phạm quy định về phòng, chống cháy nổ. Công an huyện Gia Lâm đánh giá, khu xưởng kiêm nhà kho của công ty này đã từng 2 lần bị đình chỉ và tạm đình chỉ hoạt động trong năm 2021 do vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy, song công ty này vẫn lén lút hoạt động sản xuất. 

Trước tình trạng các cơ sở sản xuất kinh doanh không chấp hành nghiêm quy định phòng cháy, chữa cháy, Công an huyện Gia Lâm cũng đã rà soát, đồng thời ra quyết định đình chỉ hoạt động của các đơn vị vi phạm về quy định phòng cháy, chữa cháy (đã bị tạm đình chỉ mà vẫn hoạt động từ tháng 9/2021 đến nay). Công an huyện Gia Lâm đã đề xuất UBND huyện Gia Lâm chỉ đạo các xã phối hợp cùng lực lượng công an giám sát các cơ sở trên. Trong trường hợp cơ sở vi phạm chây ỳ, đề nghị rút giấy phép hoạt động. 

Thiếu tá Đỗ Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) khuyến cáo, để hạn chế rủi ro do cháy, nổ kho, xưởng hàng hóa, các cơ sở kinh doanh cần nắm vững và chấp hành nghiêm quy định về phòng cháy chữa cháy. Theo đó, các doanh nghiệp xây dựng hệ thống kho hàng cần tuân thủ Nghị định 79 về quy định phòng cháy chữa cháy kho bãi. Người đứng đầu cơ sở kinh doanh cần nâng cao trách nhiệm, thực hiện tốt các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy; có niêm yết nội quy phòng cháy chữa cháy; thực hiện các biện pháp để khống chế và kiểm soát chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn sinh lửa, sinh nhiệt.

Trước khi tiến hành công việc, chủ sản xuất cần phải thực hiện kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại nơi làm việc, nơi sản xuất. Khi tiến hành hàn, cắt kim loại phải che chắn bằng các vật liệu chống cháy, di chuyển các vật liệu dễ cháy ra khỏi khu vực hàn, cắt (tối thiểu là 10m); phải có phiếu công tác và phải thử nồng độ hyđrô khi hàn cắt trong tuabin. 

Các nhà xưởng, cơ sở sản xuất cần sử dụng nguyên vật liệu, nhiên liệu nhất là các chất đặc biệt nguy hiểm về cháy, nổ phải thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy theo quy định; lắp đặt thiết bị bảo vệ (Aptomat) cho hệ thống điện toàn cơ sở, từng khu vực, phân xưởng và các thiết bị điện có công suất lớn, tách riêng các nguồn điện: chiếu sáng, phục vụ thoát nạn, chữa cháy, sản xuất…; nghiêm cấm các hành vi tự ý: Câu mắc, dùng dây dẫn điện cắm trực tiếp vào ổ điện. Đặc biệt, các nhà xưởng cần có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cho cả công trình, từng khu vực đảm bảo an toàn khi thoát hiểm… 

“Mỗi cơ cở cần thành lập lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở và chuyên ngành, bố trí lực lượng thường trực chữa cháy 24/24 giờ và bảo đảm điều kiện chữa cháy tại chỗ, được tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; trang bị phương tiện chữa cháy, cứu người phù hợp với quy mô, tính chất đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ của từng khu vực sản xuất; đồng thời lên kế hoạch xây dựng phương án và phối hợp tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn, cứu người trong tình huống phức tạp nhất.

Khi xảy ra cháy, cần báo động cho mọi người xung quanh biết, đồng thời tìm mọi cách ngắt nguồn điện nơi xảy ra cháy, sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ được trang bị để dập tắt đám cháy, tổ chức thoát nạn, cứu người và di chuyển tài sản theo phương án, tình huống đã dự kiến và gọi điện cho 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền, công an phường gần nhất” – Thiếu tá Đỗ Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.