Ma túy thế hệ mới tìm cách len lỏi vào giới trẻ
(PNTĐ) - Ma túy trá hình mới ẩn nấp dưới nhiều hình thức như thuốc lá điện tử, xì gà, shisha điện tử và thuốc lá nung nóng… với các chất cực độc đang lôi kéo giới trẻ vào những cơn nghiện, tác động nguy hiểm tới sức khỏe.
Núp bóng, trá hình
Mới đây, qua công tác giám định, Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TP Hà Nội phát hiện một số dạng ma tuý cũ nhưng dưới lớp “vỏ bọc mới” là thực phẩm chức năng có công dụng làm đẹp da, chữa ung thư... xuất hiện trên địa bàn TP Hà Nội. Những loại ma túy này được tiếp cận thông qua các sản phẩm có tên gọi “Lazarus Naturals Full Spectrum CBD TINCTURE” và “Lazarus Naturals RELIEF + RECOVERY CBD MUSCLE GEL”. Dưới vỏ bọc là những sản phẩm chăm sóc sức khỏe, nhưng bên trong có chứa chất Delta-9-tetrahydrocanabinol (THC) - đây là chất ma tuý gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, cũng như an ninh xã hội.
Trong đó, mẫu dung dịch màu nâu bên trong chai thủy tinh màu nâu có nắp nhựa màu đen có nhãn hiệu “Lazarus Naturals Full Spectrum CBD TINCTURE 6000mg CBD 50 mg CBD per ml” đựng trong hộp giấy hình chữ nhật trên hộp có nhãn hiệu “Lazarus Naturals Full Spectrum CBD TINCTURE 6000mg CBD 50 mg CBD per ml” loại 120ml có ma túy loại Delta-9-tetrahydrocanabinol, thể tích: 120ml. Delta-9-tetrahydrocanabinol là chất ma túy được chiết xuất từ cây cần sa nằm trong Nghị định 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022.
Trước đó, cơ quan điều tra cũng đã phát hiện ra nhiều loại ma tuý tổng hợp núp bóng dưới dạng hàng hóa có chứa chất ma túy hoặc ma túy được pha trộn, tẩm ướp, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử... Nếu người dân vô tình sử dụng các loại hàng hóa, thực phẩm bị pha trộn, tẩm ướp này sẽ rất dễ bị ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Mặt khác, các đối tượng chế biến, sản xuất những loại ma túy mới, chưa có trong danh mục cấm pha, trộn trong dung dịch thuốc lá điện tử (thành phần thuốc lá điện tử có chứa nicotine - một chất gây nghiện, có thể tác động xấu đến phát triển não bộ của trẻ em, ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và sự phát triển của trẻ; trường hợp nặng có thể gây nhịp tim chậm, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, sốc, hôn mê, thậm chí tử vong).

Ma túy “núp bóng” thường được đựng trong các gói trà giảm cân, đông trùng hạ thảo, gói bột nước trái cây có in các dòng chữ dễ nhầm lẫn như: Crispy fruit, Crispy fruit grape, Mango hoặc "nước dâu", "nước vui", cà-phê "White Coffe", "CHALI"... được vận chuyển về Việt Nam theo dạng hàng hóa xách tay, đường bộ, đường thủy, đường hàng không…; được rao bán tại các shop online, các tụ điểm vui chơi giải trí, quán bar, pub… Đáng báo động, các đối tượng cũng bán tại các cơ sở giáo dục, các trường đại học, trung học… nhằm lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên sử dụng chất ma túy...
Thượng tá Bùi Đức Thiêm, Phó Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) cho biết, hiện nay, một bộ phận giới trẻ đang coi việc sử dụng ma túy là cách để khẳng định bản thân với quan điểm… phải sử dụng ma túy thì mới là “dân chơi” hoặc “sành điệu”. Giới trẻ đang còn khá mơ hồ, ngộ nhận về hậu quả, tác hại của việc sử dụng các chất gây nghiện. Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định về xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, cùng với thông tin một số nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Thái Lan… đã hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa, dẫn đến một bộ phận giới trẻ nhận thức không đúng về việc sử dụng ma túy và các chất kích thích không gây nghiện, cũng như không bị xử lý, nếu có cũng chỉ bị phạt tiền.
Thủ đoạn tinh vi
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (C04), Bộ Công an, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến trọng điểm: Tuyến Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc miền Trung - Tây Nguyên, Tây Nam, tuyến đường biển, đường hàng không, bưu điện. Trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc đã phối hợp các lực lượng chức năng đấu tranh, khám phá thành công hơn 13.000 vụ, bắt giữ hơn 20.000 đối tượng, thu giữ hơn 312kg heroin, hơn 1,6 tấn, gần 828.000 viên MTTH, 174kg cần sa, hơn 400kg cocaine; đã khởi tố 11.045 vụ, 16.117 bị can. Bắt, vận động đầu thú, thanh loại 186 đối tượng truy nã về ma tuý.
Về số người nghiện, tính đến tháng 6/2023, tổng số người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện ma túy trên toàn quốc là 248.643 người. Kết quả xác định tình trạng nghiện 6 tháng đầu năm 2023 là 37.813 người, tăng 25.668 người (tăng 211%) so với cùng kỳ năm 2022 và cao hơn cả năm 2022. Trong đó, có 32.389 người có kết quả xác định là nghiện ma túy, chiếm 85,5% trên tổng số người được xác định tình trạng nghiện.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục C04 cho biết, bên cạnh các phương thức, thủ đoạn truyền thống, tội phạm ma túy triệt để sử dụng công nghệ thông tin, mạng Internet để trao đổi, mua bán và rút ngắn thời gian giao dịch với độ bảo mật cao. Chúng lợi dụng công nghệ 4.0 để hoạt động với những thủ đoạn mới, ngày càng tinh vi, khiến tình hình tội phạm ma túy diễn biến hết sức phức tạp. Các ông trùm, bà trùm cư trú ở trong nước cũng như nước ngoài thường núp dưới danh nghĩa hoạt động kinh doanh để chỉ đạo toàn bộ đường dây.

Do có sự phát triển của khoa học kỹ thuật nên không cần chỉ đạo trực tiếp (không cần ra mặt), ở bất cứ nơi đâu cũng có thể điều hành toàn bộ đường dây mà khó có thể bị phát hiện, bắt giữ. Vũ Hoàng Oanh (tức Oanh Hà) là ví dụ điển hình trong việc sử dụng công nghệ 4.0 điều hành toàn bộ đường dây phạm tội ma túy hoạt động từ nước ngoài về Việt Nam và tiếp tục chỉ đạo các mắt xích ở trong nước tiếp tục hoạt động vận chuyển, mua bán ma túy, trong đó có cả đi nước thứ 3 tiêu thụ.
Công nghệ 4.0 được các ông, bà trùm sử dụng đó là: Hệ thống các mạng xã hội, đặc biệt là các mạng xã hội máy chủ đặt ở một nước thứ 3, có tính bảo mật cao như Facebook, zalo, Instagram, Viber, Telegram, Whatsap, Line, wechat, Signal..., sử dụng sim số điện thoại của nước ngoài như: Của nước Anh, Mỹ, Campuchia... để kết nối toàn cầu, hầu như không để lại dấu tích phạm tội trên điện thoại thông minh khi bị phát hiện bắt giữ hoặc rất khó để áp dụng biện pháp nghiệp vụ đối với các hoạt động của các đối tượng đó.
Dùng “xe ôm công nghệ” để nhận và vận chuyển ma túy trong nước; sử dụng các công ty vận tải để nhận và vận chuyển ma túy xuyên quốc gia (giấu ma túy trong các container hàng hóa như hạt đậu, hạt nhựa pp, dạ dày lợn...).
Dùng tên giả, cải trang hoặc bịt mặt khi trực tiếp sử dụng videocall chỉ đạo “đàn em” hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy. Mỗi đối tượng quan trọng trong đường dây, tổ chức đều được đặt một biệt danh như: Mưu, Ốc, Vít, Mẩy, Khẹc, Tép, Búa, Kìm...., để tránh cơ quan chức năng có thể tìm được, nhận dạng được khi bị phát hiện.
Bên cạnh đó, lợi dụng chính sách phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước; hoạt động kinh doanh, giao thương khu vực biên giới giữa Việt Nam và các nước; lợi dụng chính sách quản lý rủi ro của thủ tục Hải Quan (làn xanh, làn đỏ, làn vàng), các đối tượng thuê các công ty logictic làm thủ tục hải quan điện tử để cất giấu ma túy vào các kiện hàng hóa, vận chuyển về Việt Nam qua đường hàng không, đường biển và đường bộ.
Đối tượng cầm đầu, chủ mưu luôn tìm mọi cách để tạo bằng chứng “ngoại phạm” chối tội khi bị bắt giữ hoặc lợi dụng những “sơ hở” của pháp luật để gây khó khăn cho công tác điều tra như: Giả tâm thần, khai báo không thành khẩn, quanh co, “nhỏ giọt”, thông cung, thậm chí tự sát… Tội phạm ma túy ngày càng có xu hướng cấu kết chặt chẽ trong từng khâu nhưng triệt để sử dụng thủ đoạn “ngắt đoạn” trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, điều này sẽ tiếp tục gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý triệt để.
Một thủ đoạn khác là các đối tượng vận chuyển nhiều loại ma túy từ nước ngoài về Việt Nam, sau đó ma túy được pha trộn với nhau và với bột phụ gia, hương liệu để đóng gói thành các gói thành phẩm với tem nhãn mác và các loại hương vị hoa quả, cà phê… (thường gọi là “nước vui”). Bọn tội phạm bán loại ma túy này nhắm tới đối tượng sử dụng là thanh thiếu niên...
Trước tình hình phức tạp đó, C04 đã có công văn cảnh báo các dạng ma túy “núp bóng”, trà trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử và Kế hoạch giải quyết tình trạng trên. Theo thống kê, theo dõi của C04, năm 2022 có 51 vụ, 97 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy dưới dạng "núp bóng" thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu và thực phẩm. Từ đầu năm đến nay, theo báo cáo của các địa phương có 11 vụ mua bán trái phép chất ma túy liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu, 17 vụ việc vi phạm liên quan đến bóng cười…