Mang thai ngoài ý muốn tăng sau đại dịch Covid-19
(PNTĐ) -Nhiều quan điểm sai lầm về các biện pháp tránh thai khiến cho phụ nữ và cả nam giới ngần ngại sử dụng để phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát và lan nhanh trên diện rộng, tình trạng bất bình đẳng giới, sự phát triển kinh tế xã hội bị đình trệ khiến việc mang thai ngoài ý muốn ngày càng gia tăng…
Hơn 60% số trường hợp mang thai ngoài ý muốn dẫn đến việc phá thai
Trong một cuộc khảo sát thường niên với trên 600 phụ nữ trên khắp thế giới về các vấn đề tránh thai được công bố của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), một phụ nữ đến từ đất nước Ghana cho biết, cô ấy đã nghe nói “các biện pháp tránh thai làm cho người ta béo lên”. Một số phụ nữ từ các quốc gia khác nhau, bao gồm cả Mỹ cho biết, họ đã được thông báo rằng thuốc tránh thai có thể gây vô sinh.
Một phụ nữ 43 tuổi đến từ Burkina Faso, một quốc gia nằm ở Tây Phi cũng chia sẻ: “Chúng tôi được biết, những biện pháp tránh thai sẽ khiến bạn trở nên vô sinh”. Trong khi đó, một phụ nữ 31 tuổi khác đến từ Sudan nói: “Mọi người tin rằng sử dụng những phương pháp tránh thai sẽ gây vô sinh, thậm chí là ung thư và nó là một ý tưởng sai lầm từ phương Tây”. Algeria, một phụ nữ 44 tuổi cũng đưa quan điểm: “Chỉ nên sử dụng bao cao su cho quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, thuốc tránh thai khiến bạn vô sinh, còn vòng tránh thai gây xuất huyết trong”… Theo số liệu của cuộc khảo sát, khi được hỏi vì sao không sử dụng các biện pháp tránh thai, 26% phụ nữ được hỏi lo sợ phản ứng phụ, 20% đang trong giai đoạn cho con bú, 23% phản đối biện pháp tránh thai, 24% không quan hệ tình dục với chồng/bạn tình và 7% lý do khác.
Ở Việt Nam, mặc dù các biện pháp tránh thai đã được tuyên truyền rộng rãi đến phụ nữ, giáo dục giới tính đã được đưa vào trường học cho trẻ trai và trẻ gái từ cấp hai, song tình trạng mang thai ngoài ý muốn vẫn còn rất cao. Nhiều phụ nữ và các bạn trẻ vẫn còn nhầm lẫn, lo sợ khi sử dụng các biện pháp tránh thai như đặt vòng, tiêm thuốc tránh thai hay ngần ngại khi sử dụng bao cao su. Để phòng tránh thai, nhiều phụ nữ, trong đó có các bạn nữ trẻ đã “truyền tai” nhau các biện pháp tránh thai “tự chế”, dẫn đến không thể ngừa thai mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Một số phương pháp tránh thai truyền thống mà chị em vẫn truyền tai nhau như xuất tinh ngoài, thụt rửa âm đạo sau khi quan hệ, canh ngày rụng trứng để quan hệ tình dục… có rủi ro cao. Thậm chí, có bạn trẻ còn tin rằng, uống nước dừa hoặc ăn một số thực phẩm như cà rốt, cà phê, đu đủ… thì sẽ tránh có thai ngoài ý muốn. Điều này hoàn toàn không đúng bởi thực tế vẫn có khả năng thụ thai như thường. Một số người, đặc biệt là các bạn trẻ sau khi quan hệ còn dùng chanh, dấm để tránh thai… gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe sinh sản…

Trong Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới năm 2022 của UNFPA được công bố cuối tháng 3 vừa qua đã chỉ ra, phụ nữ và trẻ em gái hoàn toàn không quyết định được việc mang thai hay không, trong khi điều này tác động lớn nhất đến cuộc sống của họ. Báo cáo chỉ ra, hơn 60% số trường hợp mang thai ngoài ý muốn dẫn đến việc phá thai và ước tính khoảng 45% số ca phá thai là không an toàn, chiếm 5-13% số ca tử vong mẹ, tác động lớn đến khả năng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của thế giới.
UNFPA cũng chỉ ra, bất bình đẳng giới và sự phát triển kinh tế - xã hội bị đình trệ dẫn đến tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn tăng cao. Trên toàn cầu, có khoảng 157 triệu phụ nữ muốn tránh thai nhưng chưa sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, hiện đại. Gần 1/4 phụ nữ không thể từ chối quan hệ tình dục. Một loạt các yếu tố khác cũng góp phần dẫn tới mang thai ngoài ý muốn, bao gồm: Thiếu sự chăm sóc và thông tin về sức khỏe sinh sản, tình dục; lựa chọn phương pháp tránh thai không phù hợp với cơ thể và hoàn cảnh của phụ nữ; những quan điểm xã hội lạc hậu và sự kỳ thị xung quanh việc phụ nữ kiểm soát vấn đề sinh đẻ; bạo lực tình dục và cưỡng ép sinh con; thái độ phán xét hoặc miệt thị trong các dịch vụ y tế; tình trạng nghèo và phát triển kinh tế bị đình trệ; bất bình đẳng giới... Khi khủng hoảng ập đến, tình trạng mang thai ngoài ý muốn cũng gia tăng. Báo cáo cũng chỉ ra, khủng hoảng và xung đột tước đi quyền tự quyết của phụ nữ ở mọi góc độ, làm gia tăng đáng kể nguy cơ mang thai ngoài ý muốn, thậm chí đẩy nguy cơ này lên đến đỉnh điểm. Phụ nữ thường mất khả năng tiếp cận các biện pháp tránh thai, bạo lực tình dục gia tăng.
Trao quyền tự quyết về sinh sản, tình dục cho phụ nữ và trẻ em gái
Tiến sỹ Natalia Kanem, Giám đốc điều hành của UNFPA cho rằng, các mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030 công nhận quyền tự chủ về thân thể của phụ nữ, bình đẳng giới cùng với tầm quan trọng của việc đưa ra những quyết định sáng suốt về quan hệ tình dục, tránh thai và chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Việc có khoảng 1 nửa trường hợp mang thai là ngoài ý muốn cho thấy bức tranh đáng báo động về tình trạng xem nhẹ quyền tự do sinh sản của phụ nữ. “Mang thai ngoài ý muốn khiến phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt với vấn đề làm mẹ, đông con, thậm chí đói nghèo. Nhiều trường hợp mang thai ngoài ý muốn quyết định không sinh con và giải quyết bằng cách phá thai, thường là phá thai không an toàn – một trong những nguyên nhân chính gây tử vong mẹ” – Tiến sỹ Natalia Kanem lo ngại.

Cũng theo Tiến sỹ Natalia Kanem, “Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới năm 2022 là lời cảnh tỉnh cho chúng ta. Số trường hợp mang thai ngoài ý muốn quá lớn cho thấy thất bại của toàn cầu trong việc bảo vệ những quyền con người cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái. Do đó, bằng cách trực tiếp trao quyền đưa ra quyết định cơ bản về sinh sản và tình dục cho phụ nữ và trẻ em gái, xã hội mới có thể đảm bảo rằng việc làm mẹ là một nguyện vọng chứ không phải một điều bắt buộc phải chấp nhận”.
Để ngăn ngừa mang thai ngoài ý muốn, các quốc gia cần cải thiện khả năng tiếp cận, khả năng được chấp nhận và chất lượng, sự đa dạng của các biện pháp tránh thai; đồng thời mở rộng thông tin dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục có chất lượng. UNFPA cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách, cộng đồng cần trao quyền để phụ nữ và trẻ em gái đưa ra những quyết định chắc chắn về tình dục, biện pháp tránh thai và làm mẹ, đồng thời, thúc đẩy xã hội công nhận giá trị đầy đủ của phụ nữ và trẻ em gái.
Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức cho phụ nữ và trẻ em gái về các kiến thức liên quan đến kế hoạch hóa gia đình. Một số lầm tưởng và thông tin sai lệch xung quanh việc sử dụng các biện pháp tránh thai khiến phụ nữ không sử dụng các phương pháp kế hoạch hóa gia đình, dẫn đến mang thai ngoài ý muốn. Theo thống kê, hơn 250 triệu phụ nữ được ước tính là không sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả, mặc dù không muốn mang thai khi quan hệ tình dục. “Nâng cao giá trị và lắng nghe tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái, đầu tư vào các dịch vụ tránh thai, tăng cường thông tin truyền thông về các biện pháp tránh thai an toàn, đảm bảo dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, hỗ trợ quyền tự chủ về thân thể và không mang tính kỳ thị sẽ giúp phụ nữ chủ động tránh thai an toàn. Đây cũng là một trong những hành động xóa bất bình đẳng giới đối với phụ nữ và trẻ em gái” – bà Natalia Kanem kêu gọi.