Mạng xã hội có quá đáng sợ?

An Ngọc
Chia sẻ

(PNTĐ) - Việc sử dụng mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích cho con trẻ, tuy mạng xã hội cũng có thể là “con dao hai lưỡi” khiến con gặp nhiều rủi ro trên môi trường mạng. Vậy mạng xã hội có thực sự quá đáng sợ như nhiều bậc phụ huynh vẫn nghĩ?

Lúng túng khi con dùng mạng xã hội

Gia đình chị Nguyễn Mai Hằng ở Nam Từ Liêm lâu nay lo lắng về việc cậu con trai năm nay mới 12 tuổi sử dụng mạng xã hội không chỉ phục vụ cho việc học mà còn thường xuyên vào các trang mạng xem những video trên Tiktok. Chị Hằng chia sẻ: “Những bài hát đó tôi nghe không thấy ý nghĩa gì, bài hát thường ngắn, sôi động nhưng không đầu, không cuối mà con nghe mãi không chán rồi còn bắt chước nhảy nhót, hát theo. Trong đó có những bài hát với ngôn từ không phù hợp với lứa tuổi của con. Gần đây con còn trả lời người lớn với giọng điệu cợt nhả như “hông bé à”, “đừng nhờn với anh nhé”... 

Còn chị Hoàng Thị Vân ở Cầu Giấy thì lo lắng khi gia đình chị có hai cô con gái đang ở độ tuổi “ẩm ương”. Mặc dù có nhắc nhở, có bảo ban con hạn chế sử dụng mạng xã hội nhưng do điều kiện làm việc xa nhà cả ngày nên chị cũng rất khó trong việc quản lý thời gian cũng như những chương trình, ứng dụng mà con tương tác. Chỉ đến khi thấy biểu hiện khác thường của con như hay cáu gắt hoặc ít trò chuyện với mẹ, thường xuyên ở trong phòng một mình sống với “cõi mạng” thì chị mới giật mình và bắt đầu kiểm soát chặt chẽ hơn việc sử dụng mạng xã hội của con. 

Mạng xã hội có quá đáng sợ?  - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Không thể phủ định rằng, giới trẻ ngày nay sử dụng mạng xã hội rất nhanh nhạy. Rất nhiều thông tin trên mạng xã hội bố mẹ không thể tìm kiếm tốt bằng con. Tuy nhiên cái khó là không thể kiểm soát được thời gian con sử dụng mạng xã hội. Có thể thấy hiện nay rất nhiều phụ huynh đau đầu vì con suốt ngày nghe, xem và quay Tiktok. Nhiều trẻ mới học cấp 1, cấp 2 đã biết sử dụng mạng xã hội điêu luyện. Anh Lê Thanh Hòa ở Ba Vì nói: “Đi học thì thôi, về nhà là tôi lại thấy con cứ hí hoáy ở bàn học. Lúc đầu nghĩ con có nhiều bài phải học, sau lại thấy con đứng nhảy múa và quay video nên tôi mới tìm hiểu thì hóa ra con có cả một trang riêng trên Tiktok và ngày nào cũng có video đăng lên đó. Mặc dù, đã đưa ra một số hình phạt đối với con nhưng không thực sự hiệu quả. Tôi cũng rất lo lắng việc sử dụng quá nhiều mạng xã hội sẽ khiến con gặp phải nhiều vấn đề không hay về bảo mật thông tin. Tôi cũng đang lúng túng là làm thế nào để hướng dẫn cho con sử dụng mạng xã hội để phục vụ cho việc học tập cũng như việc mở rộng kiến thức ngoài xã hội mà không bị ảnh hưởng bởi các trang web không lành mạnh trên mạng xã hội”. 

Hậu quả khó lường

Thực tế hiện nay có thể thấy, việc theo các “trend” mạng xã hội còn khiến trẻ mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, mất đi sự sáng tạo trong tư duy, ngôn ngữ, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ. Tuy nhiên, trong việc hạn chế con dùng mạng xã hội, đã có nhiều phụ huynh nhận phản ứng ngược của con bởi con không hợp tác. Có trẻ vì bị cấm sử dụng mạng xã hội nên bất mãn, chống đối cha mẹ, có thái độ bất cần. Theo chuyên gia bảo vệ trẻ em Đỗ Dương Hiển, Childfund Việt Nam, không thể ép trẻ từ bỏ mạng xã hội để lựa chọn các hình thức giải trí truyền thống trước kia như đọc sách, xem phim khi trẻ đang sống trong một môi trường của công nghệ hiện đại. Mạng xã hội, cũng có những mặt lý thú, hấp dẫn mới khiến cả người lớn lẫn trẻ em mê mẩn. Vì vậy, phụ huynh nên khéo léo hạn chế và quản lý nội dung con vào mạng chứ không nên ép buộc, trấn áp con, dễ khiến con trẻ cảm thấy ức chế, thậm chí trầm cảm.

Mạng xã hội có quá đáng sợ?  - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

Còn theo chuyên gia giáo dục giới tính Nguyễn Khánh Huyền, Viện Giáo dục giới tính Wegrow Việt Nam, cha mẹ cần lắng nghe con, dành thời gian nghe con trò chuyện, tâm sự để thấu hiểu con, hiểu mong muốn của con để từ đó hướng cho trẻ tương tác an toàn trên mạng.  Chị Lê Thị Hòa (Cầu Giấy) chia sẻ: Vì tính chất công việc nên mình dùng mạng xã hội nhiều và biết đây là môi trường mở, cho con chơi là chấp nhận rủi ro, nhưng trong tầm kiểm soát của cha mẹ. Càng cấm càng làm, nên tôi không cấm, nhưng nếu không đáp ứng tiêu chí hai bên đặt ra tôi sẽ thực hiện những biện pháp cứng rắn hơn. Anh Lê Nguyên Hiệp (Ba Vì) nói: “Không được dùng mạng xã hội quá nhiều thời gian, không nên chia sẻ chuyện cá nhân công khai, không dùng mạng làm không gian để nổi loạn và có những lời lẽ, hành động khiếm nhã, không xem hoặc tham gia vào các hội nhóm xấu... Đó là những gì tôi thống nhất với các con khi đồng ý cho con dùng mạng xã hội và các con đã làm theo”. 

Cũng theo nhiều chuyên gia tâm lý, phụ huynh thời nay đã hiện đại hơn rất nhiều, nhưng đa số vẫn chưa biết cách quan tâm và đồng hành với con trong việc sử dụng mạng an toàn. Nhiều cha mẹ nghĩ mạng xã hội nguy hiểm, họ sẽ tìm cách để kiểm soát, cấm đoán không cho con sử dụng, một số khác thì nghĩ rằng, con còn nhỏ chưa dùng mạng xã hội nhiều nên không sao. Trong khi đó, tin giả tràn ngập mạng xã hội, vô tình con có thể xem những ấn phẩm không phù hợp, gặp các phần mềm lừa đảo, dễ bị kết bạn xấu… Đã đến lúc phụ huynh nên thay đổi quan điểm, trang bị kiến thức và đồng hành cùng con trong việc sử dụng mạng xã hội an toàn.

Tuy nhiên, phụ huynh không nên quá bất an khi thấy con sử dụng mạng xã hội. Để kiểm soát phụ huynh nên tìm hiểu xem mạng xã hội ấy như thế nào, các clip con xem ra sao đồng thời nên dành thời gian trò chuyện cùng con về những clip trên mạng. Từ đó, phân tích cho con những cái chưa hay, những vấn đề không nên rồi từng bước đưa con vào một “thời khóa biểu” cho con xem mạng vào những thời điểm nhất định. Có thể thấy, mạng xã hội sẽ không quá đáng sợ nếu như phụ huynh biết cách dùng, biến nó thành công cụ đắc lực trong việc dạy bảo con, hỗ trợ con tiến bộ trong học tập và cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.