Mẹ đừng quay lại

Hải Linh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thật tình cờ, ngày con gái báo cho chị tin đã đỗ học bổng du học toàn phần, cũng là ngày mẹ chồng cũ của chị gọi điện – sau 10 năm hoàn toàn cắt đứt liên lạc.

Không muốn làm niềm vui của con gái bị ảnh hưởng, và cũng đang cảm thấy thực sự hạnh phúc, chị nghe máy của mẹ chồng, bằng sự nhẹ nhàng và an yên nhất có thể.

- Cho mẹ đến gặp con và cháu được không? Đã lâu quá rồi, chắc cháu gái bà lớn lắm

Chị cũng muốn nói lại thật nhiều, nhưng biết nói gì đây khi trong lòng chỉ thấy dội về những ký ức xưa buốt giá. Chị đành “vâng” sau một quãng dài không nói gì. Bên kia, mẹ chồng cũ tiếp tục: 

- Mẹ cảm ơn con nhiều vì con đã giúp nó tai qua nạn khỏi… Thấy các con vẫn còn tình nghĩa, hay là, hai đứa về lại với nhau đi, cho cái Nhi có gia đình đầy đủ…

Lời mẹ chồng nhẹ như mây mà khiến lòng chị trở nên nặng trĩu. Rồi chị thấy thật buồn cười, một người đàn bà từng là mẹ của chồng chị, từng đánh đập mắng nhiếc con dâu không tiếc bằng những lời mạt sát nhất, rồi đuổi thẳng cổ hai mẹ con chị ra khỏi nhà, tứ cố vô thân vào một đêm của mười năm trước, giờ lại giở giọng nói tình, nói nghĩa, nói gia đình…

Chị cảm ơn rồi xin phép tắt máy, vì không muốn bỏ lỡ niềm vui của con gái yêu. Một chân trời mới đang mở ra trước mắt hai mẹ con chị, sau một thời gian quá dài sóng gió.

Trong trí nhớ của chị, không bao giờ chị quên ngày biết mình mang thai một cô con gái. Người ta bảo “ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”, hay “trên đời này, nhất định phải có một cô con gái” khiến chị càng thêm hạnh phúc, ngóng chờ ngày đón con chào đời. Nhưng dường như chỉ một mình chị thấy vui, thấy hạnh phúc. Bởi khi báo tin ấy cho mẹ chồng và chồng, chị nhận được một gáo nước lạnh hắt thẳng vào mặt mình: “Mười đứa con gái coi như không có con, một thằng con trai mới là có con”. Ý là bà không thích có cháu gái, và chẳng vui vẻ gì với chuyện chị chưa chửa được con trai. Đời thật là hài, trong khi bà cũng có đến hai cô con gái.

Mẹ đừng quay lại - ảnh 1
Ảnh minh họa

Chị nuốt nước mắt vào trong rồi nuôi hy vọng, rằng rồi một ngày mẹ chồng cũng sẽ thay đổi. Và quan trọng hơn, miễn là chồng chị yêu thương vợ con, chấp nhận trai hay gái đều như nhau thì chẳng gì làm khó được chị cả. Nhưng không, cuộc đời vẫn cứ thử thách chị. Thay vì nghe vợ, động viên, chăm lo cho vợ đang mang thai thì chồng chị nhất nhất nghe lời mẹ. Những lời bà “bơm” vào đầu anh về việc gia đình nhục nhã ra sao khi “con vợ mày nó chỉ đẻ được thị mẹt”, “đẻ con gái thì cần quái gì ăn thịt thà cá mú, ăn cơm cá khô, nước mắm là được rồi, có đẹp mặt đâu”, hay “loại đàn bà không đẻ được con trai là đồ vứt đi, bỏ đi mà lấy đứa khác”… đã có tác dụng. Một người đàn ông lần đầu làm chồng, chưa kịp tin vợ đã bị mẹ “nhồi” đủ thứ vào đầu giờ cũng đã cho rằng, vợ mình là đồ vô dụng, đứa con mà vợ mình đang chửa kia rồi cũng chẳng mang lại tự hào gì cho gia đình.

Chị đã sinh ra bé Nhi trong cảnh khốn cùng như thế. Mẹ chồng vô tâm và quá quắt, chồng cũng chỉ biết nghe mẹ. Chị không thể quên những ngày đưa tiền cho mẹ chồng đi chợ, đưa cả trăm nghìn đồng để nhờ bà mua miếng thịt ngon, nhưng đổi lại bà mang về cho miếng thịt bạc nhạc nhất có thể. Rồi có hôm chị bế con ra ngõ cho con hóng chuyện, tình cờ có người đàn ông hàng xóm cũng bế con ngang qua, chỉ chào hỏi vài câu thôi mà mẹ chồng chị ở trong nhà nhìn thấy, về mách với con trai là chị cặp bồ: “Nó bế cả con đi đong đưa, chao ôi mẹ thế mà cũng đòi làm mẹ”. Chồng chị không nói không rằng tát liên tiếp 3 cái “đốp, đốp, đốp” vào mặt chị. Chị ngã dúi dụi nhưng không quên đỡ cho con khỏi đau. Chị không chảy nổi nước mắt vì điều quá phũ phàng mà mình nhận được.

Mười mấy năm trước, bình đẳng giới chưa được nói nhiều như bây giờ. Chuyện mẹ chồng có thể sỉ nhục con dâu vì đẻ con gái, chuyện chồng thoải mái đánh vợ… là điều hết sức... bình thường. Và cũng vì bình thường nên những người phụ nữ như chị vẫn gắng sức chịu đựng, chỉ để con mình có một gia đình đầy đủ bố mẹ. Thật là trớ trêu, gia đình đủ người, đủ thành viên nhưng tình thương thì khiếm khuyết, thậm chí méo mó. Con gái tròn 8 tuổi, khi thấy không còn đủ sức lực chịu đựng được nữa, chị bế con rời đi. Đến giờ nghĩ lại, chị thấy may mắn vì không sinh thêm con cho nhà đó, và đã không ở lại.

Mẹ đừng quay lại - ảnh 2
Ảnh minh họa

Từ đó tới nay là tròn 10 năm chị và con gái nương tựa vào nhau, con gái chị chưa từng nhận được một đồng, một cắc hỗ trợ nào của bà nội và bố. Chị mang con vào Nam sống, xin vào khu công nghiệp làm công nhân may. 400 nghìn vỏn vẹn mang theo ngày đó chỉ vừa đủ trả tiền tàu xe và đặt cọc tiền trọ. Mẹ con rau cháo nuôi nhau, gắng gượng tới ngày chị nhận được tháng lương đầu tiên thì con chị mới được ăn một bữa no đủ. Từ đó, cuộc sống được vá víu cho đầy đủ, ấm áp dần. Con gái chị được ăn học đàng hoàng, cuối tuần được cho đi học vẽ, học múa. Mẹ con quấn quýt lấy nhau và cô bé không làm mẹ thất vọng. Sau một cuộc thi tiếng Anh cấp tỉnh, thấy được tài năng của cô bé, cô giáo chủ nhiệm đã hỗ trợ con tìm học bổng du học sau khi hoàn thành chương trình học cấp 3. Trong chuỗi ngày ấy, chị nhận được tin chồng chị rơi vào lao lý, gây tai nạn nhưng không có tiền đền bù nên đối diện với việc đi tù. Chính chị đã chìa tay ra giúp đỡ anh. Chồng chị nhận được tiền và thoát tội. Đó cũng là lúc mẹ chồng chị mở lời, gọi điện cho chị.

Từ hôm đó tới nay, hầu như ngày nào mẹ chồng chị cũng gọi điện, tha thiết mong chị tái hợp với con bà. Bà cũng biết giờ chị đã có xưởng may riêng, tuy nhỏ thôi nhưng no đủ cho hai mẹ con. Cuộc sống đang chảy trôi, giờ bỗng dưng thế này, khiến chị bối rối quá. Rồi con chị sẽ đi du học, chị chỉ còn một mình. Vò võ suốt mấy năm chờ con, hay quay về nơi đã làm mình tăm tối?

Chị không dám cho con gái biết, sợ con vì mình mà buồn. Nhưng sao giấu được, cô bé đã hiểu hết trước khi mẹ kịp nói gì. “Nhà chỉ có hai mẹ con mà mẹ vẫn còn giấu con được”, nó làm ra vẻ giận dỗi chị. Rồi nó khuyên: “Mẹ đừng quay lại!”, vỏn vẹn có vậy thôi.

Ngày con lên đường đi sang miền đất mới, chị vẫn chật vật không hiểu con gái khuyên thế là vì ai, vì điều gì? Tiễn con đi, về nhà chị mới thấy một bức thư cất kỹ trong ngăn tủ đựng album ảnh của hai mẹ con: “Mẹ đừng suy nghĩ nhiều. Mẹ cứ là mẹ của bây giờ thôi, tự con sẽ có trách nhiệm và thăm hỏi bà với bố. Mẹ con mình như ngày hôm nay, chẳng phải dễ dàng gì. Con lớn rồi, mẹ hãy để đó cho con, còn mẹ giờ chỉ cần vui vẻ, an nhiên thôi nhé!”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.