Mẹ già tái hôn, làm dâu tuổi xế chiều

Tâm Giao
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Mẹ tôi năm nay 65 tuổi, tôi đã nỗ lực để mẹ hưởng cuộc sống an nhàn bên con cháu sau bao nhiêu năm vất vả. Thế nhưng, bà lại mong muốn tái hôn và làm dâu ở tuổi xế chiều” - cô con gái than thở.

Nỗi lòng của con gái  “độc đoán”

Giữa cái nóng gay gắt của mùa hè, cô con gái chở mẹ tìm đến gặp chuyên gia tư vấn, bất chấp sự phản đối của bà. Người mẹ bảo con gái mình “độc đoán” nên hai mẹ con không tìm được tiếng nói chung để giải quyết vấn đề. Ngay cả việc đưa bà đến đây “nó cũng độc đoán, quyết theo ý nó mà không thèm quan tâm đến tôi có đồng ý đi hay không” – bà nói.

Ngồi đối diện mẹ ở phòng tư vấn, cô con gái vẫn “kiên định” với lập trường của mình: “Em nhờ chuyên gia đả thông tư tưởng cho mẹ em. Ở nhà, em nói thế nào mẹ cũng không nghe. Em không độc đoán mà vì mẹ em bảo thủ, chỉ muốn sống theo ý mình, bất chấp mọi sự khuyên can của con cháu. Chúng em cũng chỉ vì thương mẹ, nhưng chẳng hiểu sao bà lại “thích” sống khổ ở tuổi xế chiều…”.

Rồi chẳng chờ người mẹ thanh minh lại, cô con gái kể về nỗi lòng thương mẹ nhưng bà lại không thấu hiểu. 

Bố mẹ cô kết hôn, chung sống với nhau gần 10 năm, có hai mặt con là cô và cậu em trai. Năm cô 10 tuổi còn em trai 7 tuổi, bố cô bị bệnh hiểm nghèo mất đi. Một mình mẹ cô tần tảo chèo chống nuôi hai đứa con và phụng dưỡng mẹ chồng ốm đau bệnh tật. Đó là quãng thời gian, mẹ cô vất vả trăm bề, nhưng vì con, mẹ cô nỗ lực hàng ngày. Sau đó, bà nội cô mất, gánh nặng làm dâu của mẹ cô nhẹ bớt một phần. Ngày ấy, nhiều người bảo với mẹ cô rằng trách nhiệm với bố mẹ chồng trọn vẹn, bây giờ bà có thể nghĩ đến việc tái hôn, vừa để có bạn đồng hành trong hôn nhân, vừa thêm người phụ nuôi hai đứa con trưởng thành. Lúc đó, bà cũng có vài người đến ngỏ lời “nối duyên”.

Mẹ già tái hôn, làm dâu tuổi xế chiều - ảnh 1
Ảnh minh họa

 Thế nhưng, mẹ cô vì thương con, không muốn chị em cô phải sống cảnh bố dượng, chia sẻ mẹ với người đàn ông khác nên bà từ chối, khép tình cảm riêng tư lại, tập trung nuôi hai con trưởng thành. 

Là con gái lớn, chứng kiến mẹ gian khổ suốt cả thời thơ ấu nên cô hiểu và thương mẹ nhiều. Cô bảo trân trọng và biết ơn vì sự hy sinh mẹ dành cho các con, từ đó nguyện trong lòng sau này sẽ cùng em trai đem đến cho mẹ cuộc sống an nhàn. Đến thời điểm này, cô và em trai đã làm được điều đó, thế nhưng mẹ cô lại khiến lòng hiếu thảo của họ “đổ sông đổ biển”.

- Khi hai chị em lập gia đình đều bảo nhau phải cố gắng chăm sóc con cái không để mẹ phải vất vả chăm cháu. Vì thế bước vào tuổi xế chiều, bọn em tạo cho mẹ cuộc sống an nhàn, tự do tự tại, sáng đi chợ giúp con cháu về rồi sinh hoạt các câu lạc bộ dưỡng sinh, dân vũ. Thỉnh thoảng, bà muốn đi chơi, đi du lịch thăm bạn bè, họ hàng ở đâu xa, chúng em đều tạo điều kiện để mẹ thoải mái đi. Đứa nào cũng tâm niệm phải để mẹ sống sung sướng nhất có thể, bù đắp lại quãng đời vất vả trước kia. Ai ngờ, một ngày, mẹ em bảo muốn tái hôn, sống vất vả cảnh chăm sóc, phục vụ người khác khiến bọn em không thể chấp nhận được - cô con gái nói trong sự bức xúc. 

Xế chiều, mẹ già còn muốn tái hôn, làm dâu

Chờ cho cơn bức xúc của cô gái hạ xuống một chút, người mẹ mới bắt đầu thổ lộ nỗi lòng của mình. Con cái bà đều cho rằng xế chiều, mẹ già còn muốn đi làm dâu là… “dở hơi”. Rồi thì người ngoài cũng bảo bà sướng chẳng muốn lại muốn khổ, ai đời ở tuổi này còn muốn tái giá, về phục vụ chồng già, cháu mọn của chồng… Cái đó là mua khổ vào mình chứ hạnh phúc nỗi gì. 

Là bởi, họ nhìn vào hoàn cảnh người đàn ông mà bà đang mong muốn “gá nghĩa” vợ chồng ở tuổi xế chiều. Ông góa vợ gần chục năm nay, đang sống cùng vợ chồng đứa con trai và một mẹ già 97 tuổi. Tuy nhiên, hoàn cảnh kinh tế hơi chật vật do vợ chồng con trai ông làm ăn phá sản. Hiện tại, con dâu ông đang đi xuất khẩu lao động để làm kinh tế, ông và con trai sống cảnh lọ mọ đàn ông chăm con nhỏ, mẹ già. Nếu bà về “làm dâu” trong nhà đó thì chỉ nặng gánh mà thôi.  

Mẹ già tái hôn, làm dâu tuổi xế chiều - ảnh 2
Ảnh minh họa

Bà biết con cái thương mẹ mới ngăn cản, nhưng với bà những vất vả mà mọi người nhìn thấy được ấy chỉ là… “chuyện nhỏ”. Việc bà muốn tái hôn, chấp nhận cảnh làm dâu ở tuổi xế chiều còn là vì tâm nguyện khác của bà. 

Các con không biết rằng ông chính là người đàn ông đầu tiên của bà. Họ là mối tình đầu của nhau, yêu sâu đậm trong một thời gian dài. Nhưng sau đó, họ không đến được với nhau do ông lên đường nhập ngũ ở chiến trường xa. Ngày đó, bà ở nhà, tuổi xuân có thì, bị bố mẹ thúc ép chuyện hôn nhân nên duyên tình của họ đành lỡ. Sau khi bà lấy chồng, mấy năm sau ông lấy vợ. Họ sống trọn vẹn tình nghĩa vợ chồng trong hôn nhân của mỗi người. Hai người vẫn nguyện làm bạn tốt với nhau, theo dõi hỗ trợ nếu ai gặp khó khăn trong cuộc sống. 

Những năm tháng bà góa chồng, một mình gồng gánh nuôi con nhỏ, chăm sóc mẹ già đau ốm, nhìn vào, ai cũng nghĩ bà tảo tần chèo chống tất thảy, nhưng không ai biết được ông vẫn âm thầm giúp đỡ bà từ phía sau. Bà nuôi hai đứa con ăn học tốn kém, chăm sóc mẹ chồng bệnh tật đau lâu ốm dài, tiền bạc không có, ông tìm những nguồn vốn vay không lãi giúp bà, thậm chí dùng tư cách pháp nhân đứng ra vay hộ. Biết bà có lòng tự trọng, ông đồng ý để bà trả góp số tiền đó trong mấy chục năm. Hai đứa con của bà học xong, chính ông đã nhờ các mối quan hệ quen biết để xin việc làm ổn định cho chúng. 

Mẹ ông là người thấu hiểu con trai và cũng biết tình cảm trong sáng, sự phân biệt công minh giữa tiền bạc vay mượn của bà. Do đó, để con dâu không hiểu nhầm, bà còn làm đồng minh của ông trong việc âm thầm giúp đỡ “bạn gái cũ”. Có những món vay, chính mẹ ông đứng ra thế chấp tài sản riêng của mình để vay tiền cho bà. Từ trong sâu thẳm mẹ ông cũng quý mến bà, bởi nếu không vì hoàn cảnh, bà đã là con dâu tốt của gia đình họ. Những ân tình này, bà chẳng dám nói cho ai biết, chỉ âm thầm chờ dịp báo đáp lại.

Bây giờ, bà đã làm tròn trách nhiệm của mình với con cái. Các con của bà đứa nào cũng vững vàng trong cuộc sống, không có bà chúng cũng có thể sống tốt. Nhìn lại, bà có thời điểm sống riêng cho bản thân, nhưng  nhìn sang bên đó, bà thấy đây là thời gian ông cần sự giúp đỡ của bà. Ban đầu bà năng đi lại để bầu bạn giúp đỡ ông với tư cách là bạn bè tốt của nhau. Nhưng, sự gần gũi đã khiến tình thương ông trong lòng bà lớn dần, mong được bồi đắp ngày một nhiều. Tình cảm năm xưa của cả hai dần quay lại.

Mẹ già tái hôn, làm dâu tuổi xế chiều - ảnh 3
Ảnh minh họa

- Ở tuổi này, tôi muốn làm vợ là để có lại niềm hạnh phúc lứa đôi trước đây, muốn làm dâu để báo đáp ân tình của một “người mẹ” đã giúp đỡ tôi những lúc khó khăn trước đây. Nhưng, con cái không hiểu cứ bảo tôi “thích khổ”-  bà nói. 

Khi nghe nỗi lòng của mẹ, cô con gái vẫn giữ nguyên ý kiến của mình: Mẹ muốn trả “món nợ ân tình” cho gia đình họ thì chúng con có thể chung tay giúp đỡ. Ví dụ, họ khó khăn, chúng con hỗ trợ tiền bạc một phần, cho vay không lãi như họ đã từng làm. Nhưng, việc mẹ tái hôn làm vợ, làm dâu tuổi này vẫn không hợp chút nào. 

Cứ ngỡ, người cần tư vấn là người mẹ thì cuối cùng chúng tôi lại quay ra tư vấn cô con gái. Phải mất một hồi lâu, chúng tôi mới đả thông tư tưởng cho cô hiểu rằng không phải bất cứ món nợ “ân tình” nào cũng có thể dùng tiền bạc để “trả nợ”. Sự phân minh, sòng phẳng trong tiền bạc rất cần nhưng tình cảm thì không thể rạch ròi đặt lên bàn cân được. Khi cha mẹ già mong muốn tái hôn ở tuổi xế chiều thường bị con cái, người thân và xã hội nhìn theo hướng tiêu cực. Cho rằng, nó không phù hợp với tuổi tác, gây “bất ổn” xáo trộn cho gia đình của hai bên, tạo thêm gánh nặng cho bản thân lẫn con cháu… Vì thế, ít người ủng hộ những cuộc hôn nhân xế chiều. 

Thế nhưng, quyền được sống hạnh phúc là của tất cả mọi người và không ai có quyền cấm đoán việc thực hiện quyền đó. Ở vị trí của cô trông sang, mẹ cô tái hôn, làm dâu tuổi xế chiều là… bất hạnh. Nhưng ở góc độ của bà nhìn lại, đó lại là niềm hạnh phúc, là tâm nguyện để bà sống thanh thản dù vất vả. Nếu nhìn xa trông rộng một chút, bằng nhiều cách, cô và em trai vẫn có thể giúp mẹ “nhẹ gánh làm dâu” bằng việc hỗ trợ chăm sóc… “bà nội”.  

Chữ hiếu của con cái đối với cha mẹ khi về già không chỉ giúp họ sống an nhàn về vật chất mà còn để họ được sống hạnh phúc về tinh thần. Đó mới thực là báo hiếu cha mẹ.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.