Mẹ muốn con lấy vợ, mà sao không buông tay con?

Thái Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bình là bạn học đại học với tôi. Gặp nhau trong buổi họp lớp, tôi hỏi thăm thì Bình rầu rầu kể: “Con trai lớn của mình năm nay đã 35 tuổi mà vẫn chưa có gì. Mỗi lần nghĩ tới con mà mình buồn thối ruột. Mình thèm được như cậu quá”.

Chẳng là tôi và Bình ngày trước kết hôn cùng năm, rồi lại có con trai đầu lòng bằng tuổi. Con trai tôi hiện đã có một vợ, hai con gái, còn con của Bình thì như Bình chia sẻ vẫn “chưa có gì”. Tôi cảm thông sự lo lắng của Bình. Khi đang bước vào tuổi xế chiều, công danh, sự nghiệp đã gác lại phía sau, những người mẹ, người bà như chúng tôi chỉ toàn tâm toàn ý nghĩ về hạnh phúc của các con.

Hôm sau, tôi rủ Bình đi uống cafe. Bình nhờ cậu con trai đèo đến. Nhờ vậy mà tôi có điều kiện gặp và nói chuyện với cháu. Đó là một chàng trai cao ráo, điển trai và hiền lành. Gặp tôi, cháu cứ một điều “con thưa cô”, “con xin phép cô”, sau đó còn ý tứ lấy lý do xin đi ra ngoài có chút việc để dành không gian cho chúng tôi nói chuyện được thoải mái.

Thật kỳ lạ, một chàng trai dễ gây cảm tình cho đối phương ngay từ cái nhìn đầu tiên ấy, tại sao đến giờ vẫn chưa có cô gái nào cảm mến! Tôi liền hỏi Bình: “Thế con cậu giờ làm ở đâu? Có sở trường, sở đoản gì? Con có bận quá tới mức không thể dành thời gian yêu đương không?”.

Bình thật thà kể với tôi: “Con trai mình học giỏi từ bé. Sau khi tốt nghiệp đại học về lĩnh vực môi trường, hiện cháu đang làm việc tại một tổ chức phi chính phủ, lương cao. Là con trai nhưng cháu rất tình cảm, yêu mẹ, khéo tay, tháo vát. Gọi là con bận rộn cũng đúng vì cháu hay phải đi công tác, mà không bận cũng đúng vì ngày thường, con vẫn đều đặn về nhà ăn cơm tối với gia đình”.

“Vậy, con thường về nhà lúc nào?”. “Nhà mình có nề nếp duy trì bữa cơm tối lúc 7h. Vì vậy, con luôn có mặt ở nhà lúc 6h30 tối”.

Mẹ muốn con lấy vợ, mà sao không buông tay con? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nói chuyện với bạn thêm, tôi đã nhận ra một trong những lý do khiến con trai bạn tôi đến tuổi này vẫn chưa có người yêu. Do chỉ có một mụn con trai nên vợ chồng Bình bao năm qua đều dồn hết yêu thương, tự tay chăm bẵm, lo lắng cho con từng chút một. Ngay cả khi con đã trở thành chàng trai 35 tuổi, hàng tối, Bình vẫn nhắc con về ăn cơm tối.

Bình sợ con ra ngoài ăn uống không vệ sinh và bổ dưỡng như ăn đồ mẹ nấu. Cũng vì vậy mà con trai bạn tôi rất ít khi tụ tập bên ngoài, đồng nghĩa với việc con không có các hội, nhóm mà lúc nào cũng chỉ có mỗi mình mẹ là người bạn thân duy nhất. Con ngoan ngoãn, thường về nhà ăn cơm thì không sai.

Bình cũng luôn lo lắng ngoài xã hội xô bồ và phức tạp, không an toàn. Vì vậy, sau bữa cơm tối Bình cũng thường giữ con ở nhà đọc sách, xem phim... thay vì nhông nhông trên đường. Hôm nào con bận rộn với công việc thì 10h đêm là Bình gọi, giục con về sớm vì sợ con đi khuya dễ gặp phải cướp.

Con trai đã lớn, nhưng Bình vẫn đảm nhiệm vai trò mua quần áo cho con, từ đồ lót, đồ mặc nhà tới đồ mặc đi làm. Cả cái xe máy con đi, chiếc máy tính con dùng... cũng đều do mẹ sắp đặt. Con trai Bình dường như không có một nhu cầu cá nhân riêng tư nào mà hoàn toàn chịu ảnh hưởng bởi mẹ.

Lương hàng tháng được bao nhiêu, cậu chỉ giữ lại một chút để trả xăng xe, điện thoại, còn lại đều gửi cả cho mẹ. Bình nhận tiền của con, cũng chẳng phải để chi tiêu cho bản thân mà chỉ nhằm gom góp giúp con sau này có một khoản vốn lo cho gia đình riêng.

Tôi thấy, Bình là một người mẹ hết lòng vì con, và con trai Bình là chàng trai tử tế, biết nghe lời mẹ. Nhưng, đó lại chính là điểm yếu để khiến con trai Bình khó tìm được người bạn đời.

Tôi lại hỏi Bình: “Con trai cậu đã từng có người yêu bao giờ chưa?”. Bình đáp: “Cũng từng có một hai cô đưa về nhưng rồi nửa đường thì chúng đứt gánh cả”.

Tôi lại nghe Bình chia sẻ tiếp: “Mình đâu phải bà mẹ cổ hủ mà luôn nỗ lực để hiểu các con, vun vén cho hạnh phúc của chúng”. Và cách mà Bình làm là chủ động xin số điện thoại của cô bạn gái mà con thân thiết, sau đó chủ động nhắn tin làm quen.

Rồi Bình hỏi thăm về bạn gái của con, mời bạn con tới nhà chơi... Bình còn đặt mua vé xem phim, ca nhạc, rồi tìm quán ăn, quán cafe rồi đưa lại cho con trai để con dẫn bạn gái đi chơi... Bình cứ ngỡ làm vậy là giúp “đẩy thuyền” cho con, nào ngờ, các cô gái lại cảm thấy bí bách, không thích khi bị “mẹ chồng tương lai” can thiệp quá sâu nên sớm muộn cũng đều ngãng ra. Kể chuyện với tôi, Bình cứ băn khoăn không biết mình sai ở đâu?

Bữa đó, tôi đã nói, Bình yêu con không sai, nhưng tình yêu đó cần thể hiện đúng mức độ. Con trai Bình đã 35 tuổi rồi, cần phải được mẹ buông tay để tự bước đi. Sau này, con sẽ phải chịu trách nhiệm với chính cuộc đời mình cũng như còn phải trở thành người chồng, người cha trong gia đình nhỏ của con nữa.

Tôi tin, với những điểm tốt, con trai Bình rồi sẽ tìm được hạnh phúc riêng, nơi mà Bình sẽ ở bên ngoài hỗ trợ cho con chứ không phải là bước vào trong, sống thay, nghĩ thay, lo thay và sắp đặt mọi việc thay cho các con của mình.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.