Mẹ vợ “chắc lép”

H. Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) - Từ ngày lấy Mai, Tuấn chưa bao giờ nghĩ đến việc tơ hào của nả nhà vợ. Việc mẹ vợ tự nguyện giúp đỡ vợ chồng anh lúc khó khăn, anh luôn ghi nhớ. Nhưng, mẹ vợ anh vẫn chắc lép, sợ anh không biết điều.

Mẹ vợ anh thuộc diện thương con, thương cháu. Bà cũng có chút của ăn, của để nên có điều kiện lo cho các con hơn nhà nội. Mai, vợ anh là con một, quen được chiều chuộng từ bé, đi lấy chồng mà vẫn thích ỷ lại vào nhà ngoại. Không ít lần Tuấn thấy vợ ì xèo, xin xỏ mẹ từ thứ nhỏ đến cả khối tài sản lớn. Tuấn góp ý, nói Mai cố gắng độc lập, vợ chồng bảo ban nhau làm ăn nhưng Mai thì cho rằng con gái xin của mẹ chứ xin người ngoài đâu mà ngại. Hơn thế, mẹ không cho cô thì sau này chết cũng có mang đi được đâu. Vì thế, Mai lúc nào cũng than vãn, kêu ca phàn nàn để mẹ thương, cho cô càng nhiều càng tốt. 

Mẹ vợ “chắc lép” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Và thế là, từ lúc nào, mẹ Mai có thói quen bao bọc vợ chồng anh. Nhưng, cách cho của bà mới là điều khiến Tuấn phải suy nghĩ. Bà lúc nào cũng “áo gấm đi đêm”, sợ thiên hạ không biết việc bà thương con, thương cháu. Thêm nữa, bà cũng muốn nhà Tuấn và đặc biệt là Tuấn phải luôn biết ơn nhà vợ đã cưu mang mình.

Nhớ lại hồi đám cưới vợ chồng Tuấn, khi nhà trai đến đón dâu, giữa mặt quan khách, mẹ vợ anh mang ra một hộp toàn hạt xoàn, dây chuyền rồi đeo lên cổ con gái. Bà tuyên bố đây là tài sản bà cho để vợ chồng Tuấn làm ăn, nếu sau này các con biết điều, sống có hiếu, bà còn có thể mua nhà riêng cho nữa. Mấy thợ ảnh quay phim do nhà ngoại thuê chĩa máy vào hai vợ chồng anh quay chụp tíu tít. Sau đó, mẹ vợ còn đích thân đăng clip lên facebook rồi tag cả vào facebook cá nhân của Tuấn. Vốn là người kín đáo, Tuấn thấy việc khoe khoang như vậy chẳng nên chút nào nhưng phận làm con, anh không dám bình luận. Thêm nữa, anh từng nghĩ nhà vợ có lòng cho các con đã là quá tốt rồi, anh không thể bắt mẹ vợ phải cho theo ý mình. Quả nhiên, sau khi đọc facebook của Tuấn, các bạn bè, rồi họ hàng gần xa cứ xuýt xoa khen Tuấn có số hưởng, lấy được vợ giàu, vợ vừa cưới đã được trao tay cả “mỏ vàng”. Mẹ vợ Tuấn cũng được khen là tốt bụng, rộng lượng, xởi lởi.

Mẹ vợ “chắc lép” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Ấy thế nhưng, họ đâu biết, chỉ sau tuần trăng mật trở về, mẹ vợ đã gọi điện cho vợ Tuấn nói mang số vàng đó về nhà để bà giữ hộ. Bà bảo vợ chồng Tuấn giờ chưa làm ăn gì thì giữ vàng trong nhà, mà nhà lại đi thuê sẽ không an toàn. Vàng bà nói cho là cho, khi nào vợ chồng cần thì bà sẽ đưa lại. Tuấn biết, mẹ vợ chẳng qua muốn kiểm soát cuộc sống của vợ chồng anh. Rằng Tuấn muốn tiêu pha gì đến số tiền, vàng… cũng phải đến thưa chuyện rõ ràng với mẹ. Bà sợ Tuấn có vàng trong tay thì tiêu xài hoang phí.

Tuấn từ trước đã không trông cậy vào tiền của nhà vợ, nên anh cũng không bận tâm nhiều đến việc mẹ vợ muốn quản lý số vàng đó thay vợ chồng anh. Cho đến tận bây giờ vàng mẹ vợ cho còn hay hết, đang được cất ở đâu, thú thực Tuấn còn chẳng được nghe vợ báo lại gì.

Hơn 1 năm sau đó, khi Mai bắt đầu mang thai con đầu lòng, mẹ vợ Tuấn bàn đến việc sẽ giúp vợ chồng mua nhà riêng để không phải thuê nhà. Tuấn ban đầu từ chối, nghĩ rằng cứ để thư thư thêm vài năm nữa, lúc nào vợ chồng có tiền thì tự mua nhà. Nếu ngay bây giờ, Mai không muốn ở nhà thuê thì có thể dọn về ở chung với bố mẹ Tuấn. Nhà không  rộng nhưng ông bà cũng dễ tính, thương con dâu, Tuấn tin cuộc sống chung sẽ không có mâu thuẫn gì. Song, Mai không chịu. Cô vẫn nì nèo, ỉ ôi với mẹ, giục mẹ thực hiện lời hứa sẽ mua nhà cho các con lúc trước. 

Mẹ vợ “chắc lép” - ảnh 3
Ảnh minh họa

Biết tin các con mua nhà, bố mẹ Tuấn cũng ủng hộ, đưa cho hai vợ chồng Tuấn 300 triệu. Đó là toàn bộ tiền tích cóp mà ông bà có được sau bao nhiêu năm đi làm công ăn lương. Sau mấy lần đi xem nhà, Mai cũng chọn được một căn hộ khá rộng rãi ở ngay trung tâm, song số tiền phải trả thì gấp 10 lần tiền bố mẹ Tuấn cho hai vợ chồng. Tuấn còn đang lưỡng lự thì mẹ vợ đã đứng ra lo toàn bộ thủ tục mua bán. Bà trực tiếp chuyển toàn bộ tiền nhà cho bên bán qua tài khoản. 300 triệu bố mẹ Tuấn góp vào mua nhà, mẹ Mai trả lại toàn bộ cho bố mẹ Tuấn. Bà nói rất khéo biết là thông gia còn khó khăn nên ông bà cứ giữ lại tiền để dưỡng già. 

Một lần, Tuấn tình cờ nghe được mẹ vợ và vợ nói chuyện với nhau trong phòng, anh mới biết vì sao mẹ vợ anh làm vậy. Bà nói với Mai: “Hiện nay, mẹ chỉ cho con đứng tên trên giấy tờ nhà. Mẹ làm như vậy để sau này nhỡ không may vợ chồng con ly hôn, thằng Tuấn nó đòi chia đôi nhà cũng không được. Mẹ đã có bằng chứng tiền mua nhà là của mẹ. Mẹ cũng không cần ông bà thông gia chung chi vì sau này họ dễ dính máu ăn phần. Nếu thằng Tuấn nó tử tế, nó sống tốt thì cứ ở nhà này mẹ không có ý kiến. Nhưng nó mà quậy thì con vẫn bảo toàn được tài sản”.

Vì chuyện này mà Tuấn suýt xách va li ra khỏi nhà của mẹ vợ mua. Lòng tự trọng khiến mỗi lần nghĩ tới lời mẹ rủ rỉ với con gái mà anh lại uất ức. Về sau, vì nghĩ đến đứa con còn đỏ hỏn nên anh đành làm ngơ. Rồi anh cũng tự nhủ với lòng mình: Đó là tiền của mẹ vợ thì bà phải lo giữ là đúng. Anh dù sao cũng không phải là máu mủ ruột già như bà với vợ anh được. 

Mẹ vợ “chắc lép” - ảnh 4
Ảnh minh họa

Hết chuyện nhà cửa, rồi lại đến chuyện mẹ vợ thi thoảng lại mua cho vợ chồng anh đồ này, vật kia như cái tivi, tủ lạnh… Không bao giờ bà cho kín, cho riêng mà đều phải đợi lúc có đầy đủ thông gia, bà mới ba mặt một lời rút tiền ra đưa cho con như thể nếu không làm vậy thì Tuấn sẽ chối, bố mẹ Tuấn sẽ không biết tấm lòng của bà. Mai được nhận tiền của mẹ thì sung sướng ra mặt nhưng Tuấn thì đắng đót trong lòng. Ngày giỗ chạp về quê, trong câu chuyện của mẹ vợ với họ hàng bao giờ cũng nhắc đến việc bà đã giúp các con ra sao, cho các con những gì. 

Mẹ vợ anh bề ngoài luôn tôn trọng anh, nhưng cách ứng xử của bà lại khiến anh cảm thấy bà chưa bao giờ coi anh là con trong nhà. Làm gì cho con, bà cũng cố gắng phải để lại nhân chứng, vật chứng, phải kể lể để mọi người cùng biết. 

Tuấn công nhận nhờ có sự giúp đỡ của nhà vợ, cuộc sống của vợ chồng anh cũng khấm khá hơn. Nhưng với Tuấn, của cho không bằng cách cho, mẹ vợ anh giúp các con mà cứ suốt ngày kể công, khoe khoang hay là chỉ lo con rể bòn rút, lấy mất của như vậy thì anh cũng chẳng thiết.

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.