Miền cỏ xanh

Chia sẻ

Mùa này cỏ mọc um tùm, xanh ngắt một màu trải dài đến tận cuối chân mây. Chiều nào tôi cũng lùa đàn bò ra đồng cho chúng nhởn nhơ gặm cỏ còn mình thì ngồi dưới bóng râm đọc sách. Thông lệ, đọc vài trang tôi rời mắt khỏi trang sách trông chừng đàn bò của mình để biết chúng vẫn còn nguyên ở đó. Tôi yên tâm, tiếp tục đọc.

Nhà nghèo, tôi nghỉ học từ năm lớp chín đi làm đỡ đần ba mẹ. Ba tôi bị cụt một tay, hậu quả do chiến tranh để lại. Trời trở gió, vết thương cũ tái phát cộng thêm bệnh đau khớp khiến ba tôi gần như nằm liệt giường. Mẹ tôi bán ốc ngoài chợ, hôm nào may mắn thì bán hết, mẹ mua vài con cá chiên lên cho cả nhà cùng thưởng thức. Dưới tôi còn có út Thảo. Là anh trai cũng là người đàn ông trụ cột trong gia đình, tôi nhận thức được tầm quan trọng của mình. Tuy gia đình tôi nghèo về vật chất nhưng chưa bao giờ tắt đi nụ cười.

Tôi chăn bò cho ông Chín xóm trên. Nhà ông ấy giàu có nhất vùng, bò cả đàn, ruộng mấy chục mẫu chưa kể ông còn có ao tôm rộng mấy ngàn mét vuông. Tôi làm thuê cho ông cũng đã gần một năm nay. Vợ chồng ông Chín đối đãi với tôi rất tốt. Bà Chín thường làm bánh và tặng tôi cả giỏ. Bánh của bà vừa béo vừa thơm, tôi ăn hoài không ngán. Đáp lại tình cảm đó, tôi chăm chỉ làm việc, cho bò ăn cỏ mập mạp, không sót mất con nào. Có lẽ vợ chồng ông Chín quý tôi ở đức tính cần cù ấy.

Út Thảo năm nay mười lăm, có gương mặt phúc hậu và một trái tim nhân từ. Ngày em chào đời, trên khắp các triền đê, cỏ phủ lấm tấm, xanh ngút ngàn. Những nhành cỏ vươn dài, sống bền bỉ qua từng năm tháng. Vì lẽ này nên mẹ tôi đặt tên cho em là Thanh Thảo, mong muốn cuộc đời em mãi xanh tươi. Tuổi thơ của em sẽ êm đềm và vui vẻ biết bao nhiêu nếu không có vụ tai nạn tám năm về trước.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Ngày ấy, hai anh em đang trên đường đi học về. Thảo nói chưa muốn về nhà ngay, chúng tôi dắt tay nhau thơ thẩn bước dọc đường sắt. Ngó trước ngó sau, khẳng định rằng không có tàu chạy qua chúng tôi liền chạy nhảy, hái hoa đuổi bướm, vô tư chơi đùa như những chú nghé con. Bầu trời cao vời vợi. Cỏ mọc ngang lối đi. Mải lơ đễnh ngắm nhìn một áng mây đang trôi, tôi nới lỏng tay Thảo từ lúc nào. Chỉ giật mình tỉnh mộng khi tiếng còi tàu vang lên gấp gáp. Tôi quay người lại, Thảo đứng trên đường sắt loay hoay cài một bông hoa lên mái tóc. Tôi hốt hoảng chạy tới kéo Thảo ra khỏi vùng nguy hiểm nhưng chân em mắc kẹt ở đường ray, gỡ hoài không ra. Đoàn tàu tiến lại gần. Tôi chỉ kịp nghe một tiếng hét thất thanh. Thảo ngất lịm.

Những ngày sau đó Thảo ngồi xe lăn, không thể tiếp tục đến trường được nữa. Dù ba mẹ hay Thảo không trách cứ gì tôi nhưng tôi ân hận mãi suốt cả quãng thời niên thiếu, tự rủa xả mình là một người anh vô trách nhiệm. Nỗi đau trong quá khứ ám ảnh tôi hằng đêm, mỗi lần nhắm mắt lại hình ảnh buổi chiều đẹp đẽ năm ấy lại hiện ra: Những gì đẹp đẽ thường chóng tàn, chẳng mấy chốc mây mù kéo đến cuốn phăng tất cả những ước vọng, hoài bão của Thảo và đọng trên hàng mi của mẹ những giọt nước mắt đau thương.

… Mặt trời ngả sang màu đỏ thẫm. Hoàng hôn buông dần ở cánh rừng phía xa, nơi cỏ hoang mọc thành từng cụm. Tôi gấp sách lại, lùa bò về không quên ngắt một nhành cỏ bỏ vào túi áo đem về tặng Thảo. Mùi hăng hắc, ngai ngái sẽ giúp em ngủ ngon hơn.

Ăn tối xong, tôi vào phòng Thảo, thấy em đọc một quyển sách, tôi hỏi:

- Em đọc gì thế?

- Sự tích về cỏ bốn lá đấy, anh ạ!

- Cỏ bốn lá là loài cỏ mang đến may mắn và hạnh phúc cho con người?

- Đúng rồi anh, ai có được nhành cỏ bốn lá trong tay, người đó sẽ được hạnh phúc vĩnh cửu nhưng chưa có ai tìm thấy nó.

Tôi quỳ gối cạnh chiếc xe lăn:

- Anh hỏi nhé, nếu như tìm được cỏ bốn lá, em sẽ ước gì?

Thảo nói ngay mà không suy nghĩ.

- Em muốn gia đình mình khá lên một chút để ba mẹ và anh hai không còn vất vả vì em nữa.

Tôi nghe sống mũi mình cay cay.

- Em không ước cho đôi chân… Tôi bỏ lửng câu nói vì biết điều đó chỉ gợi lại nỗi buồn trong Thảo.

Nhưng Thảo không bận lòng. “Có được thì sao, nhà mình cũng đâu có tiền đâu.” Thảo im lặng một lúc rồi nói tiếp bằng giọng lạc quan. “Thay vào đó sao chúng ta không ước những điều thực tế hơn, chẳng hạn như ước cho gia đình chúng ta sống vui vẻ bên nhau”.

Thảo tuy còn nhỏ tuổi nhưng cách nói chuyện của em lại giống như người lớn, hiểu đời hiểu chuyện sâu sắc.

Người ta nói cỏ bốn lá hay còn gọi là tứ diệp thảo là hiện thân của đức tin. Nhành thứ nhất chứa quá khứ, không nên ngoảnh lại. Nhành thứ hai chở hiện tại, sống vui trọn ngày hôm nay. Nhành thứ ba ẩn giấu những điều xa xôi, phải luôn biết hy vọng vào tương lai. Nhành thứ tư thể hiện cho sự may mắn. Mỗi nhành mang một số phận khác nhau và được Thượng Đế thả xuống nhân gian gieo niềm tin vào dòng đời nghiệt ngã. Bởi mỗi khi nhắc đến cỏ bốn lá, con người tự khắc có thêm động lực để sống vì ngay mai dù thực tại họ có bao nhiêu chuyện buồn khổ đi chăng nữa.

Hy vọng có mong manh, tôi cũng sẽ tìm ra cỏ bốn lá. Tôi muốn bù đắp cho Thảo, những mất mát ấy vốn dĩ em không nên gánh lấy suốt cả quãng thời thơ ấu.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

***
Vẫn như mọi buổi chiều khác, tôi dùng dây thừng cột đàn bò vào gốc cây gần đấy, để chúng tha hồ gặm cỏ. Còn tôi đi loanh quanh khắp các ngọn đồi, triền đê để tìm cỏ bốn lá, tìm đến khi mặt trời khuất sau ngọn núi cao chót vót nằm ở phía Tây. Nhiều buổi chiều liên tiếp, tôi vẫn làm cái công việc mà người ta cho là viển vông bởi hiếm có ai tìm được cỏ bốn lá. Nghĩ đến Thảo, ước mơ đôi chân em được đi lại bình thường, tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Nhưng rồi cũng giống như người ta, tôi không tìm thấy cỏ may mắn chỉ thấy côn trùng cắn phồng rộp các đầu ngón chân.

Cho đến một hôm, lúc tôi bế Thảo lên giường ngủ, đắp chăn cho em cẩn thận. Thảo níu tay tôi. “Anh đừng tìm cỏ bốn lá nữa, vô ích thôi.”

- Không, anh nhất định phải tìm dù là tia hy vọng cuối cùng. Tôi bướng bỉnh.

- Tam diệp thảo đúng thật mang đến may mắn cho con người, nhưng đôi chân em muốn chữa trị thì cần phải có tiền. Anh hãy đi học trở lại, tốt nghiệp rồi chọn ngành y, may ra thì em còn có cơ hội.

Câu nói của Thảo khiến tôi thức cả đêm suy nghĩ mãi. Ngày trước tôi nghỉ học làm thuê cho vợ chồng ông Chín, mẹ tôi kịch liệt phản đối. Mẹ bảo rằng dù có nghèo khổ cách mấy cũng muốn anh em tôi học hành đến nơi đến chốn. Rồi nhiều chuyện không may liên tiếp xảy ra, mùa màng thất bát, em gái tôi gặp nạn, ba tôi lại không làm được việc gì vì sức khoẻ của ông khá yếu. Mọi khó nhọc đặt trên đôi vai mẹ. Tôi muốn san sẻ với mẹ, đành phải nghỉ học làm mướn. Tôi tự nhủ đợi mọi chuyện sắp xếp ổn thoả tôi sẽ đi học trở lại. Việc học không bao giờ là muộn nếu trong lòng có quyết tâm và chẳng có lý do gì để chấm dứt nó ở một độ tuổi nhất định.

Tôi vắt tay lên trán, lắng nghe tiếng dế kêu từ ngoài đồng vọng vào. Mùi cỏ non ngai ngái. Gió khe khẽ thổi qua song sắt như xua tan những vướng mắc trong lòng. Tôi đã tìm thấy câu trả lời, không cần đến cỏ bốn lá nguyện ước, tôi sẽ đứng lên bằng sự nỗ lực của chính mình.

Số tiền dành dụm được suốt một năm qua đủ để tôi đóng học phí cho năm đầu tiên. Bên cạnh đó, để tiết kiệm tôi tận dụng những quyển vở còn giấy trắng đóng lại thành tập. Áo quần tôi nhờ mẹ giặt sạch, ủi lại cho mới tinh tươm. Còn sách giáo khoa, bút thước tôi mượn con trai ông Chín. Anh đã ra trường và đi làm, số sách ấy anh cũng không dùng tới nên đem cho tôi hết có cả sách tham khảo.

Tuy mất căn bản khá lâu nhưng do cần cù, chăm chỉ, chẳng mấy chốc tôi theo kịp chúng bạn. Cuối năm tôi được danh hiệu học sinh giỏi, được nhận học bổng, đỡ một khoản tiền cho những năm tiếp theo.

Thời gian vùn vụt trôi.

Cầm trên tay tờ giấy báo nhập học của trường Y, tôi chạy về khoe với ba mẹ. Họ đều vui mừng khôn xiết. Thảo cười. “Anh hai giỏi ghê, vậy là chân em có hy vọng rồi.”

Ngày tôi lên thành phố học, Thảo đẩy xe lăn tiễn tôi ra tận ngõ. Em nói: “Ba mẹ và em ở nhà đợi ngày anh thành tài trở về.”

- Anh hứa. Nhất định em sẽ đi lại được thôi mà.

Thảo gật đầu: Em có niềm tin ở anh.

Chuyến xe bình minh chở tôi rời xa vùng quê yên bình để bước vào một thế giới đầy gian nan, bao thử thách lẫn vinh quang đang đón chờ. Thành phố lạ lẫm với một sinh viên tỉnh lẻ như tôi chỉ quẩn quanh trên cánh đồng chăn bò, thả diều làm gì biết đến những toà nhà cao tầng hạng sang, những cửa tiệm trang hoàng rực rỡ. Nơi đô thị lúc nào cũng ồn ào, náo nhiệt, suốt ngày chỉ nghe thấy âm thanh của xe cộ, khói bụi phả ra mù mịt. Nửa đêm, thành phố không ngủ. Từ các quán cà phê, nhạc mở xập xình khác xa với chốn thanh bình quê tôi, nơi cỏ xanh mọc đầy, nơi hoa dại nở rộ ven đường.

Dù ngày hè oi nồng hay đêm đông giá lạnh, trong ký ức của tôi lúc nào cũng có hình ảnh và mùi hương dịu dàng của cỏ, những nhành cỏ mỏng manh nhưng vững vàng, mạnh mẽ và cũng thật êm ái. Hành trang tôi mang theo suốt cả quãng đời sinh viên là lời dặn dò của mẹ: “Ráng học nghen con, chỉ có con đường học vấn mới giúp con thoát khỏi cảnh nghèo”. Và ước mơ của Thảo với bà con trong vùng: “Sắp tới xóm mình sẽ có một bác sĩ, khỏi lo chuyện bệnh tật nữa rồi”. Cái siết tay thân tình cùng với lời động viên chân thành như giúp tôi có thêm niềm tin mãnh liệt trên mỗi chặng đường.

Trong quá trình học, không ít lần tôi suýt rời xa những ước vọng tốt đẹp của mình. Cuộc sống vốn gian nan và chẳng bao giờ lường trước được hậu quả. Dù ta có trưởng thành, có hiểu biết đến đâu thì ta vẫn phạm phải sai lầm ở một thời điểm nào đấy. Danh vọng là nấc thang hào nhoáng, ai cũng muốn bước lên nhưng có mấy ai đủ vững vàng để theo đuổi một cách chân chính. Tôi gặp nhiều người, họ đeo một chiếc mặt nạ, cố gắng đi lên hết những nấc thang danh vọng ấy. Vì xã hội này, thành phố này vốn dĩ chỉ coi trọng đồng tiền. Có lẽ bài học khó học nhất là giữ được đầu óc tỉnh táo trước mọi cám dỗ. Và tôi đã can đảm vượt qua suốt cả một quãng thời gian dài đằng đẵng.

Sau bảy năm, tôi tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu và làm trong một bệnh viện lớn ngay trung tâm thành phố. Hôm ấy, khi sắp xếp công việc tạm ổn định, tôi vội bắt xe về quê ngay.

Tôi chậm rãi bước trên con đường mòn quanh co, gồ ghề sỏi đá. Quê tôi vẫn như thế, bình yên và không khác bao năm qua. Đàn cò trắng lượn lờ bay giữa cánh đồng lúa vàng ươm. Dưới chân tôi, cỏ rung rinh vẫy chào.

Buổi tối hôm đó, tôi nằm mơ thấy tôi và Thảo chạy nhảy trên triền đê, hái hoa đuổi bướm như ngày còn thơ bé. Cỏ rạo rực xanh một màu khát vọng. Từng ngọn cỏ xanh mướt như minh chứng một điều: trong cuộc sống cần nhất là hai chữ hy vọng…

QUÁCH THÁI DI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.