Hội LHPN 5 thành phố trực thuộc Trung ương:

Một năm với sáng tạo trong hoạt động Hội

Bài và ảnh: Thanh Thanh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Năm 2023 vừa qua, Hội LHPN 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ đã bám sát Nghị quyết và sự chỉ đạo của TƯ Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy và sự phối hợp của các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội đã triển khai thực hiện phong trào thi đua, cuộc vận động, khâu đột phá và các nhiệm vụ trọng tâm với nhiều công trình phần việc sáng tạo, ý nghĩa và phù hợp với điều kiện địa phương.

Sáng tạo trong thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”

Để hướng tới từng bước xây dựng hình ảnh và phẩm chất người phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu thời đại mới có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe và có tinh thần trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước, Hội LHPN 5 thành phố đã cụ thể hóa triển khai thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” của Hội LHPN Việt Nam với nhiều cách làm mới, sáng tạo, phù hợp với nét văn hóa từng vùng, miền.

Bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết: Năm 2023, với tinh thần chủ động, đổi mới, hướng về cơ sở, Hội LHPN Hà Nội đã phát động phong trào thi đua trong các cấp Hội, tập trung đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII, tổ chức tốt hoạt động thiết thực kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của Hội và Thủ đô bằng nhiều hình thức phong phú góp phần thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2023.

Trong đó, phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Thủ đô Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch” được các cấp Hội triển khai sâu rộng với nhiều cách làm phù hợp, cụ thể gắn với thực hiện cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Kết quả, trong năm đã có 915.793 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ được học tập, tập huấn, tuyên truyền về nội dung phong trào thi đua. Bên cạnh đó, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tích cực hưởng ứng tuần lễ áo dài tại nơi công sở dịp 8/3 và 20/10, ủng hộ 14.051 bộ áo dài cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình đồng diễn áo dài với chủ đề “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển” với các thông điệp “Hà Nội - thành phố vì hòa bình”, “Tự hào áo dài Phụ nữ Việt Nam”, “Phụ nữ Thủ đô thanh lịch văn minh”, “Hà Nội đến để yêu”…  với 1.000 cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia các hoạt động trình diễn và diễu hành áo dài đã tôn vinh giá trị áo dài trong đời sống xã hội tôn vinh nét thanh lịch văn minh của phụ nữ Thủ đô.

Một năm với sáng tạo trong hoạt động Hội - ảnh 1
Các đại biểu lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam chứng kiến ký kết của Hội LHPN 5 thành phố trực thuộc Trung ương.  

Các cấp Hội Phụ nữ còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện “Quy tắc ứng xử nơi công cộng”, triển khai mô hình “Tổ dân phố/thôn văn hóa kiểu mẫu”, “Chợ văn minh an toàn hiệu quả”, “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu”... Tổ chức hội nghị toạ đàm chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình. Trong năm đã ra mắt 46 mô hình Tổ dân phố/thôn văn hoá kiểu mẫu, 19 chợ văn minh, 20 di tích danh lam thắng cảnh kiểu mẫu…

Tại thành phố Hải Phòng, các cấp Hội đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, thiết thực đưa phong trào thi đua vào cuộc sống, “Xây dựng người phụ nữ Hải Phòng trung hậu, đảm đang, tài năng, sáng tạo”. Hội đã tổ chức phát động Liên hoan “Phụ nữ Hải Phòng tài năng sáng tạo”, giao lưu các điển hình tiêu biểu trong các lĩnh vực với chủ đề “Phụ nữ bản lĩnh-tự tin-tỏa sáng”; tổ chức gặp mặt, biểu dương 300 phụ nữ Hải Phòng tiêu biểu và trao tặng danh hiệu "Phụ nữ Hải Phòng tài năng, sáng tạo” cho 45 phụ nữ Hải Phòng có các công trình nghiên cứu ứng dụng thiết thực trong khoa học, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và phát triển cộng đồng...

Tại Đà Nẵng, Hội LHPN thành phố đã triển khai phong trào “Mỗi hội viên - một cử chỉ đẹp, mỗi tổ chức Hội - một hành động ý nghĩa” với nhiều mô hình, điển hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả như: “Nhà nhà treo ảnh Bác”; “Áo dài tặng bạn”, “Hũ gạo tình thương”, “Nuôi heo đất”… qua đó đã giúp đỡ, trao học bổng, hỗ trợ vốn, phương tiện sinh kế, xây dựng, sửa chữa nhà cho phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện, các chính sách an sinh xã hội tại địa phương.

Hội LHPN TP Hồ Chí Minh đã cụ thể hóa và triển khai phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh đoàn kết, nhân văn, năng động, sáng tạo, khát vọng vươn lên, gia đình hạnh phúc” với nhiều mô hình, cách làm hay; 100% cơ sở Hội duy trì thường xuyên 7 loại hình văn hóa văn nghệ và 12 loại hình thể dục thể thao với 330 nội dung hoạt động.

Hội LHPN TP Cần Thơ đã triển khai thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Cần Thơ thời đại mới - năng động sáng tạo, khỏe mạnh, nghĩa tình, yêu gia đình, yêu quê hương đất nước” đến 100% cơ sở Hội, chi hội, hội viên, phụ nữ. Hội đã thực hiện 161 mô hình dân vận khéo, góp phần xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới nâng cao/kiểu mẫu tại địa phương.

Một năm với sáng tạo trong hoạt động Hội - ảnh 2
Các đại biểu lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, TP Hà Nội trao biểu trưng cho các đơn vị tham gia chương trình Đồng diễn áo dài chủ đề “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển” năm 2023. 

Nỗ lực hoàn thành 5 nội dung ký kết năm 2024

Bước sang năm 2024, bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, Cụm trưởng cụm thi đua cho biết: Cụm thi đua đã thống nhất 5 nội dung ký kết gồm:

Một là, tiếp tục thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đề ra; Triển khai có hiệu quả Chủ đề năm 2024 "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội": Xây dựng ít nhất 1 mô hình điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội; 100% Hội LHPN xã, phường, thị trấn được trang bị máy vi tính làm việc; triển khai ứng dụng App "Phụ nữ Việt Nam" (khi TƯ Hội triển khai). Tổ chức giao lưu trao đổi kinh nghiệm giữa 5 thành phố về ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Hai là, tổ chức đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027, đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Ba là, tích cực tham gia các hoạt động do Trung ương Hội tổ chức quy mô toàn quốc theo đặc thù của các thành phố. Triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án: 938, 939, Dự án 8, Chương trình Mẹ đỡ đầu, Đồng hành cùng phụ nữ biên cương...

Một năm với sáng tạo trong hoạt động Hội - ảnh 3
Các đại biểu lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, TP Hà Nội cùng phụ nữ Thủ đô tham gia đồng diễn áo dài tại chương trình Đồng diễn áo dài chủ đề “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển” năm 2023.

Bốn là, đẩy mạnh triển khai đến hội viên, phụ nữ thực hiện nội dung phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới" theo đặc điểm riêng của 5 thành phố, phù hợp với nét văn hóa từng vùng, miền.

Năm là, duy trì hoạt động về nguồn tìm hiểu di tích lịch sử, nữ anh hùng dân tộc nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lý tưởng, bản lĩnh, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, phát huy vai trò của tầng lớp phụ nữ trong học tập, rèn luyện, cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Theo Ủy viên BCH TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga, trong thời gian tới, Hội LHPN 5 thành phố phải tiếp tục thể hiện vai trò đầu tàu của cả nước, góp phần nâng cao vị thế của tổ chức Hội, chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng của chị em phụ nữ; phát huy những kinh nghiệm trong triển khai các phong trào thi đua năm 2023 để tiên phong trong đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác Hội, trong tạo dựng, xây dựng các mô hình tập hợp, thu hút hội viên phù hợp với từng đối tượng hội viên phụ nữ... Đồng thời 5 thành phố cần tiêu biểu trong xây đội ngũ cán bộ Hội các cấp, xây dựng văn hóa của tổ chức Hội.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.