Mùa Vu Lan này mẹ vẫn có bà

Chia sẻ

Bà ngoại tôi mất vào đúng mùa Vu Lan. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày giỗ bà, tôi lại được theo bố mẹ về quê ngoại. Tôi và bố dọn dẹp nhà cửa, mẹ nấu cơm cúng, sau đó, cả nhà ra mộ mời bà về nhà với con cháu.

Mâm cơm cúng bà tôi lạ lắm, không bao giờ thiếu bát cháo trắng và đĩa tép riu rang khế. Chỉ hai món đơn giản đó thôi mà mẹ nấu cẩn thận, như thể đó mới là những món sơn hào hải vị. Mẹ còn bày lên ban thờ bà mấy bộ quần áo giấy màu sắc sặc sỡ, một đôi hài đính hoa. Mẹ bảo, ngày trước, những bát cháo trắng và tép riu rang đã giúp bà sinh tồn để còn nuôi mẹ tôi khôn lớn. Ăn uống thì đạm bạc, nhưng bà chẳng ốm bao giờ. Nói đúng hơn là bà chẳng cho phép mình được quyền ốm vì ốm thì sẽ tốn tiền thuốc thang. Bà còn bảo mẹ: “Mai này mẹ mất đi, đến ngày giỗ, con cứ nấu cho mẹ mấy món quen thuộc. Mẹ chỉ cần thế thôi. Nấu các món khác mẹ không quen, con mời về mẹ lại chẳng ăn được”.

Câu nói ấy của bà khắc sâu trong tâm trí mẹ, khiến mẹ tôi cứ áy náy vì cả đời bà phải sống trong khó khăn. Khi mẹ có điều kiện phụng dưỡng lại bà thì bà đã yếu rồi. Ngày giỗ, mẹ tự tay nấu hai món bà yêu thích để khi về dùng cơm, bà sẽ được ăn thật ngon miệng. Mẹ tôi cũng kể về ý nghĩa những bộ quần áo mẹ đặt trên ban thờ. Do nhà khó khăn nên bà tôi chẳng mấy khi được mặc quần áo đẹp và cũng không dám mặc đẹp. Quần áo của bà chủ yếu là màu đen, nâu vì bà bảo, hai màu đó sạch, mặc được lâu mà trông lại không bị cũ, bẩn. Nhớ hồi bà mất, mẹ tôi mở tủ quần áo của bà, thấy có những bộ áo đã sờn bà vẫn cố mặc. Quần áo mới mẹ thi thoảng gửi biếu, bà giữ lại hết, cất dưới đáy tủ để dành. Mẹ tôi vừa khóc, vừa chọn lấy bộ quần áo đẹp nhất, mặc cho bà lần cuối. Sau đó, hàng năm, cứ vào dịp giỗ bà, mẹ tôi lại gửi cho bà thật nhiều quần áo mới sặc sỡ. Mẹ tôi mong bà sẽ không còn lo thiếu thốn và có thể xúng xính mặc đồ, đi hài… dạo chơi ở nơi tiên cảnh.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Năm nay, còn 1 tháng nữa là tới ngày giỗ của bà, mẹ tôi lấy chiếc bút đỏ, đánh dấu lên tờ lịch. Mẹ bảo: Cả nhà mình chuẩn bị lại về quê với bà, con nhé. Tôi vâng, hiểu rằng ngày giỗ bà với mẹ vô cùng quan trọng. Mẹ tôi sẽ được trở về với những ngày còn có mẹ. Sau khi lấy chồng, lập nghiệp ở thành phố, mẹ tôi không còn được sống gần bà nhưng tình mẫu tử thì không hề xa cách. Trước khi mất nửa năm, bà tôi bị hôn mê, phải nằm viện. Ngày ngày, mẹ vào viện chăm bà nhưng bà đã chìm trong trạng thái vô thức. Biết là bà sẽ không bao giờ tỉnh lại song mẹ tôi vẫn được an ủi vì còn thấy bà hiện hữu trên đời. Bà mất rồi, mẹ tôi bị hụt hẫng mất một thời gian dài.

Năm nay, sát ngày giỗ, do dịch bùng phát nên Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Nghĩa là nhà tôi sẽ không thể về quê giỗ bà như dự tính. Mẹ tôi buồn lắm, cứ đi ra đi vào. Tôi nhìn mẹ ngồi thẫn thờ lật giở tấm album cũ, tay chạm nhẹ lên tấm ảnh chụp bà.

- Mẹ nhớ bà phải không mẹ?

- Mẹ tôi gạt nước mắt, vội ôm lấy tôi: Lúc nào con như mẹ, con sẽ hiểu được cảm giác này. Vẫn biết là sinh lão bệnh tử không tránh khỏi được, nhưng, mẹ vẫn thấy buồn lắm. Năm nay, mẹ sẽ không thể về với bà. Một năm chỉ có một ngày giỗ, vậy mà cũng chẳng làm được…

Tôi không biết bố đã nghe thấy câu chuyện của mẹ con tôi thế nào. Chỉ biết, một tối, sau bữa cơm, bố đột nhiên nói với mẹ tôi:

- Năm nay nhà mình không về quê được. Vợ chồng mình giỗ mẹ ở nhà mình nhé.

Mẹ tôi tròn mắt nhìn bố, rồi bảo:

- Đâu có thể làm thế được. Em là dâu con, sao thờ mẹ trong nhà chồng được.

- Không sao cả. Anh sẽ xin phép ông bà nội cho đón bà ngoại về đây. Các cụ thông gia về cùng một nhà lại vui em ạ.

Đó là lần đầu tiên, chúng tôi làm giỗ bà ngoại tại nhà. Mẹ tôi lại tự tay đặt lên ban thờ bát cháo trắng và đĩa tép riu rang khế. Vì dịch mà chúng tôi không mua biếu bà được quần áo mới, nhưng mẹ tôi nói là bà sẽ thông cảm.

Năm nay vì dịch bệnh, con không về quê được nên chúng con mời mẹ về nhà với chúng con mẹ nhé.

Tôi đứng cạnh mẹ, thấy gương mặt mẹ vui và thanh thản lắm. “Vậy là mùa Vu lan này, mẹ vẫn có bà ở bên”- mẹ tôi đứng trước ban thờ bà, thì thầm.

Tối đó, mẹ nói chuyện với bố: Cảm ơn anh đã cùng gánh vác chữ hiếu với em. Vậy là em không còn cảm thấy áy náy nữa.

Bố tôi đáp: Không ai quy định mình chỉ được giỗ bố mẹ ở đâu mà cái tâm mình thấy cần làm gì thì mình làm em ạ. Hết dịch, cả nhà mình sẽ lại cùng về quê, ra mộ thắp hương cho bà.

THÁI THỊ THU

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.