Mưa Xuân

Hương Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Con tàu rít lên một hồi còi inh ỏi, tiếng sình sịch chậm dần rồi dừng hẳn. Tôi xách vali bước xuống sân ga. Trời đang mưa lây phây. Những hạt mưa xuân nhẹ bay trong gió, đậu lấm tấm trên tay áo như những viên kim cương bé xíu. Một làn gió nhẹ nhàng lướt qua làm những viên cương nhỏ xinh ấy khẽ rung lên rồi tan biến. Hương xuân phả vào tôi rất dịu dàng.

Tôi dừng lại, khẽ ngửa mặt lên để đón những hạt mưa xuân. Xa thành phố này lâu quá rồi, tôi nhớ những cơn mưa phùn mùa xuân này biết bao?

Một bóng người đi lướt qua tôi, mái tóc dài bồng bềnh trong gió nhẹ, chiếc mũi cao trên khuôn mặt thanh tú, và đôi mắt to tròn như muốn ôm gọn cả trời mây.

- Chị Nhung.

Tôi thì thầm thốt lên với chính mình. Tiếng kêu khe khẽ của tôi như bật lên từ trong ký ức, nó đi qua trái tim, luồn qua cái cổ họng đang tắc nghẹn lại rồi bật lên thành tiếng gọi.

- Chị Nhung.

Tôi gào lên với theo bóng một người phụ nữ mặc chiếc áo len màu đỏ. Chị dừng lại khẽ nghiêng người về phía sau ngỡ ngàng. Chiếc khăn quàng gặp gió xuân bay phấp phới, che khuất cả một nửa khuôn mặt chị, chỉ để lại đôi mắt mở to đen láy nhìn tôi.

- Nhật Minh, Nhật Minh phải không? Chị đáp lại với một chất giọng nửa như ngạc nhiên, nửa như vui mừng.

Đúng là chị rồi, tôi muốn chạy ào đến ôm lấy chị, nhưng không hiểu sao chân tôi cứ như bị đông cứng lại. Dáng chị trong cơn mưa xuân như tạc vào lòng tôi một nỗi nhớ. Tôi như trôi về kỷ niệm của 15 năm về trước. Năm đó tôi 10 tuổi còn chị 13.

Tôi và chị lớn lên trên một làng quê nhỏ ở vùng ven biển của tỉnh Thái Bình. Đó là một xóm đạo yên bình với những con chiên ngoan đạo hiền lành. Ngôi nhà thờ cổ với tiếng chuông ngân nga là cả một thế giới vừa huyền bí, vừa trang nghiêm, vừa náo nức đối với lũ trẻ chúng tôi. Sáng Chủ nhật nào tôi cũng được mẹ mặc cho một bộ quần áo đẹp và dắt đến nhà thờ.

10 tuổi, tôi đã nhận ra chị trong những cô bé mặc chiếc đầm trắng trong dàn hát thánh ca. Mái tóc chị dài để bồng bềnh cùng với chiếc bờm thắt nơ màu đỏ. Đôi mắt chị to tròn và lấp lánh niềm vui.

Mưa Xuân - ảnh 1
Ảnh minh họa

Bữa ấy trời cũng đổ mưa xuân. Những cơn mưa phùn lây phây không đủ sức để làm cho chúng tôi phải mang theo ô hay hay nón mũ. Tan lễ tôi cứ đầu trần mà phóng ra đường. Trời mưa càng ngày càng nặng hạt. Tôi quyết định rẽ vào một ngôi nhà bên lề đường trú mưa. Vừa kịp chọn cho mình một vị trí tốt nhất, vừa để tránh mưa, vừa có thể ngắm đường phố, thì chị cũng chạy vào. Chiếc đầm trắng tinh cùng chiếc bờm thắt nơ đỏ làm sáng cả cái hiên nhà vốn đã tồi tàn. Vốn quen nhau từ trước, chị khẽ gật đầu chào tôi. Tôi tiến về phía chị rụt rè:

- Áo chị bẩn hết rồi.

Chị liếc nhìn xuống cái chân váy chi chít những vết bùn đất do nước mưa bắn vào, rồi bật cười.

- Kệ nó.

Tiếng cười của chị vang lên như hương gió xuân. Nó nhẹ nhàng và tự nhiên khiến tôi cảm thấy mạnh dạn hơn. Tôi xích lại gần chị và chúng tôi cùng đưa tay ra hứng những giọt mưa đang tí tách rơi trên hiên nhà.

- Không biết mưa xuân, hay mưa hạ nữa. Chả biết bao giờ mới tạnh - chị nói giọng dằn dỗi.

Thế rồi cơn mưa cũng tạnh và từ đó chúng tôi thân thiết với nhau. Mỗi buổi sáng Chủ nhật tôi đều nán lại chờ chị sau nhà thờ, chúng tôi cùng nhau tha thẩn dọc các con đường làng. Đã không ít lần chúng tôi bất ngờ gặp những cơn mưa như thế. Và lần nào cũng vậy, chị vội vã trùm lên đầu tôi, khi là cái khăn, khi là cái áo khoác của chị, có khi chỉ là vài chiếc lá to bản rồi kéo tôi chạy. Những cơn mưa cứ bám riết và đuổi theo chúng tôi.

Có một lần, trong căn lều trú mưa, hai chị em ngồi dựa sát vào nhau. Chị lấy tay áo lau những giọt nước mưa trên mặt tôi. Mùi thơm của hương bồ kết toát ra từ tóc chị. Chị luôn hỏi tôi với giọng lo lắng:

- Em có lạnh không? Không khéo em ốm mất!

Trời hôm ấy rét đậm lại có mưa nên càng lạnh hơn. Tôi run cầm cập, đúng là tôi rất lạnh. Chị nhìn tôi đầy âu lo. Trong đôi mắt chị tôi nhìn thấy cả sự lo lắng lẫn yêu thương. Tôi ôm choàng lấy người chị và áp má vào bờ vai áo ướt át của chị. Tôi buột miệng:

- Lớn lên em sẽ cưới chị

Chị hơi sững người, rồi với vẻ nghiêm trang chị nhìn thẳng vào mắt tôi:

- Thề đi - chị thì thầm qua hơi thở - lấy danh dự thề với chị đi!

- Em xin thề! - tôi thốt lên không cần suy nghĩ.

Chị cười phá lên, rồi chị nhẹ nhàng đẩy tôi ra một chút.

- Chị chả cần em phải thề thế đâu!

Chị cúi xuống nhìn tôi và thì thầm như người có lỗi, đôi môi nở một nụ cười buồn buồn.

- Chị đùa cho vui thôi.

Trời tạnh, những hạt mưa dường như đã trốn ở phía bên kia của trái đất, chỉ còn lại những giọt nước đọng lại trên lá cây, thi thoảng có cơn gió đi qua, chúng lại rung rinh và lác đác rơi xuống. Hai chị em rời cái lều trú mưa và đi về. Suốt cả quãng đường chị im lặng không nói với tôi một lời nào.

Mưa Xuân - ảnh 2
Ảnh minh họa

Cuối mùa xuân năm ấy, cũng vào một sáng Chủ nhật, chị Nhung hẹn gặp tôi sau khi tan lễ ở phía sau nhà thờ. Hôm ấy trời cũng đổ mưa xuân. Chị cầm lấy tay tôi giọng buồn buồn.

- Chị sắp phải xa em rồi - đôi mắt chị đỏ hoe

- Chị đi đâu? - tôi đáp lại giọng hoảng hốt.

- Nhà chị vào Nam. Bố mẹ chị chuyển vào đó sống.

- Thế thì xa lắm. Làm sao em gặp chị được! Tôi mếu máo.

- Lớn lên nhớ đi tìm chị nhé. Chị cũng đi tìm em - chị đáp giọng quả quyết.

Và thế là hai chị em tôi ngoắc tay nhau hẹn ngày gặp lại trong cơn mưa xuân ấy. Những hạt mưa xuân lất phất bay làm chứng cho lời hẹn của chúng tôi.

Hôm sau, nhà chị Nhung chuyển đi thật. Tôi lẽo đẽo đi theo chị ra tận đầu làng. Khác với vẻ tươi tắn mọi ngày, chị Nhung trông buồn và lặng lẽ. Suốt cả quãng đường chị không nói gì với tôi. Mãi cho đến lúc bố mẹ gọi chị lên xe, chị mới dúi vội vào tay tôi chiếc bờm thắt nơ đỏ cùng một mẩu giấy nhỏ. Tôi đứng ngây người nhìn theo bóng chiếc xe chạy xa dần rồi mất hút trên con đường đất ở phía đằng xa rồi mới mở mẩu giấy. Chị viết:

- Chị sẽ rất nhớ em, lớn lên chị sẽ về tìm em.

Tôi bước chân ra về lòng nặng trĩu. Dường như tôi vừa đánh mất một cái gì đó quý giá lắm. Về đến nhà, tôi cẩn thận cất chiếc bờm tóc và mẩu giấy nhỏ của chị vào một cái hộp rồi để vào ngăn kéo bàn học. Mỗi khi nhớ chị tôi lại giở chúng ra xem.

Từ đó, tôi không gặp lại chị. Vài năm sau, có người làng tôi đi làm ăn xa trở về có kể chuyện là gặp gia đình chị ở Lâm Đồng. Tôi có nấn ná để hỏi thêm thông tin về gia đình chị, nhưng họ chỉ nói gặp chị và mẹ chị đi làm thuê cho một vườn tiêu ở Đà Lạt. Người làng nhận ra nhau thì chỉ nói dăm ba câu chuyện rồi đi. Họ bảo chị có nhắc đến tôi.

Vài năm sau nữa, tôi nghe mấy người bà con xa với gia đình chị nói chị đã lấy chồng. Chồng chị là một thương gia buôn bán quần áo ở chợ đêm Đà Lạt. Ngày biết tin chị lấy chồng, tôi một mình đi trong cơn mưa xuân. Những hạt mưa rơi làm ướt đẫm cả áo và tóc tôi từ lúc nào mà tôi cũng không biết. Có lẽ những hạt mưa đó đã len lỏi vào sâu trong tâm khảm và rơi ướt cả hồn tôi. Năm đó tôi vừa tròn 18 tuổi.

Rồi tôi cũng rời khỏi cái xóm đạo nhỏ bé, nơi chất chứa những kỷ niệm của tôi và chị mà đi. Sau khi tôi thi đỗ đại học thì bố mẹ tôi cũng chuyển nhà lên Hà Nội. Một năm đôi ba lần, khi có việc, chúng tôi mới về lại ngôi nhà cũ. Mỗi lần trở về tôi đều mở chiếc ngăn kéo bàn học và lấy chiếc hộp đựng chiếc bờm và mẩu giấy của chị ra xem. Tôi thầm biết ơn những thứ cũ kỹ ấy, bởi nó luôn nhắc tôi về những kỷ niệm thời ấu thơ, về những ngày vui vẻ nhất của tôi nơi xóm đạo. Đôi khi tôi lại bật cười khi nhớ đến lời thề năm xưa, và tôi tự hỏi không biết chị còn nhớ đến tôi, nhớ lời thề đó hay không? 

Trong suốt hành trình trưởng thành của mình tôi đã đi nhiều nơi. Và đi đâu tôi cũng để ý tìm chị. Tôi cũng đã từng dành cả buổi đi ngơ ngẩn trong chợ đêm Đà Lạt, tạt qua tất cả các sạp quần áo với hy vọng nhỏ nhoi là nhìn thấy chị trong cái đám đông ồn ào náo nhiệt đó. Tôi thậm chí đã mường tượng ra phút giây gặp chị. Nhưng không, tôi vẫn lạc mất chị trên cái trái đất mà người ta vẫn bảo là tròn này.

- Nhật Minh, đúng là em rồi. Giọng chị phả vào tai tôi như một cơn gió, kéo tôi trở về thực tại.

Chị đã ở bên tôi từ bao giờ, tay chị nắm chặt bàn tay tôi một cách vồn vã và đôi mắt đen tròn lấp lánh niềm vui. Chị tíu tít hỏi tôi về cuộc sống, về gia đình khiến tôi không biết phải trả lời chị câu nào trước câu nào sau. Rồi không để tôi trả lời hết các câu hỏi của chị, chị nói như hờn trách:

- Bao năm nay em đi đâu, có mấy lần chị về quê mà không gặp.

Tôi buột miệng:

- Em đi tìm lá diêu bông.

Chị cười phá lên, rồi hạ giọng buồn buồn:

- Đã tìm thấy chưa, chị vẫn đang độc thân đấy. Chồng chị đã mất cách đây hai năm.

Chị lấy bút ghi vội địa chỉ và số điện thoại dúi vào tay tôi rồi vội vàng tiến về chiếc xe taxi đang đợi.

- Nhớ liên lạc với chị nhé - chị nói với tôi rồi lên xe.

Tôi nắm chặt mẩu giấy có ghi địa chỉ của chị trong tay và thầm thì:

- Chị ơi em đã tìm thấy lá diêu bông

Tiếng thì thầm của tôi lẫn vào những hạt mưa xuân bay trong gió…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bền bỉ với các hoạt động vì phụ nữ, trẻ em

Bền bỉ với các hoạt động vì phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Năm 2024, Hội LHPN các quận, huyện, thị xã và đơn vị trực thuộc đã nỗ lực triển khai thực hiện Kế hoạch thi đua, các nội dung, nhiệm vụ, phong trào thi đua và các cuộc vận động của Hội trong năm 2024; tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị được các cấp ủy chính quyền ghi nhận đánh giá cao.
Góp sức để Hà Nội thêm xanh

Góp sức để Hà Nội thêm xanh

(PNTĐ) - Hơn 8 năm qua, anh Nguyễn Hoàng Nam và cộng sự trong nhóm Xanh Hà Nội đã miệt mài trồng, trao tặng hàng nghìn cây xanh cho các cơ quan, đơn vị, không gian công cộng tại nhiều quận, huyện ở Thủ đô. Không tuyên truyền rầm rộ, thậm chí khi được hỏi, Xanh Hà Nội luôn nói việc làm của mình rất nhỏ bé, nhưng thực sự, việc nhỏ bé ấy lại đang góp phần bảo vệ, phát triển “lá phổi xanh” cho Hà Nội mến yêu.
Cách tiết kiệm chi phí khi du lịch

Cách tiết kiệm chi phí khi du lịch

(PNTĐ) - Tiết trời vào thu là dịp tốt cho các chuyến du lịch. Nhưng, làm sao để có những chuyến đi trọn vẹn và đáng nhớ mà chi phí không vượt quá ngân sách cho phép? Kiểm soát và quản lý tiền trong mỗi chuyến du lịch thế nào để đảm bảo không bị mất hoặc tiêu xài quá đà. Hãy tham khảo các cách sau.