Nam giới thực hành vai trò “trụ cột mới” trong gia đình

Chia sẻ

Nếu như trước đây, tiêu chuẩn đánh giá sự thành công của nam giới là của cải, địa vị thì ngày nay, vai trò “trụ cột mới” của họ lại được thể hiện rõ nét hơn ở sự quan tâm, chia sẻ, chăm sóc vợ con và giữ lửa hạnh phúc gia đình…

Còn nhiều áp lực

“Sao anh không đi làm mà ở nhà trông con?”, “Vợ đâu mà chỉ thấy hai bố con trông nhau vậy?” – nhiều người đặt câu hỏi khi anh Trung quyết định nghỉ việc, trông con nhỏ để vợ đi làm kiếm tiền.

Chị Hiền - vợ anh Trung là giám đốc một công ty về lĩnh vực kiểm toán, thuế. Ở vị trí đó, công việc của chị vô cùng bận rộn, thu nhập rất tốt. Là người ham mê công việc, nên vừa sinh con 2 tháng, chị đã dự định đi làm lại. Cùng lúc này, công việc của anh Trung cũng gặp nhiều bất ổn. Thấy chồng căng thẳng, mệt mỏi vì công việc, chị Hiền bàn với chồng: “Hay anh nghỉ việc, ở nhà chăm sóc con cho em một thời gian, cũng là nghỉ ngơi, giải toả stress, một thời gian nữa thì đi làm lại”. Anh Trung thấy vợ bàn bạc có lý nên cũng đồng ý.

Công việc chăm trẻ sơ sinh với phụ nữ đã vất vả, với nam giới càng cực hơn nhiều. Cả ngày, anh chỉ quay cuồng với bỉm, sữa, lịch trình ăn ngủ của con, không có thời gian nghỉ ngơi. Vợ anh muốn thuê giúp việc hỗ trợ, song anh không đồng ý vì thấy mình vẫn đang làm tốt. Thế nhưng, thi thoảng bế con ra ngoài, đối mặt với những câu hỏi: “Sao không đi làm để vợ ở nhà chăm con?”, “con nhỏ thế này có chăm được không?”… của một số người lại khiến anh bức bối, khó chịu. Áp lực dồn nén khiến anh dễ cau có với vợ. Khi con đến tuổi đi nhà trẻ, anh quyết định đi nộp hồ sơ xin việc trở lại bởi không chịu được áp lực “ăn bám vợ”.

Sau khi đã xây dựng một cơ ngơi đầy đủ, với hai căn chung cư mini cho thuê và căn biệt thự rộng rãi, yên bình ở ngoại ô thành phố, anh Nam quyết định “về vườn”, tập trung chăm sóc gia đình. Từ ngày nghỉ việc, anh đảm trách tốt vai trò là “người nội trợ” trong gia đình... Gần như vợ con anh không phải đụng tay vào bất cứ việc gì trong nhà. Thế nhưng, trong một lần họp phụ huynh cho con, khi các phụ huynh hỏi thăm nhau và học lực của các con, anh vô tình nói: mình không đi làm, chỉ nội trợ trong nhà, nhiều người hướng ánh mắt tò mò, ngạc nhiên đến anh. Một số người lại nghi hoặc lời nói của anh, cứ nghĩ anh đang giấu nghề của mình vì “lý do tế nhị”. Điều khiến anh buồn hơn là vợ anh cũng muốn anh đi làm trở lại, kể cả “chỉ cho vui” chỉ vì “khó nói với người khác về… nghề của chồng”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Anh Nguyễn Đức Chung, thành viên group “Làm cha là thế” cho biết, khi quyết định nghỉ một công việc yêu thích với thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng chỉ để về nhà chăm sóc vợ con, anh đã phải đấu tranh rất nhiều và rất lâu. “Hai vợ chồng đều có công việc riêng và cùng nhau quản lý một công ty truyền thông, mặc dù thu nhập rất tốt nhưng từ đó cũng bắt đầu nảy sinh bất đồng quan điểm, mâu thuẫn xung đột liên miên. Thời gian dành cho con của chúng tôi ngày càng ít đi. Khi tôi nhận ra được điều đó thì tôi đã bị stress và căng thẳng” – anh Chung nói. Cảm thấy kiếm được nhiều tiền nhưng không mang lại hạnh phúc gia đình, anh Chung quyết định lui về làm nội trợ, tạo điều kiện cho vợ phát huy năng lực, phấn đấu cho sự nghiệp. “Tôi hiểu nỗi vất vả của vợ khi hàng ngày làm những việc không tên, nên không áp lực trước những lời dị nghị của người khác. Dù phải nghe lời ra tiếng vào là sống “ăn bám” hay “không có tiền”, nhưng, đổi lại, tôi có được điều không phải ai cũng có là thời gian bên con suốt 6 năm đầu đời” – anh Chung nói.

Thực tế, không chỉ nam giới mà cả phụ nữ vẫn còn quan niệm việc nhà là của phụ nữ. Điều này không chỉ quá bất công với phụ nữ mà còn tạo ra áp lực rất lớn với nam giới. Bởi nếu như thu nhập của nam giới thấp hơn vợ, hoặc bị mất việc không có thu nhập, áp lực là trụ cột kinh tế khiến người chồng rơi vào căng thẳng, bế tắc, mệt mỏi, thậm chí, lựa chọn tự tử.

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho rằng, sự mặc định vai trò giới lâu nay chính là nguyên nhân khiến cho tình trạng bất bình đẳng trong gia đình tồn tại. Theo truyền thống, đàn ông đang bị áp lực bởi quan niệm “đàn ông đích thực” phải đủ 4 yếu tố: trụ cột gia đình, lấy vợ sinh con, kiếm tiền, thờ cúng tổ tiên. Những định kiến ấy khiến cho một người đàn ông không ra ngoài kiếm tiền, ở nhà làm nội trợ để vợ lo tài chính thì sẽ đối mặt với rất nhiều áp lực, đặc biệt là sự đánh giá của những người xung quanh. Họ có thể cho rằng người chồng kém cỏi, không bằng vợ. Không phải đàn ông “xây tổ ấm” nào cũng có thể thoải mái công khai việc mình làm bởi những áp lực về hình tượng, vai trò của người đàn ông vốn đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người trong xã hội mà họ phải đối diện. Nếu một người đàn ông lựa chọn dành nhiều thời gian cho gia đình hơn cũng chẳng có gì phải xấu hổ, vì những công việc gia đình cũng rất quan trọng, chẳng kém việc kiếm tiền. Thậm chí, tiền bạc đôi lúc cũng không so được những giá trị công việc nội trợ đem lại. Mỗi gia đình cần có sự trao đổi, sắp xếp để phân công lao động hợp lý, ai làm kinh tế tốt có thể đi làm, quan trọng là cả hai cảm thấy vui vẻ và hài lòng với công việc của mình.

Vai trò “trụ cột mới” của đàn ông trong gia đình

Cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa những năm gần đây, vai trò của người vợ, chồng trong một gia đình, đặc biệt là tại các nước châu Á, đang dần thay đổi rõ rệt so với quan niệm truyền thống. Theo đó, phụ nữ cũng có thể kiếm tiền giỏi, giải quyết những việc lớn lao, ngược lại, đàn ông hoàn toàn có thể làm tốt việc hậu phương, lo việc nội trợ thay vợ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thực tế cho thấy, giữa cuộc sống không ngừng thay đổi và biến chuyển cùng với sự bình đẳng trong phân công lao động, chuyện đàn ông ở nhà làm nội trợ không còn là cá biệt. Thậm chí, đây còn là xu hướng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Á, nơi mà từ lâu vẫn mặc định nội trợ là công việc chỉ dành riêng cho phụ nữ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, 160.000 đàn ông Hàn Quốc làm nội trợ vào năm 2016. Cũng trong năm này, số nam giới chăm sóc con cái tăng 50% so với cùng kỳ năm trước và tăng đều đặn qua các năm. Tại Nhật Bản, hình ảnh người chồng, người cha làm nội trợ, chăm sóc con cái được chính phủ Nhật Bản quảng bá rộng rãi và trở nên phổ biến trong xã hội.

Ở xã hội hiện đại, nam giới còn giữ một số vai trò mới như: có chức năng tư vấn, làm chỗ dựa tinh thần cho các thành viên trong gia đình… Đặc biệt, người chồng còn phải cùng vợ lo việc “đối nội”, đối ngoại… Có chồng hỗ trợ “nội chính”, người vợ có thời gian để phấn đấu, lao động, sáng tạo, phát triển sự nghiệp. Ở nhiều gia đình, chức vụ, thu nhập của chồng ít hơn của vợ, nhưng không vì thế mà hôn nhân mất đi hạnh phúc. Thậm chí, nhiều người vợ cảm thấy “biết ơn” khi được chồng thấu hiểu, chia sẻ và hỗ trợ mình. Nếu như ngày trước hai người sống chung một mái nhà nhưng theo đuổi hai mục tiêu khác nhau, thì ngày nay họ đã cùng hướng về một mục tiêu, nên vai trò của cả hai không những không mờ nhạt mà càng được tô đậm thêm, và kết quả cuối cùng là có một gia đình hạnh phúc.

Chia sẻ với người phụ nữ việc nhà, nuôi dưỡng và chăm sóc con cái, người đàn ông trong gia đình còn có trách nhiệm giáo dục, nuôi dạy con cháu. Sức ảnh hưởng của bố đối với các con vô cùng lớn. Do đó, khi người chồng dành thời gian cho con nhiều hơn, dạy con cháu những điều hay lẽ phải, những kiến thức, kỹ năng sống thì bản thân họ cũng là tấm gương cho con cháu trong nhà noi theo.

Theo bà Hoàng Tú Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu CCHIP, nam tính không phải thể hiện ở việc người đàn ông làm kinh tế mà còn là sự bảo vệ, bao bọc, hỗ trợ với vợ con và các thành viên khác trong gia đình, điều hoà các mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu. “Ở Việt Nam, nam giới việt đang gặp một số vấn đề nghiêm trọng khi phải đối mặt với việc quan niệm cũ và trụ cột mới. Chúng ta cần thay đổi quan niệm về trụ cột trong gia đình của nam giới để thúc đẩy bình đẳng giới hơn” – bà Tú Anh cho biết.

QUỲNH NHƯ

Tin cùng chuyên mục

Chỗ dựa cuối đời

Chỗ dựa cuối đời

(PNTĐ) - Bà và cô con gái khuyết tật sống ở một căn hộ hơn 10m2 ở khu tập thể cũ. Ai đó có thể nghĩ căn hộ đó chật chội, bí bách nhưng với bà đó là cả một gia tài. Bà vẫn bảo, đây là chỗ dựa cuối đời của mẹ con bà.
Yêu thương kết trái

Yêu thương kết trái

(PNTĐ) - Ngày về chung nhà với anh, chị Nhung không chỉ học làm vợ, làm dâu mà còn học làm mẹ của một đứa trẻ bướng bỉnh. Bé trai lúc đó mới chỉ 5 tuổi, đôi mắt to tròn luôn nhìn chị với vẻ nghi ngờ và xa cách.
Phút bình yên

Phút bình yên

(PNTĐ) - Buổi sáng Chủ nhật, chị Là bế trên tay đứa trẻ ngoài 3 tháng tuổi ra hiên ngồi sau những ngày mưa bão mịt mù. Người trong ngõ nhỏ đi qua đi lại nhìn chị mỉm cười thân thiện, âu yếm nựng đứa trẻ. Chị tươi cười, ánh mắt tràn đầy niềm vui.