Nàng dâu vừa... đen, vừa... quê mùa

Chia sẻ

Ngày Phi đưa Lụa về, cả xóm Chài buồn ngao ngán. Phi thanh tú, đẹp trai, thông minh là vậy, mẹ Phi, bà Phương cũng nức tiếng một vùng chẳng hiểu sao lại ưng một cô gái quê mùa, vừa đen, vừa gầy, tính tình như… dây thừng dây chão. Thế nhưng lâu dần mọi người trong xóm mới hết ồ à à, hóa ra, cô nàng rất được.

Xóm Chài là tên gọi ngày xưa của một phường ở phố núi này, nhưng vì dân quanh vùng đã quen gọi thế nào thì cứ vậy truyền miệng nhau, chỉ lúc làm biên bản hay kê khai giấy tờ mọi người mới viết theo tên gọi mới. Gia đình Phi, từ đời cha ông đã được dân trong vùng yêu mến vì cái nhẽ ăn ở, cái đức trong đối đãi nên nhất cử nhất động của mỗi thành viên trong gia đình đều được bà con để ý, quan tâm.

Là con trong dòng họ những người dân thuyền chài ngày xưa, bà Phương có một vẻ đẹp dịu hiền, lời ăn tiếng nói nhỏ nhẹ và vóc dáng thanh thoát, mỏng manh. Ông nội bà giỏi giang lấy được cô gái con nhà giàu có trong làng, rồi lên bờ xây nhà, sinh con đẻ cái, không còn cái kiếp lênh đênh trên thuyền, nay đây mai đó. Vì vậy khi mới 16 tuổi trăng, nàng Phương của ngày ấy đã được trai làng dập dìu ướm hỏi.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bà Phương lấy một chàng trai tháo vát, đa tài trên phố, nhưng vì gia đình bà neo con nên bố bà nhất quyết bảo con gái thuyết phục chồng ở rể. Vợ chồng bà Phương chỉ sinh được một con trai là Phi. Một ngày, lúc Phi vừa 17 tuổi, bố Phi tắm gội sạch sẽ xong, chẳng ốm đau gì, tự dưng ông gọi vợ con lại dặn dò. Hai mẹ con Phi tưởng bố bị gở miệng hay uống rượu ở đâu về nghĩ linh tinh nhưng rồi bố Phi mất. Từ đó, mẹ con Phi ở vậy, trong sự đùm bọc sum vầy của xóm làng.

Từ nhỏ Phi đã ngoan ngoãn, chủ động học hành, không để cha mẹ thúc giục, lại lễ phép, hay chào hỏi mọi người nên ai cũng yêu quý. Giống mẹ, Phi cũng được nhiều gia đình gán ghép, nhận làm thông gia. Trong đó, có nhiều cô gái xinh đẹp, con nhà giàu có chủ động qua lại. Đó là lý do cho thấy vì sao lần đầu tiên Phi đưa Lụa về đã khiến nhiều người thắc mắc, nghi hoặc và xét nét dẫn tới ghét oan cô gái này.

Ngay cả cái tên của cô, nhiều người vừa mới nghe xong đã bật cười váng cả lên: “Khiếp, tên là Lụa á? Hết tên để đặt hay sao? Chắc sợ những tên khác nhiều người đặt quá mới gọi là Lụa cho độc đấy, quê quá luôn”. Có người a dua, theo mồm người khác còn độc miệng: “Con trai đen thì còn đẹp chứ con gái đen có ma nó nhòm. Chắc nhà đại gia hay bùa ngải, chài kéo thằng Phi chứ gì? Đã vậy lại còn gầy đét, ngực lép kẹp, mông chả thấy đâu thì đẻ đái kiểu gì? Là Lụa hay Lĩnh, hay The, chắc để may váy đụp ngày xưa quá!”…

Vốn nhẹ nhàng, hồn hậu và suy nghĩ đơn giản nên bà Phương không để ý tới thái độ mọi người, bà chỉ mong con trai hạnh phúc, tìm được người ưng ý. Phi nhạy cảm hơn mẹ, song anh tin mọi người sau này quen sẽ hiểu Lụa hơn nên rất vui vẻ. Chỉ có Lụa là thấy rõ nhất từng hành động và nghe kỹ càng từng lời nói của mỗi người bởi ai cũng cố tình thể hiện cho cô thấy. Tuy vậy, Lụa xem như không nghe - không thấy - không biết và không nói năng gì.

Sau ngày giới thiệu chừng hai ba tháng, bà con quanh phố không thấy mẹ con Phi nhắc gì tới Lụa, người này hỏi, người kia trêu bà Phương cũng chỉ nói: “Tôi rồi cũng già, chúng nó có hợp và đến với nhau hay không thì tùy các cháu quyết định. Bởi việc ăn đời ở kiếp là ở chúng chứ ở đâu như mình”. Khi chẳng nghe ai bàn tán hay đàm tiếu gì thì bỗng nhiên thấy Phi quyết định làm đám cưới và bà Phương cầm thiệp đi mời. Hóa ra, ngay từ khi tiếp xúc với Lụa, sau đó được hai con đưa đi chơi, đi ăn, thăm nom trò chuyện với nhà thông gia tương lại, bà Phương đã ưng ý và bảo hai con khéo thu xếp để tránh dị nghị, dèm pha.

Chuyện đâu vào đó rồi bà con mới té ngửa ra là Lụa chẳng có phải con nhà dòng dõi hay đại gia gì cả, cô cũng không có bùa ngải hay lừa phỉnh gì mẹ con nhà Phi. Tự nhận mình là nông dân chính hiệu, bố mẹ vẫn phải dựa vào con gà, cái trứng và rau cỏ, đồng ruộng ở thôn quê sinh sống, Lụa tận dụng toàn bộ những khoảng đất trống ở nhà bà Phương trồng rau sạch và hoa, rau thơm xem kẽ. Tới khoảng sân thượng hay mảnh ban công rộng ở hai tầng nhà cũng biến thành vườn tược. Cây cao cây thấp, tầng trên, tầng dưới, cây leo, cây thẳng, chỉ một thời gian với số tiền vốn chồng cho và hai bên bố mẹ trích từ tiền mừng đám cưới đưa cho đôi trẻ, Lụa đã biến không gian nhà chồng thành nơi canh tác các loại rau, hoa, cây cảnh, cây ăn quả.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Lụa dậy từ sớm chăm chút say mê, tỉ mỉ và lên mạng tìm hiểu để tận dụng các vật liệu, phế thải trong gia đình hoặc những phụ kiện rẻ để tạo ra những bó hoa đẹp, những khóm cây cảnh, cây ăn quả ngắn ngày, rau sạch và bán cho bà con xung quanh. Bà Phương như trẻ hẳn ra, tươi vui, linh hoạt bởi phụ con dâu làm vườn và bán các sản phẩm tại nhà.

Hình thức đẹp, bày trí tiện nhìn, giá cả hợp lý, đặc biệt là sạch, an toàn, lại tiện dụng mọi bề, bà con tò mò tới hỏi han, tham khảo kinh nghiệm và mua hàng tới tấp. Hai mẹ con bà Phương và Lụa vui vẻ chia sẻ, hướng dẫn và tận tình bày cách cho mọi người nên dần dần nhà Lụa trở thành điểm đến của bà con trong xóm. Mọi người lại hùa vào khen, không ai còn chê bai cô dâu đen nhẻm, lép kèm kẹp nữa. Bởi nhìn lâu nom Lụa vừa dịu hiền, dễ mến lại nhanh nhẹn và chăm chỉ. Da Lụa đen nhưng thần thái sáng láng, miệng cười tươi tắn, cũng “có tấm có món”.

Để tận dụng hết khoảng sân, ngõ phía trước và mặt bằng tầng một, Lụa bàn với mẹ chồng và chồng quy hoạch lại tầng hai, tầng ba, chuyển bếp, nhà ăn lên trên để lấy không gian bày các loại cây giống, hạt giống và phụ kiện bán kèm theo. Cô còn mua thêm tủ, thiết kế giàn, kệ và làm một đại lý tiện dụng, đông lạnh và gạo ngon. Lụa giải thích: mình không phải đi thuê, mà toàn đồ để lâu được nhưng nhu cầu thiết yếu của mọi người là hàng ngày nên không lo ế ẩm, tồn hàng. Tiện một công một việc hai mẹ con tăng gia thêm cho vui. Nhà rộng, có phòng cả ngày chẳng ai ra vào, để không cũng mốc meo cả lên.

Rồi Lụa có tin mừng. Mọi người vui vẻ, hoan hỉ. Cô dâu của Phi sinh ra một cậu quý tử, giống hệt bố và tươi vui như mẹ. Bà Phương sung sướng cưng chiều con và cháu nhất mực. Có hai người bà con bên ngoại nhà Lụa lên phụ giúp chăm lo cơm nước, đỡ đần cho gia đình bà Phương và phụ giúp công việc. Nhưng tính Lụa không nằm không được, cô vẫn đi lại, đôn đốc, chăm chút, chỉ đạo công việc. Phi có vẻ muốn vợ kiêng cữ thì Lụa giải thích: “Ở đây là sướng nhất rồi, không phải dầm mưa dãi nắng, không phải lặn lội ra đồng, mọi thứ lại sẵn cả nên anh không phải lo”.

Mãi lúc này, Phi mới tiết lộ bí mật về cuộc tình của mình: Anh vốn thích tuýp phụ nữ có làn da khỏe và mịn, nom duyên dáng nhưng cuốn hút bởi sự nữ tính, đặc biệt là thông minh và chủ động trong đời sống. Thoạt nhìn thấy Lụa, Phi đã bị tiếng sét ái tình nên bỏ qua hết những gì bàn dân thiên hạ thấy, Phi chỉ thấy duy nhất những gì mình cảm nhận và yêu thích. Lụa đã chứng tỏ được ưu điểm: “Vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con” dù không có vóc dáng “thắt đáy lưng ong”. Đó là lý do vì sao Phi chưa bao giờ… bỏ cơm nhà. Các cụ dạy quả không sai: “No cơm tẻ, khỏe mọi đằng”.

THỤC NHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.