"Nghề" làm mẹ

Chia sẻ

Tôi học đại học xong ra trường, đi làm được hai năm thì lập gia đình. Chồng tôi là một người đàn ông tốt, có trách nhiệm.

Hai bên gia đình đều muốn chúng tôi sớm ổn định, bởi khi đó tôi và chồng đã tìm hiểu nhau được bốn năm, hai gia đình cũng hiểu nhau khá rõ. Nói như ba mẹ thì lấy vợ lấy chồng mới tự lập và trưởng thành được. Vậy là chúng tôi về chung một nhà trong sự ủng hộ của cả hai bên họ hàng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Một năm sau ngày vu quy, tôi sinh đôi một trai một gái trong sự hân hoan của cả gia đình bên nội lẫn bên ngoại. Lần đầu tôi được làm mẹ, lại là chăm sóc hai đứa một lúc nên tôi thấy khá khó khăn và bận rộn. Cái gì cũng bỡ ngỡ và lúng túng hết sức, cộng với sức khoẻ của tôi sau sinh lại không tốt lắm nên dù thời gian nghỉ thai sản đã hết nhưng tôi vẫn hết sức băn khoăn chuyện sắp xếp sao để đi làm trở lại. Cả nhà thấy vậy đã xúm vào khuyên tôi nên nghỉ một thời gian để dưỡng sức và giành toàn thời gian chăm sóc cho hai bé, để chồng yên tâm làm kinh tế là được rồi. Nghĩ tới nghĩ lui, rốt cuộc tôi cũng đồng ý. Suy cho cùng thì có thuê người trông con tôi cũng không thể yên tâm được, mà hơn nữa, lương của tôi thấp, có đi làm cũng chỉ đủ tiền trả cho giúp việc thôi. Vậy nên, tôi quyết định ở nhà với hai con nhỏ.

Vấn đề kinh tế ở thời điểm đó tôi không phải lo lắng nhiều. Chồng tôi kinh doanh khá ổn, thu nhập đủ cho gia đình trong mức độ vừa phải. Hơn nữa nhà nội, nhà ngoại đều có điều kiện và ít nhiều có trợ giúp hai vợ chồng chúng tôi nuôi các bé con.

Ở nhà toàn phần chăm sóc con, tôi trở thành bà mẹ bỉm sữa đích thực. Suốt ngày tôi quay cuồng trong cháo bột, bỉm sữa. Một đứa đã vất vả, hai đứa lại càng vất vả hơn, dù tôi luôn có bà nội bà ngoại thay nhau giúp tôi trông nom và chăm sóc hai đứa. Quần áo, nhà cửa, cơm nước, dọn dẹp, bú mớm… Toàn những công việc không tên của một bà mẹ con nhỏ, kể ra cả ngày cũng chẳng thể hết được. Làm xong việc này, việc khác lại bày ra trước mắt. Thú thực tôi không thể hình dung nổi công việc của một người mẹ lại vất vả đến thế, gần như nó ngốn toàn bộ tình yêu thương, sức lực của tôi. Nhiều hôm tôi mệt bơ phờ mà đêm con ốm tôi còn phải thức gần như trắng đêm nữa. Chồng tôi rất hiểu và thương vợ nên anh quyết định thuê người giúp việc theo giờ tới nhà dọn dẹp. Tôi và hai bà chỉ còn nhiệm vụ dành toàn tâm sức vào chăm sóc hai cục cưng thôi.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Con cứng cáp chút, nhờ những mối quan hệ bạn bè thân thiết tôi nhận phần sổ sách của ba doanh nghiệp tư nhân để làm tại nhà. Khá vất vả vào những ngày cuối tháng, cuối quý nhưng tôi thấy như vậy lại ổn. Dù gì tôi cũng không phải chịu nhiều áp lực, thu nhập có mà thời gian dành cho con cái cũng thoải mái. Vậy nên cho đến tận khi hai con tôi đi học mẫu giáo tôi vẫn duy trì cách làm việc này.

Một hôm con gái tôi đi học về sà vào lòng mẹ thỏ thẻ: “Mẹ ơi, mẹ làm nghề gì?” Tôi, vì không để ý lắm, nên cười và trả lời bé nhẹ nhàng: “Mẹ ở nhà nội trợ”. Bé vẫn chưa thôi thắc mắc: “Nội trợ là làm công việc gì hả mẹ?”. “Là ở nhà lo việc nhà, chăm sóc các con đó…”. “Sao mẹ không làm cô giáo, bác sĩ hay cán bộ gì đó hả mẹ?”. Câu hỏi của trẻ thơ khiến tôi hơi sững lại. Lời nói của con khiến tôi suy nghĩ. Hẳn là do bé thấy mẹ ở nhà không như mẹ các bạn quần là áo lượt hàng ngày tới công sở. Hẳn là bé có để ý và thấy mẹ mình chỉ loanh quanh ở nhà với những việc hình như trong mắt các con không được “oách” lắm. Nói chuyện với con thêm, tôi được biết hôm đó các con học chủ đề gia đình ở lớp và phần giới thiệu về gia đình các bạn đều nói bố mẹ làm gì. Riêng con tôi thì ấp úng vì không biết mẹ mình thực sự làm nghề gì.

Tôi đăm chiêu. Và chợt thấy chạnh lòng.

Tôi tốt nghiệp đại học loại khá, đi làm hai năm cũng được cơ quan đánh giá có năng lực và hiệu quả công việc. Còn giờ thì…

Thực ra trong hiện tại dù tôi đang làm kế toán cho doanh nghiệp tư nhân, nhưng một ngày của tôi chủ yếu vẫn là theo “nghề làm mẹ” của hai đứa nhỏ.

Sáng sớm của một ngày, tôi tất bật gọi con dậy chuẩn bị đồ ăn uống, cho con ăn rồi đưa con đi học. Khi chúng đã yên vị ở trường, thì tôi trở về lo chợ búa, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Làm mẹ, hai từ đó thiêng liêng biết nhường nào nhưng bản thân nó gói ghém đủ trọng trách và sự tất bật ở trong đó. Cơm trưa rồi lo việc mình buổi chiều rồi lại đón con về, lo cơm nước, tắm rửa, ăn uống và cả thời gian để chơi với con, lắng nghe những câu chuyện bất tận, không đầu không cuối của chúng ở trường lớp, chỉ để hiểu được con mình hơn và mối quan hệ giữa mẹ con trở nên gần gũi hơn.

Nhiều khi mỏi mệt mắt rũ xuống, người muốn tan rã ra vì sức khoẻ muốn đình công. Nhưng trọng trách làm mẹ lại khiến tôi gồng lên. Việc chăm lo cho con chưa xong, làm sao mẹ có thể đã nằm nghỉ ngơi thoải mái.

Vậy mà tại sao làm mẹ lại không được coi là một nghề? Thậm chí là một nghề cao cả nhất và đầy kiêu hãnh ở trong xã hội này.

Làm mẹ, làm nội trợ… với nhiều người nặng nề định kiến và có lối suy nghĩ cổ hủ thậm chí còn như một sự bất tài kém cỏi, ở nhà ăn bám chồng vậy.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

May mắn thay chồng tôi là người đàn ông rất thương vợ, yêu các con. Với anh, gia đình và tổ ấm luôn đặt trên hết. Chúng tôi luôn cố gắng giành thời gian để cả gia đình được bên nhau nhiều nhất. Chưa bao giờ vì anh là trụ cột kinh tế mà anh có ý nghĩ coi thường vợ hay nói những câu để vợ phải chạnh lòng suy nghĩ. Thực sự bên cạnh tình yêu tôi còn biết ơn chồng vì điều đó nữa. Nhưng lời con trẻ trong buổi chiều tan học khiến tôi chạnh lòng và cũng khiến tôi suy nghĩ vẩn vơ cả ngày.

Hẳn khi các bạn hỏi, con tôi nói mẹ tớ làm nội trợ, con thấy sao sao đó nên mới hỏi sao mẹ không làm nghề này nghề kia chứ. Xã hội coi trọng bằng cấp và nhiều người vẫn coi trọng hình thức mà.

Bao giờ thì những suy nghĩ có ý hạ thấp vai trò của người phụ nữ ở nhà chăm lo cho con cái, nhà cửa? Nếu không có người lo cho góc bếp nhỏ, thì liệu có tổ ấm nào được yên bình?

Tôi sẽ nói lại với con mình, để các con hiểu rằng làm mẹ và công việc giữ lửa trong ngôi nhà nhỏ mới là công việc quan trọng nhất mà một người phụ nữ phải làm trước tiên cho gia đình mình.

Đinh Hương

Tin cùng chuyên mục

Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.
Cành cây của Chúa trời

Cành cây của Chúa trời

(PNTĐ) - Với những đứa trẻ khác, sinh ra trong một gia đình có bố là quan chức, mẹ là giáo sư đại học cũng giống như nắm giữ chiếc chìa khóa vàng. Nhưng đó là một loại áp lực đối với tôi vì tôi không được thừa hưởng gen tốt của bố mẹ.