Nguyên nhân sẩy thai liên tiếp các mẹ cần chú ý

Chia sẻ

Sẩy thai liên tiếp là tình trạng thai ngừng tiến triển, thai chết và được tống xuất ra khỏi buồng tử cung trước 22 tuần (hay cân nặng của thai dưới 500gr), liên tiếp từ 2 lần trở lên.

Theo đó, thai phụ có thể bị sẩy thai dưới nhiều dạng: Có thai rồi nhưng thai tự lọt ra ngoài cùng với máu; Có túi thai, có phôi thai nhưng tim thai ngừng phát triển (thai lưu); Trứng trống, túi thai trống, không có phôi thai.

Sẩy thai liên tiếp được chia làm 2 nhóm: Nguyên phát và thứ phát. Ở nhóm nguyên phát là khi người phụ nữ chưa lần nào sinh em bé sống trước đó. Nhóm thứ phát là khi người phụ nữ đã từng sinh tối thiểu thành công một em bé nhưng giờ lại bị sẩy thai liên tiếp nhiều lần.

Trên thực tế, có khoảng 12-15% thai lâm sàng sẽ bị sẩy thai. Tuy nhiên, có những thống kê chỉ ra rằng, có tới 30-60% phôi và thai sẽ bị sẩy trong vòng 12 tuần đầu tiên của thai kỳ và tỷ lệ phụ nữ không nhận ra mình có thai (bởi vì thai sẩy tự nhiên từ khi còn rất sớm, hay còn gọi là thai sinh hóa) lên tới 50%. Tuổi mẹ cao là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ sẩy thai do giảm chất lượng noãn dẫn đến những bất thường về nhiễm sắc thể.

Nguyên nhân sẩy thai liên tiếp các mẹ cần chú ý - ảnh 1

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sẩy thai liên tiếp, trong đó chiếm tỷ lệ lớn nhất là những bất thường về miễn dịch và hormone, tiếp theo là những bất thường về nhiễm sắc thể hoặc bất thường về gen, và cuối cùng là những bất thường về giải phẫu tử cung hoặc sẩy thai không rõ nguyên nhân. Những bất thường này có thể bắt nguồn từ bất thường của noãn, tinh trùng hoặc phôi. Cụ thể:

Nếu sẩy thai <12 tuần, 70% do thai bị rối loạn nhiễm sắc thể, dị tật nặng (hở đốt sống thần kinh) nhiễm trùng, các bệnh lí nội tiết của mẹ. Sẩy thai ≥12 tuần thường do nguyên nhân bất thường tử cung của mẹ, tiền sản giật, sản giật, nhiễm trùng, mẹ bị các bệnh nội tiết: như tiểu đường, suy giáp, lupus… Ngoài ra một số thuốc dùng trước và trong thai kì, mẹ nghiện rượu và thuốc lá cũng có thể dẫn đến tình trạng này.

Liên quan đến bất thường về gen, trong một số trường hợp, bố hoặc mẹ có những bất thường nhỏ trong bộ gen, những bất thường này có thể không ảnh hưởng đến bố mẹ nhưng lại có sự ảnh hưởng lớn đến phôi, thai và có thể dẫn đến sẩy thai.

Những bất thường về hormone và miễn dịch có liên quan đến sẩy thai liên tiếp bao gồm: các bệnh về tuyến giáp, tiểu đường và hội chứng kháng phospholipid. Bất thường về tử cung cũng là một trong những nguyên nhân gây sẩy thai. Sẩy thai trong trường hợp này là do giảm lượng máu cung cấp cho thai hoặc do buồng tử cung dễ viêm nhiễm. Nhiều phụ nữ có bất thường tử cung bẩm sinh, số khác lại bị bất thường về tử cung sau phẫu thuật hay do viêm nhiễm kéo dài.

Ngoài ra, các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai hay nhiễm khuẩn do Listeria, Salmonella, Urealyticu, Mycoplasma hominil, Ureaplasma, virus rubella… cũng gây sẩy thai liên tục.

Tinh trùng bị đứt gãy, dị tật khiến thai nhi ngừng phát triển (thai lưu) hoặc thai bị dị tật phải hút bỏ cũng là nguyên nhân quan trọng mà các gia đình hiếm muộn vô sinh cần quan tâm. Khi làm xét nghiệm tinh dịch đồ, người chồng cần lưu ý kiểm tra thêm Halosperm để kiểm tra xem tinh trùng có bị đứt gãy hay không. Nếu chỉ số đứt gãy của tinh trùng cao, tuyệt đối không nên thụ thai tự nhiên hay làm IUI mà nên sàng lọc phôi để thực hiện IVF.

Tuy nhiên, vẫn có tới hơn một nửa số phụ nữ bị sẩy thai liên tiếp không tìm được nguyên nhân. Và còn có nhiều tranh cãi trong việc điều trị các trường hợp sẩy thai không rõ nguyên nhân này, vì vậy vẫn chưa có những khuyến cáo cụ thể, chính thống trong điều trị. Kết quả điều trị trong những trường hợp này phụ thuộc vào kinh nghiệm của từng bác sĩ cũng như sự quyết tâm thay đổi về tâm lý, lối sống cũng như hoạt động sinh hoạt của từng người bệnh.

Khi không may bị sẩy thai liên tiếp nhiều lần, chị em cần đi xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân, tránh hoang mang, lo lắng và chủ động có biện pháp điều trị cho lần mang thai kế tiếp.

BSCKII Phạm Thúy Nga
(Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản và Nam học, bệnh viện Phụ Sản Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.