Nhớ kỷ niệm theo mẹ ra chợ Tết

CÔNG NGỌC
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cứ mỗi lần Tết đến xuân về là trong lòng tôi cứ lại trở nên bâng khuâng, xao xuyến nhớ những ngày Tết xưa được theo mẹ ra chợ Tết sắm đồ.

Thời ấy, ở quê tôi nhà nào cũng đều khó khăn, vất vả như nhau cả. Người lớn trong làng hầu hết chỉ gắn bó với nghề nông, quần quật quanh năm với ruộng đồng mà còn chẳng đủ cơm ăn áo mặc. 

Đối với lũ trẻ con chúng tôi lúc đó, Tết đến là khoảng thời gian đáng nhớ và tuyệt vời lắm. Bởi lẽ chỉ khi đến Tết thì chúng tôi mới được ăn những bữa cơm thịnh soạn mà không phải lúc nào cũng có và đặc biệt là được theo bố mẹ ra những phiên chợ Tết để sắm những bộ quần áo mới. 

Đến mãi tận bây giờ, tôi vẫn nhớ câu nói của mẹ khi đó: “Đợi mấy hôm nữa nghỉ Tết, mẹ dẫn ra chợ Tết mà sắm áo quần mới”. Câu nói đó đã khiến tôi thổn thức, mong ngóng biết bao ngày đêm. Khi ấy, tôi chỉ mong ngóng từng ngày được nghỉ Tết để theo mẹ đi chợ. Ôi chao! khoảng thời gian vài tuần ấy sao mà nó lâu tới vậy. 

Cuối cùng, ngày mà tôi mong chờ nó cũng đến, mẹ đèo tôi trên chiếc xe đạp cũ tới phiên chợ Tết ngay đầu làng bên. Khung cảnh chợ xuân khi đó chật kín người, tấp nập kẻ bán người mua đông vui náo nhiệt. 

Đầu tiên, tôi theo mẹ vào một cửa hàng bán bánh kẹo, mứt Tết. Trong khi đợi mẹ ngắm nghía xem chọn loại nào thì cô bán hàng đã dúi vào tay tôi một vài chiếc kẹo để giới thiệu sản phẩm. Mua xong bánh, tôi được mẹ dắt tay đến một sạp hàng quần áo trong chợ để chọn một bộ đồ đẹp “diện” Tết.  

Nhớ kỷ niệm theo mẹ ra chợ Tết - ảnh 1
Minh họa sưu tập

Với tôi bước vào sạp hàng quần áo khi đó chẳng khác gì lạc vào “thế giới huyền ảo”, bởi nơi này có biết bao nhiêu là bộ đồ đẹp được in những hình nhân vật hoạt hình mà tôi thích khi đó. 

Sau một hồi ngắm nghía, mẹ mua cho tôi một bộ đồ có hình nhân vật siêu nhân mà tôi rất thích, dù cho áo quần có hơi dài một chút để mặc nhưng tôi cũng chẳng hề thất vọng. Mẹ nói: “Mua đồ rộng một chút còn mặc được lâu!”.

Mua áo quần xong, nếu còn dư chút tiền mẹ sẽ mua thêm cho tôi một đôi giày. Thế là đủ để tôi có thể vênh mặt với đám trẻ con trong xóm. 

Trên đường về nhà, ngồi sau xe mẹ mà tôi cứ ôm khư khư bộ quần áo mới trong tay, tha hồ hít hà mùi hương của bộ đồ mới. Nghĩ đến cái cảnh tượng lũ bạn sẽ phải trầm trồ nhìn bộ đồ mới mà tôi cứ mở miệng cười suốt cả dọc đường. 

Về đến nhà, tôi chạy ngay vào nhà mở tủ cất ngay bộ quần áo vào bên trong một cách ngay ngắn. Lại ngóng từng ngày đến Tết để mở tủ diện đồ đi chơi khắp xóm làng. 

Với tôi ngày đó, Tết không chỉ là được mặc những bộ quần áo mới để đi chơi mà còn là thời điểm thoải mái thưởng thức những thứ quà bánh mà chỉ dịp này mới có. Nhà nào cũng bày biện những hộp bánh, chiếc kẹo, hộp mứt… lũ trẻ con chúng tôi khi ấy khoái chí lắm, đứa nào cũng nhét đầy trong túi quần những sợi mứt, hạt dưa nhai tóp tép. 

Ngày Tết khi đó, bọn trẻ chúng tôi khoái nhất là những lúc được người lớn mừng tuổi bằng những bao lì xì đỏ chót. Tuy số tiền lì xì không nhiều nhưng chúng tôi đều nâng niu, gìn giữ như gia tài nhỏ của mình vậy.

Mãi đến sau này, khi đã có gia đình, tôi tình cờ tìm thấy một chiếc bao lì xì đỏ ngày xưa với hình ông thần Tài, cảm giác ký ức Tết xưa ấy lại ùa về với biết bao kỷ niệm. Hương vị Tết cổ truyền thời thơ ấu ấy mãi theo tôi đi suốt cuộc đời, để tôi theo nếp mẹ nối dài hương vị Tết đến con, cháu mình.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.