Những đồng vốn mát tay

Mai Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Từ những đồng vốn được đến đúng lúc, kịp thời của báo Phụ nữ Thủ đô, các chị em phụ nữ đã nhanh chóng xây dựng, phát triển kinh tế, đem lại đời sống mới, mùa Xuân mới cho gia đình mình…

“Chúng tôi đã chuẩn bị đủ tiền, sẵn sàng để trả!”

Chị Bích Thủy (hội viên phụ nữ Chi hội 1, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) là một trong 10 hội viên phụ nữ của quận Thanh Xuân được nhận hỗ trợ 100 triệu đồng (10 triệu/người) không lấy lãi trong 1 năm 2022. Đây là hoạt động thường niên do Báo Phụ nữ Thủ đô phối hợp với công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit thực hiện, quay vòng hàng năm đến với hội viên phụ nữ nghèo của các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội.

Với gia đình chị Thủy, đồng vốn của Báo Phụ nữ Thủ đô đến rất đúng lúc và kịp thời. Trước đây, hai vợ chồng chị vốn làm nghề tự do, thu nhập không ổn định. Đã vậy, dịch bệnh Covid-19 ập đến khiến gia đình không biết xoay xở thế nào để có đồng ra, đồng vào. Đúng lúc này, qua rà soát, Hội LHPN phường Khương Đình đã lựa chọn gia đình chị Thủy nhận vốn vay không tính lãi của Báo Phụ nữ Thủ đô.

Đồng vốn được vợ chồng chị Thủy kinh doanh ăn uống online, sau đó khi tình hình dịch bệnh hết căng thẳng, hai vợ chồng bảo nhau chuyển sang làm nghề nhôm kính. Một năm vất vả, nhưng luôn có nhau, và có đồng vốn của Báo Phụ nữ Thủ đô đồng hành, đến giờ, chị Thủy đã có thể cười tươi mà khẳng định: “Vợ chồng tôi đã chuẩn bị đủ tiền, sẵn sàng trả lại để Báo mang đến giúp những gia đình khó khăn hơn!”.

Những đồng vốn mát tay - ảnh 1
Chị Hòa bận rộn sắp xếp hàng hóa

Cố gắng vay mượn được tiền để mua chiếc xe ôtô cho chồng làm nghề lái taxi với hy vọng cải thiện đời sống gia đình, nhưng chị Đinh Thị Thu Hòa (hội viên phụ nữ Chi hội 6, phường Khương Đình) cũng không thể ngờ dịch bệnh lại đến và làm thay đổi hẳn dự định ấy. Trong lúc loay hoay xoay sở tìm công việc, chị được Hội LHPN phường Khương Đình lựa chọn để đề xuất nhận vốn vay không tính lãi của Báo Phụ nữ Thủ đô.

Có được nguồn vốn, người phụ nữ không may bị tật ở đầu gối nhưng bù lại rất khéo tay đã mạnh dạn mua sắm đồ nghề về nhà và móc, đan dép bằng sợi để bán. Mỗi đôi dép có giá khoảng 300 nghìn đồng, bền, nhẹ, đẹp, nên bán rất chạy.

Chị Hòa nhanh nhạy mang sản phẩm lên mạng để bán. Đơn hàng càng nhiều, chồng chị cũng xúm vào hỗ trợ vợ. Đời sống kinh tế gia đình nhờ đó mà phần nào ổn định, giúp chị Hòa có thêm thời gian tham gia hoạt động Hội. Khi Hội LHPN quận kêu gọi thu gom áo dài để tặng phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, chị Hòa đã nhận nhiệm vụ phân loại, là lượt, đóng gói sạch sẽ những tấm áo dài.  

Mong những nguồn vốn sẽ đến với nhiều phụ nữ nghèo

Bà Vũ Thị Thanh Thúy, Chủ tịch Hội LHPN phường Khương Đình tâm sự, “phụ nữ Khương Đình có rất nhiều chị em trẻ và năng động, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên không thể phát huy hết khả năng của mình. Nhờ có đồng vốn của Báo Phụ nữ Thủ đô, chị em đã mạnh dạn sử dụng để phát triển kinh tế gia đình”. Có thể kể đến chị Đào Khánh Nhung (hội viên phụ nữ Chi hội 5, phường Khương Đình). Dịch bệnh khiến hai vợ chồng không thể tiếp tục công việc tự do, nên chị Nhung chủ động đến học tại lớp kinh doanh online do Hội LHPN phường tổ chức.

Có kiến thức, chị Nhung càng nung nấu ý định kinh doanh nhỏ. Lại gặp đúng lúc được nhận vốn vay của Báo, chị Nhung bắt đầu mon men bước vào nghề bán hàng ăn. Ban đầu, chị bán gà ủ muối hoa tiêu, dưa cà, bánh trái… Hội LHPN phường cũng giúp đỡ chị để có nhiều đơn hàng hơn. Sau thời gian đầu bỡ ngỡ, giờ đây chị Nhung đã mở được một cửa hàng ăn uống nhỏ, và nhắc đến những đồng vốn nghĩa tình của Báo Phụ nữ Thủ đô, chị không khỏi xúc động trong lòng: “Đó thực sự là một cái duyên!”.

Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Xuân Đinh Thị Bích Hạnh cho hay, Quận Hội cùng Hội LHPN phường thường xuyên kiểm tra giám sát, đôn đốc việc sử dụng đồng vốn vay của 10 hộ gia đình đúng mục đích, hiệu quả. “Không chỉ đôn đốc, chúng tôi còn động viên hỏi han xem chị em vướng mắc ở đâu. Có chị bảo lần này bán hơi chậm, chúng tôi lại giúp quảng bá sản phẩm lên nhóm zalo, facebook của phụ nữ các phường. Đôi khi chúng tôi còn là những nhà tư vấn, góp ý về mẫu mã để chị em thay đổi thiết kế sao cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng”.  

Những đồng vốn mát tay - ảnh 2
Chị Nhung bên cửa hàng bán đồ ăn uống của mình

Năm 2022 là năm thứ 8 liên tiếp, Báo Phụ nữ Thủ đô phối hợp với công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit thực hiện chương trình cho phụ nữ nghèo vay vốn không lấy lãi. Để có được nguồn vốn vay không tính lãi cho phụ nữ nghèo, Báo Phụ nữ Thủ đô với sự đồng hành của công ty tài chính Home Credit - doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam với sứ mệnh “Nhà cho vay có trách nhiệm” không chỉ thấu hiểu nhu cầu, mang lại sản phẩm đa dạng cho khách hàng với sự minh bạch và trách nhiệm cao nhất mà phương châm hoạt động của Home Credit là người dân phải được nâng tầm hiểu biết về kiến thức tài chính, tiếp cận và làm quen với mô hình vay tiêu dùng gói nhỏ.

Theo bà Lê Thị Hồng Minh, Phó Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô, 36 năm xây dựng, phát triển, Báo Phụ nữ Thủ đô không chỉ làm tốt vai trò là người bạn đồng hành, tin cậy của chị em phụ nữ trong hoạt động thông tin tuyên truyền, bám sát các nhiệm vụ chính trị của thành phố, Hội LHPN thành phố Hà Nội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em.

Là cơ quan ngôn luận của Hội LHPN Hà Nội, trong những năm qua, Quỹ Vì phụ nữ trẻ em hoạn nạn của Báo Phụ nữ Thủ đô còn tích cực hưởng ứng các hoạt động an sinh xã hội như “đền ơn đáp nghĩa”, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, xây nhà tình nghĩa, Mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung sức hỗ trợ cho phụ nữ nghèo vay vốn, cải thiện đời sống, thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách; xây thư viện xanh, sân chơi cộng đồng, tặng học bổng cho học sinh nghèo…

Năm 2023, Báo Phụ nữ Thủ đô vẫn sẽ tiếp tục truyền thống tương thân tương ái, gây dựng Quỹ “Vì phụ nữ và trẻ em hoạn nạn”, kêu gọi các nhà tài trợ cùng đồng hành để hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hơn các trường hợp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.