Những hoạt động thu hút hội viên hiệu quả của phụ nữ Thủ đô
(PNTĐ) - Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, các cấp Hội Phụ nữ đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đồng thời tổ chức sinh hoạt Hội phù hợp nguyện vọng, nhu cầu của các tầng lớp phụ nữ… Qua đó, góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả trong nhiệm kỳ mới.
Thu hút hội viên phụ nữ với nhiều hoạt động thiết thực
Là một trong những cơ sở Hội tiêu biểu trong việc tập hợp thu hút hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt, Hội LHPN phường Gia Thụy, quận Long Biên đã có nhiều giải pháp và việc làm cụ thể để nâng cao tỷ lệ hội viên tham gia. Đồng chí Nguyễn Thu Hoài, Chủ tịch Hội LHPN phường Gia Thụy cho biết: Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng Hội PN không “bỏ cuộc” mà đã tổ chức và triển khai nhiều hoạt động thiết thực, sôi động để gắn kết chị em phụ nữ. Có thể kể đến các cuộc thi như: Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về phòng chống bạo lực và xâm hại phụ nữ, trẻ em"; “Tìm hiểu pháp luật về Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND” trên trang fanpage “Hội LHPN thành phố Hà Nội”; Cuộc thi vẽ tranh "Gia đình an toàn trước thiên tai và biến đổi khí hậu"; "Tìm hiểu pháp luật trong phòng chống dịch Covid-19"... Ngoài ra, Hội PN còn thành lập, nhân rộng mô hình các câu lạc bộ như: CLB “Xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc”, “Khiêu vũ thể thao”, “Phụ nữ duyên dáng”, “Truyên truyền pháp luật” thu hút hàng trăm cán bộ, hội viên tích cực tham gia… các CLB đã tạo sân chơi văn hóa, nâng cao kỹ năng biểu diễn cho cán bộ, hội viên, gắn kết đội ngũ cán bộ, hội viên phụ nữ trong tổ chức Hội. Tính đến nay, Hội PN phường Gia Thụy đã có 13 chi hội, 26 tổ phụ nữ và hơn 1.500 hội viên tham gia.

Với Hội LHPN quận Hoàn Kiếm, Hội PN đã xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu phát triển hội viên đến từng chi, tổ Hội. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về mọi mặt cho chị em, nhất là Nghị quyết Đại hội Phụ nữ các cấp và Điều lệ Hội, pháp luật về giới, vị trí vai trò của phụ nữ trong gia đình. Hội Phụ nữ đã tập trung chỉ đạo các chi hội tổ chức sinh hoạt hội viên vào các đợt như: Kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày sinh nhật Bác 19/5… 100% các chi hội đảm bảo sinh hoạt, tỷ lệ thu hút hội viên tham gia trên 80%.
Thu hút hội viên tham gia sinh hoạt bằng cách đổi mới nội dung phương thức hoạt động theo hướng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên đã và đang được Hội LHPN quận Tây Hồ triển khai hiệu quả. Điển hình như phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” được các cấp Hội tích cực triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức như duy trì, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, “Tổ tiết kiểm vay vốn”, mô hình “Tiết kiệm tại chi hội”, “Tổ liên kết sản xuất kinh doanh”... “Hiện nay, toàn quận duy trì 75 tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ tại Ngân hàng chính sách xã hội 181,682 tỷ đồng với gần 3.000 hộ vay. Duy trì mô hình tiết kiệm tại chi hội hàng năm thu hút 85% hội viên tham gia, số tiền huy động được hơn 1,2 tỷ đồng/năm đã hỗ trợ 156 lượt hội viên vay vốn không lấy lãi khởi sự kinh doanh. Không những thế, để tạo cầu nối, sự liên kết giữa các mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn do chị em phụ nữ làm chủ, Quận Hội đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, UBND quận, các phòng, ban chuyên môn... tuyên truyền, tổ chức Hội chợ OCOP, gian trưng bày giới thiệu sản phẩm chè sen Quảng An, bánh tôm Hồ Tây, xôi Phú Thượng… các hoạt động này không chỉ thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ và nhân dân thăm quan, mua sắm mà còn quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng”, Chủ tịch Hội LHPN quận Tây Hồ - Bùi Thị Ngọc Thúy nhấn mạnh.
Còn tại quận Hoàng Mai, việc phân công rõ người, rõ việc là cách mà Hội LHPN quận Hoàng Mai đang triển khai tại các cơ sở Hội đem lại hiệu quả cao trong xây dựng tổ chức Hội. Đồng chí Nguyễn Lệ Hằng, Chủ tịch Hội LHPN quận Hoàng Mai cho biết: Xác định công tác tập hợp, thu hút hội viên, phụ nữ tham gia tổ chức Hội là một nhiệm vụ then chốt trong việc xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh, Hội LHPN quận Hoàng Mai đã bám sát Nghị quyết của Quận ủy và chương trình công tác của Hội cấp trên, bằng sự đổi mới trong phong cách làm việc, Quận Hội đã chủ động cụ thể hóa xây dựng chương trình công tác năm, kế hoạch chi tiết phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm thực hiện hàng tháng. Đồng thời tập trung nâng cao, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự đồng thuận cao của tập thể Ban Chấp hành, các hoạt động hướng mạnh về chi, tổ hội, có tính lan tỏa và đi vào chiều sâu.

Thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, hướng các hoạt động về cơ sở, quan tâm chăm lo đời sống hội viên đã được Hội LHPN các quận huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Hà Đông, Gia Lâm, Phú Xuyên, Ba Vì… triển khai và ngày càng thu hút đông đảo hội viên tham gia sinh hoạt. Chỉ tính riêng trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Phụ nữ TP Hà Nội lần thứ XVII, các cấp Hội đã thu hút thêm gần 9.000 hội viên mới, nâng tổng số hội viên phụ nữ toàn thành phố lên 895.633 hội viên, sinh hoạt ở 749 cơ sở hội, 5.349 chi hội, 13.973 tổ phụ nữ.
Xây dựng “Ngôi nhà chung” của hội viên, phụ nữ
Để tổ chức Hội thực sự trở thành “ngôi nhà chung” của hội viên, đồng thời góp phần tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, trong nhiệm kỳ 2017-2022, các cấp Hội Phụ nữ cả nước có số hội viên phát triển mới tăng cao: tăng 2.182.324 hội viên, vượt gần 2,2 lần so với chỉ tiêu, tỷ lệ hội viên đạt 75,42%; số cơ sở Hội có tỷ lệ tập hợp dưới 50% giảm mạnh: giảm 99,2% số cơ sở (từ 1.037 cơ sở xuống còn 8 cơ sở). Tiêu biểu một số tỉnh như: Tỉnh Đồng Nai, Bạc Liêu và thành phố Đà Nẵng đã tăng tỷ lệ hội viên khá cao so với đầu nhiệm kỳ.
Đồng chí Bùi Thị Hồng, Trưởng ban Tổ chức Hội LHPN Việt Nam cho biết: Cùng với việc thu hút hội viên, để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, Ban Chấp hành ban hành Nghị quyết “Chiến lược phát triển Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035”, là chìa khóa quan trọng định hướng triển khai nhiệm vụ công tác tổ chức trong thời gian tới.

Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn một bộ phận cán bộ chưa bắt kịp với sự phát triển của xã hội, chậm thích ứng với những thay đổi về tổ chức bộ máy. Công tác Hội cơ sở tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn gặp nhiều khó khăn do đặc thù địa lý. Tỷ lệ tập hợp, thu hút hội viên ở một số khu vực còn thấp. Chưa tận dụng, phát huy được hết vai trò, thế mạnh của lực lượng hội viên nòng cốt là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, nữ thanh niên trong công tác Hội. Chính vì vậy, trong nhiệm kỳ 2022-2027, Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ lần thứ XIII đã đề ra chỉ tiêu. Đó là, đến cuối nhiệm kỳ, tăng thêm 800.000 hội viên; phấn đấu 100% cơ sở Hội tập hợp được trên 60% phụ nữ có mặt tại địa bàn. 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản trong công tác Hội; 100% chi hội trưởng được tập huấn nghiệp vụ công tác Hội.
Để thực hiện được chỉ tiêu và nhiệm vụ trên, cán bộ Hội chuyên trách các cấp thực hiện “3 cùng” với chi Hội: “Cùng nghe phụ nữ nói, cùng nói cho phụ nữ hiểu, cùng làm cho phụ nữ theo”. Đồng thời khuyến khích mở rộng các mô hình phù hợp với tình hình thực tế, nhu cầu, sở thích chính đáng của phụ nữ. Ngoài các mô hình theo địa bàn hành chính, các loại hình CLB, tổ, nhóm phụ nữ theo lứa tuổi, sở thích, nghề nghiệp… trực thuộc các cấp Hội được khuyến khích thành lập. Thí điểm xây dựng, nhân rộng và nâng cao chất lượng các mô hình/hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ khuôn mẫu giới, hỗ trợ giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ - trẻ em tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số… để thu hút, tập hợp hội viên. Cùng với đó, các cấp Hội sử dụng hiệu quả các kênh truyền thông trong hệ thống Hội nhằm gia tăng sự tương tác, hưởng ứng tích cực với phụ nữ, ngoài các kênh chính thống, tăng cường thế mạnh của mạng xã hội (zalo, facebook…). Từ đó, thu hút phụ nữ tham gia tổ chức Hội, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.