Những phụ nữ bản lĩnh theo đuổi lĩnh vực STEM

Chia sẻ

Vượt qua định kiến, các chị đã tự tin khẳng định bản thân ở lĩnh vực STEM, đồng thời đạt được nhiều thành tựu nổi bật, trở thành một trong những doanh nhân thành đạt từ khi còn rất trẻ.

Những phụ nữ bản lĩnh theo đuổi lĩnh vực STEM - ảnh 1

Trịnh Thái Hà: Tin tưởng vào tương lai sẽ không còn rào cản với phụ nữ làm khoa học

Trịnh Thái Hà tốt nghiệp Tiến sỹ Khoa học và kỹ thuật vật liệu tại đại học Osaka Prefecture (Nhật Bản). Hiện chị đang giữ chức vụ Giám đốc Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam của Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum), người Sáng lập và Trưởng ban điều hành Mạng lưới Tuổi trẻ hành động vì không khí sạch (YCCA).

Gặp Trịnh Thái Hà, ai cũng cảm nhận được một phong thái uyển chuyển, nữ tính nhưng cũng rất năng động và sáng tạo. Trịnh Thái Hà dễ dàng xóa tan định kiến của xã hội về sự khô khan, cứng nhắc của các nhà nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nữ giới. Theo Trịnh Thái Hà, từ nhỏ, cô đã đam mê và yêu thích Toán học. Với sự tò mò cộng với tư duy logic, cô chọn theo đuổi các môn tự nhiên. “Tôi có nhiều đam mê, đồng thời mong muốn được đóng góp chút công sức của mình trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, hợp tác quốc tế, và bảo vệ môi trường” – Thái Hà cho biết.

Sau 7 năm làm việc, nghiên cứu khoa học trong một trường đại học, Thái Hà chuyển hướng sang quản lý các dự án về ô nhiễm không khí, rác thải và những vấn đề môi trường khác tại các tổ chức phi lợi nhuận với mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho xã hội và cho thế hệ trẻ. Cô đồng thời điều hành các dự án phát triển thanh niên và giáo dục STEM về chủ đề môi trường. Thái Hà chia sẻ, hiện tại những nhà khoa học chân chính ở Việt Nam muốn theo đuổi nghề nghiêm túc đang thực sự gặp rất nhiều thách thức. Về mặt bằng chung, các nhà khoa học Việt Nam vẫn còn thiếu thốn rất nhiều về cơ sở vật chất, về nguồn lực để hỗ trợ họ nghiên cứu cũng như thù lao để họ có thể yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp. Nhiều định kiến và bất bình đẳng giới khiến họ gặp khó khăn khi thực hiện đam mê của mình. “Nhà khoa học nữ cũng như giới nữ nói chung vẫn bị gò bó bởi những chuẩn mực xã hội như công dung ngôn hạnh, giỏi việc nước đảm việc nhà. Làm khoa học phải tiêu hao năng lực, các suy tư trăn trở phải luôn ưu tiên cho công việc nghiên cứu, chiếm rất nhiều công sức và trí tuệ, nên nhiều khi không còn tâm sức để quan tâm nhiều hơn tới những việc khác. Bên cạnh đó, ai có gia đình, làm mẹ còn vất vả hơn, vừa phải làm nghiên cứu vừa phải vun vén việc nhà. Do đó, nhà khoa học nữ phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần để nhận được sự ủng hộ của những người xung quanh và khẳng định bản thân trong giới khoa học” – Thái Hà phân tích. Hiện nay, Trịnh Thái Hà cũng đang thực hiện các talkshows (buổi nói chuyện), dự án khuyến khích nữ giới theo học ngành khoa học kỹ thuật và góp phần nâng cao vai trò, tiếng nói của các nhà khoa học nữ.

Những phụ nữ bản lĩnh theo đuổi lĩnh vực STEM - ảnh 2

CEO công nghệ Đào Lan Hương: Nữ giới là đối tượng tiềm năng của lĩnh vực STEM nói chung và công nghệ thông tin nói riêng

Khởi nghiệp từ những năm 19, 20 tuổi, chị Đào Lan Hương đã gây dựng lên Nexttech - tập đoàn công nghệ có giá trị hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, sau 15 năm bó, chị đã rời bỏ vị trí Phó Chủ tịch tập đoàn để tự đi một con đường mới, khó khăn hơn nhưng chứa đựng rất nhiều đam mê, tâm huyết với thế hệ tương lai của Việt Nam.

Chị Đào Lan Hương cho biết, khi cất công đi tìm các chương trình giảng dạy công nghệ cho trẻ em tại Việt Nam, chị không hề tìm thấy. Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã coi lập trình là một bộ môn bắt buộc từ cấp tiểu học, là nền tảng cơ bản thứ 5: nghe - nói - đọc - viết - lập trình. Điều này sẽ tạo ra khoảng cách năng lực lớn giữa thế hệ tương lai Việt Nam với các bạn đồng trang lứa tại các nước phát triển. Do đó, năm 2016, chị quyết định một mình đi khắp Đông Nam Á, tới từng cơ sở giảng dạy công nghệ cho trẻ em để tham khảo. Chị cũng sang Trung Quốc, để tham quan các triển lãm đổi mới giáo dục, sang Mỹ, Úc nói chuyện với các chuyên gia. Càng tìm hiểu thì sự thôi thúc chị lập ra một học viện công nghệ dành cho trẻ em càng mãnh liệt. Học viện Teky ra mắt cơ sở đầu tiên vào năm 2017 cũng nhờ quyết tâm ấy. “Dự án Teky như một nhân duyên để tôi thực hiện sứ mệnh giúp đỡ thế hệ tương lai, giúp các con trang bị năng lực số, nắm bắt cơ hội, tránh nguy cơ mất việc làm từ robot và trí tuệ nhân tạo trong tương lai” – chị Đào Lan Hương nói.

Sau gần 5 năm phát triển, hiện đang giảng dạy công nghệ cho hàng ngàn học sinh, hợp tác với hàng trăm trường học thông qua mô hình câu lạc bộ công nghệ. Đây cũng là đơn vị lớn nhất Đông Nam Á trong lĩnh vực của mình. Ngoài ra, thương hiệu Teky được đánh giá cao trong khu vực và trên thế giới thông qua rất nhiều thành tựu như: Giải pháp giáo dục công nghệ tốt nhất châu Á, EduTech Asia 2019; Giải thưởng Rice Bowl Đông Nam Á cho Dự án có ảnh hưởng xã hội tốt nhất liên tiếp 3 năm 2017-2018-2019, là 1 trong 16 dự án tiêu biểu về đổi mới giáo dục toàn cầu theo báo cáo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF 2020…

Chị Đào Lan Hương cho rằng, phụ nữ và trẻ em gái là đối tượng tiềm năng của lĩnh vực STEM nói chung và công nghệ thông tin nói riêng. Để nữ giới tham gia vào các lĩnh vực STEM nói chung và công nghệ thông tin nhiều hơn, thời gian tới, rất cần đổi mới truyền thông, thay đổi tư duy cho phụ nữ, các mẹ về tầm quan trọng của công nghệ và định hướng giáo dục STEM cho con cái, đặc biệt là các bé gái; thực hiện các chương trình tư vấn hướng nghiệp, đào tạo STEM và công nghệ làm hành trang vững chắc cho tương lai. Đồng thời, tăng cường truyền thông, xây dựng hình ảnh nữ khởi nghiệp, nữ doanh nhân thế hệ số, góp phần tạo cảm hứng cho nhiều phụ nữ khác tự tin, dám nghĩ, dám làm, xây dựng kinh tế, đóng góp xã hội…

Những phụ nữ bản lĩnh theo đuổi lĩnh vực STEM - ảnh 3

Nguyễn Huyền My: Hãy vượt qua rào cản, tự tin khẳng định mình

Chị Nguyễn Huyền My tốt nghiệp cử nhân Kinh tế phát triển, đại học Kinh tế Quốc dân. Năm 2018, Huyền My gia nhập Viettel với vai trò nhân viên phát triển sản phẩm tại trung tâm Không gian mạng, đơn vị chuyên nghiên cứu và phát triển các giải pháp trên AI và Big Data.

Năm 2019, Huyền My tham gia sáng lập và điều hành SheCodes Vietnam. Tổ chức ra đời thúc đẩy hoạt động truyền lửa cho phái nữ tự tin trong lĩnh vực công nghệ. Qua 3 năm hoạt động, SheCodes thu hút hơn 10.000 thành viên tham gia các lớp học lập trình, hackathon (cuộc thi phát triển phần mềm), các sự kiện định hướng, chia sẻ kiến thức, kỹ năng và mạng lưới quan hệ cho nữ giới. Chương trình truyền cảm hứng và động lực cho nữ giới kiên trì theo đuổi sự nghiệp nhờ công nghệ, thông qua công nghệ để thu hẹp khoảng cách giới.

Huyền My cho biết, cô cũng gặp những rào cản trong việc lãnh đạo và vận hành doanh nghiệp. Trong đó, xây dựng niềm tin là một trong những vấn đề mà nữ giới theo đuổi STEM gặp khó khăn. “Tôi đã từng đối mặt với sự nghi ngờ của đối tác hay nhà đầu tư bởi bản thân còn khá trẻ, lại là phụ nữ làm việc trong ngành công nghệ thông tin – ngành cần nhiều sáng tạo và tư duy logic mà đa phần mọi người cho rằng nam giới sẽ làm tốt hơn. Lúc đó, tôi đã thuyết phục đối tác rằng, mọi ngành nghề đều là phi giới tính, cả nam và nữ đều có khả năng và cơ hội như nhau” – Huyền My nói.

Theo Huyền My, những định kiến về ngoại hình của phụ nữ khi tham gia công nghệ thông tin hay học các ngành nghề về STEM hiện nay vẫn còn phổ biến. Tuy nhiên, các bạn nữ hãy vượt qua rào cản, tự tin khẳng định giá trị đích thực của mình bằng những việc làm, thành quả với công việc và đam mê của mình. “Nhiều người định kiến về ngoại hình của con gái học toán, làm khoa học là đầu to, mắt cận, ăn mặc luộm thuộm do quá bận rộn và không có thời gian chải chuốt. Tuy nhiên, nghề nghiệp không phải là yếu tố quyết định đến ngoại hình của phụ nữ. Bạn hoàn toàn có thể chăm chút cho diện mạo của mình khi bạn là một nhà khoa học, một nữ IT, hay một nhà hoạt động xã hội tuỳ theo sở thích và sự tự do của bản thân” – Huyền My nói. Cô cho rằng, phụ nữ không cần bất cứ sự ưu tiên nào, chỉ cần được đối xử bình đẳng và không chịu bất cứ định kiến giới nào để được phát triển toàn diện.

QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

Muộn màng

Muộn màng

(PNTĐ) - Thay đồ xong, nhìn vào gương, khuôn mặt vui tươi, chị khẽ mỉm cười thì chuông cửa vang lên. Vừa mở cổng ra chị sững sờ bởi trước mặt chị là người chồng đã ly thân gần một năm nay kể từ ngày anh xách va ly đi theo cái mà anh gọi là tiếng gọi tình yêu.
Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

(PNTĐ) - Phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, hướng tới các hoạt động cơ sở, trong quý II/2024, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, cuộc vận động; tích cực hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và tập trung tổ chức, hoàn thành tốt việc thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.