Niềm đau ở lại

Chia sẻ

Hai tháng nay, từ sau khi Khang đi công tác ở Tây Nguyên về, bà để ý thấy thái độ của cả con trai lẫn con dâu đều có vẻ gì là lạ. Sự nhạy cảm của trái tim người mẹ mách bảo rằng có gì đó bất ổn, nhưng là chuyện gì thì bà không sao đoán được.

Không một tiếng bấc tiếng chì, không có sự xáo trộn nào trong nề nếp sinh hoạt. Con dâu vẫn cần mẫn nấu những món sở trường cho chồng, con trai vẫn gật gù thưởng thức. Cuối tuần vợ chồng con cái chúng vẫn đưa nhau về bên ngoại chơi. Chỉ có ánh mắt cụp xuống của cô con dâu trong mỗi bữa cơm chiều khiến bà cứ trăn trở mãi…

***
Ngày Khang đưa Mai về thăm nhà, ban đầu bà chưa ưng lắm. Chẳng phải bà khó khăn kén chọn gì mà bởi Khang cao to vạm vỡ còn Mai thì nhỏ nhắn. Hiểu ý mẹ, Khang ôm vai mẹ cười: “Cô ấy giữ dáng đấy mẹ ạ”. Bà tủm tỉm: “Là mẹ có ý lo cho anh thôi...”. Rồi bà lại tự nhủ: Phụ nữ sinh nở mới vỡ da vỡ thịt, miễn là hai đứa yêu thương nhau thật lòng; con bé người Hà Nội gốc mà không chê thằng Khang dân nhà quê, ấy là con bà có phúc rồi.

Bố Khang làm nghề lái xe tải đường dài. Nghe phong thanh ông ta chung vốn làm ăn và sống như vợ chồng với một bà buôn giàu có mạn Sơn La, họ có với nhau một mụn con gái. Năm khi mười họa ông ta mới đảo về nhà đưa cho vợ chút tiền để trang trải thuốc thang cho bà mẹ già bị căn bệnh thấp khớp hành hạ. Bà cay đắng chịu kiếp chồng chung, chẳng nỡ bỏ lại bà mẹ già ốm đau ở lại trong cô độc. Nhưng sự đời cứ trêu ngươi số phận. Năm thằng Khang học lớp Một thì bố nó và người đàn bà kia bị thiệt mạng khi chiếc xe tải chở ngô bị lật lúc đổ đèo. Bà ở vậy nuôi con. Khang biết thương mẹ nên học hành giỏi giang, tốt nghiệp đại học, có một công việc ổn định, phấn đấu một vị trí vững vàng. Giờ nó lại lấy được cô vợ con nhà tử tế gia giáo. Thế là bà thấy ấm lòng lắm rồi.

Nhưng cưới nhau hơn ba năm mà Mai chưa bầu bí gì. Bà bắt đầu sốt ruột, ý tứ bảo con trai: “Cụ nội chỉ mong có chắt, vợ chồng liệu bảo nhau đi khám xét xem sao”. Khang cười: “Chúng con đi khám rồi, cả hai đều bình thường”. Nghe thì cứ nghe vậy, nhưng bà vẫn lo lắm. Từ quê lên Hà Nội mất gần nửa ngày trời, chả lên được tận nơi, hàng tháng bà lại lóc cóc ra chợ huyện gửi xe khách lên những thang thuốc Bắc cho con dâu và cả chai rượu bổ cho con trai nữa. Mỗi lần vợ chồng nó về quê, bà lại dắt con dâu đến chỗ đền phủ này, thầy lang nọ. Nhưng sao trời vẫn chưa thương.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Bà cụ già hơn chín mươi tuổi, nhiều lần thẽ thọt: “Thằng Khang là độc đinh, chị xem thế nào, nếu vợ nó không đẻ được thì liệu mà đi gửi chỗ khác, mà nếu do nó thì… cho vợ nó đi kiếm, cá vào ao ai người đó được...”. Bà kể lại chuyện ấy cho con trai nghe, Khang phá lên cười: “Bà nội mình có tư tưởng tiến bộ thật đấy”. Nhìn thằng con trai mới ngoài ba mươi mà tóc đã lấm chấm bạc, con dâu thì gầy xanh như tàu lá, lòng bà cứ xót xa.

Ấy thế rồi đùng một cái, Khang gọi điện báo tin Mai đã có thai gần ba tháng. Khỏi nói bà vui mừng thế nào. Bà sắm một mâm cơm thật tươm tất lễ tạ tổ tiên thần phật đã nghe được những lời tấu trình mong mỏi bấy lâu của bà. Rồi bà tất tưởi lên thăm con với lỉnh kỉnh đủ thức đồ quê. Bà ngó nghiêng con dâu, thấy Mai gầy xanh và cái bụng vẫn lép kẹp như thường. Mai bẽn lẽn: “Dạ con không ăn được mẹ ạ”. Bà kể cho Mai nghe chuyện hồi mang bầu Khang, cứ ngửi thấy mùi cơm độn khoai là nôn đến mật xanh mật vàng. Ấy thế mà giờ nó đã to như ông hộ pháp. Rồi chả mấy, bà sẽ được ẵm “thằng Khang con” to tròn như cái cối đá lỗ. Cứ nghĩ đến điều đó mà bà khấp khởi vui như trẻ con được quà…

Bà chỉ ở chơi với con được một tuần. Bà về nhà được vài ngày thì Khang gọi điện bảo đã xin cho Mai nghỉ làm để nằm viện dưỡng thai, nhờ bố mẹ vợ chăm sóc, bà không phải lên nữa. Ơ, sao lại không cho bà lên, bà mong có cháu đến rạc cả lòng thì đâu nề hà gì. Bà gọi điện cho bà thông gia. Nghe bà trình bày xong, bà ấy chỉ nói độc một câu: “Mọi việc cậu Khang đã sắp xếp ổn thỏa, bà cứ nghe theo ý cậu ấy”. Bà thoáng ngỡ ngàng trước thái độ ấy của bà thông gia nhưng đành tự nhủ: Con mình còn nhờ họ chăm chút nhiều, mình cũng chả nên cắn đắn làm gì…

Bà bấm đốt ngón tay mong đến cái cữ “chín tháng mười ngày” của con dâu, mãi mới được bảy tháng. Nhưng bà cụ già đột nhiên cảm mạo, nằm liệt giường gần một tháng thì mất. Ngày đưa tang bà cụ, chỉ có Khang về. Bà nhìn khuôn mặt đen sạm của con mà xót lắm. Con người ta thì chuyện con cái dễ như thả bèo, con bà có được mụn con sao vất vả nổi chìm như thế. Bà săn đón hỏi han tình hình của Mai, Khang cứ ậm ờ. Thấy mẹ có ý dỗi, Khang lại đấu dịu, miệng cười mà mắt thì không có nổi một tia vui: “Bao giờ Mai mẹ tròn con vuông, con gửi cả hai về nhờ mẹ chăm nhé”. Thái độ ấy của con khiến bà vừa tự ái, lại cứ thấp thỏm lo lắng không yên.

Hôm Mai sinh con bà cũng chẳng được lên thăm, vì Khang bảo nhà vừa có tang, hơi lạnh không tốt cho em bé. Rồi nghe đâu con bé bị viêm phế quản, phải nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt, bà có lên cũng không vào thăm được. Mãi qua lễ trăm ngày bà cụ, Khang mới về đón bà lên. Mai vẫn gầy rộc, mắt quầng thâm vì đêm nào cũng phải thức dậy ba bốn lần để pha sữa cho con. Mai bảo do ảnh hưởng của thuốc kháng sinh nên cô mất sữa. Bà chép miệng: “Giá mà lúc con mới sinh, thằng Khang cho mẹ lên luôn thì mẹ dùng mẹo dân gian cho sữa con về, chứ nuôi bộ thế này, vất vả cả mẹ lẫn con”. Con bé Bông ăn sữa ngoài nhưng trộm vía cũng cứng cỏi kháu khỉnh lắm. Con bé giống hệt bố nó, từ cái vành tai cong cong đến cái lông mày gọn như vẽ, giống cả cái nết háu ăn nữa.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Vợ chồng Khang sống nề nếp, chỉn chu, không đùa bỡn tình cảm thái quá trước mặt mẹ, cũng chưa bao giờ cãi vã nhau. Thấy con cái hạnh phúc như vậy, bà mừng thầm. Rồi vài ba năm nữa con bé Bông lớn, chúng sinh thêm cho bà một thằng cháu đích tôn nữa thế là mãn nguyện. Nhưng ở lâu với con, bà nhận ra Mai không còn vẻ mau mắn cười nói như trước nữa, càng ngày càng trầm tính hơn. Không bao giờ bà thấy Mai gắt gỏng chồng con vì vài chuyện lặt vặt như những bà mẹ bỉm sữa khác. Đôi khi trái nắng trở trời, con Bông quấy nhèo nhẹo suốt đêm, chỉ thấy Mai sụt sùi khóc chứ không hề than vãn một câu nào. Bà động viên con dâu: “Trẻ con cứ phải đi học mới sạch sài sạch đẹn, thôi mẹ Bông cố ăn uống lấy sức chăm con”.

Chỉ có một điều khiến bà không thấy ưng lòng, ấy là Mai rất nguyên tắc với con bé. Từ lúc hai tuổi, Bông đã tự xúc ăn như người lớn, ba tuổi đã tự mặc quần áo, xỏ giầy đứng ở cửa đợi mẹ chở đi lớp. Rồi thì giờ nào việc ấy, không có chuyện vừa ăn vừa nghịch đồ chơi, hay vừa tô màu vừa xem ti vi. Chơi xong phải cất dọn đúng chỗ nếu không sẽ bị phạt. Có lần thấy bé Bông vừa lũn cũn thu lượm những tấm thẻ bài xanh đỏ bỏ vào thùng rác vừa thút thít khóc, mà bà thương con bé quá chừng. Bà toan dỗ dành thì Mai nghiêm mặt: “Bà cứ để cháu tự giác chịu phạt. Bé không rèn, mai sau lớn cái gì cũng buông tuồng bừa bãi, không ai đi sau mà gánh hậu quả được”. Đôi lần bà nói chuyện đó với Khang, nhưng con trai bà đều gạt đi. Bà lại im lặng, sợ mang tiếng mẹ chồng nàng dâu. Bà chỉ lựa lúc Mai không có nhà, nhẹ nhàng dặn dò cháu nội: “Bé Bông của bà ngoan, đừng bày bừa đồ chơi, đừng thức khuya hoặc vòi vĩnh bố nữa nhé, mẹ Mai không vui đâu”. Con bé Bông có vẻ sợ mẹ, nên chỉ lúc mẹ không có nhà nó mới được chơi đùa thoải mái. Khang thì có vẻ chiều con hơn, nhưng cũng không dám cưng con trước mặt vợ. Chưa bao giờ bà thấy Khang nói to với vợ một câu, kể cả lúc bà biết nó không vừa ý với cách dạy con của Mai thì vẫn lặng thinh, cùng lắm là tránh mặt bằng cách phóng xe đi. Cứ tưởng hiếm muộn thế thì vợ chồng nó sẽ cưng nựng con, ấy mà lại nguyên tắc quá. Thương cháu, mà sợ mất lòng con, bà chỉ biết im lặng …

***
- Con xin lỗi mẹ, chúng con phải ly hôn…

Giọng Mai run run, mắt chớp chớp nhìn đi chỗ khác. Khang ngồi lặng yên, rít thuốc lá liên tục. Bà nghe như sét đánh ngang tai. Mấy tháng nay, bà đã linh cảm vợ chồng chúng có chuyện gì đó, nhưng nói đến “ly hôn” thì bà chưa bao giờ dám nghĩ tới. Bà gào lên: “Tại sao?”. Nhìn Mai bắt đầu khóc, còn Khang vẫn cúi gằm mặt xuống là bà biết con trai mình phạm tội tày trời rồi. Bấy lâu nay, bà cứ ngỡ chúng hạnh phúc yên ả, mà hóa ra không phải.

- Con xin lỗi mẹ vì đã lừa dối mẹ. Bé Bông không phải do con sinh ra mà là con riêng của anh Khang với cô đồng nghiệp. Giờ thì mẹ đã hiểu tại sao suốt thời gian con nói mình mang thai, rồi khi bé Bông ra đời, anh Khang không cho mẹ lên đây. Khi biết mình bị vô sinh, con đề nghị chia tay nhưng anh Khang bảo còn yêu con nên không muốn ly hôn. Con chấp nhận để anh ấy đi “gửi con” với điều kiện: Tuyệt đối không liên quan tới cô kia nữa. Cô ấy chuyển công tác vào Tây Nguyên rồi lấy chồng. Nhưng cô ấy đã ly hôn sau mấy tháng chung sống. Và anh Khang vì thương cô ấy mà đã phản bội lại cam kết với con. Giờ thì cô ấy sắp sinh một bé trai và đòi có danh phận. Con nghĩ hai người họ có duyên nợ với nhau. Sự hy sinh của con bấy lâu không đủ để giữ anh ấy cho riêng mình. Con chỉ xin mẹ cho con được nuôi bé Bông. Anh Khang sẽ có thêm nhiều đứa con nữa… Còn con, bấy lâu nay đã coi Bông là con mình, con không thể sống thiếu con bé được…

Mai vừa nói vừa nức nở khóc. Mỗi lời nói của con dâu như nhát dao cứa vào lòng bà. Bà không ngờ thằng con trai mình lại tệ như thế. Giờ bà mới thấy cái việc đi “gửi con” chẳng đơn giản như ý nghĩ của bà cụ nội. Nó kéo theo biết bao nhiêu bi kịch. Thế kỷ hai mốt, đàn ông không còn quyền tự do năm thê bảy thiếp nữa, nhưng tính ích kỷ tham lam dường như là truyền kiếp. Yêu thương gắn bó với vợ nhưng vẫn muốn có con bên ngoài, có một lại muốn có hai. Giờ mà cố tình giữ bé Bông lại thì cũng tội cho Mai, mà cho con bé theo mẹ thì bà không yên lòng. Đàn bà có thể dễ thứ tha, nhưng lại rất khó quên, cứ ghim vào lòng những nhẫn tâm mà người chồng trót gieo rắc. Biết đâu chỉ vì còn một tia hận thù với Khang mà Mai có thể trút lên đầu bé Bông mọi sự tổn thương của mình. Con bé thì vốn sợ Mai thế, liệu nó có thể lớn lên bình thường như những đứa trẻ khác được không? Con người không giống cái cây, đâu phải chỉ cần tưới tắm là ra hoa kết trái được. Cứ ngỡ bấy lâu mẹ con sum họp, bà được hưởng hạnh phúc tuổi già bên con cháu, mà đâu ngờ sự đời lại lắm nỗi éo le như vậy?

- Anh Khang, anh nói gì đi chứ! Bấy lâu anh giấu mẹ, giờ thì tan đàn xẻ nghé thế này. Anh có đón cô kia về tôi cũng chỉ nhận cháu. Tôi vẫn chỉ coi cái Mai là con dâu. Tôi không thể sống xa con bé Bông được.

- Con xin lỗi, tất cả là tại con, con phải là người ra đi. Xin mẹ hãy ở lại với mẹ con Mai - Khang bật khóc rưng rức như một đứa trẻ - Ngàn lần xin lỗi em… Tại anh ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho mình. Giờ sự tình đã như vậy, tất cả trông chờ vào lòng bao dung của em. Bất cứ khi nào em và con cần, anh sẽ trở về…

Đêm sắp tàn mà như vẫn còn dài vô tận. Bé Bông ngủ mơ cười khanh khách. Ba người lớn ủ rũ, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ, chẳng còn đủ sức để trách móc hay thanh minh nữa. Trời tang tảng sáng, Khang uể oải xếp quần áo của mình vào va ly, nhấn máy gọi taxi. Khi chiếc xe vừa đỗ xịch trước cửa thì trời bất chợt nổi cơn dông gió. Một tiếng sấm lớn khiến bé Bông giật mình kêu thét lên: “Bố Khang ơi!”. Mai vào phòng dỗ con. Bà ngồi thẫn thờ nhìn theo bóng Khang nhòe nhoẹt khuất sau cửa. Chiếc xe lao đi trong màn mưa trắng xóa…

TẠ THỊ THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.