Nữ hiệu trưởng tận tụy và không ngừng đổi mới

PHẠM THỊ HINH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cô giáo Nguyễn Thị Phi Nga, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Phú (Sơn Tây) là tấm gương sáng truyền cảm hứng tích cực cho mọi người xung quanh. Cô luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với nghề nghiệp, tận tụy trong công việc, nhiệt tình với đồng nghiệp, thân thiện, gần gũi, chia sẻ cùng phụ huynh học sinh và nhân dân. Trong 5 năm trở lại đây, cô đã không ngừng đổi mới và phát huy sự năng động, sáng tạo trong công tác quản lý để nâng cao kết quả giáo dục toàn diện của nhà trường..

Tận tụy với nghề

Năm học 2020-2021, 2021-2022 là năm học toàn  ngành Giáo dục và nhà trường phải thực hiện nhiệm vụ kép “Vừa dạy học vừa phòng chống dịch Covid”, thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19... đầy thách thức. Là Hiệu trưởng, cô Nga luôn cố gắng, tích cực và sáng tạo trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ mang lại hiệu quả đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 và công tác giáo dục. Cô đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động mọi người thực hiện tốt các phong trào thi đua “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; phong trào xây dựng “Nhà trường văn hóa – Nhà giáo mẫu mực – Học sinh thanh lịch”,  xây dựng “Xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích”... để mang lại luồng gió mới xua tan bóng đen u ám của dịch bệnh.

Nữ hiệu trưởng tận tụy và không ngừng đổi mới - ảnh 1
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Phi Nga

Các hoạt động chuyên môn nói chung và việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 được cô cùng nhà trường quan tâm và thực hiện tốt. Tích cực tổ chức các cuộc thi Violympic Toán, Tiếng Anh IOE, “Trạng nguyên nhỏ tuổi”, Tiếng Anh “Speeling Bee Contest 2021”… cùng các sân chơi trí tuệ như “Rung chuông vàng”, “Ngược dòng lịch sử”, sinh hoạt Câu lạc bộ Tiếng Anh… nhằm khuyến khích bồi dưỡng học sinh giỏi, nâng cao chất lượng học sinh đại trà, giảm tỷ lệ học sinh học yếu. Chất lượng giáo dục của nhà trường được nâng lên, trường có nhiều học sinh giỏi đạt giải trong các cuộc thi quốc tế, quốc gia…

Bên cạnh việc chuyên môn, hàng năm, cô Nga cùng cán bộ giáo viên, nhân viên tích cực tham gia cuộc vận động “Hỗ trợ giáo dục  miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn”, phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”. Cô khuyến khích giáo viên các tổ hỗ trợ nhau trong chuyên môn, xây dựng các nhóm “Nhà giáo cùng nhau phát triển”, động viên giáo viên lớp 1 tham gia cuộc thi: “Gặp gỡ giáo viên lớp 1” để nâng cao chất lượng toàn diện. Bản thân cô đã được vinh dự chọn tham gia tọa đàm “Đồng hành cùng giáo viên lớp 1” do Công đoàn Giáo dục  Việt Nam  tổ chức. Năm 2020, trường  Tiểu học Trần phú vinh dự được Sở GD & ĐT Hà Nội tặng giấy khen “Có thành tích trong 5 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng “Nhà trường văn hóa – Nhà giáo mẫu mực – Học sinh thanh lịch” ngành GD & ĐT Hà Nội giai đoạn 2015-2020”.

Cô Nga luôn gần gũi hỗ trợ đồng nghiệp trong công tác, đời sống cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ; có những giải pháp phù hợp giúp đỡ nhau. Cô tuyên truyền, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo, tâm huyết nghề nghiệp tới đồng nghiệp, tôn trọng sự sáng tạo và nỗ lực của giáo viên. Trong các buổi chào cờ, chuyên đề ngoại khóa, cô đều dành thời gian trò chuyện, khéo léo khơi gợi tiềm năng, nỗ lực của học sinh để từ đấy các em có những cố gắng, phát huy năng lực riêng của bản thân, không ngừng vươn lên trong học tập, rèn luyện và hoạt động ngoại khóa.

Nữ hiệu trưởng tận tụy và không ngừng đổi mới - ảnh 2
Cô Hiệu trưởng Phi Nga chúc mừng học sinh đạt giải một cuộc thi tiếng Anh

Không ngừng sáng tạo, đổi mới 

Là một hiệu trưởng tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, cô Nguyễn Thị Phi Nga luôn nhận thức rõ sự cần thiết của việc tích cực đổi mới, sáng tạo, xây dựng các mô hình thi đua trong trường học nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt và học tập cho học sinh. Bên cạnh việc tổ chức và duy trì các hoạt động chuyên môn, cô đã xây dựng các mô hình và phong trào thi đua đổi mới sáng tạo mà phong trào xây dựng “Trường lớp xanh – sạch – đẹp – an toàn”, mô hình “Nhà vệ sinh thân thiện”, mô hình “Thư viện thân thiện – Thư viện xanh”. Việc phát động phong trào  xây dựng “Trường lớp xanh - sạch - đẹp - an toàn” đã góp phần tạo môi trường học tập, sinh hoạt và vui chơi, an toàn đối với các em học sinh, giúp các em càng thêm yêu quý trường lớp, thầy cô, bạn bè, từ đó, giáo dục học sinh ý thức, thói quen giữ gìn và bảo vệ môi trường. Tại trường tiểu học Trần Phú, thị xã Sơn Tây, khuôn viên nhà trường được tận dụng tối đa để quy hoạch bồn hoa, cây cảnh, cây bóng mát. Các cô giáo, học sinh đã trồng và chăm sóc các bồn hoa, cây xanh làm thành công trình măng non của lớp và chi đội. Lớp học có lọ hoa, cây xanh làm xanh hóa phòng học. Phong trào xây dựng “Trường lớp xanh - sạch - đẹp – an toàn” đã giúp cho hệ thống cây xanh, bồn hoa của nhà trường luôn được bảo vệ, chăm sóc xanh tốt, tạo nên khuôn viên nhà trường mát mẻ, xanh, sạch, đẹp; đảm bảo an toàn cho các em học sinh, đem lại sự thư giãn sau giờ học.

Một trong những điểm nổi bật của trường tiểu học Trần Phú là thực hiện hiệu quả và duy trì mô hình "Nhà Vệ sinh thân thiện" phục vụ các em học sinh. Trường được đầu tư xây khu nhà vệ sinh học sinh với 8 phòng (4 phòng nam, 4 phòng nữ), diện tích gần 200m2, khang trang, sạch sẽ được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn và được lắp đặt các thiết bị hoàn chỉnh như bồn cầu, hệ thống vách ngăn khép kín, hệ thống vòi nước, chậu rửa tay, có xà phòng rửa tay để các em rửa tay, rửa mặt trước và sau khi ăn; khi ngủ dậy hoặc sau khi đi vệ sinh. Nhà trường đã lắp đặt hệ thống loa và mở nhạc tự động để thư giãn và nhắc nhở các con cách giữ vệ sinh; có bảng nội quy, trang trí thêm cây xanh để tạo không gian mát mẻ, đẹp mắt, gần gũi thiên nhiên. Từ đó, giáo dục tuyên truyền để các con cùng nhau giữ gìn và sử dụng hiệu quả công trình này. Tất cả đều có dấu ấn sự tâm huyết của người lãnh đạo là cô Nga đã luôn quan tâm, sâu sát. 

Đặc biệt, cô Nga đã đổi mới công tác thư viện trường học, thực hiện triển khai mô hình “Thư viện thân thiện – Thư viện xanh” cho học sinh. Trường đã đầu tư cơ sở vật chất, trang trí đẹp mắt phòng thư viện; tạo các không gian xanh đọc sách ở các hành lang lớp học, giúp học sinh có thể đọc được ở nhiều vị trí thuận lợi ngoài phòng thư viện. Cô cho tổ chức các hoạt động khuyến khích đọc sách và phát triển văn hóa đọc cho học sinh thực hiện thi đua theo tháng như: Đọc sách, truyện, báo vào 15 phút đầu giờ;  phát động đọc sách và quyên góp sách, hưởng ứng phong trào “Góp một cuốn sách nhỏ - đọc ngàn cuốn sách hay”; tổ chức kể chuyện sách tại lớp, viết cảm nghĩ về cuốn sách mà em đã đọc;  lồng ghép định hướng đọc sách theo chủ điểm tháng vào trò chơi học tập ở môn tiếng Việt… Nhà trường tổ chức nhiều buổi tuyên truyền giới thiệu sách, thi vẽ tranh… kết hợp với các hình thức văn nghệ như: Hát múa, kể chuyện, đóng vai theo hình thức sân khấu hóa, câu đố… để thu hút học sinh theo mô hình Câu lạc bộ văn học -nghệ thuật. Ngoài ra, cô còn phát động hội thi: “Chúng em kể chuyện Bác Hồ năm học 2020-2021” để hưởng ứng phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách hồ Chí Minh. Hình ảnh các em say sưa kể chuyện và quay clip tham gia hội thi đã tạo được sự lan tỏa rộng khắp trong nhà trường và các địa phương lân cận, thu hút cả phụ huynh và anh chị em của học sinh hưởng ứng, tham gia, cổ vũ. Các hoạt động phong  phú, sáng tạo về cả hình thức và nội dung trên đã  tạo nên hứng thú thôi thúc  học sinh tới thư viện đọc sách để từ đó, các em tự giác, tích cực học và làm theo điều hay trong sách. 

Nữ hiệu trưởng tận tụy và không ngừng đổi mới - ảnh 3

Với việc tích cực xây dựng các mô hình thi đua sáng tạo, sự vào cuộc nhiệt tình của cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh, trường tiểu học Trần Phú đã có khuôn viên xanh mát, sạch sẽ, an toàn. Nhà vệ sinh thân thiện đã góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt của học sinh tại trường. Các em không còn nỗi ám ảnh sợ nhà vệ sinh trường học. Thư viện thân thiện và thư viện xanh của trường giúp các em học sinh tiếp cận sách truyện dễ dàng thuận lợi, các em có thêm được nhiều kiến thức bổ trợ cho việc học tập, giúp thư giãn sau giờ học, biết vận dụng kiến thức vào cuộc sống và hạn chế được những hoạt động không lành mạnh tuổi học đường như chơi game, đánh nhau, ứng xử thiếu văn hóa. Nhờ đó, phong trào đọc sách đi vào nề nếp, chất lượng học tập được nâng cao.

Cô Nguyễn Thị Phi Nga còn có nhiều sáng kiến đổi mới, với những giải pháp cụ thể được áp dụng, nâng cao hiệu quả hoạt động toàn diện của đơn vị như: Đề tài “Biện pháp quản lý giáo dục đạo đức truyền thống cho học sinh thông qua các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở trường tiểu học.”, đề tài: “Biện pháp quản lý phát triển văn hóa đọc cho học sinh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở trường tiểu học” được Sở Khoa học và Công nghệ thành phố công nhận đạt SKKN cấp Thành phố; đề tài: “Biện pháp quản lý văn hóa đọc nhằm xây dựng ý thức “Học tập suốt đời” cho học sinh ở trường tiểu học” đạt loại A cấp Thị xã. 

Điều đáng nói là, bên cạnh việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Phi Nga còn tích cực trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện ở Sơn Tây và nhiều địa phương để sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh, động viên những người gặp hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống bằng cách tự mình nêu gương và vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nhà trường chung tay, góp sức.

Với sự phấn đấu không ngừng, có tinh thần trách nhiệm cao trong công  việc, trong giai đoạn 2015-2020, cô Nga được vinh dự đón nhận nhiều phần thưởng cao quý như: Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng 3 Bằng khen về công tác Đội và phong trào thanh thiếu nhi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tặng bằng khen Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ . Năm học 2020-2021, cô giáo Nguyễn Thị Phi Nga được UBND thị xã Sơn Tây tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở”, tặng giấy khen có thành tích xuất sắc trong giai đoạn 2015-2020; được nhận Bằng khen Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2 năm liền 2019-2020, 2020-2021 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.