Phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

Bài và ảnh: Thanh Thanh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thời gian qua, các phong trào thi đua, cuộc vận động đã được Hội Phụ nữ các cấp triển khai thực hiện hiệu quả, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, thu hút đông đảo hội viên và các tầng lớp phụ nữ tham gia. Từ đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên phụ nữ và nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

Tích cực hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế 

Gia Lâm là huyện có nhiều tuyến giao thông huyết mạch chạy qua, nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng có lịch sử lâu đời như: Gốm xã Bát Tràng, xã Kim Lan; may da, dát vàng quỳ xã Kiêu Kỵ; thuốc Nam thuốc Bắc, xã Ninh Hiệp; làng nghề hoa giấy Phù Đổng; vùng rau an toàn Văn Đức, Đặng Xá; vùng cây ăn quả Kim Sơn, Lệ Chi, Cổ Bi…

Bà Thạch Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm cho biết: Năm 2018, Gia Lâm được công nhận là huyện nông thôn mới, các xã của huyện đang tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với hoàn thiện các tiêu chí để huyện trở thành quận, xã trở thành phường trong giai đoạn 2020-2025.

Với vai trò, trách nhiệm của mình, những năm qua các cấp Hội Phụ nữ của huyện đã tập trung triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao và đô thị văn minh.

Để giúp chị em có nguồn vốn ưu đãi, Hội PN đã hỗ trợ và kết nối với nguồn vốn ưu đãi từ các Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Bản Việt, Liên Việt… ; hỗ trợ tư vấn pháp lý đăng ký các thương hiệu sản phẩm; kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đối với một số mô hình như: Mô hình trồng rau thủy canh của gia đình bà Đặng Thị Phác (xã Đa Tốn); mô hình nuôi nấm Linh Chi, nấm Đông Trùng Hạ Thảo của gia đình chị Vũ Thị Thập (xã Phú Thị); mô hình trồng dưa Bạch Ngọc, dưa lê siêu ngọt hữu cơ tại xã Đặng Xá, xã Yên Thường; mô hình trồng súp lơ vàng, su hào tím tại vùng rau an toàn xã Văn Đức.

Đặc biệt mới đây vào đầu năm 2022, Huyện Hội cũng đã hỗ trợ vay vốn, hoàn thiện hồ sơ để thành lập Hợp tác xã (HTX) Dược liệu Phú Thị, HTX gồm 7 thành viên, trong đó có 3 thành viên là phụ nữ. HTX hiện đang sử dụng trên 10.000m2 đất sản xuất nông nghiệp để trồng sả, chanh, bồ kết làm nguyên liệu chế biến các sản phẩm: Dầu gội thảo dược, trà thảo dược, nước rửa chén thảo dược. Các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu này được bày bán tại các siêu thị trong toàn Thành phố. 

Phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới nâng cao - ảnh 1
Các đại biểu thăm quan mô hình sản xuất gốm tại xã Bát Tràng, huyện  Gia Lâm 

Không những vậy, nhận thấy nhu cầu vui chơi, trải nghiệm về cuộc sống, văn hóa ở nông thôn của người dân thành thị rất lớn, Huyện Hội cũng đã chỉ đạo thực hiện thí điểm mô hình “Vườn đồng kiểu mẫu” tại xã Phù Đổng, kết hợp nông nghiệp với du lịch trải nghiệm vườn đồng, check-in chụp ảnh tại làng nghề hoa giấy Phù Đổng.

Vườn đồng kiểu mẫu là mô hình kết hợp giữa phát triển nông nghiệp trồng trọt với trải nghiệm du lịch nghề nông. Cùng với việc bố trí sắp xếp các khu vực trồng cây cảnh, hoa giấy theo màu sắc, kiểu dáng để khách đến tham quan chụp ảnh check-in, tại mô hình vườn đồng kiểu mẫu, khách tham quan còn được nghe giới thiệu và thực hành kỹ thuật ghép mắt hoa giấy, sau khi ghép mắt, cây được chăm sóc, ghi tên khách thực hiện, sau thời gian ổn định, khách có thể mua cây mang về nhà tự chăm sóc. 

Còn tại huyện Hoài Đức, bà Lê Thị Điểm, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoài Đức cho biết: Huyện có lợi thế là vùng ven bãi sông Đáy và vùng ven đô, là nơi có điều kiện phù hợp về đất đai, khí hậu, vị trí địa lý để phát triển các loại rau, hoa màu, cây ăn quả lâu năm trở thành những vùng sản xuất cây trồng tập trung như: Vùng phật thủ, cam Canh ở xã Đắc Sở, Yên Sở; vùng sản xuất nhãn chín muộn ở xã An Thượng, Đông La, Song Phượng; vùng bưởi đường tại xã Cát Quế, Đông La...

Hàng năm Huyện Hội đều chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với phòng kinh tế, tài nguyên môi trường, các phòng ban liên quan tiến hành tập huấn việc áp dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất an toàn, tập huấn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, hướng dẫn quy trình đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, sản phẩm Ocop…

Đối với những hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, Hội PN huyện chỉ đạo các cơ sở Hội kêu gọi nguồn kinh phí tại chỗ từ các chương trình nuôi lợn nhựa tiết kiệm, biến rác thải thành nguồn quỹ… nhằm hỗ trợ phụ nữ vay vốn không lấy lãi, cử tham gia các lớp học nghề sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao để phát triển kinh tế gia đình.

Phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới nâng cao - ảnh 2
Hội viên phụ nữ huyện Sóc Sơn thực hiện mô hình “Xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ” để phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch

Góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao

Tại huyện Sóc Sơn, bà Phạm Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Sóc Sơn cho biết: Thời gian qua với mong muốn có những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, tận dụng tài nguyên sẵn có từ rơm rạ sau thu hoạch, từ rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, Huyện Hội đã xây dựng Đề án “Phụ nữ Sóc Sơn phân loại, xử lý rác thải hộ gia đình và khởi nghiệp từ rác hữu cơ giai đoạn 2021-2023”.

Theo đó, hàng năm Hội PN đã xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình “Xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ” để triển khai đến 26/26 xã, thị trấn trên địa bàn. Cán bộ hội viên được tuyên truyền, hướng dẫn ký thuật ủ rơm rạ thành phân hữu cơ, phương pháp tạo chế phẩm men vi sinh IMO để xử lý rác hữu cơ thành phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch. 

Không những thế, Hội PN còn tích cực chủ động phối hợp với các phòng kinh tế, trạm bảo vệ thực vật, trung tâm khuyến nông của huyện tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, chuyển giao công nghệ cho hội viên, tổ chức các nghiệm thu, hội nghị đầu bờ để đánh giá quá trình thực hiện, kịp thời rút kinh nghiệm.

Cùng với đó, Hội đã xây dựng trang fanpage, nhóm zalo để đăng tải các tin, bài về công tác quản lý an toàn thực phẩm, hướng dẫn kỹ thuật, quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn cho hội viên phụ nữ…

Bằng việc tuyên truyền nâng cao kiến thức, hội viên phụ nữ làm nông nghiệp có điều kiện tham gia chuyển đổi hình thức sản xuất, đổi mới và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp do nữ làm chủ có hiệu quả.

Phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới nâng cao - ảnh 3
Hội viên phụ nữ xã Tiên Dương, huyện Đông Anh sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, nông nghiệp xanh

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết: Hiện nay, khi các địa phương chuyển sang giai đoạn thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao; hoạt động của các cấp Hội cũng đã và đang lựa chọn các nội dung phù hợp để tiếp tục phát huy vai trò trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Trong đó quan tâm đặc biệt đến việc hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao.

Đặc biệt nhiều mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ vừa sáng tạo chuyển đổi sản xuất, vừa bảo tồn các nghề truyền thống; đưa các giá trị văn hóa vào phát triển kinh tế theo hướng bền vững, an toàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái…

Hội đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền phối hợp với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của địa phương. 

Có thể khẳng định, thời gian qua, Hội LHPN các huyện: Gia Lâm, Sóc Sơn, Ba Vì, Đông Anh, Mê Linh, Quốc Oai, Thạch Thất, Hoài Đức…  đã chủ động tích cực triển khai thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, đặc biệt là cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch” do TƯ Hội LHPN Việt Nam, Thành Hội phát động. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. 

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.