Phố Bà Triệu và vị nữ tướng đẹp yêu kiều như nhụy hoa

Thục Nhi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Phố Bà Triệu - Hà Nội, có chiều dài 1.952m, rộng 12m thẳng tắp vắt qua hai quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng là một con phố chính, đẹp, nhộn nhịp người qua lại. Con phố này được mang tên vị anh hùng dân tộc, nữ danh tướng Triệu Quốc Trinh, người được toàn thể quân và dân thời đó tôn xưng là: Nhụy Kiều Tướng Quân (vị nữ tướng có vẻ đẹp yêu kiều như nhụy hoa). Bà dấy binh khi 19 tuổi và anh dũng hy sinh khi đang tuổi 23.

Trong các tài liệu về phố Bà Triệu - Hà Nội đều cho biết đây là con phố lớn, nối liền các thôn, phường cổ của Thăng Long xưa như thôn Thạch Vũ, Thuần Mỹ, Hồi Thuần, Long Hồ, Thái Giao. Nay các địa danh trên sau nhiều thay đổi đã trở thành các tên phố: Hàng Khay - Lý Thường Kiệt, Thợ Nhuộm - Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản - Nguyễn Du, Đại Cồ Việt, Tuệ Tĩnh và Lê Đại Hành.

Từ thời Pháp thuộc, phần đầu từ phố Hàng Khay đến Nguyễn Du mang tên Gia Long, phần từ Nguyễn Du tới Đại Cồ Việt mang tên Lê Lợi. Sau năm 1945 phố Gia Long đổi thành phố Mai Hắc Đế, phố Lê Lợi đổi thành phố Bà Triệu (tức lấy theo tên gọi tắt của bà Triệu Thị Trinh). Thời tạm chiếm chính quyền bù nhìn phục hồi lại phố Mai Hắc Đế là phố Gia Long. Sau năm 1954 hợp nhất hai phố Gia Long và Bà Triệu làm một và lấy tên Bà Triệu làm tên phố mới, tên phố này được giữ tới ngày nay.

Phố Bà Triệu và vị nữ tướng đẹp yêu kiều như nhụy hoa - ảnh 1
Ảnh minh họa

Với khuôn khổ bài viết nhỏ này, chúng ta cùng tìm hiểu về vị nữ anh hùng Triệu Quốc Trinh hay còn gọi là Triệu Thị Trinh, Triệu Trinh Nương, Bà Triệu, một nữ danh tướng trẻ tuổi, được binh lính và nhân dân cùng thời tôn vinh là “Nhụy Kiều tướng quân”.

Theo tài liệu từ Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Bà Triệu sinh ngày 2/10/226 (Bính Ngọ) tại miền núi Quân Yên, Cửu Chân (nay là Yên Thôn, xã Định Tiến, huyện Yên Định, Thanh Hóa). Bà sinh ra trong một gia đình hào trưởng, từ nhỏ đã có chí khí lớn, khi nghe cha hỏi về tương lai, bà rắn rỏi thưa: “Lớn lên con sẽ đi đánh giặc như bà Trưng Trắc - Trưng Nhị”. Triệu Quốc Trinh nổi tiếng xinh đẹp, giỏi võ nghệ, có tướng mạo kỳ lạ, sức khỏe hơn người. 

Tuy dấy binh khởi nghĩa ở tuổi 19 và hy sinh khi mới tròn 23 tuổi nhưng rất nhiều câu truyện truyền thuyết gắn với tên tuổi bà, ví như khi đến tuổi trăng, nhiều người nói rằng: người con gái xinh đẹp thế này hẳn phải làm vợ các quan nhưng bà đã nói: “Tôi muốn cưỡi gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, đâu chịu khom lưng làm tì thiếp cho kẻ nào!”. Trước ách đô hộ ngày càng tàn bạo của quân Ngô bà đã động viên anh trai là Triệu Quốc Đạt, huyện lệnh tại địa phương quyết tâm chiêu mộ binh sĩ, rèn luyện võ nghệ chờ ngày khởi nghĩa. Cũng dịp đó, tại quê hương Triệu Quốc Trinh xuất hiện con voi trắng một ngà dữ tợn tới phá phách, bà Triệu đã dùng mưu dụ nó xuống đầm lầy và thu phục để voi dữ trở thành con vật quý trung thành, dũng mãnh cùng bà xông pha trận mạc.

Anh trai bà sớm anh dũng hy sinh, bà Triệu được toàn thể binh lính bầu làm chủ tướng. Truyền thuyết “đá biết nói” tại quê bà kể rằng: Bà Triệu là nữ tướng nhà Trời giáng phàm nên trong một đêm thanh vắng, từ trên núi Tùng vẳng xuống lời nói linh thiêng: “Có Bà Triệu tướng/ Vâng mệnh trời ta/ Trị voi một ngà/ Dựng cờ mở nước/ Lệnh truyền sau trước/ Theo gót Bà Vương”.

Bà Triệu được toàn quân và toàn dân dốc lòng ủng hộ. Qua những câu thơ còn lưu truyền chúng ta có thể cảm nhận được lòng tin, niềm tự hào vô bờ bến của bà con trong vùng thời đó về bà Triệu, vị nữ tướng ở tuổi đôi mươi: “Ru con, con ngủ cho lành/ Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi/ Muốn coi lên núi mà coi/ Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng/ Túi gấm cho lẫn túi hồng/ Têm trầu cánh phượng cho chồng ra quân”. 

Bà Triệu cùng quân dân Cửu Chân đã khiến quân Ngô bạt vía, chúng truyền nhau rằng: “Vung gươm đánh cọp xem còn dễ/ Đối mặt Vua Bà mới khó sao”. Chính sử Trung Quốc cũng ghi nhận: “Cả Giao Châu đều trấn động”. Trước các trận thắng của Bà Triệu, triều đình nhà Ngô đã phải thay quân - đổi quan: cử Lục Dận (cháu Lục Tốn) sang nước ta. Lục Dận bỏ tiền dụ hàng Bà Triệu và phong bà là Lệ Hải Bà Vương (Nữ Vương xinh đẹp của vùng ven biển) nhưng bà không chấp nhận, chúng tung tin bôi nhọ, nói xấu bà đồng thời mua chuộc cả nhân dân, tướng lĩnh và các quan lại nước ta quanh vùng. Chúng dùng biện pháp bỉ ổi: cho lính cởi trần chuồng khi ra trận đối diện bà…

Cuối cùng, sau nhiều trận chiến oanh liệt, Bà Triệu đã tuẫn tiết trên núi Tùng (“Việt Nam sử lược”- Trần Trọng Kim). Ba anh em họ Lý là tùy tướng của Bà Triệu đã tìm thấy thi thể bà, họ đắp mộ chu toàn rồi cùng tuẫn tiết theo dưới chân núi để giữ trọn lời thề với chủ tướng.

Đã 1769 năm trôi qua hình ảnh người con gái xinh đẹp mặc áo chẽn vàng, đi giày mũi cong thêu chỉ vàng, cưỡi bạch tượng dữ một ngà xông trận đã đi vào những trang sử hào hùng đầy diễm lệ của dân tộc. Như Thượng Tướng - Thái Sư Trần Quang Khải (thời Trần) khi ghé thăm đền Bà Triệu đã xúc động đề thơ: “Tùng sơn nắng quyện mây trời/ Dấu chân bà Triệu rạng ngời sử xanh”.

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.