Quay đều, quay đều những vòng xe...

Chia sẻ

Sau gần 3 thập kỷ tưởng chừng như bị “yếu thế” trước sự phát triển mạnh của các loại phương tiện giao thông hiện đại, xe đạp đã trở lại trên những đường góc phố của Thủ đô và đang tạo thành trào lưu vận động thể thao hữu ích cho các gia đình.

Xe đạp thể thao nâng cao sức khoẻ

Gần 2 năm nay, chị Nguyễn Lan Phương ở phố Hoàng Mai, Hà Nội cùng các đồng nghiệp của mình duy trì hoạt động đạp xe quanh Hồ Tây vào buổi sáng Chủ nhật hàng tuần. Bốn mùa trong năm, dù có những ngày nắng nóng oi bức hay ngày giá lạnh mưa lất phất, các thành viên của nhóm đạp xe đều có mặt khá đầy đủ để hoàn thành những cung đường ven hồ. “Chúng tôi thuộc thế hệ 7X, 8X; đều ở tuổi ngoài 40 đến 50. Từ những năm tháng tuổi thơ đến khi trưởng thành, cuộc sống của chúng tôi gắn liền với chiếc xe đạp đơn sơ, giản dị. Hà Nội những năm 80 của thế kỷ trước là thành phố của xe đạp. Trong ký ức của nhiều thế hệ người Việt Nam, xe đạp không chỉ là phương tiện đi lại mà còn được xem là kỷ vật thân thương gắn liền với một thời gian khó, vất vả; một thời hoa niên lãng mạn, mộng mơ” – chị Nguyễn Lan Phương hoài niệm.

Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, với nhiều ưu thế vượt trội, xe máy rồi ôtô lên ngôi; xe đạp đã từng có một thời gian vắng bóng trong các gia đình. Một nhạc sỹ đã từng gửi gắm sự nuối tiếc này trong lời hát da diết: “Xe đạp ơi đã xa rồi còn đâu”. Thế nhưng, những năm gần đây, khi cuộc sống đã đủ đầy hơn, nhiều người có nhu cầu rèn luyện thể thao nâng cao sức khoẻ thì chiếc xe đạp dần quay trở lại và đang trở thành trào lưu tập luyện tại Hà Nội.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chỉ có điều khác, chiếc xe đạp hiện nay đã được cải tiến, nâng cấp để có kiểu dáng hiện đại, trẻ trung hơn; trọng lượng xe nhẹ hơn, tốc độ di chuyển nhanh hơn cho phép di chuyển trên quãng đường dài, trên nhiều địa hình phức tạp, góp phần tạo sự hứng thú cho người sử dụng. Vì thế, những người đi xe đạp hiện nay dễ đồng cảm và kết nối thành các nhóm, các câu lạc bộ đạp xe; vừa gợi nhớ về những kỷ niệm đẹp của thời thanh niên sôi nổi vừa giúp cơ thể vận động linh hoạt, tinh thần sảng khoái, vui vẻ; phòng ngừa và cải thiện các bệnh không lây nhiễm đặc trưng của cuộc sống hiện đại như xương khớp, tĩnh mạch, thừa cân…

Trong sự tấp nập, đông đúc của Thủ đô, những người đam mê xe đạp vẫn tìm cho mình được những cung đường đẹp, vắng vẻ, yên tĩnh và trong lành để thoả niềm đam mê. Đó là các con đường ven hồ Tây, các phố Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu; trục phố Huế, Hàng Bài dẫn lên hồ Gươm; con đường mới cải tạo, mở rộng có phần đường dành riêng cho xe đạp theo trục Võ Chí Công, cầu Nhật Tân… hay các con đường nội đô trong khu đô thị ở quận Long Biên. Sáng cuối tuần, khi trời vừa tỏ, trên những trục đường này dễ dàng nhận thấy từng đoàn xe đạp nối đuôi nhau vút đi trên đường; người lái tựa như một cua rơ chuyên nghiệp với đầy đủ đồ chuyên dụng như đôi bao tay thể thao, trang phục gọn gàng, khoẻ mạnh; giày chuyên dụng, mũ bảo hiểm… Giống như các môn thể thao quần chúng khác, đạp xe dành cho nhiều lứa tuổi khác nhau. Từ các cháu thiếu niên, thanh niên đến dân văn phòng, công chức, cán bộ hưu trí… đều tìm cho mình được niềm vui từ những vòng xe thân thương.

Một tuần 3 lần, chị Mai Hạnh ở tập thể A2 trên phố Bùi Ngọc Dương, quận Hai Bà Trưng cùng con trai 16 tuổi và con gái 10 tuổi đạp xe quanh Hồ Tây vào các buổi tối. “Tôi không đi xe đạp từ ngày tốt nghiệp đại học nhưng khi các con lớn, biết sử dụng xe đạp là gia đình tôi thường xuyên đi xe đạp cùng nhau mỗi khi rảnh rỗi. Đây là cách vận động phù hợp với trẻ nhỏ, giúp các cháu tiêu hao năng lượng, nâng cao thể lực, hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện tử, trò chơi dễ gây nghiện trên mạng, không tốt cho sức khoẻ và sự phát triển của trẻ nhỏ. Với người lớn, sau một ngày làm việc mệt mỏi, được lững thững đạp xe ven hồ cũng là thú vui để giải toả stress” - chị Mai Hạnh chia sẻ.

Sống chậm với xe đạp

Nếu chạy bộ - môn thể thao quần chúng có nhiều giải thi đấu nghiệp dư được các tỉnh, thành và đơn vị tổ chức khá dày đặc thì đạp xe thể thao lại hiếm có giải thi đấu dành cho dân nghiệp dư. Tuy nhiên, không vì thế mà hoạt động vận động bằng xe đạp lại không sôi nổi. Trái lại, đi xe đạp đã và đang trở thành trào lưu thịnh hành. Tuỳ vào điều kiện kinh tế, mỗi người tự trang bị cho mình loại xe đạp phù hợp. Song, dù là xe đắt tiền hay ở phân khúc tầm trung, xe bãi nhập khẩu thì những cua rơ nghiệp dư trên “ngựa sắt” đều là những người ưa thích sự vận động, rèn luyện thể thao. Từ những nhóm đồng nghiệp hay nhóm gia đình, nhiều người đã kết nối với nhau thành các hội nhóm, câu lạc bộ, chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu, tổ chức các chuyến đi du lịch dã ngoại tại các huyện ngoại thành… Những hoạt động này được các cua rơ nghiệp dư gọi là “phượt xe đạp”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tại Hà Nội, có hơn 10 cung đường, điểm đến thường được các cua rơ nghiệp dư lựa chọn để phượt xe đạp. Đó là các di tích danh thắng, các điểm du lịch nổi tiếng ở vùng ven đô hoặc các huyện ngoại thành, cách trung tâm thành phố từ 15 – 50km, đường đi rộng rãi, trải bê tông phẳng nên rất dễ đi, thời gian di chuyển (từ 30 phút đến 2 tiếng đồng hồ) vừa sức với các tay lái nghiệp dư. Có thể kể ra một số điểm như: Làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), núi Trầm (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ), Thành Cổ Loa (huyện Đông Anh), đền Gióng (xã Vệ Linh, huyện Sóc Sơn), Việt Phủ Thành Chương (xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn), chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai), chùa Tây Phương (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất), Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam và Vườn Quốc gia Ba Vì nằm trên địa bàn huyện Ba Vì, làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây)…

Bên cạnh đó, hoạt động dã ngoại – phượt xe đạp còn được tổ chức theo các mùa hoa. Vào những ngày hè khi lúa chín vàng trên các cánh đồng hay sen hồng nở rộ khoe sắc trên các đầm, dịp cuối tuần, thay vì đạp xe quanh hồ Tây, các tay lái tổ chức đạp xe ngắm sen, ngắm lúa, hít hà không khí trong lành thoảng mùi thơm của những bông lúa vàng, hương sen dịu ngọt, thơm mát lan tỏa trong không gian. Mùa đông sang, đạp xe ra ngoại thành tham quan cánh đồng hoa cải vàng cũng là lựa chọn được nhiều nhóm phượt xe đạp thực hiện. Hay những ngày giữa tháng 3 này, trong tiết trời xuân, các nhóm phượt xe đạp đang lên kế hoạch tổ chức ngắm hoa gạo tại thôn Đoan Nữ, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức. Địa điểm này cách trung tâm thành phố khoảng 40km với nhiều cung đường di chuyển qua các làng quê. Rặng gạo tại đây được đánh giá là đẹp, nằm trong vùng “sơn thủy hữu tình”: ven mương đào, phía sau là chân núi, cây có nhiều hoa. Đây chính là địa danh được các nhà làm phim “Mùa hoa gạo ven sông” chọn làm hậu cảnh.

“Ngày nghỉ được thong dong đạp xe trên những con đường làng yên tĩnh sẽ mang lại cảm giác thật đặc biệt; guồng quay cuộc sống trở nên chậm rãi, khác hẳn với sự tấp nập, hối hả và áp lực của công việc ngày thường; mọi âu lo mỏi mệt tan biến hết” – Nguyễn Văn Thắng, chủ nhiệm một CLB đạp xe tại Hà Nội cho biết. Còn theo chị Nguyễn Lan Phương: phượt xe đạp ngoài lý do chính để rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe còn rất hấp dẫn bởi đây là hình thức dã ngoại mới lạ, thân thiện với môi trường và gần gũi với thiên nhiên, cho phép người lái có thể ngắm nhìn mọi thứ một cách chậm rãi.

Để chuyến phượt xe đạp thành công, các cua rơ cần kiểm tra “ngựa sắt” cẩn thận đề phòng hỏng hóc có thể xảy ra trên đường đi như kiểm tra lốp xe, bơm xe đạp; chuẩn bị vỏ và ruột xe dự phòng, đồ sửa chữa; bình nước. Trong quá trình đạp xe, kể cả ở nội thành (những cung đường ngắn) hay phượt dã ngoại, cơ thể đã bị mất đi rất nhiều nước và khoáng chất cần thiết, người lái bắt buộc phải tiếp nước đều đặn, uống từng ngụm nhỏ, uống nước ngay cả khi không thấy khát để bổ sung năng lượng cần thiết cho cơ thể, tránh mất nước suy nhược, say nắng; không nên uống quá nhiều nước, không đợi đến lúc khát quá mới uống nước.

Khi đi trên đường quốc lộ nên đi đúng phần đường, đảm bảo tốc độ cho phép; tuân thủ nội quy của đoàn đưa ra, đi bám theo đoàn, không tự ý tách đoàn hay phóng xe quá nhanh. Tập trung quan sát kỹ đường đi, nhất là các đoạn cua, đường xấu… Khi đạp nên nhấn bàn đạp đều chân, tuyệt đối không được thở bằng miệng vì sẽ rất nhanh mất sức.

HẠNH LÊ

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

(PNTĐ) - Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến công tác bình đẳng giới, không ngừng thúc đẩy vai trò, quyền lợi và sự đóng góp của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội. Nhờ những nỗ lực bền bỉ, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là trong việc nâng cao quyền bình đẳng giới cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Không chỉ khẳng định vị thế của người phụ nữ trong xã hội, không ít cá nhân còn phát huy vai trò của họ trong công cuộc bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Đất lành

Đất lành

(PNTĐ) - Thoan vẫn còn nhớ như in ngày hôm đó, khi vợ chồng cô được mời bạn bè, hàng xóm tới tân gia. Căn nhà nhỏ thôi, nhưng là mồ hôi nước mắt và tâm huyết hàng chục năm cố gắng của cả hai vợ chồng...
Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Sau những lời khó nghe

Sau những lời khó nghe

(PNTĐ) - Mẹ chồng Phương khó tính, hay chê bai và ít khi thể hiện cảm xúc. Nhưng sau những lời góp ý lạnh lùng ấy, cô nhận ra một điều: Yêu thương đôi khi không cần phải nói ra, mà thể hiện qua những hành động nhỏ mỗi ngày.