“Sống chậm” để thích ứng linh hoạt với tình hình mới
Những điểm tham quan, du lịch nông trại ở khu vực ngoại thành những ngày này đang đón nhiều du khách về tham quan, trải nghiệm. Đây là địa điểm nằm ở vùng xanh, có không gian rộng, cho phép du khách có điều kiện thực hiện giãn cách, đảm bảo các yêu cầu phòng dịch.
Mùa dã quỳ “đặc biệt”
Những ngày đầu đông là thời điểm hoa dã quỳ nở rộ. Những năm trước, du khách thường chọn Đà Lạt và một số tỉnh ở Tây Nguyên để thăm quan, khám phá. Tuy nhiên, năm nay, dịch bệnh khiến du khách không thể di chuyển xa nên Vườn quốc gia Ba Vì (huyện Ba Vì) - địa chỉ duy nhất ở Hà Nội có hoa dã quỳ nở rực là sự lựa chọn. Trong tiết trời se lạnh, bầu trời đầy mây xanh và nắng hanh vàng như rót mật, nhiều đoàn du khách đã trở lại đây để hòa cùng với thiên nhiên và chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên của dã quỳ - loài hoa dại đã làm mê hoặc biết bao lòng người.
Cuối tuần qua, gia đình chị Nguyễn Ngọc Hương ở phố Kim Mã (quận Ba Đình) đã cắm trại, ngắm hoa tại Vườn quốc gia Ba Vì. Những ngày nghỉ, lượng khách du lịch đông nhưng mọi người đều có ý thức giãn cách. Theo chị Hương, mấy năm nay, du khách thường chọn thời điểm này để đi du lịch Ba Vì, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, homestay khu vực này phát triển mạnh với nhiều phân khúc giá khác nhau. Tuy nhiên, dù khu nghỉ dưỡng cao cấp hay homestay giá phổ thông thì đều kín chỗ, nhất là trong dịp cuối tuần. Ngoài ra, nhiều gia đình và các bạn trẻ lại chọn dựng lều, cắm trại ở trong rừng thông để tranh thủ tận hưởng khí hậu trong lành, sảng khoái. Để đảm bảo yêu cầu phòng dịch, theo quy định của Vườn quốc gia Ba Vì, các đoàn vào đây đảm bảo số lượng không quá 10 người, các cá nhân và gia đình phải khai báo y tế bằng việc quét mã QR tại cổng kiểm soát.
Du khách tham quan, thưởng ngoạn vẻ đẹp của Vườn quốc gia Ba Vì trong mùa hoa dã quỳ
Đại diện lãnh đạo Vườn quốc gia Ba Vì cho biết: Để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các dịch vụ cắm trại và cơ sở lưu trú tại Vườn quốc gia Ba Vì chỉ đón khách với công suất không quá 50%. Mùa hoa dã quỳ năm nay đã nở rộ, thời gian hoa nở đẹp nhất từ ngày 6 - 21/11. Dự kiến, mùa hoa kéo dài đến ngày 5/12/2021. Đến đầu tháng 11, theo thống kê sơ bộ, có 3.000 khách đến tham quan Vườn quốc gia Ba Vì.
Từ cổng kiểm soát vé lên cốt 400m đi qua những khúc cua uốn lượn là du khách đã được ngắm nhìn những dải hoa dã quỳ vàng rực dọc hai bên đường. Hoa tập trung nhiều và đẹp hơn là ở đoạn qua rừng thông cốt 400 khoảng 300m. Đây là nơi có khoảng trên 10ha hoa dã quỳ, chia thành 5 khu, có tuyến đường mòn đi bộ dài trên 3km để du khách vừa tản bộ giữa thảm hoa vàng rực xen lẫn đại ngàn rừng xanh vừa tận hưởng vẻ đẹp hùng vĩ của Núi Tản, hồi tưởng lại tích truyện tình lãng mạn gắn với địa danh sơn thuỷ hữu tình của chàng Sơn Tinh và công chúa Mỵ Nương và loài hoa dại có vẻ đẹp rực rỡ, được xem là biểu tượng của một tình yêu chung thủy, son sắc, bền lâu...
Trải dài trên diện tích rộng, du khách đến ngắm hoa, chụp ảnh hay dựng lều trại đều thực hiện tốt thông điệp phòng dịch 5K, đảm bảo khoảng cách giữa các nhóm, hạn chế tiếp xúc gần với người lạ. “Những ngày tháng 11, thời tiết rất đẹp, tuy trời đã chuyển lạnh nhưng vẫn có nắng vàng, thích hợp cho các hoạt động dã ngoại. Vì thế, ngày cuối tuần, tôi đưa bố mẹ lên đây cho thay đổi không khí, các con có chỗ chạy nhảy, vận động, tạm thời “cách ly” với các thiết bị điện tử. Vườn quốc gia Ba Vì có diện tích rộng, người dân đã có ý thức phòng dịch tốt nên các gia đình, các nhóm đều tự nhìn nhau, bố trí chỗ dựng lều trại, nghỉ ngơi, chụp hình cách xa nhau” - anh Nguyễn Đăng Thành ở chung cư HH1A Linh Đàm, quận Hoàng Mai chia sẻ.
Để du khách có chuyến tham quan trọn vẹn, Vườn quốc gia Ba Vì cũng khuyến cáo du khách tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch, luôn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách trong suốt quá trình tham quan. Ngoài ra, với địa hình đồi núi, khi di chuyển đến đây bằng xe máy, du khách cần kiểm tra lại độ an toàn của xe, đổ thêm xăng dầu trước khi leo núi; đi giày thể thao đế thấp để tránh bị trượt ngã; không được tắt máy, về số mo và thả trôi xe khi xuống dốc; không nhổ cây, bẻ cành, hái hoa, săn bắt chim thú, côn trùng và đốt lửa trong rừng; Giữ gìn vệ sinh chung, đổ rác thải đúng nơi quy định.
Cùng với Vườn quốc gia Ba Vì, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (thị xã Sơn Tây) cũng là điểm thu hút nhiều du khách, các gia đình trẻ đến tham quan, khám phá. Từ ngày 10/11, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam mở cửa trở lại đón tiếp khách du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Trong thời gian này, khi tham quan “Ngôi nhà chung” du khách từ vùng xanh, vùng vàng phải bắt buộc kê khai y tế bằng quét mã QR, đo thân nhiệt, có sức khỏe bình thường; đối với du khách đến từ vùng cam phải đảm bảo tiêm đầy đủ 2 liều vắc-xin ngừa Covid-19 đủ 14 ngày tính từ mũi tiêm cuối và không quá 12 tháng hoặc đã hồi phục sau khi bị nhiễm SARS-CoV-2 (có xác nhận khỏi bệnh không quá 6 tháng của cơ sở y tế hoặc xác nhận đủ kháng thể theo quy định trong trường hợp cá nhân tự điều trị tại nhà). Mỗi đoàn khách tham quan không quá 10 người, đồng thời tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại Khu các làng dân tộc. Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam từ chối đón khách đến từ vùng đỏ.
Trải nghiệm mới lạ ở những vùng quê nông thôn mới
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã mở cửa đón khách du lịch với nhiều chính sách ưu đãi, kích cầu hấp dẫn. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nhiều gia đình chưa sẵn sàng cho chuyến đi xa như trước đây. Thay vào đó, những chuyến đi gần trong nội tỉnh, nội thành trong thời gian từ 1-2 ngày là sự lựa chọn hàng đầu, nhất là khi các khu du lịch, điểm tham quan tại ngoại thành đã được mở cửa trở lại gần hết. Đặc biệt, cùng với việc xây dựng nông thôn mới, ở các huyện, nhiều cá nhân đã đầu tư xây dựng nông trại giáo dục dựa trên việc khai thác đặc trưng của làng quê Việt như hệ thống chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, vườn quả, ao cá... giúp du khách, nhất là du khách nhí trải nghiệm cuộc sống, công việc của nhà nông như trồng rau, nuôi gà, hái quả…; tìm hiểu nét đẹp văn hoá đặc trưng của các vùng miền; thực hành kỹ năng sống dành cho trẻ em.
Hoạt động trải nghiệm tại nông trại giáo dục ở ngoại thành
Trong thời gian 2 ngày 1 đêm ở huyện Ba Vì, ngoài việc khám phá Vườn quốc gia Ba Vì, hai cậu con trai của chị Nguyễn Ngọc Hương còn có thời gian ý nghĩa tham gia các hoạt động trải nghiệm trong không gian làng Việt xưa tại trang trại Đồng Quê với những ngôi nhà mái ngói, cái cuốc, cái cày, cối xay gạo; được làm quen với nghề nông khi tự tay bắt cá, trồng rau, thu hoạch nông sản, chế biến món ăn dân dã...; tham quan làng nghề thuốc nam của đồng bào Dao, thưởng thức múa cồng chiêng của người Mường...
Sau nhiều năm xây dựng nông thôn mới, đường làng ngõ xóm ở nhiều làng quê ngoại thành đã được nâng cấp, cải tạo, mở rộng nên việc đi lại từ nội thành ra ngoại thành rất tiện và nhanh. Vì thế, cứ đến cuối tuần là 4 người trong gia đình anh Nguyễn Hoàng Sơn ở phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) lại “xách” xe chạy về ngoại thành để “đổi gió”. Anh Sơn cho biết: “Tuần trước, cả nhà vừa cho các cháu đi hái nho ở Đan Phượng. Bọn trẻ mới lên 7, lên 9, cả năm nay chỉ quanh quẩn ở nhà, xa lạ với cuộc sống làng quê nên được về trang trại hái nho, cho thỏ, cho gà ăn rau cỏ, các con tôi rất thích, vận động cả ngày mà không biết mệt. Tuần này chúng tôi chuyển hướng sang trang trại ở huyện Thạch Thất. Các khu nhà ở đây đều biệt lập nên an toàn phòng dịch, các con được hoà mình trong thiên nhiên, thời tiết mát mẻ, không gian thoáng đạt khiến cả nhà đều thích thú, cả nhà cùng nhau dựng lều, chạy nhảy vui đùa, chiều đến đi dạo trong làng, thỉnh thoảng gặp người dân bản địa dừng lại hỏi thăm, họ nhiệt tình, mến khách, yêu quý bọn trẻ; tối đến cả nhà ríu rít bên lò nướng ngô, khoai... Những trải nghiệm này rất quý giá và có ý nghĩa giáo dục với các con, giúp các cháu lĩnh hội nhiều kiến thức thực tế”.
Những người làm du lịch đều có chung nhận xét: dịch bệnh đã khiến quan điểm, thói quen của du khách thay đổi rất nhiều. Niềm vui của những chuyến “xê dịch” không còn tính bằng bằng quãng đường xa hay gần; các chuyến du lịch xa xỉ hay xuất ngoại đã không còn là lựa chọn yêu thích. Du lịch nội đô, nội tỉnh lên ngôi là cơ hội để người dân, du khách có trải nghiệm khám phá mảnh đất nơi mình sinh ra, lớn lên từ những góc nhìn, những trải nghiệm thật gần gũi với thiên nhiên. Tất cả sẽ mang lại một cảm nhận khác biệt mới mẻ. Cũng nhờ đó, những người yêu du lịch lại có cơ hội đi sâu, khám phá những giá trị, nét đặc sắc góp phần tạo nên sức hấp dẫn của du lịch Hà Nội.
HẠNH LÊ