Tấm lòng người cha như vậy sai hay đúng?

Chia sẻ

Người đàn ông ấy gọi điện đến văn phòng tư vấn thú nhận: “Báo cáo với các anh, các chị, tôi cũng là cán bộ nhà nước, một hai năm nữa nghỉ hưu thôi. Tôi cũng kinh qua nhiều vị trí công tác, trong đó có hơn chục năm làm công tác tuyên huấn.

Không ngờ bản thân đã từng giúp nhiều gia đình tháo gỡ khó khăn, vậy mà bây giờ tôi có chuyện gia đình khó nghĩ quá, không biết nên làm gì, mong các anh các chị cho ý kiến giúp tôi. Thông cảm cho tôi, tôi chỉ gọi điện thoại chứ đến trực tiếp không tiện...”.

Anh kể, năm nay anh 58 tuổi, có 2 đời vợ, 3 đứa con. Anh lấy vợ lần đầu cũng muộn, nên đứa con gái đầu lòng sinh năm 1995, năm may mới 26 tuổi. Vì cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ, nên anh thương cô con gái của mình, nghĩ rằng cháu sống với người mẹ vô tâm, đoảng vị, hiếu thắng, ích kỷ, sẽ rất thiệt thòi. Mặc dù khi ly hôn, con gái anh đã 6 tuổi, nhưng vợ anh kiên quyết đòi nuôi con và toà cũng ủng hộ việc này, nên anh không có cơ hội chăm sóc con tử tế hơn. Tuy vậy, anh chu cấp cho con (và cả cho vợ cũ) khá đầy đủ, không để con thiếu thốn thứ gì. Khi anh chưa tái hôn, anh dành trọn vẹn những ngày nghỉ ở bên con, đưa con đi chơi, kèm con học, ép con ăn uống nhiều cho khoẻ. Sau này, khi đã có gia đình mới, lại cũng bận rộn với những cương vị công tác mới, anh ít thăm con, nhưng vẫn giữ liên lạc đều đều. Con gái anh cũng quý anh, đặc biệt là những năm gần đây, khi cháu đã trưởng thành, tốt nghiệp đại học, đi làm, lấy chồng, sinh con.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Việc anh gọi điện đến văn phòng tư vấn hiện nay cũng là “vì nó”.

Anh khoe con gái anh nhỏ nhắn, xinh xắn, dịu dàng, nữ tính lắm. Vì anh làm trong ngành giáo dục, nên khi con gái học lên trung học phổ thông, anh đã nhiều lần tâm sự, trò chuyện với con, định hướng cho con thi đại học Sư phạm, sau này ra trường, may ra bố có thể giúp con có công ăn việc làm ổn định. Tuy nhiên, việc này con gái anh không nghe lời, nó kiên quyết thi đại học Kinh tế quốc dân. Anh buồn vì con không nghe lời, nhưng thuyết phục con không được, anh đành chấp nhận sự lựa chọn của con. Trong suốt những năm học đại học, anh thuê nhà cho con gái ở riêng vì cháu nó hay xích mích với mẹ và mẹ khó tính. Tất nhiên, vì việc này mà vợ cũ của anh nói rằng anh âm mưu chia rẽ tình cảm mẹ con, có ý định “cướp con”. Anh chu cấp cho con đủ tiền ăn, tiền trọ, tiền học, tiền sinh hoạt hàng ngày, mua cho con máy tính, sắm điện thoại. Anh nhắc con thỉnh thoảng về thăm mẹ và mỗi tuần một lần, anh ăn cơm với con một bữa. Anh nói, rất may mắn, người vợ sau của anh rất quý con gái anh, không ghanh ghét với sự quan tâm, yêu thương của anh dành cho nó.

Những năm cuối, con gái muốn theo bạn đi làm tình nguyện trong chương trình “Mùa hè tình nguyện”, anh cũng không cho, sợ con vất vả. Con thích đi kèm thêm tại nhà cho mấy em học sinh cấp hai, vừa là vui, vừa có tiền thêm chi tiêu, anh không cho, anh bảo “con không thiếu vài trăm, một triệu mà phải đi làm gia sư, để việc ấy cho các bạn tỉnh lẻ, còn nhiều khó khăn. Việc của con là học cho giỏi, giữ gìn sức khoẻ, mọi thứ khác để bố lo!”. Anh cũng cấm con tham gia những hoạt động mà anh cho là ít bổ ích như những lớp học kỹ năng sống, các câu lạc bộ sinh viên nghiên cứu khoa học, sinh viên vì môi trường, anh chỉ chấp nhận cho con học thêm tiếng Anh. Anh nói rằng, đó có lẽ là sai lầm của anh, nên con anh rất nhút nhát, ỷ lại vào người khác, không chủ động bất cứ việc gì, kể cả việc liên quan đến bản thân. Tốt nghiệp, ra trường, với tấm bằng khá, thế là hết, không có bất cứ thứ gì, kể cả một vài người bạn thân hay người yêu!

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Anh bắt đầu lo cho tương lai của con. Anh lục tung mọi mối quan hệ xa gần, cũ mới, xem có ai quen trong các ngành kinh tế, doanh nghiệp, ngân hàng, công thương, sản xuất… để nhờ kiếm việc cho con. Rồi đến tận hai năm sau, anh mới nhờ mối quan hệ, xin cho con gái đi làm ở một cơ quan, tuy chưa thật sự đúng ngành, đúng nghề, nhưng cũng gọi là tạm ổn. Thời gian đầu anh phải kèm con như kèm kem, bởi ngày nào đi làm về cháu cũng kêu chán, không khí làm việc căng thẳng, mọi người hay soi mói nhau, để ý nhau từng câu ăn câu nói. Biết con mình còn “trẻ người non dạ”, trong đơn vị toàn người chững chạc, làm lâu năm rồi, nên có lần nhân ngày “truyền thống ngành”, anh đã phải mời cả phòng đi ăn uống, giao lưu và có lời nhờ mọi người “để ý quan tâm đến cháu”. Mọi người cứ cười anh, bảo con gái anh 25 tuổi rồi mà đi làm vẫn phải có “phụ huynh” kèm, thật hạnh phúc. Anh biết là mọi người động viên, có ý nhắc nhở, nhưng trong hoàn cảnh của mình, anh làm được việc gì tốt cho con là anh làm!

Yên ổn được công việc, anh vẫn chưa yên tâm bởi con gái anh cũng 26, 27 tuổi rồi mà chưa có bạn trai, chứ nói gì đến người yêu. Làm trong môi trường toàn người đã có gia đình, lại ít giao lưu bên ngoài, cứ thế này không khéo con gái anh ế. Nghĩ vậy, anh lo lắm, phận làm cha chưa tròn. Anh lập kế hoạch kiếm chồng cho con gái. Trong cơ quan anh, có một thầy giáo hiền lành, hình thức khá, có tư cách đạo đức tốt. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, thầy này chỉ dạy hợp đồng, mấy năm rồi mà vẫn chưa đến lượt thi viên chức, nên kinh tế cũng eo hẹp, cuộc sống cũng khiêm tốn, giản dị, không dám nói đến “cực kì khó khăn”. Anh nghĩ chẳng sao, cả hai còn trẻ, kinh tế là thứ có thể làm dần dần, không vội vàng được, miễn là “hai đứa yêu thương nhau”. Anh đã giới thiệu thầy giáo này với con gái mình, ra sức phân tích tình hình, tác động từ nhiều phía, cuối cùng con gái anh và thầy giáo trẻ cũng yêu nhau. Một đám cưới đúng như anh mong muốn đã được tổ chức. Vui hơn nữa là vài tháng sau thôi, anh chính thức lên chức “ông ngoại” trong niềm vui vô bờ bến của người cha thương yêu con gái – người tình kiếp trước của mình!

Nếu mọi sự diễn ra tốt đẹp như vậy, anh đã chẳng mất công, mất tiền gọi điện cho các nhà tư vấn. Chuyện là sau khi sinh con, đi làm trở lại vài tháng, con gái anh quyết định bỏ việc. Hai vợ chồng nó dự định sẽ vào miền Nam lập nghiệp. Bước đầu con rể anh sẽ đi làm ở công ty ở khu công nghiệp, nơi nó đã có mấy người bạn học cùng phổ thông đang làm. Nhà thì ở thuê, giống như nhiều đôi vợ chồng trẻ người miền Bắc, miền Trung vào trong đó lập nghiệp lựa chọn. Con gái anh sẽ ở nhà học bán hàng online, học nghề tư vấn bảo hiểm… để có thời gian chăm con. Khi con đã lớn, vợ chồng nó dự định sẽ cho con đi nhà trẻ, rồi cả hai cùng đi làm. Con gái anh sẽ cũng đi làm công ty, hoặc tiếp tục công việc bán hàng, tư vấn bảo hiểm, nếu thuận lợi. Anh ra sức phân tích thiệt hơn, ngăn cản, doạ nạt, vậy mà không ngăn cản được quyết định bỏ nghề của con gái. Anh tiếc công, tiếc của, tiếc cái sự “xin mãi mới được”, nay lại vứt bỏ không thương tiếc. Anh tiếc cậu con rể, đang “làm thầy thiên hạ”, nay chấp nhận xuống làm “giai cấp công nhân” vất vả trăm bề. Anh lo vợ chồng con gái ở xa, nếu có khó khăn gì, anh không thể dễ dàng giúp con được. Rồi tình cha con sẽ nhạt phai bởi cách trở sông núi…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nghe xong câu chuyện của anh, chúng tôi đều có cảm xúc vừa mến anh, vừa khâm phục anh, nhưng vừa bất bình với anh. Mến anh vì một người đàn ông cả đời lo cho con gái, thương con khổ mà sắp đặt mọi việc thay con. Khâm phục anh vì những việc anh làm đều đạt kết quả. Nhưng chúng tôi bất bình vì cái cách anh thương con không đúng. Anh đã bóp chết sự tự do, tự chủ, tự lập của con, anh sống thay, sống hộ con, con gái anh chưa từng được làm một việc gì theo ý mình muốn.

Nói chuyện với anh rất lâu, chỉ cho anh thấy đã là lúc anh cần “buông” con, bởi con anh đã trưởng thành, cần có cuộc sống của riêng mình. Đặc biệt, kế hoạch di dời cả gia đình vào miền Nam của vợ chồng cô con gái rất khả thi, với những bước đi nhỏ, gọn, chắc chắn. Con anh có người đồng hành, anh không phải lo lắng. Việc của anh là theo dõi con từ xa, duy trì liên lạc tình cảm, và chỉ khi nào các con thật sự khó khăn, mở lời cầu xin bố hỗ trợ, anh mới ra tay. Có khi khó khăn lại khiến cho vợ chồng cô ấy yêu thương nhau hơn, có trách nhiệm với nhau hơn, có nghị lực vượt khó hơn, đó cũng là một cuộc sống hạnh phúc.

Kết thúc câu chuyện với anh, chúng tôi chỉ hỏi anh câu cuối: “Anh định lo cho con đến khi nào?”. Anh cười, bảo rằng “tấm lòng người cha mà, không biết đến khí nào đâu!”.

Chuyên gia tâm lý ĐINH ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục

Các cấp Hội LHPN Hà Nội: Tích cực tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn

Các cấp Hội LHPN Hà Nội: Tích cực tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn

(PNTĐ) - Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô đã sáng tạo, đổi mới, thành lập và nhân rộng nhiều mô hình, cách làm hay, triển khai thực hiện hoạt động phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại các hộ gia đình. Từ đó tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường hướng tới đảm bảo thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường về quản lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn từ 1/1/2025.
Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Thủ đô

Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Thủ đô

(PNTĐ) - Hơn 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn Thành phố không ngừng được nâng cao. Cùng với đó, đồng bào các DTTS, chính quyền địa phương đã chủ động, tích cực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình để truyền lại cho thế hệ sau. Đại hội đại biểu các DTTS thành phố Hà Nội lần thứ IV năm 2024 đã thành công tốt đẹp, qua đó, nhiều kỳ vọng, kiến nghị, đề xuất được đưa ra để tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô trong 5 năm tới.
Chung tay xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ

Chung tay xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ

(PNTĐ) - Nhận thức tầm quan trọng của gia đình trong sự phát triển Thủ đô, những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện tốt công tác gia đình. Qua đó, nhiều cách làm hay trong tuyên truyền, giáo dục, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ ở Hà Nội được triển khai hiệu quả.
Đặt tên con theo tiếng nước ngoài, được không?

Đặt tên con theo tiếng nước ngoài, được không?

(PNTĐ) -  Câu hỏi: Chồng em là người nước ngoài, còn em vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Khi em sinh con ở Việt Nam thì con em đương nhiên có quốc tịch Việt Nam hay không? Vợ chồng em muốn đặt họ tên con trên Giấy khai sinh bằng tiếng nước ngoài theo bố thì có được cơ quan Nhà nước chấp nhận hay không? Hà Phương Lan (Quốc Oai)