Tết này nhớ mẹ

Chia sẻ

Nguyễn Trọng Tạo sinh ngày 25 tháng 8 năm 1947, mất ngày 7 tháng 1 năm 2019 đến nay đã ba năm. Anh ra đi là một tổn thất lớn cho văn học, công chúng, những người yêu mến nghệ sĩ tài ba.

Đã hai Tết
Con về nhà
Vắng Mẹ
Cây quanh vườn mồ côi Mẹ hai năm
Màu xanh lá buồn chi ngơ ngác thế?
Lòng bồi hồi ra ngõ ngóng xa xăm.

Như thuở nhỏ đường làng người đi chợ
Những đứa con thắc thỏm ngóng mẹ về
Con tóc bạc đi theo bầy trẻ nhỏ
Mẹ đâu còn để chờ bánh đa kê.

Mẹ đâu còn để đánh thức Giao thừa
Con ngái ngủ giật mình thấy Mẹ về rất tỏ
Thắp nén nhang dâng bàn thờ Tiên Tổ
Bên hình Cha, Mẹ nở nụ cười hiền.

Con thấy Mẹ lom khom vào bếp, ra vườn
Mẹ múc nước giếng nhà trong vắt
Mẹ cho lợn ăn. Mẹ xới thêm luống đất
Mẹ trồng rau. Mẹ hát điệu xa vời…

Rồi Mẹ tiễn con đi về phía cuối trời
Chiếc gậy chống đã vẹt mòn năm tháng
Con ngoảnh lại chốn quê nhà xanh thẳm
Mẹ cười hiền, chống gậy đứng nhìn theo...
                                  Tất niên Tân Mão (2011)
                                         Nguyễn Trọng Tạo

Tết này nhớ mẹ - ảnh 1

LỜI BÌNH:

Vừa là nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo vừa là họa sĩ thiết kế, nghệ sĩ là một người đa tài, có những tác phẩm để đời. “Anh mất đi, sau này không dễ gì có được một người như thế” (Nguyễn Thế Kỷ). Trong số nhiều bài hay của thi sỹ tài hoa ấy, tôi rất tâm đắc bài thơ “Tết này nhớ mẹ” tác giả sáng tác tại quê hương Diễn Châu ngày Tất niên Tân Mão.

Khổ thơ mở đầu nói về hiện tại. Đó là những câu thơ tự do, ngắt quãng, tựa như nỗi nhớ thương dâng đầy khiến tác giả không thể trình bày liền mạch, ý nêu rõ thời gian, không gian: “Đã hai Tết/ Con về nhà/ Vắng Mẹ/ Cây quanh vườn mồ côi Mẹ hai năm/ Màu xanh lá buồn chi ngơ ngác thế?/ Lòng bồi hồi ra ngõ ngóng xa xăm”. Nghệ thuật nhân hóa được dùng xác đáng khiến cho cây trong vườn cũng thấy buồn ngơ ngác, lẻ loi côi cút khi “Vắng Mẹ”. Từ dùng “cây quanh vườn mồ côi Mẹ” quả là sự sáng tạo đắc địa. Mặt khác, Mẹ trong cả bài đều được viết hoa đã thể hiện bao niềm kính yêu và trân trọng của người con. Điệp từ “Mẹ” láy đi láy lại tới 14 lần trong bài có tác dụng khắc sâu niềm thương nỗi nhớ mẹ khôn nguôi. Nhìn những đứa trẻ “thắc thỏm đón mẹ về” trên con đường chợ làng thân thuộc, tác giả chạnh lòng bởi “Mẹ đâu còn để chờ bánh đa kê”. Điệp ngữ “Mẹ đâu” còn láy lại hai lần như xác nhận một thực tế phũ phàng. Thời gian trôi, chủ thể trữ tình càng nhớ da diết đến mẹ, nhất là vào những thời điểm thiêng liêng trong năm: “Mẹ đâu còn để đánh thức giao thừa/ Con ngái ngủ giật mình thấy Mẹ về rất tỏ/ Thắp nén nhang dâng bàn thờ Tiên Tổ/ Bên hình Cha, Mẹ nở nụ cười hiền”. Trong bài, sử dụng nhiều hình ảnh, tác giả tái hiện lại chân dung người mẹ rất sống động với những việc làm, hành động cụ thể: Mẹ thắp nhang dâng bàn thờ gia tiên, mẹ nở nụ cười hiền bên di ảnh của cha. Chưa hết, còn đây nữa: “Con thấy Mẹ lom khom vào bếp, ra vườn/ Mẹ múc nước giếng nhà trong vắt/ Mẹ cho lợn ăn. Mẹ xới thêm luống đất/ Mẹ trồng rau. Mẹ hát điệu xa vời…”. Dòng tâm tưởng của người con qua những câu thơ ngắn mang tính liệt kê từng công việc quen thuộc hằng ngày của mẹ, những dấu chấm giữa dòng thơ là tác giả kể chưa hết những việc mẹ làm. Ta thấy người mẹ thật chịu thương chịu khó, hiền dịu, chu toàn và lạc quan. Chân dung người mẹ tác giả thật tiêu biểu cho biết bao bà mẹ Việt khác, luôn hết lòng vì các con và gia đình. Chính vì thế, mẹ đi xa rồi nhưng người con vẫn tưởng như thấy mẹ đang hiển hiện: “Rồi Mẹ tiễn con đi về phía cuối trời/ Chiếc gậy chống đã vẹt mòn năm tháng/ Con ngoảnh lại chốn quê nhà xanh thẳm/ Mẹ cười hiền, chống gậy đứng nhìn theo…”.

Với tác giả, “Thơ là một chớp sáng, là những ám ảnh của tâm hồn”, “tôi nương thân vào chính thơ tôi”. Tư duy nghệ thuật thơ trong các sáng tác của Nguyễn Trọng Tạo có sự tích hợp nhuần nhị giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại, điều này thể hiện rõ qua thi phẩm. Bài thơ khép lại rồi nhưng hình ảnh người mẹ hiền dõi theo bước con đi trong những chặng hành trình cuộc sống và tình cảm của người con hướng về mẹ vẫn sống mãi trong tâm trí bạn đọc.

NGUYỄN THỊ THIỆN

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

(PNTĐ) - Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến công tác bình đẳng giới, không ngừng thúc đẩy vai trò, quyền lợi và sự đóng góp của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội. Nhờ những nỗ lực bền bỉ, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là trong việc nâng cao quyền bình đẳng giới cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Không chỉ khẳng định vị thế của người phụ nữ trong xã hội, không ít cá nhân còn phát huy vai trò của họ trong công cuộc bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Đất lành

Đất lành

(PNTĐ) - Thoan vẫn còn nhớ như in ngày hôm đó, khi vợ chồng cô được mời bạn bè, hàng xóm tới tân gia. Căn nhà nhỏ thôi, nhưng là mồ hôi nước mắt và tâm huyết hàng chục năm cố gắng của cả hai vợ chồng...
Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Sau những lời khó nghe

Sau những lời khó nghe

(PNTĐ) - Mẹ chồng Phương khó tính, hay chê bai và ít khi thể hiện cảm xúc. Nhưng sau những lời góp ý lạnh lùng ấy, cô nhận ra một điều: Yêu thương đôi khi không cần phải nói ra, mà thể hiện qua những hành động nhỏ mỗi ngày.