Tháng Ba

Chia sẻ

Chử Thu Hằng (1957 - Hà Nội) là cây bút nữ viết đa dạng các thể loại văn học. Trong số nhiều bài thơ của chị, tôi thích nhất "Tháng ba". Thi phẩm vừa tái hiện bức tranh cuộc sống vào thời điểm giao mùa cuối xuân sang hạ vừa là khúc ca chan chứa tình yêu quê, tình người.

Tháng ba ì ầm sấm động
Lúa chiêm lấp ló đầu bờ
Xúng xính về quê trảy hội
Chợt cười, chợt nhớ vu vơ

Tháng ba… gốc duối vườn xưa
Ai trộm nhìn ai… bịn rịn
Hoa xoan như vầng mây tím
Người xưa… nghe nói vẫn xa…

Em vo tiếng sấm tháng ba
Ủ nếp thơm hương trời đất
Mía bãi đang mùa chắt mật
Sông quê lất phất mưa xuân

Bánh trôi bánh chay trắng ngần
Mẹ dạy: “Tra chìm, chín nổi”
Ướp thơm bâng khuâng hương bưởi
Thắp nhang dâng cúng ông bà

Quyến luyến níu mùa tháng ba
Cho xuân dùng dằng chút nữa
Cây gạo bến đò đỏ lửa
Sáo kêu: “Thương lắm quê mình”.
                                   Chử Thu Hằng

Ảnh minh họaẢnh minh họa

LỜI BÌNH:
Chử Thu Hằng (1957 - Hà Nội) là cây bút nữ viết đa dạng các thể loại văn học. Trong số nhiều bài thơ của chị, tôi thích nhất "Tháng ba". Thi phẩm vừa tái hiện bức tranh cuộc sống vào thời điểm giao mùa cuối xuân sang hạ vừa là khúc ca chan chứa tình yêu quê, tình người.

Dùng thể thơ lục ngôn, thi sĩ phác họa nên bức tranh cuộc sống bằng ngôn từ thật sống động với nhiều màu sắc, âm thanh. Mở đầu là những câu thơ tả thời gian, không gian, cảnh vật cùng con người rất sống động: "Tháng ba ì ầm sấm động/ Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ Xúng xính về quê trảy hội/ Chợt cười, chợt nhớ vu vơ". Tháng ba là thời điểm giao mùa. Tiết trời còn vương vấn sắc xuân nhưng có khi mưa rào và sấm động cứ như gọi lúa chiêm vươn lên xanh tốt. Ý thơ đã tiếp thu sáng tạo câu tục ngữ: "Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên". Đây cũng là lúc nông nhàn, làng quê nhiều nơi mở hội. Các bà, các cô xúng xính trong bộ áo mớ bảy mớ ba đi trẩy hội khiến lòng người vui náo nức. Đáng chú ý là trong liên tiếp cả bốn câu thơ, mỗi câu tác giả dùng một từ láy tượng thanh, tượng hình rất xác đáng: ì ầm, lấp ló, xúng xính, vu vơ khiến lời thơ càng thêm gợi tả, gợi cảm. "Tháng ba" cũng là thời điểm chủ thể trữ tình "em" nhớ lại những kỷ niệm về "người ấy". Nơi "gốc duối vườn xưa" như còn lưu dấu ánh mắt "Ai trộm nhìn ai… bịn rịn/ Hoa xoan như vầng mây tím". Hình ảnh thơ vốn đẹp trong ký ức lại càng lung linh hơn, kỳ diệu hơn bởi được khúc xạ qua làn ánh sáng trong tâm tưởng. Hiện tại "Người xưa… nghe nói vẫn xa…", tình cảm và nỗi niềm nhung nhớ ấy cứ mơ hồ như làn sương, làn khói huyền ảo. Tất cả cứ bàng bạc hoài niệm qua ánh mắt "bịn rịn" nhớ về tình cảm “cái thuở ban đầu lưu luyến”... Câu thơ nhiều dấu chấm lửng, gợi niềm man mác, bâng khuâng. Kỷ niệm xưa ngọt ngào cùng "tiếng sấm tháng ba" được chủ thể trữ tình em gom lại "Ủ nếp thơm hương trời đất/ Mía bãi đang mùa chắt mật/ Sông quê lất phất mưa xuân". Ý thơ độc đáo bởi sự sáng tạo, mới lạ. Nhà thơ đã hữu hình hoá cái vô hình, đem ủ kỹ, cất giữ chu đáo, cẩn trọng trong tiết cuối xuân ngọt ngào. Điều ấy chứng tỏ chủ thể trữ tình rất coi trọng những kỷ niệm, những hồi ức thời quá khứ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhớ về tháng ba, người em trong bài không quên món ăn dân dã, trân quý mà lại dễ làm là "Bánh trôi bánh chay trắng ngần". Em còn nhớ y nguyên lời mẹ dạy khi đun bánh sao cho vừa chín “Tra chìm, chín nổi”; nhớ cả cách ướp thơm hương bưởi cho bánh có thêm hương vị hấp dẫn, tinh tế, thanh tao. Và tất cả tấm lòng thành kính ấy "Thắp nhang dâng cúng ông bà". Tháng ba về, mỗi người con càng khắc ghi trong tâm khảm: niềm tri ân ông bà, tổ tiên. Đó là đạo lý truyền thống ngàn đời cần lưu giữ. Bài thơ khép lại bằng hình ảnh thật đẹp: "Cây gạo bến đò đỏ lửa/ Sáo kêu: Thương lắm quê mình”. Mùa hạ đang về qua âm thanh tiếng chim sáo và hoa gạo nở đỏ rực trời như thắp lửa bến đò ven sông. Đây là hình ảnh biểu trưng cho quê hương những người con đi xa luôn ghi nhớ. Bài thơ lan tỏa và truyền cảm xúc tích cực đến người đọc khiến mỗi chúng ta càng thêm yêu tháng ba, yêu con người và cảnh sắc quê hương.

THÁI DŨNG

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

(PNTĐ) - Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến công tác bình đẳng giới, không ngừng thúc đẩy vai trò, quyền lợi và sự đóng góp của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội. Nhờ những nỗ lực bền bỉ, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là trong việc nâng cao quyền bình đẳng giới cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Không chỉ khẳng định vị thế của người phụ nữ trong xã hội, không ít cá nhân còn phát huy vai trò của họ trong công cuộc bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Đất lành

Đất lành

(PNTĐ) - Thoan vẫn còn nhớ như in ngày hôm đó, khi vợ chồng cô được mời bạn bè, hàng xóm tới tân gia. Căn nhà nhỏ thôi, nhưng là mồ hôi nước mắt và tâm huyết hàng chục năm cố gắng của cả hai vợ chồng...
Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Sau những lời khó nghe

Sau những lời khó nghe

(PNTĐ) - Mẹ chồng Phương khó tính, hay chê bai và ít khi thể hiện cảm xúc. Nhưng sau những lời góp ý lạnh lùng ấy, cô nhận ra một điều: Yêu thương đôi khi không cần phải nói ra, mà thể hiện qua những hành động nhỏ mỗi ngày.