Thiêng liêng không gian Hoàng thành Thăng Long

Chia sẻ

Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới giữa lòng Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Đây là điểm đến độc đáo và thú vị trong bản đồ du lịch của TP Hà Nội và là một trong những địa điểm chính đón khách quốc tế đến Thủ đô Hà Nội trong những ngày diễn ra SEA Games 31 với nhiều chương trình đặc sắc.

Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới giữa lòng Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Đây là điểm đến độc đáo và thú vị trong bản đồ du lịch của TP Hà Nội và là một trong những địa điểm chính đón khách quốc tế đến Thủ đô Hà Nội trong những ngày diễn ra Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 sắp tới (SEA Games 31) với nhiều chương trình đặc sắc.

Dấu tích lịch sử của kinh đô Thăng Long

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội với diện tích vùng lõi của di sản là 18,395ha (bao gồm khu di tích Thành cổ Hà Nội và khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu); là bộ phận quan trọng nhất của Kinh thành Thăng Long - kinh đô của quốc gia Đại Việt từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII.

Trong đó, khu di tích Thành cổ Hà Nội có diện tích rộng hơn 13ha hiện có 5 điểm di tích nổi trên mặt đất phân bố theo trục Bắc - Nam gồm Kỳ Đài, Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn. Ngoài ra, còn có hệ thống tường bao và kiến trúc cổng hành cung thời Nguyễn, di tích nhà và hầm D67, các công trình kiến trúc Pháp… Trong 5 điểm di tích, Kỳ đài được xây dựng năm 1805 và là một trong một những kiến trúc còn sót lại nguyên vẹn từ thời Nguyễn. Tiếp đến là Đoan Môn, cổng phía Nam, là lối đi chính để vào bên trong Cấm thành, nơi có điện Kính Thiên và các cung điện khác của vua. Cổng Đoan Môn hiện còn là do nhà Lê sơ xây dựng (thế kỷ XV) và được sửa sang, tu bổ dưới thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Nền điện Kính Thiên được xây dựng thời Lê sơ (năm 1428), được coi là tâm điểm của Cấm thành và Hoàng thành, nơi chung đúc khí thiêng của non sông đất nước theo quan niệm phong thuỷ cổ truyền, mà di tích hiện còn là nền điện với bậc thềm và lan can đá chạm rồng thế kỷ XV.

Cổng Đoan Môn - một trong những điểm tham quan được du khách yêu thích tại HTTLCổng Đoan Môn - một trong những điểm tham quan được du khách yêu thích tại HTTL

Giữa Đoan Môn và điện Kính Thiên là khu Long Trì - không gian mang ý nghĩa chính trị, văn hoá tâm linh rất quan trọng của Cấm thành, là nơi cử hành các nghi lễ chính trị và tôn giáo thiêng liêng. Cuối cùng là Hậu lâu được xây dựng vào thời Nguyễn (năm 1821), là nơi nghỉ ngơi của các cung tần mỹ nữ trong đoàn tùy tùng của nhà vua khi tuần du từ Huế ra Bắc thành.

Khu di tích khảo cổ tại 18 Hoàng Diệu nằm ở phía Tây điện Kính Thiên và là một phần cấu thành của Cấm Thành từ thời Lý cho đến cuối thời Lê Trung Hưng. Khu di tích này rộng hơn 4,5ha với nhiều dấu tích kiến trúc, các loại hình di vật của cung điện xưa được bảo tồn tương đối tốt trong lòng đất cùng nhiều đồ dùng, vật dụng, đồ sứ của Tây Á, Trung Quốc, Nhật Bản… phản ánh quan hệ giao lưu văn hoá giữa Thăng Long với thế giới. Đây là lần đầu tiên ở Hà Nội cũng như lần đầu tiên trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam tìm thấy những dấu tích nền móng một quần thể kiến trúc cao cấp, đặc biệt đó là dấu tích kiến trúc của Kinh đô Thăng Long.

Điểm đến ý nghĩa của Thủ đô Hà Nội

Nằm ở trung tâm TP Hà Nội, trên địa bàn phường Điện Biên và Quán Thánh quận Ba Đình, Hoàng thành Thăng Long luôn là điểm đến lịch sử - văn hoá hấp dẫn của Thủ đô Hà Nội.

Trong những ngày tháng 4 lịch sử của dân tộc, nhân kỷ niệm 47 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và kỷ niệm 105 năm ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng (2/5/1917 - 2/5/2022), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức trưng bày “Đại tướng Văn Tiến Dũng - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh” nhằm tri ân những đóng góp to lớn của Đại tướng Văn Tiến Dũng trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc; góp phần khắc họa lại chân dung một chiến sĩ cách mạng kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bé làm khảo cổ học - chương trình học lịch sử hấp dẫn với nhiều bạn nhỏ khi đến Hoàng thành Thăng LongBé làm khảo cổ học - chương trình học lịch sử hấp dẫn với nhiều bạn nhỏ khi đến Hoàng thành Thăng Long

Địa điểm diễn ra trưng bày ý nghĩa này là nhà D67 trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long - nơi đã gắn bó với cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng. Trưng bày giới thiệu 150 tài liệu hiện vật, hình ảnh gồm 3 chủ đề: Người con ưu tú của Hà Nội; Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh; Nhớ về Đại tướng. Đây là dịp để các thế hệ người Hà Nội tìm hiểu, tự hào về một nhà quân sự xuất sắc của dân tộc Việt Nam, được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam từ năm 1953 và là Tổng Tham mưu trưởng lâu nhất trong lịch sử (25 năm). Điểm nhấn của trưng bày làm nổi bật dấu ấn, vai trò của Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng tại Tổng Hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam (nhà và hầm D67) từ năm 1968 - 1975. Đặc biệt, giữa những ngày giáp Tết năm Ất Mão (1975), vị Tổng Tham mưu trưởng đã bí mật rời Tổng Hành dinh (nhà D67) vào Tây Nguyên, chỉ huy những đòn tấn công chiến lược, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 tiến tới chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Không gian trưng bày ý nghĩa này được mở cửa phục vụ du khách tham quan đến hết tháng 5 và có phiên bản giới thiệu trực tuyến tại website: trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn.

Khám phá và giải mã Hoàng thành Thăng Long

Cùng với việc tổ chức trưng bày “Đại tướng Văn Tiến Dũng - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh” Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cũng tích cực chuẩn bị và tổ chức nhiều hoạt động kích cầu du lịch và hướng tới quảng bá hình ảnh Hoàng thành Thăng Long nói riêng, Thủ đô Hà Nội nói chung qua sự kiện thể thao có quy mô khu vực - SEA Games 31. Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội chỉnh trang cảnh quan không gian điểm đến đón khách quốc tế, lắp đặt các cụm check - in SEA Games 31.

Không gian cổ kính và trầm mặc của khu di tích với điệu múa cổ được tái hiện trong tour đêmKhông gian cổ kính và trầm mặc của khu di tích với điệu múa cổ được tái hiện trong tour đêm

Một sản phẩm du lịch đặc sắc của Thủ đô Hà Nội cũng được đưa vào phục vụ du khách. Đó là tour đêm “Giải mã Hoàng Thành Thăng Long”. Phối hợp với công ty du lịch Hà Nội (Hanoitourist) - đơn vị tổ chức thành công các tour du lịch văn hoá lịch sử gắn liền với các di tích lịch sử nổi tiếng của Thủ đô như Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Nhà tù Hoả Lò, tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” tiếp tục là sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn đặc biệt của lịch sử Thăng Long - Hà Nội nhằm mang lại cho du khách những trải nghiệm khác biệt và hấp dẫn, làm nổi bật những di tích, di vật độc đáo quý giá của khu di sản.

“Giải mã Hoàng thành Thăng Long” diễn ra trong 90 phút, có lộ trình bắt đầu từ Đoan Môn - cửa dẫn vào Cấm thành tới khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Trong không gian của Hoàng Thành xưa, du khách được thưởng thức điệu múa hoàng cung ngay trên những dấu tích khảo cổ độc đáo; chiêm ngưỡng những hiện vật, cổ vật quý giá được tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long trong nhà trưng bày với chủ đề “Thăng Long Hà Nội - lịch sử nghìn năm từ lòng đất” và cùng nghe lại những câu chuyện hấp dẫn về một Hoàng thành từng hiện hữu trong lịch sử; dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế tại điện Kính Thiên… Khép lại hành trình trải nghiệm, du khách dừng chân tại điểm tham quan cuối cùng là khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Tại đây, sau nhiều năm khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm được hàng triệu hiện vật có niên đại xen lẫn nhau, chồng xếp lên nhau qua suốt 1.300 năm.

Trên thế giới, rất hiếm có thủ đô một nước mà trong lòng đất còn bảo tồn được một quần thể di tích, di vật mang bề dày lịch sử - văn hóa lâu dài và có các tầng văn hóa chồng xếp, nối tiếp nhau một cách khá liên tục như thế. Vì vậy, tour đêm đã tổ chức trò chơi “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”: một số hiện vật tiêu biểu của Hoàng thành sẽ được trình chiếu bằng laser trên các nền móng dấu tích khảo cổ hoặc trên dòng công cổ để du khách tìm hiểu và giải đáp. Những chi tiết thú vị và gợi ý giải mã đã lần lượt được hé lộ trong suốt quá trình tham quan trước đó. Đây là một thử thách thú vị, không chỉ giúp du khách có một khoảng thời gian thư giãn mà còn là cách diễn giải để du khách ôn lại những thông tin đã thu nhận được khi trải nghiệm tour, thử thách trí nhớ của mỗi người. Giải mã đúng, du khách sẽ nhận được những phần quà lưu niệm ý nghĩa của Hoàng thành Thăng Long.

HẠNH LÊ (Ảnh: Mai Hà)

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.