Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội:

Thực hiện hiệu quả nhiều công trình phần việc ý nghĩa vì phụ nữ và trẻ em

Thanh Thanh (Ảnh: HPN)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sau một năm nhìn lại, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã linh hoạt, đổi mới sáng tạo trong triển khai các phong trào thi đua, cuộc vận động. Với phương châm “Hướng mạnh các hoạt động về cơ sở”, các cấp Hội đã cụ thể hóa các nội dung, chương trình phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, qua đó không chỉ thu hút đông đảo cán bộ hội viên tham gia vào tổ chức Hội, nâng cao vai trò vị thế của phụ nữ mà còn góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Lan tỏa các phong trào thi đua

Hội LHPN huyện Ba Vì là một trong những đơn vị trong nhiều năm vinh dự được nhận Cờ thi đua của UBND TP trao tặng vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua. Chị Đỗ Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Năm 2022, Hội Phụ nữ huyện và cơ sở tổ chức triển khai phong trào thi đua và các hoạt động của Hội chào mừng Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022-2027, triển khai và thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm của Hội LHPN Hà Nội “Phụ nữ Thủ đô đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Phụ nữ các cấp”.

Điển hình như để hưởng ứng phong trào thi đua “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng-xanh-sạch-đẹp-an toàn”, phong trào “Mỗi phụ nữ trồng một cây xanh”gắn với phong trào đoạn đường phụ nữ nở hoa, Nhà văn hóa - điểm sinh hoạt cộng đồng xanh - sạch - đẹp - thân thiện với môi trường, Hội Phụ nữ huyện đã tổ chức cuộc thi “Đoạn đường phụ nữ nở hoa kiểu mẫu và nhà văn hóa - điểm sinh hoạt cộng đồng sáng - xanh - sạch - đẹp  - thân thiện với môi trường nâng cao năm 2022”. 

Thực hiện hiệu quả nhiều công trình phần việc ý nghĩa vì phụ nữ và trẻ em - ảnh 1
Bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội trao khen thưởng cho cơ sở Hội PN huyện Ba Vì

Chị Hằng chia sẻ: Quả thật, khi mới triển khai, nhiều cơ sở Hội “ngại” nhiệm vụ này khó hoàn thành vì nguồn kinh phí để thực hiện còn gặp khó khăn. Nhưng bằng sự linh hoạt sáng tạo, chị em đã biết kết nối và vận động nguồn xã hội hóa để có những tuyến đường kiểu mẫu mang màu sắc riêng do phụ nữ đảm nhiệm.

Bằng sự kiên trì bền bỉ, Hội Phụ nữ đã biến 13 điểm rác, chân rác tồn đọng thành vườn hoa, đường hoa tự quản. Đặc biệt, Hội đã đảm nhận việc tổng vệ sinh, quét dọn, trồng hoa, cây xanh xung quanh khuôn viên 58 nhà văn hóa trong năm nay, duy trì và nâng cấp 73 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt xanh - sạch - đẹp - thân thiện với môi trường, nâng tổng số nhà văn hóa do Hội đảm nhận lên 131 nhà.

Không những vậy, để góp phần xây dựng nông thôn mới, trong năm qua Hội còn tuyên truyền và vận động cán bộ, hội viên phụ nữ hiến 12.099m2 đất, đóng góp 2.207 công, với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.

Tương tự, năm 2022, Hội LHPN huyện Gia Lâm đoàn kết, sáng tạo trong thực hiện phong trào thi đua và cũng là một trong những đơn vị dẫn tốp đầu của TP. Trong năm qua, bên cạnh các phong trào thi đua được các cấp Hội thực hiện hiệu quả như: “Xây dựng người phụ nữ Thủ đô Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh  lịch”, cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” đã có 95% cán bộ, hội viên đạt chuẩn mực Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch. 

Một phong trào thi đua được các cấp Hội Phụ nữ Gia Lâm làm tốt đó là phong trào thi đua “An toàn thực phẩm”. Theo chị Vũ Lan Anh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm cho biết: Để giúp chị em hội viên cũng như người dân “Nói không với thực phẩm bẩn” thì 100% cơ sở Hội đăng ký và triển khai thực hiện các mô hình “Vệ sinh an toàn thực phẩm”

. Tham gia mô hình này, các chị em được tập huấn về kinh doanh chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm đạt tiêu chuẩn quy định; học tập mô hình cánh đồng rau sạch, an toàn, không dùng thuốc sâu, thuốc bảo quản tại vườn cây ăn quả...

Hội tổ chức ký 2.700 bản cam kết với các thành viên trong chi hội thay đổi hành vi về an toàn thực phẩm; đồng thời nhân rộng mô hình “Kinh doanh xanh - Kinh doanh văn minh” hạn chế sử dụng bao bì nhựa dùng một lần, hạn chế sử dụng túi nilon trong buôn bán kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn trên địa bàn 22 xã thị trấn. 

Thực hiện hiệu quả nhiều công trình phần việc ý nghĩa vì phụ nữ và trẻ em - ảnh 2
Cán bộ hội viên phụ nữ tham gia ủng hộ, trao tặng áo dài truyền thống cho phụ nữ khó khăn

Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động Hội

Năm 2023, hưởng ứng lễ phát động thi đua của Hội LHPN Hà Nội với chủ đề “Phụ nữ Thủ đô đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh, trọng tâm là nâng cao năng lực cán bộ Hội cơ sở”, Hội LHPN các quận, huyện đã xây dựng nhiều chương trình thiết thực ý nghĩa.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thường Tín cho biết: Năm 2023, các cấp Hội Phụ nữ huyện Thường Tín tích cực tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân cùng chung tay “cán đích” nông thôn mới nâng cao – nông thôn mới kiểu mẫu.

Hội LHPN huyện và cơ sở tiếp tục các hoạt động thiết thực hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội; khai thác, tận dụng tối đa các nguồn vốn vay ưu đãi; vận động, hỗ trợ 10 phụ nữ khởi sự kinh doanh; giúp 145 hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ trên địa bàn thoát nghèo, cận nghèo.

Tại quận Đống Đa, theo chị Trần Thị Minh Xuân, Chủ tịch Hội LHPN quận, năm 2023 Hội Phụ nữ đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục truyền thống, xây dựng người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch”, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, 2 bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố, Quy ước tổ dân phố gắn với phát động, tổ chức làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Trong đó: Mỗi cơ sở Hội có ít nhất 4 sự kiện, hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống, phổ biến giáo dục pháp luật, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; 3 mô hình vận động hội viên, phụ nữ rèn luyện sức khỏe, phấn đấu 18.800 trở lên hội viên, phụ nữ tham gia luyện tập thể thao thường xuyên. Mỗi cơ sở giúp 7 hộ gia đình đạt tiêu chí gia đình “5 không, 3 sạch”…

Thực hiện hiệu quả nhiều công trình phần việc ý nghĩa vì phụ nữ và trẻ em - ảnh 3
Hội LHPN quận Đống Đa tổ chức Hội thi tìm hiểu Điều lệ Hội LHPN Việt Nam

Theo bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, để ghi nhận những nỗ lực cố gắng của các đơn vị tiêu biểu điển hình xuất sắc, UBND TP Hà Nội, TƯ Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN Hà Nội còn biểu dương trao tặng Cờ thi đua, Bằng khen cho Hội LHPN quận, huyện: Ba Đình, Thanh Xuân, Long Biên,  Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Chương Mỹ,  Đông Anh, Sóc Sơn… vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua và hoạt động công tác Hội.

Với những đóng góp bền bỉ đó, năm 2022, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã thành lập 26 chi, 33 tổ phụ nữ đặc thù; phát triển 14.467 hội viên nâng tổng số hội viên toàn thành phố 910.280 hội viên; trong tổng số 746 cơ sở Hội.

Đặc biệt, năm 2023, các cấp Hội Phụ nữ toàn thành phố tập trung xây dựng tổ chức Hội cơ sở vững mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động và sinh hoạt tại chi, tổ phụ nữ; ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối, tuyên truyền tới hội viên, phụ nữ, tập huấn nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ Hội cơ sở. 

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.