Tô cháo đường của bà nội

Huyền Ly
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nghe tin thằng cháu nội mới tý tuổi đầu đã bị tiểu đường, từ nay phải kiêng ăn ngọt, bà không tin, bảo chắc là “chiêu trò” của con dâu không muốn mình can thiệp vào chuyện ăn uống của cháu.

Tuấn là cháu đích tôn của bà, ngày nó ra đời, bà làm gần chục mâm cỗ khao họ hàng. Từ ngày có cháu, bà bỏ hẳn quán tạp hóa cho ông trông để tập trung chăm sóc cháu nội. Sống chung cùng vợ chồng con trai, chúng bận rộn ở công sở từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà, nên việc bà chăm sóc cháu chủ yếu do một tay bà. Bao nhiêu kinh nghiệm nuôi ba đứa con ngày xưa như thế nào được bà đưa ra vận dụng hết.

Tuấn đến tuổi ăn dặm, con dâu mua về bao nhiêu thực phẩm đóng hộp đủ vị của các hãng đắt tiền về cho con ăn. Nhưng loại nào, thằng bé cũng chê, ăn rất ít, người cứ gầy nhẳng ra. Cuộc chiến ăn uống của cháu đích tôn khiến cả nhà náo loạn lên, mỗi ngày nhìn con dâu đánh vật với bát bột cho con ăn mà bà sốt ruột. Ở nhà, bà cũng tìm cách rong ruổi từ nhà này sang nhà khác cho cháu ăn, nhưng vẫn chẳng ăn thua.

Một ngày, bà nghĩ đến món cháo đường ngày xưa vẫn nấu cho ba đứa con ăn. Không ngờ, ngày đầu tiên, thằng bé đánh hết veo hơn nửa bát. Bà mừng rơn, thế là ngày nào bà cũng nấu cháo đường cho cháu ăn. Con dâu nghe bà kể ban đầu cũng mừng vì sự ăn uống của con được cải thiện. Một tháng ăn món cháo đường của bà nội, Tuấn tăng cân thấy rõ khiến cả nhà mừng rỡ. Thời gian sau đó, Tuấn trở thành đứa trẻ bụ bẫm, khỏe mạnh, ai nhìn thấy đều khen bà mát tay nuôi cháu.

Tô cháo đường của bà nội - ảnh 1
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, một lần nếm thử món cháo đường của con trai ăn còn thừa lại, cô giật mình vì độ ngọt của nó quá đậm. Ngay lập tức, cô góp ý với mẹ chồng nếu cứ tiếp tục cho cháu ăn cháo quá ngọt thế này thì không tốt, thằng bé có nguy bị bệnh tiểu đường. Nhưng, bà không tin, bảo nếu mà bị tiểu đường thì bố thằng bé với hai cô, chú của nó đã bị rồi. Vì cả ba người đều nhờ món cháo đường của bà mà lớn lên. Đến tận bây giờ, mỗi lần đi khám sức khỏe chả có đứa nào bị dư lượng đường.

Dù vậy, con dâu cũng kiên quyết không để con trai ăn nhiều cháo đường của bà nội nữa. Hàng ngày, cô nấu cháo sẵn rồi dặn bà cố gắng cho cháu ăn thay vì chỉ ăn duy nhất một món cháo đường như trước. Bà cũng không muốn làm căng với con dâu nên âm thầm làm theo cách của mình. Cháo con dâu nấu, bà vẫn cho cháu ăn nhưng nêm thêm đường vào đó.

Tuấn lên 4 tuổi có dấu hiệu thừa cân và bắt đầu xuất hiện một số bệnh liên quan đến cân nặng. Vợ chồng con trai đưa con đi khám về bảo với bà rằng bác sĩ cảnh báo hạn chế lượng đường trong đồ ăn, thức uống hàng ngày của Tuấn. Nếu không bệnh tiểu đường sẽ tiến triển nặng lên.

Theo lời khuyên của bác sĩ, con dâu đổi hết các loại sữa có đường chuyển sang sữa không đường cho Tuấn uống. Món cháo đường của bà nội được con dâu “quán triệt” không được đưa vào thực đơn hàng ngày. Thế nhưng sau một thời gian, bệnh tiểu đường của Tuấn vẫn không thuyên giảm mà có dấu hiệu nặng hơn, con dâu bà mới âm thầm “điều tra” việc ăn uống của con hàng ngày.

Cô bảo mẹ đẻ lên chơi với cháu một thời gian và bí mật kiểm tra việc ăn uống của Tuấn thế nào. Quả đúng như dự đoán, bà ngoại phát hiện bà nội lén bỏ thêm đường vào sữa, cháo của cháu.

Khi thông gia góp ý, bà bảo thằng cháu nghiện ngọt, nếu không làm vậy thì cả ngày nó chẳng ăn nổi nửa bát cháo, uống hết nửa cốc sữa. Sợ cháu đói, cháu gầy như trước nên bà cứ phải cho thêm đường vào đồ ăn của cháu. Con dâu không ở nhà chăm con hàng ngày như bà nên không thấy xót khi con không chịu ăn.

Hôm đó, sức khỏe của Tuấn lại có vấn đề, lần này, con dâu đưa cả bà vào viện để chứng kiến cảnh cháu khám từ đầu đến cuối. Nhìn thằng bé bị lấy máu mấy lần, làm đủ thứ xét nghiệm, rồi tiêm, truyền đủ kiểu, bà buốt hết ruột gan. Chưa hết, bác sĩ còn gọi bà vào phòng phân tích về hậu quả ăn quá nhiều đường của thằng bé khiến bệnh tiểu đường nặng lên. Nếu gia đình không hợp tác điều trị, tuân thủ đúng chế độ ăn kiêng của người bị bệnh tiểu đường thì sức khỏe của Tuấn sẽ trở nên trầm trọng.

Bà nghe xong thì choáng váng, không ngờ sự thiếu hiểu biết của mình lại gây hại cho cháu đến mức này. Chưa bao giờ, bà thấy bát cháo đường của mình lại đắng như lúc này.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.