Trải nghiệm mới mẻ nhưng vẫn đậm “chất Tết”

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trải qua 3 năm dịch bệnh Covid-19, cùng với sự thích nghi thì thói quen, nếp sống, và không ít giá trị nhân sinh quan cũng dần thay đổi trong suy nghĩ của nhiều người. Ngày Tết, những bạn trẻ bên cạnh yêu thích trải nghiệm, khám phá thì biết hướng về và trân trọng hơn giá trị gia đình. Còn thế hệ cao niên cũng dần cởi mở, hòa nhập với tư tưởng hiện đại. Tất cả cùng hướng tới sự giản đơn nhưng ấm cúng, sum vầy.

“Hưởng” Tết thay vì “ăn” Tết

Là gia đình có lối sống khá truyền thống nên mấy năm trước, khi vợ chồng chị Nguyễn Xuân Hương (Hà Nội) còn ở cùng bố mẹ chồng, cả nhà vẫn luôn duy trì tập tục mùng 1 Tết nội, mùng 2 Tết ngoại, tới mùng 4 cả nhà quây quần ăn bữa cơm hóa vàng, gọi là kết thúc Tết cho con cháu thực hiện lịch trình riêng của mình. Ngày Tết vui đấy nhưng thật sự cũng khá bận rộn với việc nấu nướng. Thế nên sau mấy ngày đầu, kể cả có thời gian, vợ chồng chị Hương cũng dành để nghỉ ngơi, dưỡng sức trước khi bắt đầu với guồng quay công việc chứ chẳng muốn đi đâu.

Trải nghiệm mới mẻ nhưng vẫn đậm “chất Tết” - ảnh 1
Gia đình chị Hương cùng nhau trải nghiệm, khám phá trong một kỳ nghỉ lễ. Ảnh: NVCC

“Năm nay, truyền thống đi thăm, chúc Tết bố mẹ trong những ngày đầu năm vẫn được nhà mình giữ nguyên, nhưng cách thức tổ chức thì có sự thay đổi. Nhà mình không còn quá nặng nề, phải mua nhiều đồ ăn tích trữ, 6 cặp bánh chưng thắp hương… nữa mà chuyển sang cúng chay và gọn nhẹ. Bữa cơm Tất niên hay năm mới trong nhà cũng không còn lựa chọn hình thức “mâm cao cỗ đầy”, tôm, gà, cá, giò… mà chọn ăn món cuốn, lẩu rất gọn gàng lại được nhiều người thích. Như thế là cách tân và thay đổi khá rõ nét trong gia đình mình” - chị Hương kể.

Sự thay đổi ấy theo chia sẻ của chị Hương một phần xuất phát từ thực tế dịch bệnh Covid-19 kéo dài trong 3 năm qua. Vì giãn cách, cách ly, phòng dịch nên hầu hết mọi người dành nhiều thời gian ở nhà hơn so với trước đó. Bản thân gia đình mình cũng bị Covid-19 tầm tháng 2/2022, sức khỏe ảnh hưởng phần nào nên sau khi mọi thứ ổn định, tư tưởng chung của cả nhà là lựa chọn “hưởng” Tết nhiều hơn “ăn” Tết”, chú trọng sự đơn giản, gọn nhẹ nhưng vẫn sum vầy, ấm cúng.

Trải nghiệm mới mẻ nhưng vẫn đậm “chất Tết” - ảnh 2
Gia đình Xuân Hương Ảnh: NVCC

Đợt Tết dương lịch vừa rồi, trong bữa cơm quây quần, vợ chồng chị Hương có chia sẻ về kế hoạch đón Tết của nhà mình, đề xuất được mời và đưa bố mẹ đi nghỉ dưỡng cho thư thái. “Nếu là trước đây, chắc chắn bố chồng mình sẽ phản đối nhưng lần này ông rất vui vẻ đồng tình. Ông thậm chí còn quyết định dời lịch hóa vàng từ mùng 4 sang mùng 8 để các con thư thả tận hưởng kỳ nghỉ dài. Còn mẹ chồng thì ủng hộ luôn. Mẹ cũng tâm sự mong muốn được “xả hơi” thoải mái sau những ngày chuẩn bị Tết bận rộn.

Để đảm bảo thời gian và sức khỏe, nhà mình sẽ chỉ đi 2 ngày 1 đêm, ưu tiên địa điểm quanh Hà Nội, nơi có không khí thoáng đãng, không gian vui chơi cho lũ nhỏ, lại có chỗ để người lớn tuổi nghỉ ngơi như khu suối nước nóng ở Phú Thọ, Hòa Bình; hay khu vực tổ chức sự kiện làm đồ dân gian giúp trẻ con được học hỏi thêm, mình cũng hòa trộn vào không khí truyền thống, thay vì quá nặng nề chuyện ăn uống.

Trải nghiệm mới mẻ nhưng vẫn đậm “chất Tết” - ảnh 3

Tết… trải nghiệm để gắn kết

Với tư tưởng khá cởi mở nhưng vẫn rất coi trọng giá trị gia đình, từ 2016 tới nay, dịp Tết nào gia đình chị Vũ Ánh Nguyệt, anh Trần Hữu Hiếu (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng lựa chọn một khung thời gian để cùng nhau đi du lịch trải nghiệm. Năm ngoái, sau khi thăm Tết nội, Tết ngoại, tới mùng 2 gia đình chị Nguyệt mới “xách balô” lên đường, còn năm nay cả nhà quyết định đi sớm. Chuyến đi bắt đầu từ 26 tới 29 tháng Chạp, sau khi mọi người đều được nghỉ. Trước đó đồ Tết đều được anh chị chuẩn bị trước, phương châm là gọn nhẹ, đơn giản: Đồ khô, quà Tết quê nội, quê ngoại mua sẵn, thực phẩm tươi sống đặt trước ở cửa hàng quen, tới ngày 29 du lịch về là mọi thứ đều sẵn sàng. 

“Nhiều người cứ đợi phải thật giàu mới nghĩ đến đi đâu đó. Cá nhân mình không nghĩ vậy, chỉ cần bản thân muốn là sẽ làm được thôi. Có nhiều thì mình chi nhiều, đi xa, có ít thì mình thiết kế những chuyến đi phù hợp, cắm trại ở các địa điểm gần. Quan trọng là chất lượng của thời gian bên nhau. 

Trải nghiệm mới mẻ nhưng vẫn đậm “chất Tết” - ảnh 4
Sau mỗi chuyến đi, gia đình chị Vũ Ánh Nguyệt lại thêm gắn kết, yêu thương nhau nhiều hơn Ảnh: NVCC

Và chẳng cần phải đợi đến khi dịch xảy ra mà từ lâu vợ chồng mình luôn nói với nhau rằng: Trong cuộc sống, vật chất cần thiết và quan trọng nhưng việc được ở bên cạnh người thân yêu, thấy mọi người mạnh khỏe mới thực sự đáng quý nhất. Tết có lẽ là kỳ nghỉ dài nhất trong năm, cơ hội để chúng ta bỏ lại công việc dang dở, gác lại chuyện học hành của con và dành trọn vẹn thời gian cho nhau. Thế thì đừng để quá nhiều bận rộn khác cuốn mất khoảng thời gian quý báu này. Chúng mình luôn cố gắng khi các con còn ở chung sẽ cùng con đón những dịp Tết ý nghĩa nhất” - chị Nguyệt chia sẻ.

Với các con của chị Nguyệt, hai cu cậu được khám phá thêm phong tục tập quán, ẩm thực, con người ở các vùng miền; được học hỏi, trải nghiệm không ít kiến thức sau mỗi chuyến du lịch Tết như vậy. Các con cũng biết tự lập, chăm sóc mình và người thân, được rèn bản lĩnh không từ bỏ, không gục ngã… Nhưng quan trọng hơn, qua mỗi chuyến đi, căng thẳng do công việc, học tập được giải tỏa phần nào, thay vào đó là cảm hứng, năng lượng tích cực cho khởi đầu mới; để cả nhà thêm yêu thương, gắn kết, biết lắng nghe, chia sẻ với nhau hơn, từ đó vun đắp hạnh phúc gia đình bền chặt.

Theo một khảo sát mới đây của TikTok, tại thị trường Việt Nam, sau hai năm không “xê dịch”, người tiêu dùng sẽ có xu hướng ăn mừng Tết Nguyên đán 2023 bên ngoài. Cụ thể sẽ bao gồm ba hoạt động chính: Gặp gỡ đoàn viên, du lịch và tham gia các lễ hội Tết. Mặc dù mang suy nghĩ thận trọng hơn trong giai đoạn sau đại dịch nhưng người tiêu dùng vẫn rất mong chờ các hoạt động Tết truyền thống như: Các bữa ăn đoàn viên, đi du lịch, trở về quê và tham gia các lễ hội trên khắp cả nước. 73% người tham khảo sát mong muốn được đón Tết bình thường như trước khi dịch bệnh xảy ra. Có 82% người tham gia khảo sát cho biết họ mong chờ được về nhà, gặp lại gia đình vào Tết này. 
Một khảo sát khác của Google ở thị trường Việt Nam cũng cho thấy: Hơn 1/2 số người trả lời có ý định hoặc chắc chắn đi du lịch vào Tết năm sau. Trong đó, 2/3 số người lựa chọn đi du lịch trong nước có thể đến các biển đảo và đi cùng gia đình; mong chờ một cái Tết đoàn viên, du lịch trải nghiệm, khám phá.
 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.