Trung thu cho con

Chia sẻ

Mấy ngày nữa là Trung thu tới, chị hỏi chồng: “Mình tổ chức Trung thu cho các con anh nhỉ?”. Chồng chị lắc đầu: “Tổ chức làm gì, trẻ con bây giờ có đứa nào thiết tha Trung thu nữa đâu”.

Chị ngẩn người nghe anh nói vậy, thấy mất hết hứng thú. Nhưng, ngẫm kỹ, thì anh nói đâu có sai.

Ngày trước, khi chị còn nhỏ, dù Tết Trung thu còn hơn tháng mới tới, nhưng chị và đám trẻ ở quê đã thấy hồi hộp, náo nức lắm rồi. Tiền mua đồ chơi không có, chị gom góp từng hạt bưởi, bóc lấy lớp nhân trắng nõn bên trong, xâu vào sợi dây thép dài. Những hạt dây bưởi sau đó được phơi khô cho se lại đợi tới Trung thu để đốt thay pháo sáng. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng với chị, “pháo bằng hạt bưởi” là thứ gì đó vô cùng quý giá, lung linh, thậm chí còn tạo nên “đẳng cấp” của con người. Bằng chứng là thi thoảng, đám trẻ lại rủ nhau tụ tập để “đọ” pháo bưởi. Đứa nào có sợi pháo dài nhất, hạt bưởi to, đều nhất là người chiến thắng, tha hồ “lên đời”. Chị có lần làm mãi mới được 2 sợi dây bưởi dài gần 1 mét, không may gặp lúc trời mưa gió nên dây bưởi lên meo. Chị tiếc ngẩn ngơ, khóc sụt sùi mất mấy ngày.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Rồi ngày Trung thu tới, mẹ gọi mấy chị em chị ra bày cỗ. Mẹ lôi từ dưới đáy chum sành ra mấy quả hồng xanh, hồng đỏ, quả bưởi, gói cốm, hai gói bánh quy vòng, hai chiếc bánh nướng, bánh dẻo gói trong lớp giấy vàng, bên trên thấm lớp dầu thơm phức. Chị không biết mẹ đã mua mấy thức đó từ lúc nào nhưng mẹ đã phải âm thầm giấu chúng vào trong chum, nơi ngày thường chỉ đựng đồ khô nên chị không mò tới bao giờ. Rồi mẹ trải chiếu ra sân, đặt lên đó chiếc mâm rồi bắt đầu sắp cỗ đón trăng. Cho đến bây giờ, dù cuộc sống khấm khá, công việc đưa chị tới nhiều quốc gia, ăn nhiều món đặc sản, nhưng, chị vẫn không thấy háo hức như lúc “ngồi chầu” phá cỗ Trung thu ngày nhỏ. Với đám trẻ con nhà nghèo như chị và các bạn, quanh năm ăn cơm gạo độn, đâu có dễ gì được thỏa thích ăn hoa quả, bánh nướng, bánh dẻo như tối Trung thu. Để rồi những ngày sau, chẳng bao giờ chị thấy mẹ mua về. Mẹ chị phải chắt chiu tiền để mua thóc gạo, rau thịt nên không nghĩ đến những thức đồ ăn chơi ấy nữa.

Bây giờ, chị thấy các con mình thật sướng, chẳng phải đợi tới đúng ngày Trung thu mới có bánh nướng, bánh dẻo để ăn. Nhà chị nằm trên con phố trung tâm của Thủ đô, từ cả tháng trước các hàng bánh đã đồng loạt dựng kiot, chong đèn bán bánh Trung thư từ sáng sớm đến tối mịt. Rồi thì bưởi, hồng… cũng sẵn có ở chợ, là một thứ hoa quả có thể dễ dàng thưởng thức vào ngày thường. Ấy thế nhưng, mỗi ngày đưa đón con đi học, hai mẹ con đi ngang qua những cửa hàng bánh, những hàng bán hoa quả… chẳng bao giờ chị thấy các con hỏi “Trung thu là gì?” hay “Bao giờ cho tới Trung thu để chúng con được chơi trăng?”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Năm ngoái, chị cũng đã làm cỗ Trung thu cho các con. Chị mua những thức đồ quen thuộc của cỗ Trung thu, rồi khấp khởi gọi các con phá cỗ. Ăn cơm tối xong, hai đứa trẻ bị mẹ gọi giật ra khỏi phòng, mặt mày nhăn nhó. Không có sân, chị bê mâm cỗ ra khoảnh ban công trong căn hộ chung cư. “Ngày xưa, mẹ cũng cùng các bạn đón Trung thu như thế này, chỉ khác là ngồi bệt dưới sân gạch ở nhà bà ngoại ngắm trăng thôi, các con ạ”. Chị còn chưa kịp kể hết chuyện thì con gái chị đã lanh chanh hỏi: “Vậy trăng Trung thu hôm nay đâu, mẹ ơi?”. À, thì vì nhà chị trong nội thành, nhà cửa san sát, che hết tầm nhìn thấy “chị Hằng”. Ánh đèn từ cửa các ô cửa sổ chung cư cũng khiến ánh trăng chẳng còn “đất diễn”. “Thôi thì mẹ con mình tưởng tượng có chị Hằng, chú Cuội đang cười ở trên trời”. “Chỉ thế thôi thì chán lắm mẹ. Con chả thích Trung thu”. Câu hỏi của con gái khiến chị… như rơi bịch từng cung trăng xuống đất. Với các con chị, việc lướt web, xem tivi, chơi games còn thú vị hơn nhiều ngồi ban công hóng gió, đón Trung thu. Ngày hôm sau, chị mang chuyện của nhà mình đến kể với các đồng nghiệp. Mấy chị em trong phòng đều gật gù bảo nhau: “Trẻ con thành thị bây giờ đều thế cả”. Cuộc sống ngày nay quá đầy đủ, đồ ăn thức uống, hoa quả ngon ê hề thì chúng đâu cần đợi Trung thu để được ăn ngon nữa. Bánh Trung thu mua về, rồi lại để lay lắt trong nhà chẳng đứa nào đụng đến một miếng.

Chồng chị dường như đã biết trước cảnh tượng đó nên năm nay, anh bảo nhà chị chỉ mua hộp bánh thắp hương Rằm, vừa nhanh, vừa tiện. Chị nghe anh nói vậy, nhưng vẫn thấy băn khoăn sao đó. Không lẽ, chị sẽ chịu để đêm Trung thu qua đi một cách nhạt nhòa và dễ dàng như vậy. Chả nhẽ, trẻ con của thời @ sẽ không còn Trung thu hay sao?

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cuối tuần đó, chị quyết định mua về nào bột, rồi đậu xanh, hạt dưa, lạp xường… Chị bảo chồng: “Em sẽ cùng các con làm bánh Trung thu. Dù ít, dù nhiều, việc tự tay làm bánh sẽ mang tới cho các con cảm giác thú vị. Mình cứ trách các con không yêu Trung thu, nhưng mình cũng đã dạy cho các con hiểu về Trung thu đâu anh”.

Hôm sau, hai đứa trẻ vô cùng sung sướng khi được cùng chị làm bánh Trung thu. Bình thường, chị mời ăn bánh thì chúng từ chối, chứ được làm bánh, nướng bánh thì đứa nào cũng thích. Thời @, phải thừa nhận nguyên liệu làm bánh đều được chế biến sẵn sàng, nên những bà mẹ “tay ngang” như chị vẫn có thể cùng con thực hành làm bánh. Vừa làm, chị vừa kể cho con về ý nghĩa của Trung thu, về những mùa Trung thu khi chị còn nhỏ, về dây pháo sáng từ bưởi, về chiếc đèn ông sao bằng tre, chị dùng xong mùa Trung thu này là gói nilon gác lên nóc nhà để năm sau mang xuống chơi tiếp… Hai con chị nghe chị kể chuyện, tròn xoe mắt vì “Trung thu của mẹ thật kỳ lạ”. Rồi chúng tranh nhau bỏ nhân, đóng khuôn… và một lúc sau thì căn bếp đã trở thành bãi chiến trường. So với việc đi mua bánh, việc chuẩn bị và làm bánh vất vả hơn nhiều, nhưng chị tin, Trung thu này đã không còn trôi qua hời hợt với các con như những Trung thu trước.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

- Sang tuần, mẹ con mình sẽ lên chợ Hàng Mã mua đồ Trung thu. Mẹ sẽ chỉ cho các con những món đồ chơi như đèn ông sư, đèn cù, tàu sắt… ngày xưa mẹ thường chơi khi còn nhỏ. Chúng tuy đơn giản, không có đèn nhấp nháy, không thể điều khiển từ xa… nhưng vẫn đẹp lắm.

- Hoan hô, sang tuần mình được đi đón Trung thu của mẹ.

Đúng rồi, Trung thu của chị, và giờ đây, chị sẽ truyền lại cho các con.

THÁI ANH

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.