Vắc-xin nào cho vi-rút “bạo lực học đường”?

PHÚ ĐỖ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thời gian qua, vụ xô xát xảy ra giữa một nhóm nữ sinh ở một trường quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh đã gây xôn xao dư luận. Đã đến lúc, cả xã hội cần quan tâm hơn, cần chung tay thực hiện ngay các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng này, góp phần xoá bỏ các hành vi bạo lực trong môi trường học đường.

“Hố đen” trong nhận thức của một bộ phận học sinh

Bạo lực học đường đang trở thành một “vấn nạn” trong môi trường giáo dục hiện nay. Đáng buồn, không chỉ các em học sinh nam đánh nhau, tình trạng này còn xảy ra khá nhiều với học sinh nữ theo hình thức đánh nhau hội đồng, bằng những cử chỉ thô bạo. Nhiều vụ việc đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. Ở một số vụ việc, các em không những không can ngăn mà còn sử dụng điện thoại di động để quay video phát tán trực tiếp lên mạng xã hội. Điều này cho thấy tính chất phi đạo đức và tồn tại một “hố đen” lớn trong nhận thức của một bộ phận thế hệ tương lai của đất nước.

Dưới góc nhìn của các chuyên gia, hiện tượng bạo lực học đường không phải là mới, song thời gian gần đây hiện tượng này xảy ra với tần suất liên tục và bộc lộ tính chất nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, lý do dẫn đến bạo lực đôi khi chỉ xuất phát từ những mâu thuẫn đơn thuần như va chạm trong lúc chơi đùa, trên đường đi học hay các cuộc “khẩu chiến” nói xấu, thách thức nhau trên các diễn đàn, mạng xã hội.

Vắc-xin nào cho vi-rút “bạo lực học đường”? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều trăn trở: “Ngày nay, thuật ngữ “bạo lực học đường” đã xuất hiện. Nó là hồi chuông báo động về sự xuống cấp trong các giá trị đạo đức của học sinh. Bởi tính chất của những hành động ấy đã không còn là bản tính của trẻ con nữa mà đã nhuốm màu bạo lực và sự tàn ác, thậm chí đã có những vụ án mạng học đường”.

Ở một góc nhìn rộng hơn, dịch giả Chu Thu Phương nhận định: “Trong khi ở nước ngoài, người ta nói về vấn đề bắt nạt học đường, thì Việt Nam mới chỉ đề cập đến bạo lực học đường, có thể thấy rõ nhận thức về sự bắt nạt trong môi trường học đường ở Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức như ở phương Tây”.

Bạo lực học đường giờ đây không chỉ xảy ra trong phạm vi nhà trường mà có xu hướng lan rộng ra bên ngoài và trên mạng. Không khó để tìm kiếm những phim ảnh, sách báo, trò chơi mang tính bạo lực. Sự truyền bá rộng rãi của các văn hóa phẩm này vô tình khiến các em lạc vào thế giới của văn hóa bạo lực với những tư tưởng, lối sống lệch lạc, vô cảm, kẻ mạnh là kẻ chiến thắng bất kể đúng sai.

Vắc-xin nào cho vi-rút “bạo lực học đường”? - ảnh 2
Ảnh minh họa

Cha mẹ, nhà trường cần là điểm tựa

 Chúng ta đã biết, tuổi thiếu niên (11-15 tuổi) là giai đoạn có nhiều thay đổi cả về tâm sinh lý và hành vi xã hội dẫn đến những biến đổi sâu sắc về mặt tâm lý, nhân cách, thường được gắn với những cách gọi như “tuổi bất trị”, “khủng hoảng tuổi thiếu niên”. Chỉ cần một tác động xấu từ gia đình, nhà trường, xã hội cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới tư tưởng, lối sống của học sinh, hình thành nhân cách không đúng dẫn đến những vụ bạo lực học đường hay hành vi nguy hiểm cho xã hội. Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho rằng, chính cách ứng xử của các bố mẹ hiện nay cũng đang góp phần hình thành nên những lệch lạc trong lối sống của con. Ông lấy dẫn chứng về những vụ việc khi con gặp mâu thuẫn ở trường hoặc bị bạn học bắt nạt, bố mẹ thay vì khuyên bảo hoặc hòa giải lại giúp con “trả thù” bạn. Do đó, trước hết chính bố mẹ, thầy cô phải là những người bạn đồng hành, là tấm gương sáng và định hướng những giá trị tốt đẹp để các em noi theo.

Vắc-xin nào cho vi-rút “bạo lực học đường”? - ảnh 3
Ảnh minh họa

Còn ở góc nhìn của một nhà giáo dục, PGS.TS Trần Thành Nam (Trường đại học Giáo dục, đại học Quốc gia Hà Nội) nói việc đưa chương trình huấn luyện kỹ năng giải quyết xung đột và chương trình giảng dạy phòng chống bạo lực vào trường học là cấp thiết bởi hiện nay các em chỉ tập trung cho các môn học mang tính lý thuyết, học để thi nhiều hơn là học các kỹ năng giải quyết vấn đề trong cuộc sống.

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, một ngôi trường có hạnh phúc hay không phụ thuộc vào triết lý và văn hóa của nhà trường. Theo đó, mỗi giáo viên cần phải là một tấm gương nhân cách tích cực. Cần có sự thống nhất sử dụng kỷ luật tích cực giữa giáo viên và cha mẹ. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần có quy tắc ứng xử phi bạo lực được áp dụng nhất quán với giáo viên, nhân viên và học sinh. Ngoài ra, cần triển khai thêm nhiều mô hình hỗ trợ hòa giải ngang hàng, phát triển kỹ năng kiểm soát cảm xúc và giải quyết vấn đề”. 

Vắc-xin nào cho vi-rút “bạo lực học đường”? - ảnh 4
Ảnh minh họa

Dịch giả Chu Thu Phương nhấn mạnh, việc cấp bách nhất là không để sự việc ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý học sinh bị bắt nạt. Đồng thời cần có các giải pháp lâu dài, tránh lặp lại sự việc mà gốc rễ là phải có hướng xử lý đúng đắn đối với học sinh đi bắt nạt và không tạo tiền lệ xấu cho các học sinh khác. Theo nữ dịch giả, các thầy cô giáo, nhất là các thầy cô chủ nhiệm, thầy cô hướng dẫn tâm lý cho học sinh và Ban Giám hiệu cần có các kỹ năng để trở thành điểm tựa cho học trò cũng như gia đình các em có thể tâm sự, gửi gắm lòng tin, trình bày nguyện vọng của mình.

Xã hội không thể đứng bên lề của bạo lực học đường hay để con trẻ phải tự “bơi” giữa “bể” tư tưởng, văn hóa tiêu cực mà cần sự chung sức, chung lòng với các hành động mạnh mẽ, quyết liệt để bạo lực học đường không còn là nỗi ám ảnh của các em mỗi khi tới trường, tất cả nhằm bảo vệ, gìn giữ những chuẩn mực đạo đức của các thế hệ công dân tương lai.

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.