Văn minh trong cưới hỏi để ngày vui trọn vẹn

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Xưa nay, người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng vẫn luôn coi trọng lễ cưới, coi đây là việc hệ trọng của cả một đời người. Thế nên, một đám cưới được ấn định tổ chức sẽ có rất nhiều nghi lễ và thủ tục. Theo dòng chảy thời gian, các nghi thức được tiết giảm để phù hợp với xu thế, song nét đẹp văn hoá và văn minh vẫn được giữ vững, để ngày vui trọn vẹn.

Mệt mỏi vì… bất đồng quan điểm trong tổ chức cưới hỏi

Theo kế hoạch, đám cưới của anh T và chị M (quê Hà Nội) sẽ được tổ chức vào tháng 12 này nhưng hiện có nguy cơ bị hoãn do những bất đồng về việc... tổ chức đám cưới.

Cả hai yêu nhau đã được 3 năm thì quyết định đi đến hôn nhân. Tháng 8 vừa rồi, anh T và chị M quyết định ra mắt hai bên gia đình, thế nhưng, thay vì nhận được sự đồng thuận thì cả hai vấp phải nhiều rào cản.

Đầu tiên là gia đình anh T chê chị M nhiều tuổi hơn, trông bề ngoài già, còn bố mẹ chị M lại “sợ” anh T đang phải gồng gánh nhiều mối quan tâm: Người chị gái bị bại liệt, bố mẹ già không có lương hưu cần chăm sóc. Đến khi cả hai nỗ lực để thuyết phục được bố mẹ thì lại tiếp tục vấp phải những bất đồng khác như chưa thống nhất được ngày cưới hỏi, thủ tục cưới hỏi. Theo như bố anh T thì gia đình nhà trai sẽ định ngày cưới, còn bố mẹ chị M lại mong muốn được lựa chọn ngày cưới cho con gái duy nhất của ông bà.

Văn minh trong cưới hỏi để ngày vui trọn vẹn - ảnh 1
Những nét đẹp văn hóa được bảo tồn trong ngày vui của cô dâu chú rể.

Vì là con gái duy nhất nên trước khi cưới, mẹ chị M nói: Đám cưới là dịp hệ trọng của cả cuộc đời, nên bà mong muốn được tổ chức đủ đầy, bài bản. Chị M cứ việc chọn trang phục, địa điểm tổ chức cho hoành tráng, bao nhiêu chi phí, bố mẹ chị cho. Trong khi đó, anh T lại chỉ mong muốn tiết giảm, nhẹ nhàng để không quá tốn kém và phụ thuộc vào nhà vợ tương lai.

“Trước đây, khi yêu nhau, chúng tôi khá hợp từ ăn uống, sinh hoạt, suy nghĩ. Nhưng khi bắt đầu bàn đến đám cưới thì chúng tôi bắt đầu mâu thuẫn và tranh cãi. Đầu tiên là chuyện chụp ảnh cưới, tôi muốn chụp trong phòng, vừa tiết kiệm lại không phụ thuộc vào thời tiết, còn cô ấy lại muốn chụp ngoài trời để có một album để đời. Tôi muốn thuê váy cưới nhưng cô ấy lại muốn tự may váy cưới với giá hơn chục triệu đồng, sau này mỗi năm kỷ niệm lại bỏ ra mặc hoặc khi có con gái thì dành tặng nó".

Tôi nói: “Sau này, mỗi năm sẽ có 1 mốt mới, váy cưới cũng sẽ bị cũ ố theo thời gian, không nên để lưu lại làm gì”… Tôi thích đám cưới tổ chức ở quê gọn nhẹ, ở nhà văn hoá thôn hoặc trung tâm tiệc cưới với chi phí vừa phải nhưng cô ấy lại mong muốn tổ chức ở khách sạn sang trọng. Khách khứa của mình toàn người bình dân, đi ăn ở nơi khách sạn sang trọng thì họ không có khả năng, cố quá thì khổ thân họ. Họ không đến được, chỉ gửi tiền mừng thì đám cưới mất vui” – anh T trải lòng.

Song, dù có thuyết phục thế nào, chị M vẫn không đồng ý, vì theo chị M, tất cả đã có nhà gái lo, bố mẹ anh và anh chỉ việc… tham dự.

Lúc này, anh T bực mình nói: “Em đừng có mở miệng ra là nhà em, nhà em nữa đi. Đám cưới của hai đứa chứ có phải của riêng em đâu mà cái gì cũng nhà em?”.

Văn minh trong cưới hỏi để ngày vui trọn vẹn - ảnh 2
Một đám cưới tại Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20.

Nghĩ đến việc đám cưới dềnh dang được bố mẹ vợ “vẽ” ra với thủ tục rườm rà mà anh H (quê ở Huế) và chị B (quê ở Hà Nội) vô cùng lo lắng. Do khác vùng miền, thủ tục cưới xin cũng có một số điểm khác nhau, chưa kể là các trang phục cưới, mâm quả… Cả hai phải mất mấy lần gặp gỡ, trao đổi mới thống nhất được ngày cưới…

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia về Wedding Planner Nguyễn Thị Thùy Linh chia sẻ: “Với văn hóa Á Đông, việc cưới xin là việc của hai gia đình. Do đó, trong quá trình chuẩn bị đám cưới, cả hai sẽ không tránh khỏi được những bất đồng quan điểm”. Đối với anh H, chị B, cả hai cần thảo luận để đưa ra phương án dung hoà và thuận lợi cho cả đôi bên. Những phần lễ nghi theo truyền thống của mỗi nhà thì có thể giữ, còn lễ chung cơ bản thì có thể giống nhau cho các miền… Về trang phục, cô dâu chú rể có thể trao đổi với đơn vị trang trí tiệc cưới để có giải pháp tốt và phù hợp với không gian sảnh tiệc và sở thích.

“Bố mẹ đôi khi đặt ra các yêu cầu phải có đủ đầy nghi thức. Nhưng đó là xuất phát từ tình yêu thương và mong muốn tốt nhất cho các con. Do đó, các đôi nam nữ hãy nhẹ nhàng thương thuyết với gia đình mình, tránh xung đột gay gắt để ngày vui không bị “mất vui” – chuyên gia Thuỳ Linh nói.

Văn minh trong cưới hỏi để ngày vui trọn vẹn - ảnh 3
Các lễ vật trong một đám hỏi.

Tiết giảm nhưng vẫn văn minh

Theo truyền thống, nghi lễ ăn hỏi và cưới ở Hà Nội nhìn chung cũng giống như các tỉnh phía Bắc, tuy nhiên cưới hỏi ở Hà Nội vẫn giữ được những điểm khác biệt... Trải qua một thời gian các nghi thức này cũng đã thay đổi theo sự tiến bộ của xã hội, tuy đơn giản hóa hơn nhưng vẫn phải giữ được ba lễ nghi: Chạm ngõ, ăn hỏi và lễ cưới.

Hiện nay, hầu hết các đám cưới ở Hà Nội đã được đơn giản hóa về thủ tục, tổ chức trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và điều kiện kinh tế của gia đình. Các thủ tục kết hôn được tổ chức với tinh thần "vui tươi - lành mạnh - tiết kiệm"; không tổ chức tiệc cưới nhiều lần, nhiều ngày; không mời khách trong giờ làm việc; âm nhạc trong đám cưới lành mạnh, vui tươi, đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép, không ảnh hưởng đến cuộc sống xung quanh; không mở nhạc trước 6 giờ sáng và sau 22h đêm gây ảnh hưởng đến các hộ xung quanh và trật tự an ninh, an toàn xã hội...

Thậm chí, nhiều gia đình đã chọn hình thức tổ chức đám cưới tại nhà văn hóa, tổ chức lễ hằng thuận tại các di tích lịch sử văn hóa, tổ chức đám cưới tập thể, khuyến khích sử dụng trang phục truyền thống, không mời thuốc lá, một số đám cưới hạn chế khách mời, số lượng phù hợp (khách mời dự tiệc không quá 300 người)…

Việc thay đổi này đã dẫn đến những chuyển biến tích cực, đồng thời cũng làm cho nhiều gia đình cảm thấy thoải mái và nhẹ nhàng hơn khi nhà có tin vui.

Hiện nay, có nhiều người nhập cư vào Hà Nội, họ không muốn về quê tổ chức cưới hỏi vì mất thời gian và tốn kém nên đã sinh ra dịch vụ cho thuê phòng cưới và phòng tân hôn. Đây cũng là dịch vụ rất hay, thu hút nhiều cặp đôi trẻ. Hầu hết người Hà Nội hiện nay đều đã có cái nhìn thoáng và đơn giản hơn với những lễ nghi của tiệc cưới, không rườm rà, nhưng vẫn đầy đủ và văn minh.

Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Phùng Hoàng Anh cho rằng, hình thức tổ chức cưới đơn giản, tiết kiệm của nhiều cặp đôi hiện nay đã lan tỏa nếp sống văn minh: Hạn chế tối đa việc tổ chức đám cưới dềnh dang, tốn kém mà thực hiện các lễ cưới đơn giản, tiết kiệm, văn minh hơn.

Tuy nhiên, để nếp cưới hỏi tiết kiệm, văn minh có thể tiếp tục nhân rộng và lan tỏa thì các cấp chính quyền cần tích cực tuyên truyền rộng rãi hơn nữa. Sự thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh, cô dâu, chú rể về nét đẹp giản dị của nghi lễ, phong tục tập quán, văn hoá truyền thống người Việt sẽ giúp họ thay đổi hành vi, thực hiện việc cưới văn minh, tiết kiệm, giúp đôi trẻ xây dựng hạnh phúc bền lâu.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.