Vì con hay vì mình?

Hải Linh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chỉ cần thấy hôm nay trời mưa dầm dề, thì cái Hân biết, buổi trưa đi học về, mình lại phải đi tìm bố.

Thật ra tìm bố không khó, vì chỗ bố có thể đến chỉ có vài nơi mà Hân đã quá quen đường đi lối lại rồi. Cái khó là lôi được bố về, vì lúc ấy bố đã say mèm, hoặc hoa hết mắt trên chiếu bạc.

Từ dạo nghỉ làm công trình xây dựng, bố Hân trở nên ngày càng nhàn rỗi. Trong thời gian đó, anh chỉ chơi, chè cháo với mấy ông bạn cùng tình cảnh tương tự. Thời buổi người khôn của khó, xin việc khó khăn, nhưng bố Hân cùng các chiến hữu vẫn mơ màng rằng, đàn ông là phải nuôi chí lớn.

Thế nên khi mẹ Hân ngỏ ý nhắc chồng tìm việc mới, trong chút hơi rượu vẫn còn sót lại từ buổi nhậu cả ngày hôm trước, bố Hân quát vào mặt vợ: “Tôi mà đã làm thì chỉ làm chủ, không đi làm thuê”, rồi ngật ngưỡng bỏ vào giường, nằm lướt điện thoại. Rượu chè uống như nước lã khiến kể cả lúc không say, trông bố Hân vẫn liêu xiêu - như cái tình cảnh của mấy mẹ con Hân bây giờ: Kinh tế dồn hết vào đôi vai mẹ Hân, bố thì chẳng còn một xu dính túi. Thứ bố giàu nhất hiện tại, chỉ là một đống sĩ diện hão.

“Thôi thì, tôi mua cái sĩ diện ấy cho anh. Giờ là cơ hội cuối cùng, tôi sẽ bỏ tiền mua đồ nghề cho anh làm quán”, mẹ Hân gạt nước mắt, tất tay cho chồng khi anh cương quyết đòi mở một cửa hàng ăn sáng, dù mẹ Hân biết, rồi cái cửa hàng ấy cũng chẳng sống được lâu đâu.

Mẹ Hân làm công nhân may. Tờ mờ sáng, xe công ty đã tới đón đi làm, tối muộn mới trả về. Hân học lớp 5. Giờ bố mở quán, cô bé phải dậy sớm hơn hẳn 1 tiếng để phụ bố. Thế mà hôm nào cũng phải hớt hải đến trường, vì bố Hân làm gì cũng chậm. Được cái, anh nấu nướng cũng được, nên thời gian đầu, quán khá ổn định khách. Nhưng cái thói sĩ diện lại nổi lên trong anh.

Có hôm, anh chẳng thèm lấy tiền ăn của khách, hôm thì anh ngồi nói chuyện, uống nước chè với khách hăng quá, đóng luôn cửa hàng, không cần bán tiếp nữa. Vậy nên, chỉ được 1-2 tuần đầu, mẹ Hân còn thấy tiền tươi. Đến tuần thứ 3, bố Hân đã phải bù tiền vào để mua nguyên liệu. Mẹ Hân bảo, “anh đòi tiền mấy người nợ đi” thì bố Hân gạt phắt: “Sao phải thế, có nghèo chết ngay đâu mà phải đòi?”.

Vì con hay vì mình? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Sưng xỉa với vợ con, nhưng với người ngoài, bố Hân lúc nào cũng đối đãi hết sức hào hiệp. Bởi thế cho nên hàng xóm mới bắt đầu xì xào, rằng dạo này quán ăn sáng nhà Hân có một vị khách đến ăn rất trung thành, là cô thợ may bỏ chồng cách đó mấy nhà. Nhà may của cô cũng túc tắc khách, có ngày ế dài chả mống nào tới, thành ra có những hôm, cô thợ may ngồi “ăn sáng” tới gần trưa. Ông chủ thì nhiệt tình tiếp khách, khách cũng không hề làm mất lòng ông chủ, thành ra, hàng xóm đi qua đi lại, ai cũng thấy tiếng cười khanh khách vọng ra.

Họ bảo với mẹ Hân phải dè chừng. Người đàn bà tuổi hơn 40 nhưng vẻ bề ngoài phải cộng thêm cả chục tuổi vì lo nghĩ, cúi mặt. Dè chừng cái gì bây giờ? Ngày xưa, lúc lấy bố Hân, mẹ Hân đã bị gọi là “gái ế”. Chỉ 2 tiếng ấy thôi mà nặng nề hơn một tảng đá, khiến suốt mười mấy năm lấy nhau, chị chưa từng dám nhận một quyền lợi gì cho mình. Kể cả khi chồng có đòi hỏi bất kỳ điều gì, chị - dù rất khó khăn, nhưng rồi vẫn sẽ chấp nhận. Thế thì chị phải dè chừng cái gì chứ? À không, chị đâu có quyền để dè chừng.

Quán ăn sáng ngày càng lỗ. Sau 1 tháng mở cửa thì bố Hân chính thức phải sang vay tiền nhà bác hàng xóm làm giáo viên, “chị cho em mượn 500 em gọi ga, sáng giờ có mỗi 2 khách, mà lại ăn chịu”. Có tiền, bố Hân về phóng xe đi ngay, bác hàng xóm nhìn theo thở dài, rồi lại khổ mẹ con cái Hân, chẳng biết có tạt té đâu không nữa?

Quả đúng thế thật. Hôm ấy Hân lại đi tìm bố và phải gọi nhà bác hàng xóm đến đưa bố về, vì bố Hân say mèm, người mềm như cọng bún. Nhưng không hiểu sao, càng say, bố Hân càng chửi giỏi. Chửi vợ, chửi con là “thứ đàn bà ít học, ngu xuẩn, không hiểu chí lớn của thằng đàn ông”. Chửi chán bố Hân lại ngủ lăn quay, tới khi tỉnh rượu thì nằm ôm điện thoại, nhắn tin tủm tỉm cười. Rồi lại ngủ. Hân khéo léo thó trộm điện thoại của bố, đưa cho mẹ xem. Thì ra bố nhắn tin với cô thợ may. Khác với mẹ Hân, người ta ăn nói dịu dàng, lời lẽ quan tâm hết mực, còn hẹn mai lại ra ăn sáng…

Mẹ Hân quyết định nói rõ với bố Hân về mối quan hệ với cô thợ may ấy. Ai ngờ bố Hân lồng lên, mắng mẹ Hân là đồ chấp vặt, ghen tuông vớ vẩn. “Anh đừng có chối nữa, tôi biết hết cả rồi. Hôm qua anh đóng cửa quán, hai người đi với nhau, có người thấy hết, chụp ảnh gửi cho tôi đây rồi”. Chỉ chờ có thế, lửa giận bùng lên, bố Hân đạp vào người mẹ Hân, những cái bạt tai giáng xuống.

Vì con hay vì mình? - ảnh 2
Ảnh minh họa

Mẹ và Hân bỏ về ngoại ở. Nhà ngoại Hân cách nhà tận mấy chục cây số, ở huyện khác nên Hân phải chuyển trường. Về ở với ông bà ngoại, Hân không phải dậy thật sớm rồi phải đi tìm bố những hôm mát trời, nhưng Hân thấy nỗi buồn càng thẳm sâu trong đôi mắt mẹ. Mẹ thì vẫn lầm lũi đi làm nuôi Hân, vẫn không để cô bé thiếu thốn điều gì. Có lẽ mẹ sợ Hân buồn, vì dù thế nào, tuy sống cùng với một người bố say xỉn, lúc nào cũng “nuôi chí lớn” nhưng vẫn đầy đủ là một gia đình.

Vài tháng sau, buổi chiều khi Hân đi học về, chờ mãi vẫn không thấy mẹ về ăn cơm tối. Hân hỏi mãi, ông bà ngoại mới bảo, bố Hân bị đánh, nặng lắm, đang nằm ở bệnh viện tỉnh. Hôm sau, mẹ Hân mới thất thểu về nhà sớm sau một đêm mất ngủ. Chị cũng chẳng muốn giấu con gái làm gì. “Bố bị chồng cô thợ may đánh cho một trận”, “Sao lại thế được mẹ, cô ấy bỏ chồng rồi mà”. “Ừ, nhưng người ta vẫn đánh. Cô kia vào hùa với chồng cũ, còn lừa cả tiền của bố. Cũng may, bố con làm gì có nhiều tiền. Chắc vậy nên nó mới đánh cho đau thế”, mẹ cười thiểu não. Rồi mẹ Hân lại hấp tấp chuẩn bị quần áo đi làm.

Hân đi học cả ngày hôm đó mà thấy tâm trí mình cứ để nơi đâu. Tối đó, mẹ lại không về nhà ăn cơm, lại đi tới tờ mờ sáng hôm sau mới về. “Mẹ mày càng thế càng khổ”, bà ngoại thở dài.

Mẹ đã về để chuẩn bị đi làm. Hân ào đến hỏi tình hình bố. “Sưng hết mặt mũi, chẳng tự làm gì được”, mẹ đáp ráo hoảnh. “Thế hay mẹ con mình cùng về chăm bố đi mẹ, để con giúp mẹ một tay”, Hân ngỏ lời. “Con không ghét bố à?”, mẹ hỏi.

“Mình có ghét bố không nhỉ, có, nhiều là đằng khác ấy chứ. Nhất là khi bố còn đánh mẹ, làm mẹ buồn. Nhưng giờ bố đau như thế, thì làm gì còn sức mà đánh nữa. Tự dưng mình lại thương bố. Có khi bây giờ về, bố không đánh, không mắng hai mẹ con nữa đâu”, Hân nghĩ trong đầu. Rồi cô bé bảo mẹ: “Mẹ con mình về chăm bố, sẽ bắt bố cam kết không uống rượu, không cho khách ăn chịu nữa, thì con sẽ không ghét bố nữa!”.

Mẹ ôm Hân vào lòng, chị nỡ lòng nào chối từ đề nghị của con gái, chính chị cũng không nỡ để chồng nằm đấy. Nhưng rồi quay lại, thì sẽ đi tới đâu? “Giá như cuộc đời mẹ cũng đơn giản như con nghĩ, thì thật nhẹ nhàng biết mấy?”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.