Vỏ bọc hạnh phúc

Thái Thị Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiếc xe lăn bánh đưa Xuân đi xa dần khỏi thành phố. Chỉ sáng mai thôi, cô sẽ được về nhà với bố mẹ...

Nghe tin con gái về chơi, bố mẹ Xuân mừng lắm. Trước hôm Xuân lên đường, mẹ gọi dặn Xuân không cần mua quà gì cho ông bà và tiếc là Xuân không đưa được chồng về cùng.

Từ hồi hai vợ chồng lấy nhau đến nay đã gần 10 năm, Tú, chồng Xuân về thăm nhà vợ chưa quá nổi 10 lần. Với bố mẹ và người ngoài, lý do của sự xa cách này là do Tú bận bịu trăm công nghìn việc. Nhưng, Xuân thừa hiểu là chồng cô không muốn về thăm bố mẹ vợ. Bởi đã từ lâu rồi, Tú không coi cô là vợ của mình.

Xuân và chồng sống không hạnh phúc. Xuân vốn thật thà, hướng nội, là người của gia đình. Còn lại bao nhiêu tinh khôn, lanh lẹ, trải đời thì Tú nhận cả. Tú vẫn thường chê vợ “đụt”, xuất thân thì quê kiểng, chẳng giúp được gì cho chồng. Có chăng là Xuân sinh được 2 đứa con và giúp cho Tú có một vỏ bọc gia đình hoàn hảo để dễ bề ngoại giao, kiếm tiền. Từ chỗ chê vợ, Tú cũng chẳng mặn mà gì với bố mẹ vợ và gia đình vợ.

Tú cũng cấm Xuân không được để anh em, họ hàng làm phiền gì đến mình. Tú sợ người nhà của vợ thấy mình ở thành phố, lại là chủ doanh nghiệp sẽ lên nhờ vả, không phải vay tiền thì cũng là xin việc. Xuân buồn lắm nhưng thi thoảng phải lấy danh nghĩa của chồng gửi tiền, quà về biếu bố mẹ.  Cô không muốn đóng vai những đứa con bất hiếu và cũng để bố mẹ cô cảm thấy ấm lòng.

Xuân từ lâu đã ấp ủ ý định sẽ ly hôn để giải thoát khỏi hôn nhân lạnh lẽo này. Nhưng, suy đi tính lại, cô thấy mình và Tú còn quá nhiều ràng buộc. Tú đối với Xuân có thể không tốt, nhưng với các con thì vẫn có trách nhiệm. Nhờ có Tú mà các con mới có được cuộc sống vật chất đầy đủ, được học ở trường tốt. Nếu ly hôn rồi, với khả năng tài chính của Xuân, cô không thể chăm lo cho con được. Hơn thế, chúng cũng sẽ bị ảnh hưởng tâm lý khi bố mẹ chia tay.

Vì thế, Xuân đã cố gắng chịu đựng, nén nỗi đau vào trong. Không những thế, cô còn phải tỏ ra vui vẻ, bình thản nhất là với bố mẹ, họ hàng. Bố mẹ nào cũng đều chỉ mong cho con mình hạnh phúc, bình an. Cô đã không báo hiếu được bố mẹ thì càng không thể làm ông bà suy nghĩ, đau buồn thêm được.

Vỏ bọc hạnh phúc - ảnh 1
Ảnh minh họa

Vì công việc và phải chăm lo các con nên Xuân ít có điều kiện thường xuyên về thăm nhà. Một năm có mấy ngày quan trọng như giỗ cụ, Tết... cô cũng chỉ thu xếp về hôm trước, hôm sau lại lên thành phố luôn. Đa phần là Xuân đi một mình với lý do là “chồng con bận việc”.

Sở dĩ lần này bố mẹ Xuân ngạc nhiên vì Xuân gọi về thông báo sẽ về chơi dài dài. Cô nói là cơ quan đang rà soát lại hoạt động nên tạm cho một số nhân viên nghỉ ở nhà. Kỳ thực là hôm trước, hai vơ chồng Xuân lại cãi nhau. Xuân không kìm nén được nữa nên đã dốc hết tâm tư trong lòng, rồi cô còn nói tới việc ly hôn.

Chẳng ngờ, Tú bị kích động, đã lớn tiếng thách cô ra khỏi nhà luôn. Tú nói không cần cô, rằng cô thích thì hai vợ chồng ly hôn, Tú sẽ nhận nuôi hai con. Xuân vừa khóc, vừa sắp xếp hành lý rồi gọi về cho bố mẹ. Lúc đó, nhà của bố mẹ là nơi đầu tiên và duy nhất cô nghĩ tới khi gặp đau khổ.

Sau một đêm ngủ chập chờn trên xe khách, Xuân đã về tới nhà. Bố mẹ cô không hay chuyện gì, vui mừng chạy ra đón cô. Xuân ứa nước mắt bước vào ngôi nhà quen thuộc, nơi đã cho cô cả một tuổi thơ bình an, được yêu thương hết mực và chẳng phải lo lắng gì. Bố mẹ đã lau dọn một căn phòng ở tầng hai sạch sẽ tinh tươm để cho cô ở.

- Con về dài ngày thế này thì tốt quá. Thằng Tú thì không nói, nhưng  còn hai đứa nhỏ đâu, con đi thế này ai chăm hai cháu của bà? Mẹ Xuân vừa xách đồ cho Xuân, vừa hỏi.

- À, hôm rồi bà nội đón cả hai đứa đi du lịch cùng bà. Chúng nó đi vắng thì con mới dám về với bố mẹ vậy chứ.

Kỳ thực là Xuân nói dối. Biết là Xuân về nhà bố mẹ, Tú đã giữ hai con ở lại. Tú tin là thiếu con Xuân không dám đi nhưng lần này, Xuân không thể chịu đựng thêm được. Cô cần có không gian để tĩnh tâm trở lại. Bao năm sống trong hôn nhân bất hạnh đã khiến cô tổn thương quá nhiều rồi.

Trong bữa cơm trưa đó, tự nhiên bố hỏi Xuân cuộc sống dạo này như thế nào? Hai vợ chồng có gì khúc mắc không. Rồi bố bảo Xuân phải cố giữ lấy gia đình cho các con.

- Thằng Tú trông thế chứ nó là đứa vất vả kiếm tiền nuôi cả nhà. Mình không lo được kinh tế như chồng thì phải lo vun vén nhà cửa con biết không. Nó là rể tốt đấy, thi thoảng vẫn gửi tiền, quà về biếu bố mẹ. Quý hóa quá - bố Xuân kể.

Xuân nghẹn lại, không dám nói ra sự thật. Rằng cô mới là người gửi tiền, quà về. Mẹ nhìn Xuân một hồi rồi nhận xét Xuân gầy quá, xanh hơn và hình như bị mất ngủ vì bà thấy mắt Xuân bị thâm quầng. Xuân nói dối bố mẹ là cuộc sống của cô vẫn ổn thỏa không có gì phải lo nghĩ.

Vỏ bọc hạnh phúc - ảnh 2
Ảnh minh họa

Tối đó, Xuân đang chuẩn bị đi nghỉ thì Tú nhắn tin vào điện thoại. Tú giận dữ nói cô quá to gan vì quyết bỏ về nhà mẹ như thế. Rồi Tú cảnh cáo cho cô đi 1,2 ngày là phải về nhà, nếu không, Tú sẽ gọi điện về cho ông bà ngoại thông báo rõ sự tình.

“Tôi sẽ nói với bố mẹ là cô đòi ly hôn chồng. Vợ chồng chúng ta lâu nay chưa hề có hạnh phúc. Tôi đồng ý ly hôn nhưng chắc chắn Tòa sẽ để tôi nhận nuôi cả hai đứa con chứ không phải cô” -Tú nhắn tin.

Tú muốn Xuân về không phải vì nhớ nhung, luyến tiếc gì Xuân cả mà do lòng tự trọng của người đàn ông khiến Tú không cho phép vợ bỏ đi. Hơn thế hai đứa con vắng mẹ thể nào cũng sẽ mè nheo khiến Tú mệt mỏi.

Xuân định phớt lờ tin nhắn, nhưng cô biết tính chồng, nếu cô không hợp tác thì Tú sẽ tung hê mọi chuyện. Xuân không thể để bố mẹ biết chuyện được, ông bà đã già yếu rồi. Bố cô đang bị tim, khó mà chịu được khi biết lâu nay hôn nhân của cô chỉ được bọc bằng cái vỏ hạnh phúc. Còn mẹ cô nữa, sẽ nghĩ ngợi, lo lắng thế nào nếu nghe cô chia sẻ về những tủi hờn mà cô phải chịu đựng lâu nay.

Nhiều lúc, Xuân muốn được giải thoát khỏi vỏ bọc hạnh phúc này, nhưng cô sợ, sẽ làm bố mẹ buồn.

Theo chuyên gia tâm lý: Trong cuộc sống, tâm lý của người làm con là luôn muốn cha mẹ tuổi già được sống an yên, không phải lo lắng cho con cái. Chị Xuân trong câu chuyện cũng vậy. Từ khi kết hôn, chị biết rằng từ nay mình đã có cuộc sống độc lập và cần phải báo hiếu cha mẹ chứ không phải để cha mẹ lo lắng cho mình. Và vì vậy, khi hôn nhân không tốt đẹp, chị đã cố gắng giấu nỗi đau vào trong, không để cho bố mẹ biết.

Tuy nhiên, không hẳn lúc nào việc che giấu nỗi đau cũng là lựa chọn đúng. Bởi sự thật việc chị Xuân là người bị tổn thương là điều không thay đổi. Các con chị Xuân cũng sẽ chỉ có thể phát triển nếu được nuôi dưỡng, chăm sóc trong gia đình hạnh phúc thực sự chứ không phải chỉ là vỏ bọc bên ngoài. Khi chị cố gắng sống cam chịu trong một gia đình vốn đã rạn nứt, tưởng sẽ tốt nhưng lại không tốt cho cả hai vợ chồng chị và các con.

Điều chị cần làm bây giờ là hãy suy nghĩ chín chắn và đưa ra quyết định cho cuộc đời mình. Trong trường hợp chị muốn ly hôn, chị đừng lo sẽ khiến bố mẹ chị buồn. Bởi, dần dần, bố mẹ chị sẽ hiểu vì bố mẹ nào cũng muốn con mình được bình an, hạnh phúc thực sự.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.