Vợ thường xuyên so sánh chồng với người khác
Vợ tôi là một người thường xuyên so sánh chồng với người khác. Mỗi lúc vợ chồng có mâu thuẫn là cô ấy lôi hết người này đến người khác ra so sánh nhằm hạ bệ chồng.
Vợ tôi là một người thường xuyên so sánh chồng với người khác. Mỗi lúc vợ chồng có mâu thuẫn là cô ấy lôi hết người này đến người khác ra so sánh nhằm hạ bệ chồng. Lâu dần tôi cảm thấy mình chẳng có giá trị gì đối với vợ, tình cảm vợ chồng cũng dần nguội lạnh. Tôi phải làm thế nào để vợ từ bỏ thói so sánh chê chồng này?
(anhhung@yahoo.com.vn)
Phụ nữ có những biểu hiện tâm lý phức tạp, đàn ông không dễ hiểu đâu. Có người vợ thường xuyên chê chồng trước mặt người khác, chồng bực tức tưởng bị vợ hạ nhục, nhưng hóa ra đó là tâm lý tự vệ của phụ nữ. Cô vợ nói xấu chồng là để nhắc người khác đừng tưởng “anh ấy ngon lành” mà nhòm ngó, như vậy là người vợ rất yêu quý chồng và “xù lông bảo vệ” chồng đấy chứ. Trường hợp vợ hay so sánh chồng mình với chồng người khác cũng tương tự. Cô ấy làm như vậy cũng có nhiều mục đích.
Ảnh minh họa
Một là khích lệ chồng, muốn chồng phấn đấu hơn nữa so với những gì hiện có. Hai là trong lòng biết chồng giỏi giang, sợ chồng “kiêu”, nên đem người khác ra so sánh, có ý “dìm hàng” của chồng, đó là cách phòng chống bệnh tự cao, tự đại của đàn ông. Ý của các cô vợ là “anh đừng tưởng anh thế là giỏi lắm rồi nhé, còn khối người hơn anh!”. Ở với phụ nữ, đàn ông cần học cách “dịch” nhưng lời nói của họ cho đúng, đừng suy nghĩ theo lối thông thường của đàn ông.
Hiểu được vấn đề rồi, bạn tùy chọn các cách ứng xử cho phù hợp. Có người bỏ ngoài tai những lời so sánh của vợ, cho đó là chuyện nhỏ, nếu như ngoài việc này ra, cô ấy không có những biểu hiện nào thái quá. Có người dở bài AQ một chút, nói vui với vợ rằng “anh chỉ thế thôi nên mới lấy em cho xứng đôi vừa lứa, chồng người khác tốt, nên họ mới không lấy em làm vợ”. Còn người có tính “ăn miếng trả miếng” sẽ lôi vợ người khác ra khen và so sánh với vợ mình. Tuy nhiên cách này không phù hợp với đàn ông lắm.
Làm thế nào để thuyết phục chồng ra ngoài sống riêng?
Tôi sắp kết hôn nhưng lại rất sợ cảnh mẹ chồng – nàng dâu vì mẹ anh ấy là người rất khó tính. Tôi sợ những mâu thuẫn ấy sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân sau này. Mấy lần tôi có ý muốn được sống riêng sau khi kết hôn nhưng anh ấy không đồng ý. Tôi phải làm thế nào để thuyết phục anh ấy hả Tâm Giao?
(mylinhfanclub.hn@gmail.com)
Sống chung với người khác là điều không dễ, song không phải không làm được. Cha mẹ đẻ chúng ta cũng có người khó tính, nhưng con cái đâu có bỏ ra ngoài thuê nhà để ở? Thủ trưởng khó tính, nhưng nhân viên vẫn phải kiên trì lựa cách chung sống, không phải ai cũng có thể bỏ cơ quan để đến một nơi có thủ trưởng dễ tính. Xung quanh bạn bè, đồng nghiệp cũng mỗi người một nết, có khi rất ức chế, bực mình, song chúng ta cũng vẫn sống được với nhau. Vậy tại sao bà mẹ chồng lại là nỗi kinh hoàng đối với các cô con dâu như thế, trong khi bên cạnh mình có một người chồng yêu thương, bênh vực, che chở, giúp sức? Có lẽ định kiến mẹ chồng nàng dâu quá lớn, nên bạn “sợ bóng sợ vía” đấy thôi, chứ thực ra chuyện rất đơn giản.
Không có ai là người khó tính với hết thảy mọi người. Có người bị mang tiếng là người rất khó tính, vậy mà gặp một người ngoan ngoãn, biết điều, biết lắng nghe và yêu thương, “con người khó tính” kia trở nên cực kỳ dễ thương, dễ chịu. Chưa đến nhà người ta mà đã mang sẵn trong lòng ác cảm, cho rằng người ta khó tính thì không nên. Bạn ngẫm mà xem, bạn nắm hai bàn tay mình lại thành hai nắm đấm rồi đấm vào nhau, cả hai tay cùng đau. Nhưng nếu bạn xòe hai bàn tay ra, vỗ áp vào nhau, sẽ tạo ra những tiếng vỗ tay giòn giã, tươi vui. Người ta bảo mình gieo nhân nào, gặt quả ấy mà, cứ sống tốt, không ai nỡ gây sự với người tốt đâu.
Đừng gây sức ép với người chồng sắp cưới. Anh ấy yêu mẹ anh ấy trước khi yêu bạn, anh ấy mang ân sâu, nghĩa nặng, công đức sinh thành dưỡng dục của mẹ cha, không lẽ bạn yêu anh ấy, muốn lấy anh ấy mà lại bắt anh ấy phải rời bỏ người mẹ? Nếu ai lấy vợ cũng chỉ nghĩ đến ở riêng cho thoải mái, tránh va chạm bố mẹ thì chắc người Việt Nam chẳng khao khát có con đến thế. Rồi sẽ có ngày bạn làm mẹ chồng, mẹ vợ đấy. Hãy nghĩ đến niềm vui lớn của bạn là tình yêu của chồng, là đám cưới vui vẻ, là những tháng ngày vợ chồng sống trọn vẹn cho nhau.
Chuẩn bị cưới thì phát hiện bạn trai lừa tình
Sắp cưới thì tôi phát hiện mình là nạn nhân của một vụ lừa tình. Tôi muốn xóa bỏ đám cưới nhưng vì đang có thai nên chần chừ. Nếu bây giờ không cưới thì tôi sẽ sống thế nào với cái thai đã quá tuổi phá; còn vẫn cưới rồi chia tay thì sẽ mang tiếng một lần đò. Tôi bối rối quá, Tâm Giao hãy cho tôi hướng đi đúng nhất lúc này?
(anhsao@yahoo.com)
Bạn viết ngắn gọn quá, nên Tâm Giao không rõ bạn bị lừa tình nghĩa là sao. Anh ấy đã có vợ con, nhưng không cho bạn biết, nay bạn có thai với anh ấy mới phát hiện ra mình bị lừa? Nếu như thế sẽ khác với chuyện anh ấy trót bịa ra rằng anh ấy là một đại gia giàu có, có ô tô, có nhà cao cửa rộng, khiến bạn “say đắm” anh ấy, nay có thai, sắp cưới mới biết anh ấy chỉ là một anh con trai nghèo khó, đang đi làm thuê. Trong vụ lừa tình này, bạn có là người ngây thơ, vô tội, hay cũng là người chịu một phần trách nhiệm do vội vã, nghĩ đơn giản, vụ lợi, tạo kẽ hở để người ta lừa mình. Cũng có những vụ lừa tình đáng yêu, dễ chấp nhận như anh con trai ít tuổi hơn cô con gái, nhưng vì quá yêu, khát khao cưới cô ấy làm vợ, nên anh con trai bịa thêm tuổi cho mình. Cũng có người lần đầu nói dối mình là bác sĩ, kỹ sư, nhưng thực ra mới là sinh viên sắp ra trường…
Ảnh minh họa
Hãy nghĩ xem vụ lừa này có gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cuộc sống chung của hai người, liên quan tới pháp luật hay không? Bản chất vấn đề là gì. Tại sao bạn lại nghĩ lấy nhau xong lại phải chia tay? Nếu chấp nhận bị lừa, nhưng rồi từ nay hai bên cùng chung sức xây dựng cuộc sống lứa đôi thì có được không.
Bạn không thể bỏ thai vì thai đã lớn, vậy chỉ còn con đường duy nhất là để sinh con. Vậy hãy cân nhắc xem có thể vì đứa con mà cố gắng thu xếp cuộc hôn nhân ổn thỏa không? Còn nếu các bạn không thể tiến tới hôn nhân vì vấn đề pháp luật thì hãy kiên quyết thà sinh con một mình còn hơn cố cưới rồi lại bỏ nhau. Đừng nghĩ đến sự sĩ diện, đừng cho rằng bỏ chồng thì “có giá” hơn là sinh con không bố. Cũng đừng cho rằng cái lỗi một lần đò thì lớn hơn việc không chồng mà có con. Bạn không may vướng vào chuyện không mong muốn này thì đừng cầu toàn, bởi không có con đường nào sáng sủa nhất cho bạn, mà bạn chỉ cố gắng chọn lựa trong những con đường tối kia một con đường đỡ tối hơn mà thôi.
Chồng bê tha khi con bị bệnh tự kỷ
Cưới xong, vợ chồng tôi có con ngay, chưa kịp tận hưởng niềm hạnh phúc thì chúng tôi phải đối diện với nỗi đau khi con mắc bệnh tự kỷ. Chồng tôi từ buồn đau đã sinh ra chán nản, giờ anh chìm trong men rượu để một mình tôi chống chọi với nỗi bất hạnh. Đã có lúc tôi nghĩ đến việc ly hôn để một mình nuôi con còn hơn nằm trong tình trạng buồn vì con khổ vì chồng như hiện nay. Liệu việc đó có tội với con tôi không?
(Nguyễn Thúy Ngần, CLB cha mẹ trẻ tự kỷ HN)
Hiện nay, những gia đình không gặp may mắn, sinh ra đứa con khiếm khuyết về khía cạnh này hay khía cạnh khác không phải là ít. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng trở nên lục đục, bất hạnh vì đứa con không may mắn đó. Tình yêu thương, nghĩa vợ chồng phải được thể hiện ở lúc này, ở việc cùng nhau chia sẻ, khắc phục khó khăn, nuôi dưỡng và giáo dục con.
Chồng bạn là người đàn ông yếu đuối, anh ấy không đủ mạnh mẽ để chấp nhận rủi ro, lại sử dụng những biện pháp tiêu cực để giải sầu, đó là điều thiệt thòi cho bạn và cháu bé. Nhưng để thay đổi anh ấy không dễ. Bây giờ bạn là trụ cột gia đình, là chỗ dựa duy nhất cho con, phải suy nghĩ lạc quan, chăm sóc sức khỏe bản thân, duy trì công ăn việc làm để cuộc sống không xáo trộn quá nhiều. Ngoài thời gian làm việc, chăm con, bạn hãy dành thời gian đọc sách, lên mạng tìm kiếm thông tin về phương pháp giáo dục trẻ tự kỷ hay tham gia vào câu lạc bộ những cha mẹ có con tự kỷ để được học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ nỗi niềm chung. Hãy tạm chấp nhận coi chồng “có cũng như không”, không vội ly hôn lúc này. Thực ra ly hôn bạn cũng không vì thế mà nhẹ lòng hơn, chẳng qua điều bạn trông mong, hy vọng không đạt được, bạn cảm thấy muốn “cắt đi cho rảnh nợ”. Bạn cũng cần thông cảm với người chồng, bởi anh ấy cũng không sung sướng, hạnh phúc gì.
Đừng cam chịu vất vả một mình, hãy chia sẻ nỗi niềm của bản thân với gia đình chồng, bạn bè, người thân để nhận được sự đồng cảm và giúp đỡ. Bạn cũng có thể nhờ người khác, nhất là những người đàn ông có uy tín với chồng để tâm sự, khuyên nhủ, dẫn dụ cho chồng bạn bớt buồn, lấy lại sự bình tâm và có cuộc sống bình thường. Chưa vội mong anh ấy cùng bạn chia sẻ nhọc nhằn, chỉ mong bước đầu anh ấy sống có trách nhiệm với chính bản thân mình đã là tốt rồi.
Tâm Giao