Vườn xưa
Có một khu “Vườn xưa” xa vời mà ấm áp
Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc
Hai ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
Hai ta như ngày nắng tránh ngày mưa
Như mặt trăng mặt trời cách trở
Như sao hôm sao mai không cùng ở
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
Hai ta như sen mùa hạ cúc mùa thu
Như tháng mười hồng tháng năm nhãn
Em theo chim đi về tháng tám
Anh theo chim cùng với tháng ba qua
Một ngày xuân em trở lại nhà
Nghe mẹ nói anh có về anh hái ổi
Em nhìn lên vòm cây gió thổi
Lá như môi thầm thĩ gọi anh về
Lần sau anh trở lại một ngày hè
Nghe mẹ nói em có về bên giếng giặt
Anh nhìn giếng, nước sâu trong vắt
Nước như gương soi lẻ bóng hình anh
Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc
Hai ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
1957
Tế Hanh
Ai đó đã thật sâu sắc khi nói rằng, tài sản của lớp người đi qua cuộc chiến tranh là nỗi nhớ. Chính vì vậy những bài thơ về đề tài quê hương - nỗi nhớ của các thi sĩ cách mạng có sức sống thật lâu bền. “Vườn xưa” của Tế Hanh là một bài thơ như thế.
Vườn của Tế Hanh tràn ngập sắc xanh của các loài cây dân dã: cây mỗi ngày mỗi xanh, có sen mùa hạ, cúc mùa thu, tháng mười hồng, tháng năm nhãn, có vòm ổi và có cả giếng nước sâu trong vắt… Một bức tranh trong trẻo và đầy chất quê, rung lên bao nhiêu sợi tơ thương mến trong cung đàn tha thiết mang tên gọi quê hương.
Có nơi đâu cho ta cảm giác bình yên, dễ chịu hơn góc vườn nhà, nơi mà những loài cây như bầu bạn. Góc vườn ấy, không gian ấy không tĩnh tại mà luôn sống động, song hành cùng sự sống: có nắng, có mưa; có chim bay đi, bay về giữa tháng ba, tháng tám; có gió thổi trên những vòm cây làm rung rinh cành lá.
Minh họa sưu tầm
Và ở “Vườn xưa”, hình ảnh khu vườn hiện lên luôn gắn với hình ảnh người mẹ già:
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc
Hình ảnh này đối lập với hình ảnh “cây mỗi ngày mỗi xanh” ở trên.
Sự đối lập của hình ảnh thơ làm hiện lên thực tại , cây ngày càng tươi xanh còn tóc mẹ thì bạc rồi. Câu thơ mang tính khái quát cao về không gian, thời gian và quy luật đời người. Theo thời gian, cây cỏ thiên nhiên vẫn trường tồn bởi quy luật tuần hoàn mà đời người thì hữu hạn, ngắn ngủi. Biết là không thể thoát khỏi quy luật ấy mà sao lòng vẫn chạnh buồn. Càng buồn hơn là sự xa cách và trắc trở của đôi lứa:
Hai ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa.
Vậy ra, nhớ vườn xưa là cái cớ, người mẹ già là tâm điểm để nỗi nhớ xoay vòng. Từ không gian vườn nhỏ bé mở ra không gian khác: không gian xa cách của đôi lứa: ngày nắng, ngày mưa mặt trăng, mặt trời Sao Hôm, Sao Mai sen mùa hạ, cúc mùa thu, hồng tháng mười, nhãn tháng năm…
Một chuỗi các chi tiết, hình ảnh liên tưởng, ẩn dụ sống động tuôn chảy trên cái nền đối lập chỉ để nói lên một sự thật éo le: em và anh tưởng chừng không bao giờ hội ngộ.
Tế Hanh thật tài hoa khi đưa chất liệu của thiên nhiên vào thơ một cách nhuần nhị, đặc biệt là việc vận dụng câu tục ngữ về thời tiết “tháng tám chim qua, tháng ba chim về”. Tất cả chỉ để nói lên khoảng cách tưởng gần mà xa, tưởng xa mà vẫn có sợi dây ràng buộc.
Hoàn cảnh thực tế “ở hai đầu công tác” với những trở ngại của chiến tranh nên sự xa cách kéo dài từ góc vườn đến hai đầu nhung nhớ. Nơi anh và em đang lao động, chiến đấu vì những nhiệm vụ chung. Cũng có thời điểm giữa khoảng thời gian xa cách, em và anh được trở lại nhà, trở lại vườn xưa nhưng luôn là sự trở về lỗi nhịp.
Nhà thơ đã tái hiện lại cả không gian hai mùa xuân, hạ và người mẹ là nhân vật trung gian chứng kiến nghịch cảnh của đôi lứa. Nhưng sự cách trở về không gian, thời gian không làm phai nhạt tình cảm thủy chung, son sắt.
Bài thơ khép lại bằng sự lặp lại khổ thơ đầu:
Một câu hỏi khắc khoải và da diết “có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?”. Trở lại vườn xưa là trở lai một khoảng trời thân thuộc, nơi hai ta đã cùng ở, cùng có những kỷ niệm êm đềm.
Từ một góc vườn ở một làng quê, từ một nỗi nhớ một mảnh đất, “Vườn xưa” của Tế Hanh đã mở ra một không gian lớn. Đó là không gian của nỗi nhớ nhung, gợi lên những tình cảm vừa chân thành vừa da diết của tình yêu-tình yêu đối với quê hương,với những người thân thuộc, với người mình mong nhớ.
Vườn xưa xa cách cả không gian, thời gian nhưng không bi lụy, mềm yếu. Nó đủ tạo ra sự day dứt, gợi lên khoảng cách vời vợi nhưng đầy khao khát yêu thương, khắc khoải hạnh phúc ấm nồng.
NHẤT MẠT HƯƠNG