Xử lý kỷ luật khi viên chức dùng chất kích thích

Luật sư Trần Thu Thủy
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Câu hỏi: 
Tôi làm cùng một đồng nghiệp nghi là có sử dụng chất kích thích, nhưng mọi người cũng chỉ phỏng đoán chứ không ai biết chắc chắn. Xin hỏi, công chức và viên chức khác nhau như thế nào? Giả sử công chức, viên chức nghiện ma túy, nhưng không làm ảnh hưởng đến công việc được giao thì có bị xử lý kỷ luật không? Nếu có thì hình thức kỷ luật như thế nào?

Hải Nam (Chương Mỹ)

Xử lý kỷ luật khi viên chức dùng chất kích thích - ảnh 1
Ảnh minh họa

Trả lời:
Theo khoản 2, Điều 4 Luật Cán bộ công chức có hiệu lực ngày 01/01/2010, khái niệm về công chức như sau:

“2. Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”. 

Theo Điều 2 Luật Viên chức có hiệu lực từ 01/01/2012: 

“Điều 2. Viên chức

Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”.

Cho dù là công chức hay viên chức mà nghi ngờ mắc nghiện ma túy, thì phải có kết luận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền. 

Việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã được Chính phủ ban hành Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020; theo đó, đã có những hướng dẫn rất cụ thể về trình tự xử lý kỷ luật đối với công chức như sau (Điều 25): Tổ chức họp kiểm điểm, thành lập Hội đồng kỷ luật, cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật. Trong trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật thì không thực hiện việc họp kiểm điểm tại cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc. Trường hợp công chức có hành vi vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng thì không thực hiện việc tổ chức họp kiểm điểm, thành lập Hội đồng kỷ luật.

Trường hợp người bị kiểm điểm là công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức có trách nhiệm tổ chức cuộc họp kiểm điểm. Trường hợp người bị kiểm điểm là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu thì lãnh đạo cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan sử dụng công chức có trách nhiệm tổ chức cuộc họp kiểm điểm và quyết định thành phần dự họp.
Trường hợp người bị kiểm điểm là công chức cấp xã thì thành phần dự họp là đại diện lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đại diện tổ chức chính trị - xã hội có liên quan và toàn thể công chức của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Khoản 4, Điều 26 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 quy định: 

“4. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp kiểm điểm, người chủ trì cuộc họp gửi báo cáo và biên bản cuộc họp kiểm điểm đến cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật. Báo cáo phải thể hiện rõ các nội dung sau đây:

a) Hành vi vi phạm, tính chất và hậu quả của hành vi vi phạm;

b) Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ;

c) Trách nhiệm của người có hành vi vi phạm;

d) Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật;

đ) Kiến nghị về việc xử lý kỷ luật; hình thức kỷ luật (nếu có) và trình tự thực hiện.”

Trong luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25/11/2019 có quy định nội dung về xử lý viên chức bị kỷ luật tại khoản 8 Điều 2 bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 56 về xử lý kỷ luật viên chức như sau:

“8. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 56 như sau:

“2. Viên chức bị kỷ luật thì xử lý như sau:

a) Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì không thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực;

b) Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức cách chức thì không thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.

3. Viên chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được bổ nhiệm, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng hoặc thôi việc.”

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.