Xử lý tài sản không để lại di chúc như thế nào?

Chia sẻ

Chồng tôi không may bị bệnh hiểm nghèo, đã qua đời và không để lại di chúc. Chúng tôi có một con gái năm nay đươc 10 tuổi.

Chồng tôi không may bị bệnh hiểm nghèo, đã qua đời và không để lại di chúc. Chúng tôi có một con gái năm nay đươc 10 tuổi. Khi còn sống, vợ chồng tôi có mua được một căn hộ chung cư trị giá 3 tỷ, khi mua nhà thì bố mẹ chồng tôi cũng cho một ít, còn chủ yếu là của hai vợ chồng. Hiện nay, bố mẹ chồng tôi vẫn còn sống. Hỏi, theo quy định của pháp luật thì tài sản của chúng tôi sẽ được định đoạt như thế nào? Nếu bố mẹ tôi và tôi cùng thống nhất tài sản của chồng tôi sẽ để lại cho con gái thì phải làm những thủ tục gì?

Nguyễn Hồng Giang (Đông Anh)

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Trả lời

Trường hợp chồng bạn mất đi không để lại di chúc thì phần tài sản của chồng sẽ được chia theo pháp luật. Những trường hợp tài sản được chia theo pháp luật được quy định rõ tại Bộ Luật Dân sự số 91/2015-QH13 ngày 24/11/2015:

“Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật:

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

b) Di chúc không hợp pháp;

c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế…”.

Như vậy, căn hộ là tài sản chung thì bạn chỉ có quyền sở hữu một nửa, còn một nửa thuộc di sản thừa kế của chồng bạn. Khi chồng mất đi, thì ½ giá trị căn hộ đó phải được chia theo pháp luật; tức phần giá trị của nửa căn hộ đó thuộc về những người ở hàng thừa kế thứ nhất.

“Điều 651 Bộ luật dân sự quy định về Người thừa kế theo pháp luật:

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau”.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

Đối với trường hợp của bạn, nếu các thành viên trong hàng thừa kế thứ nhất muốn phân định tài sản thì việc làm đầu tiên phải khai nhận di sản thừa kế. Bố mẹ chồng bạn, bạn và con gái phải có văn bản xác thực rằng ngoài họ ra, thì hàng thừa kế thứ nhất không còn ai khác. Thủ tục khai nhận di sản thừa kế này bạn có thể thực hiện tại bất cứ phòng công chứng nào trên địa bàn tỉnh/thành phố nơi mà hai vợ chồng bạn sở hữu căn hộ, hoặc UBND cấp xã/phường. Những giấy tờ bạn cần chuẩn bị để thực hiện việc khai nhận di sản thừa kế gồm: Giấy chứng tử của chồng, Giấy chứng nhận kết hôn của vợ chồng, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh của chồng, giấy khai sinh của con gái, các giấy tờ nhân thân của bạn và bố mẹ chồng...

Sau thời gian thông báo khai nhận di sản thừa kế được niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường, sau 15 ngày nếu không có ai khiếu nại gì thì phòng công chứng sẽ công chứng vào văn bản phân chia di sản thừa kế. Xin lưu ý với bạn, thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là 30 năm.

Theo quy định của pháp luật thì 50% giá trị căn hộ là phần di sản thừa kế của chồng sẽ được chia làm 4 phần bằng nhau, mỗi người được hưởng một phần. Phần của con gái do bạn làm đại diện quản lý cho cháu. Nếu xảy ra trường hợp các thành viên trong gia đình không thể tự mình phân định được thì nhờ Tòa án nơi có căn hộ của hai vợ chồng để giải quyết. Sau khi có quyết định phân chia tài sản, thì ai ở căn hộ đó sẽ phải trả cho những người khác phần tương đương với giá trị di sản thừa kế mà mình được hưởng theo pháp luật.

Số tiền trước đây ông bà có đóng góp để hai vợ chồng bạn mua nhà thì bạn có thể cộng thêm cả giá trị đóng góp đó vào phần di sản thừa kế của con trai mà ông bà được hưởng theo pháp luật. Nếu trước đây ông bà tuyên bố là tặng cho vợ chồng bạn thì đó là của vợ chồng bạn.

Trong trường hợp bố mẹ chồng bạn và bạn cùng thống nhất căn hộ đó để lại cho con gái sau này; thì về thủ tục vẫn phải có văn bản xác thực đối với những người ở hàng thừa kế thứ nhất. Sau đó bạn và bố mẹ chồng sẽ làm văn bản từ chối phần di sản thừa kế của chồng bạn, việc thực hiện thủ tục tặng cho con gái/cháu nội của ông bà tại phòng công chứng. Phần chuyển dịch tài sản này sẽ được thể hiện qua những thông tin thay đổi ở mặt sau của Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Nhưng do con gái của bạn chưa đủ tuổi để quản lý tài sản, vì vậy bạn là người giám hộ đương nhiên cho con gái đến khi con đủ tuổi thành niên để có thể tự mình quản lý tài sản.

Mong rằng những tư vấn trên đây sẽ giải đáp cho bạn được những vướng mắc pháp luật về thừa kế khi không có di chúc.

Luật sư TRẦN THU THỦY

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.