Ứng Hoà: Chuyển đổi mạnh mẽ, phát triển kinh tế xanh
(PNTĐ) - Trước thềm năm mới 2025, nhìn lại một năm qua với những chuyển động tích cực về kinh tế - xã hội, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Ứng Hoà Nguyễn Chí Viễn có những chia sẻ về kết quả sau nhiều nỗ lực của các cấp, chính quyền, mặt trận, đoàn thểvà nhân dân trong huyện đã phát huy cao sức mạnh đoàn kết, tập trung khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, thực hiện nhiệm vụ, đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Thưa đồng chí, năm 2024 khép lại với nhiều dấu ấn, là một năm mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong huyện đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, vậy đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật mà huyện đã đạt được?

- Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Nguyễn Chí Viễn: Năm 2024, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Quyết định số: 6336/QĐ-UBND ngày 12/12/2023 của UBND thành phố Hà Nội về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024 của thành phố Hà Nội, Nghị quyết số 22/NQ-HĐND ngày 16/12/2023 của HĐND huyện Ứng Hòa về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Huyện đã tập trung trong công tác chỉ đạo việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024, đến nay đạt 18/18 chỉ tiêu Thành phố giao và 19/19 chỉ tiêu HĐND huyện giao. Kết quả nổi bật trên các lĩnh vực:Tổng giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt 16.212 tỷ đồng, tăng 7,69% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 4.954 tỷ đồng, tăng 1,9%; công nghiệp - xây dựng ước đạt 4.788 tỷ đồng tăng 9,09%; thương mại - dịch vụ ước đạt 6.470 tỷ đồng, tăng 11,3%.
Cơ cấu kinh tế của huyện đã có những chuyển biến tích cực trong chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu thương mại – dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất (39,8%), công nghiệp - xây dựng 30,6%, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 31,5% năm 2023 xuống 29,6%.
Sản xuất nông nghiệp từng bước áp dụng khoa học công nghệ làm tăng hiệu quả, năng suất cho các sản phẩm nông nghiệp như đã xây dựng thêm các mô hình nhà lưới, nhà màng trồng rau, quả an toàn; chăn nuôi lợn áp dụng hệ thống cho ăn tự động, mô hình chăn nuôi thủy sản “Sông trong ao”… Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đạt được những kết quả đáng ghi nhận, năm 2024 toàn huyện có thêm 17 sản phẩm, nâng tổng số sản phẩm được chứng nhận OCOP lên 87 sản phẩm đánh giá đạt từ 3 sao.
Thu ngân sách năm 2024 đạt được kết quả đáng ghi nhận, ước tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 659 tỷ đồng đạt 174% so với kế hoạch Thành phố giao, đạt 119% so với HĐND huyện giao và tăng 42% so với cùng kỳ năm 2023, chi ngân sách được điều hành, quản lý chặt chẽ có hiệu quả. Công tác giải ngân vốn đầu tư công có nhiều chuyển biến tích cực.
Công tác cải cách hành chính (CCHC) có nhiều chuyển biến rõ rệt, hoàn thành mọi nội dung nhiệm vụ theo Kế hoạch; các tồn tại, hạn chế về CCHC 2023 cơ bản được khắc phục; công tác kiểm tra công vụ, kiểm tra CCHC, kiểm tra kiểm soát thủ tục hành chính được duy trì thường xuyên đạt 100% tại các xã, thị trấn, đồng thời đã thực hiện tái kiểm tra ở các đơn vị.
An sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo trong đó đặc biệt là công tác giảm nghèo đạt vượt kế hoạch Thành phố và huyện giao, năm 2024 giảm được 2 hộ nghèo đạt 200% Kế hoạch HĐND huyện giao. Đến hết 2024 huyện Ứng Hòa đã không còn hộ nghèo.
Năm 2024, huyện Ứng Hoà đã có điểm nhấn tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhất là giảm tỷ trọng cơ cấu nông nghiệp, tăng tỷ lệ dịch vụ - thương mại, công nghiệp - xây dựng, đồng chí cho biết thêm về nội dung này?

- Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Nguyễn Chí Viễn: Ban Thường vụ Huyện uỷ đã chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ, chú trọng chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp. Chú trọng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trọng tâm hướng vào lĩnh vực chế biến, phát triển ngành nghề truyền thống địa phương; đầu tư các cụm, điểm công nghiệp, dự án theo quy hoạch. Tập trung phát triển các ngành thương mại - dịch vụ, coi đây là hướng ưu tiên, làm nền tảng để tạo ra sự tăng trưởng cao để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Huyện đã quan tâm chỉ đạo quy hoạch, triển khai sản xuất nông nghiệp theo vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn kết hợp với chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị nông sản, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Huyện đã quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa giá trị, chất lượng cao, sản xuất rau an toàn, trồng cây ăn quả, chăn nuôi thuỷ sản từ đó nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích. Bình quân, diện tích lúa đạt hơn 16.000ha, sản lượng hơn 96.000 tấn với 85% là lúa chất lượng cao mang thương hiệu “Gạo chất lượng Khu Cháy”. Ngoài ra, huyện còn phát triển 380ha cây ăn quả, 4.000ha nuôi trồng thuỷ sản, cung cấp hơn 39.532 tấn thuỷ sản. Đàn gia cầm với hơn 2,18 triệu con, đàn lợn gần 100.000 con cung cấp nguồn lớn trứng và thịt cho thị trường.
Nhiều vùng sản xuất tập trung đã hình thành như: Chăn nuôi lợn ở Vạn Thái, Tảo Dương Văn; mô hình đa canh lúa - cá - vịt ở Trầm Lộng, Minh Đức; nuôi trồng thuỷ sản ở Phương Tú, Hòa Lâm, Đội Bình; vùng lúa chất lượng cao ở Trung Tú, Hoa Sơn, Hòa Phú…
Năm 2024, huyện phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng cho vùng sản xuất lúa tại các xã: Phương Tú, Đại Cường, Vạn Thái, Trầm Lộng, Hòa Lâm, Kim Đường, Minh Đức. Phối hợp với Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội chứng nhận các mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap với diện tích 38 ha tại các xã: Hòa Lâm, Phương Tú, Kim Đường; sản xuất lúa giai đoạn chuyển đổi hữu cơ với diện tích 38,5 ha tại xã Đại Cường, sản xuất cây ăn quả: ổi, táo theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Hòa Xá. Đối với chăn nuôi 01 hộ chăn nuôi vịt đẻ tại xã Kim đường tổng đàn 3000 con và 01 hộ tại xã Đại Cường với tổng đàn 2500 con, 01 hộ nuôi cá tại xã Trầm lộng với diện tích 02 ha. Kết nối với các công ty như Công ty TNHH Lương Thực Long Vũ; Công ty TNHH Lương thực Thái Bình... tiêu thụ 90% thóc J02 cho nông dân. Nhiều hợp tác xã và doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất, chú trọng tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm. Điển hình là Hợp tác xã Sản xuất - kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết, xã Phương Tú; Hợp tác xã Thuỷ sản Minh Quân, xã Đội Bình; cơ sở chế biến chả vịt Tiến Mạnh, thị trấn Vân Đình…
-Thưa đồng chí, bước sang năm 2025, huyện đã mục tiêu phấn đấu và giải pháp triển khai như thế nào?.

- Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Nguyễn Chí Viễn: Trên cơ sở kết quả, thành tựu đạt được năm 2024. Năm 2025, Huyện ủy và cả hệ thống chính trị tập trung triển khai các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, khát vọng vươn lên để phát triển địa phương, tập trung một số mục tiêu chủ yếu: Phấn đấu tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện năm 2025 đạt 17.436 tỷ đồng, tăng 7,75% so với năm 2024. Trong đó, nông nghiệp đạt 5.171 tỷ đồng tăng 4,4%; công nghiệp - xây dựng đạt 5.112 tỷ đồng tăng 7,7%; thương mại - dịch vụ đạt 7.153 tỷ đồng tăng 10,06%.
Về cơ cấu kinh tế năm 2025, huyện đặt mục tiêu giảm tỷ trọng nông nghiệp còn 29,2%, tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng lên 30,5% và thương mại – dịch vụ lên40,3%.
Huyện phấn đấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 734,8 tỷ đồng.Duy trì 100% xã, thị trấn đã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 95,4%.Duy trì không có hộ nghèo trên địa bàn. Tăng tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch khu vực nông thôn đạt 100%. Tăng thêm 3 xã nông thôn mới nâng cao tăng, 4 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu…
Huyện tập trung khắc phục những khó khăn, vượt qua thách thức, phát huy kết quả đạt được và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu KTXH năm 2025, đồng thời triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Rà soát, hướng dẫn các xã đã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2025 thực hiện các tiêu chí, phấn đấu năm 2025 có thêm 3 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Phát triển các vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn ngoài khu dân cư; phát triển chăn nuôi sản xuất gia súc, gia cầm, thủy cầm theo hướng sản xuất công nghiệp hàng hóa tại các xã Vạn Thái, Tảo Dương Văn, Đông Lỗ, Kim Đường, Viên Nội… Mở rộng các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với các hoạt động dịch vụ, du lịch. Tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao tại các xã Hòa Lâm, Trầm Lộng, Trung Tú…
Tích cực ứng dụng khoa học công nghệ mới, từng bước cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, chú trọng áp dụng mô hình công nghệ cao. Phát huy và nâng cao vai trò hỗ trợ kinh tế nông hộ phát triển của các tổ chức kinh tế tập thể như tổ hợp tác, hợp tác xã... để tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm các sản phẩm nông sản của huyện. Xây dựng đề án tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn.
Chỉ đạo duy trì triển khai công tác cho vay vốn ưu đãi; giải quyết việc làm, giảm nghèo, giải ngân nguồn vốn cho hộ nghèo vay xây dựng, sửa chữa nhà ở; tập huấn, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2025. Huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh việc thực hiện chương trình giảm nghèo, xác định đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo giảm nghèo nhanh và bền vững.
- Xin chân thành cảm ơn đồng chí!