Bài 2: Đất canh tác bị biến tướng, UBND xã Dương Liễu xin “hợp thức hóa” cho sai phạm?

Chia sẻ

(PNTĐ) - Huyện Hoài Đức sắp lên thành quận, giá đất khắp nơi tăng mạnh, nhà xưởng không phép ở xã Dương Liễu mọc lên như nấm và cũng được giao dịch, sang nhượng trao tay tiền tỷ. Chính quyền địa phương không những không ngăn chặn, xử lý kịp thời mà còn có hướng hợp thức hóa cho phép vi phạm tồn tại?

Những ngôi nhà biệt thự vi phạm xây dựng không phép và lẫn chiếm hành lang đê, kênh T5 trên địa bàn xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức vẫn chưa được xử lýNhững ngôi nhà biệt thự vi phạm xây dựng không phép và lẫn chiếm hành lang đê, kênh T5 trên địa bàn xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức đã không được ngăn chặn kịp thời và hiện vẫn chưa được xử lý

Như báo Phụ nữ Thủ đô đã thông tin đến bạn đọc về sự việc vi phạm xây dựng tại khu vực Chợ Tre của 10 hộ dân và hàng loạt nhà xưởng trên 50.000m2 đất nông nghiệp tại khu vực Lò Gạch-Đồng Bưởi ở xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức bị biến tướng từ đất canh tác thành xưởng sản xuất kinh doanh và nhà ở. Suốt nhiều năm nay, vi phạm nối tiếp vi phạm tại đây mà không được ngăn chặn, xử lý kịp thời, gây ô nhiễm môi trường và bức xúc trong nhân dân.

Chính quyền có “bắt tay” với hộ vi phạm để ngang nhiên tồn tại?

Ghi nhận của phóng viên, tại khu Chợ Tre, giáp hành lang cơ đê, các ngôi nhà 2, 3 và cả 6 tầng sừng sững, vừa là nơi kinh doanh, vừa là nơi ở của các hộ dân. Các công trình to, cao, kiên cố tường gạch, rộng hàng trăm m2. Có thể kể đến như: Studio Phong Cảnh (hộ ông Ngô Văn Phong), Cửa hàng Moon Tea (hộ ông Nguyễn Huy Vượng), công ty cổ phần Thanh Lộc (hộ ông Nguyễn Phi Thanh)…

Qua tài liệu phóng viên nắm được, tại văn bản số 5890/UBND-TNMT về xử lý vi phạm đối với các hộ được UBND huyện cho thuê đất tại khu Chợ Tre, xã Dương Liễu, do ông Nguyễn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức ký ngày 30/12/2020, đã yêu cầu UBND xã kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất của 10 hộ trên; áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn hành vi, vi phạm; đồng thời ban hành quyết định đình chỉ ngay các công trình vi phạm.

Tuy nhiên, trên thực tế, các hộ vi phạm xây dựng này không những không bị ngăn chặn, xử lý mà còn có thêm những ngôi biệt thự, nhà cao tầng mọc lên đẹp hơn. Theo người dân cho biết, tòa biệt thự màu trắng 3 tầng và cửa hàng Moon Tea của bố con ông Nguyễn Huy Vượng to, rộng hàng trăm m2 cũng mới vẫn mọc lên trong năm 2020-2021 mà không được ngăn chặn, xử lý. Người dân bức xúc cho rằng, chỉ có thể là chính quyền địa phương “bắt tay” với các hộ dân thì những công trình không phép này mới ngang nhiên dựng lên chềnh ềnh giữa chốn đông người qua lại, ở vị trí trung tâm của xã như vậy.

Dỡ xuống, chụp ảnh báo cáo xong lại dựng lên to đẹp hơn

Ngõ vào dãy nhà xưởng mọc lên không phépNgõ vào dãy nhà xưởng mọc lên không phép

Trở lại với khu vực Lò Gạch, được biết, không chỉ tự ý xây dựng nhà xưởng hàng nghìn m2 vững chãi để sản xuất kinh doanh mà các hộ còn chuyển nhượng cho nhau. Các giao dịch chuyển nhượng mỗi nhà xưởng hàng nghìn m2 có giá lên đến hàng chục tỷ đồng, (từ 5-10 triệu đồng/m2, vị trí đẹp có giá hơn 20 triệu đồng/m2). Điều đáng nói là các hộ này vừa ngang nhiên xây dựng không phép, vừa không thực hiện nghĩa vụ thuế sử dụng đất…

Cuối năm 2020, đầu năm 2021, UBND huyện Hoài Đức đã ra hàng loạt các văn bản về xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn xã Dương Liễu. Cụ thể, tại văn bản số 109/UBND-TNMT của UBND huyện Hoài Đức do ông Nguyễn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện ký ngày 18/1/2021, nêu: Năm 2020, trên địa bàn xã Dương Liễu phát sinh 33 trường hợp vi phạm xây dựng. Theo đó, huyện chỉ đạo xã xử lý dứt điểm, triệt để các trường hợp vi phạm cũng như ngăn chặn, kiên quyết không để phát sinh vi phạm mới.

Ngay sau chỉ đạo của UBND huyện, UBND xã Dương Liễu cũng tổ chức xử lý, tháo dỡ các công trình vi phạm. Tuy nhiên, trên thực tế, người dân phản ánh đó chỉ là làm “màu”, dỡ một vài công trình để quay phim, chụp ảnh rồi sau đó các nhà xưởng lại được dựng lên như chưa hề hấn gì. Bằng chứng thực tế là cho đến thời điểm hiện tại đã bước sang năm 2022 thì 33 công trình nhà xưởng, nhà ở vi phạm trên vẫn tồn tại vững chắc và đang hoạt động sản xuất kinh doanh.

Điều này cho thấy việc xử lý vi phạm về xây dựng ở xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức phải chăng chỉ tồn tại trên giấy?

Trách nhiệm của cán bộ quản lý ở đâu?

Những công trình mọc lên san sátNhững công trình nhà xưởng không phép mọc lên san sát ở khu vực Lò Gạch, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức

Qua nhiều lần liên hệ đặt lịch với UBND huyện Hoài Đức để làm việc về vấn đề trên, phóng viên vẫn chưa nhận được phản hồi. Còn về phía UBND xã Dương Liễu, với lý do dịch bệnh Covid-19 nên đã gửi văn bản phúc đáp câu hỏi của phóng viên.

Trong đó, lý giải về việc vi phạm của các hộ tại khu vực Chợ Tre, Chủ tịch UBND xã Dương Liễu Nguyễn Bá Hưng cho rằng: “Cuối năm 2020, có 2 hộ gia đình xây dựng, sửa chữa, cơi nới công trình cũ”. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân và quan sát thực tế cho thấy, công trình nhà 3 tầng biệt thự kiến trúc hiện đại, kiên cố và tòa nhà 6 tầng rộng hàng trăm m2 làm sao có thể là được cải tạo từ công trình cũ như ông Hưng nói được?!

Về việc xử lý vi phạm tại khu vực Chợ Tre, theo ông Nguyễn Bá Hưng, UBND xã đã tổ chức kiểm tra, rà soát việc sử dụng đất và lập hồ sơ vi phạm đối với 10 hộ gia đình, trình UBND huyện ra quyết định áp dụng khắc phục hậu quả và quyết định cưỡng chế thi hành. Hiện tại, UBND huyện đang thực hiện giải quyết đơn khiếu nại của các hộ này đối với Quyết định cưỡng chế của UBND huyện Hoài Đức. Còn về việc xử lý các phần công trình vi phạm, ông Hưng cho biết: “UBND xã sẽ tiến hành xây dựng Kế hoạch phối hợp với cơ quan cấp trên, tổ chức xử lý sau khi có kết quả giải quyết khiếu nại”.

Tương tự, về việc xử lý vi phạm ở khu Lò Gạch, theo ông Hưng, đối với các công trình vi phạm mới phát sinh, UBND xã đã thành lập Tổ công tác xử lý, tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành các quy định của Nhà nước về đất đai.

Còn với các trường hợp vi phạm trước ngày 1/7/2014, thì “đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép các công trình vi phạm tồn tại”. Đồng thời, “phải từng bước vận động di dời ra cụm công nghiệp khi triển khai mở rộng xây dựng hoặc khu đất được triển khai các công trình dự án theo quy hoạch khác được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.

Như vậy, trong khi vi phạm về xây dựng của 10 hộ dân ở khu Chợ Tre và 39 hộ xây dựng nhà xưởng ở khu Lò Gạch đã được các cấp chỉ rõ. Đặc biệt gây bức xúc trong nhân dân kéo dài nhiều năm mà đến nay vẫn trong tình trạng chờ xử lý, cũng như chờ hợp thức hóa cho phép các công trình vi phạm tồn tại?

Vấn đề đặt ra ở đây còn là vai trò giám sát, phát hiện của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị và nhất là Đảng bộ xã Dương Liễu với việc kiểm điểm trách nhiệm cán bộ để vi phạm xảy ra như thế nào? Phóng viên đã đặt câu hỏi với lãnh đạo UBND huyện Hoài Đức và UBND xã Dương Liễu về vấn đề xử lý trách nhiệm cán bộ quản lý liên quan đến vi phạm xây dựng trên, nhưng hiện cũng chưa nhận được câu trả lời.

Báo Phụ nữ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bài và ảnh: HOÀNG VIỆT

Tin cùng chuyên mục

Liên tục nợ thuế, Kim Oanh Group có đủ sức làm dự án 15.000 tỷ đồng?

Kim Oanh Group nợ thuế triền miên vẫn được Bình Dương chấp thuận làm dự án 15.000 tỷ đồng

Nhiều công ty nằm trong hệ sinh thái của Kim Oanh Group liên tục nằm trong danh sách nợ thuế, báo lỗ nhưng gần đây vẫn được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho làm dự án Đầu tư xây dựng Một Thế Giới – The One World (dự án Hoà Lân) với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.
Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

(PNTĐ) - Sáng 19/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền - Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận dẫn đầu đoàn công tác của UBND thành phố Hà Nội đã làm việc với huyện Hoài Đức về: Rà soát tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác xây dựng và phát triển huyện Hoài Đức thành quận theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố; đánh giá tính khả thi phát triển huyện thành quận của Hoài Đức đến năm 2025.