Các dự án Luật cần có sự tương thích, đồng bộ, tạo sự thuận lợi cho người dân
(PNTĐ) -Thảo luận tại tổ Hà Nội trong chiều 27/5 về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các ĐBQH bày tỏ sự nhất trí cao với các nội dung trong dự án; đồng thời đề xuất việc soạn thảo cần đảm bảo tính liên thông, tương thích, đồng bộ và tạo sự thuận lợi cho người dân.
Cụ thể, với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, đa số các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
“Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân sẽ có tác động tích cực đối với xã hội, đặc biệt sẽ tận dụng được nguồn lao động có chất lượng cao, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn; giúp cân đối quỹ bảo hiểm xã hội nói chung khi kinh phí cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội tăng lên…
Đặc biệt, việc tăng hạn tuổi phục vụ với nữ sĩ quan còn góp phần bảo đảm nữ giới và nam giới được bình đẳng trong việc thụ hưởng các chế độ, chính sách về hạn tuổi phục vụ cao nhất, không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và những quyền lợi của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, không có phân biệt đối xử về giới” - đại biểu Lê Nhật Thành - Đại tá, Ủy viên chuyên trách Hội đồng dân tộc của Quốc hội phân tích.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng nêu một số băn khoăn, kiến nghị liên quan tới Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, đó là: Cần có sự cụ thể hóa hơn nữa các tiêu chuẩn, quy định trường hợp nào được thăng cấp bậc hàm trước thời hạn đối với cấp Tướng; cân nhắc quy định về thăng cấp Thượng tướng với Sĩ quan Công an nhân dân biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội” (vì thực tế còn nhiều chức danh biệt phái khác)…
Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các đại biểu cho rằng quy định đã góp phần vào thúc đẩy cải cách hành chính, đơn giản hóa và đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường số hóa, điện tử, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân.
Khẳng định các quy định trong dự án luật về xuất nhập cảnh đã bổ sung thêm nhiều quy định giúp khắc phục vướng mắc trong thực thi, phù hợp nhu cầu cải cách thủ tục hành chính, đại biểu Nguyễn Phương Thủy – Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Quốc hội cũng cho rằng, quá trình sửa luật cần rà soát, bảo đảm tính liên thông, liên kết với hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, để giảm bớt một số giấy tờ hành chính như: giấy khai sinh của trẻ em, căn cước công dân… (khi đăng ký hộ chiếu). Bên cạnh đó, Luật sửa đổi cũng nên cân nhắc điều chỉnh quy định hiện tại về hộ chiếu gắn chíp là chỉ thực hiện cho người 14 tuổi trở lên.
Tiếp cận từ góc độ du lịch, đại biểu Trần Việt Anh – UV Chuyên trách UB Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu đoàn ĐBQH Hà Nội kiến nghị cần rà soát lại quy định, làm sao đơn giản thủ tục và thuận lợi cho du khách nước ngoài, nhất là ở khu vực biên giới đất liền và sát biển. Bởi hiện nay, du khách quốc tế khi đến các điểm du lịch ở khu vực sát biên đang gặp nhiều khó khăn khi phải cùng lúc chịu điều chỉnh của cả luật về xuất nhập cảnh và Luật Biên phòng.