Cam kết mạnh mẽ giảm ô nhiễm rác thải nhựa thông qua “Đối tác Hành động về Nhựa và Sức khoẻ”

Chia sẻ

Sáng 17/12, Lễ Công bố thành lập “Đối tác Hành động về Nhựa và Sức khoẻ” (Plastic and Health Action Partnership – PHA) đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các Cơ quan Chính phủ, các Tổ chức Quốc tế, các tổ chức NGOs, các doanh nghiệp tư nhân và các trường đại học, Viện nghiên cứu.

Lễ Công bố thành lập “Đối tác hành động về Nhựa và Sức khỏe” (PHA) là một trong những hoạt động được khởi động trong khuôn khổ dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương (LSPP)” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Đại diện các tổ chức tuyên bố thành lập Đối tác Hành động về Nhựa và Sức khoẻ.Đại diện các tổ chức tuyên bố thành lập Đối tác Hành động về Nhựa và Sức khoẻ. (Ảnh: BTC)

“Đối tác hành động về Nhựa và Sức khỏe” (PHA) với sự tham dự của các tổ chức, sáng kiến liên quan đến chất thải nhựa như Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP), Liên minh Không rác thải Việt Nam (VZWA), Văn phòng Điều phối Quốc gia Mạng lưới Một sức khỏe các Trường Đại học Việt Nam (VOHUN)...được thành lập nhằm kết nối các mạng lưới/sáng kiến hiện nay về Nhựa và Sức khỏe, hỗ trợ trong việc huy động các nguồn lực về kỹ thuật và tài chính, chia sẻ các kinh nghiệm triển khai, góp phần vào quá trình vận động chính sách liên quan đến chất thải nhựa và sức khỏe, tăng cường hiệu quả của các sáng kiến liên quan.

Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi năm, trong đó, tỷ lệ nhựa chiếm từ 10 – 20% (khoảng 2,5 đến 5 triệu tấn rác thải nhựa phát sinh mỗi năm). Tỷ lệ rác nhựa và túi nilon dùng 1 lần ở các đô thị Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng; chiếm từ 10 đến 20% chất thải rắn sinh hoạt.

Chỉ tính riêng tại Hà Nội, tỷ lệ chất thải nhựa đã chiếm khoảng 12-18%, trong đó riêng các loại film, túi ni-lông chiếm tỷ lệ 10-15%. Việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khoẻ.

Ông Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trườngÔng Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường nhận định giải quyết ô nhiễm nhựa đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa nhiều bên liên quan và đặc biệt là các doanh nghiệp. (Ảnh: BTC)

Ông Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phát biểu: “Giải quyết ô nhiễm nhựa đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các bên liên quan, các cơ quan Chính phủ, các tổ chức quốc tế, các NGOs, các Viện nghiên cứu, trường đại học và đặc biệt là các doanh nghiệp. Do đó, việc thành lập “Đối tác hành động về Nhựa và Sức khỏe” là cơ hội để huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan nhằm giảm tác động của chất thải nhựa đến sức khỏe con người”.

Đồng quan điểm, bà Christine Gandomi - Giám đốc Phòng Năng lượng và Môi trường khẳng định: “Chúng tôi hy vọng rằng sự thành lập của “Đối tác Hành động về Nhựa và Sức khỏe” sẽ đánh dấu một khởi đầu của sự hợp tác, trao đổi kiến thức, thông tin cũng như các thực hành tốt liên quan đến ô nhiễm rác thải nhựa". Bà khẳng định "Đối tác Hành động về Nhựa và Sức khỏe” sẽ là một trong những mối quan hệ đối tác đầu tiên tập trung vào nhựa và tác động của nhựa đến sức khỏe con người, nhận định những trao đổi thẳng thắn giữa các bên sẽ giúp giải quyết các vấn đề phát triển cấp bách tại Việt Nam.

Bà Kim Thị Thuý Ngọc - Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phát biểu tại buổi lễ.Bà Kim Thị Thuý Ngọc - Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: BTC)

“Chúng tôi rất tự hào là đối tác sáng lập Đối tác hành động về nhựa và sức khỏe nhằm liên kết các đối tác cùng nhau hành động giải quyết vấn đề chất thải nhựa tại Việt Nam,” ông Ekkasit Lakkananithiphan, Tổng Giám đốc Dow Việt Nam chia sẻ. Là công ty khoa học vật liệu và cung cấp giải pháp, Dow đang hợp tác với các đối tác để phát minh các sản phẩm mới, công nghệ tái chế và tạo ra thị trường tiêu thụ mới cho rác thải nhựa tái chế để giúp loại bỏ rác thải nhựa ra khỏi môi trường.

Trong phần Tọa đàm về Nhựa và Sức khỏe, đại diện từ Bộ Y Tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đối tác mạng lưới đã trao đổi các nội dung liên quan đến Kiến thức, dữ liệu, bằng chứng về mối liên hệ giữa Sức khỏe và Nhựa; Một số những chính sách về quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam; cuối cùng là nhấn mạnh sự hợp tác để giải quyết các vấn đề về Sức khỏe liên quan đến nhựa.

Một kết quả đáng khích lệ là hiện nay, PHA đã huy động được sự tham gia của 18 tổ chức tại Việt Nam đến từ các đối tác quốc tế, cơ quan Chính phủ, tổ chức phi Chính phủ, Viện nghiên cứu, Trường đại học. Trong thời gian tới, PHA sẽ hỗ trợ các bộ/ngành và các địa phương trong cả nước thực hiện các hoạt động về vận động chính sách liên quan đến rác thải nhựa và sức khỏe, xây dựng và vận hành cổng thông tin dữ liệu, thực hiện các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về mối liên hệ giữa nhựa và sức khỏe và triển khai các mô hình thí điểm nhằm giảm ô nhiễm nhựa tại một số địa phương trong cả nước.

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục

Từ 1/4, Hà Nội thực hiện Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024

Từ 1/4, Hà Nội thực hiện Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024

(PNTĐ) - Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, thực hiện cuộc Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024 diễn ra từ ngày 1/4 đến 30/4, Thành phố có 2.441 địa bàn điều tra, với 58.440 hộ điều tra phiếu ngắn, 14.790 hộ điều tra phiếu dài tại 557 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Đến nay, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

(PNTĐ) - Để chuẩn bị triển khai công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025, Sở  Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng tờ trình UBND thành phố Hà Nội về phương án thi và được UBND Thành phố chấp thuận. Theo đó, năm học 2024-2025, Hà Nội tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập với ba môn gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.