Từ vụ trẻ 17 tháng bị bạo hành dẫn đến tử vong:

Cần chấn chỉnh các cơ sở mầm non hoạt động không phép

THU HÀ- VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) -Cháu bé 17 tháng tuổi tử vong do bị bạo hành ở xã Vạn Điểm, Thường Tín khiến dư luận xót xa; hai người trông giữ trẻ đã bị khởi tố và sẽ phải chịu sự trừng phạt theo quy định pháp luật. Qua đây, các cấp ngành cũng “soi lại” để công tác quản lý cơ sở giáo dục được tốt hơn, nhất là với các cơ sở hoạt động không phép.

Việc quản lý các nhóm trông giữ trẻ tự phát có nhiều khó khăn

Liên quan đến vụ cháu bé P.T.Đ. (17 tháng tuổi; trú tại thôn Đặng Xá, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội) tử vong bất thường (ngày 2/3), Công an huyện Thường Tín đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 đối tượng trông giữ trẻ có hành vi bạo hành trẻ là Nguyễn Thị An (sinh năm 1993) và Nguyễn Thị Lành (sinh năm 1994, cùng trú tại thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Cùng với đó, đang tiến hành các thủ tục cần thiết để truy tố các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Cần chấn chỉnh các cơ sở mầm non hoạt động không phép - ảnh 1
Chiều ngày 3/3 Hội LHPN huyện Thường Tín và Hội LHPN xã Vạn Điểm đã đến thắp hương cho cháu bé và hỗ trợ cho gia đình 4 triệu đồng - ảnh: HPN

Căn nhà xảy ra vụ việc đau lòng là nhà cấp 4, ẩm mốc, một số đồ chơi, chăn màn bừa bộn trên nền nhà; khu bếp chật chội mất vệ sinh... Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm Nguyễn Văn Hà cho biết, đây là cơ sở trông giữ trẻ tự phát, đã bị xã lập biên bản đề nghị dừng hoạt động từ tháng 11/2022 do không đủ các điều kiện để hoạt động trông giữ trẻ theo quy định, song họ lại hoạt động lén lút, đón trả trẻ xong là đóng kín cửa. Nhóm lớp này có 5-6 trẻ, do hai người phụ nữ Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành, nhà ở xã bên cạnh (thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên) có trình độ chuyên môn trung cấp mầm non đến thuê nhà và nhận trông giữ trẻ.

Ông Hà cho biết thêm, do nhu cầu gửi trẻ, nhiều gia đình đã gửi con ở người thân, người quen, người trông hộ với số lượng chỉ vài cháu, điều này gây khó khăn trong công tác quản lý trên địa bàn, bởi họ trông giữ mang tính chất gia đình, không biển hiệu, không quảng cáo…

Do nhu cầu thực tế, nhiều gia đình có con nhỏ dưới 24 tháng đã lựa chọn gửi con ở các nhóm trông giữ trẻ quy mô nhỏ, gửi con với thời gian dài sớm đến tối, và cả những ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật. Theo quy định của ngành Giáo dục và Đào tạo, các nhóm trẻ gia đình khi đi vào hoạt động cần đăng ký cấp phép với UBND xã, phường, thị trấn, đây cũng là đơn vị quản lý hoạt động của các cơ sở này. Về phía Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện thì khi UBND xã gửi hồ sơ của cơ sở lên, phòng sẽ kiểm tra, tham mưu về mặt chuyên môn (đối với cơ sở có từ 7 cháu trở lên).

Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Trường cho biết, trường hợp đáng tiếc xảy ra đối với cháu P.T.Đ phòng cũng đến thăm động viên gia đình và đề nghị với chính quyền, cơ quan công an điều tra làm rõ. Từ sự việc này cho thấy việc quản lý các nhóm trẻ ở các địa phương cần được làm tốt hơn. Theo ghi nhận phản ánh của các xã, thị trấn việc quản lý các nhóm trông giữ trẻ tự phát có nhiều khó khăn, bởi những lý do như trông giữ 3-4 trẻ là con cháu trong nhà.

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, toàn huyện Thường Tín hiện có 44 cơ sở trông giữ trẻ được cấp phép và hoạt động tốt. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng thường xuyên chỉ đạo các trường công lập phải rà soát nắm bắt báo cáo UBND các xã thị trấn, các cơ sở trông giữ trẻ phải đăng ký và được cấp phép hoạt động. Qua sự việc trên, thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện sẽ tham mưu cho UBND huyện Thường Tín có kế hoạch tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành để chấn chỉnh hoạt động trông giữ trẻ trên địa bàn huyện. Phòng cũng tiếp tục tham mưu phối hợp với UBND các xã, thị trấn để nắm bắt, uốn nắn kịp thời các cơ sở, không để tồn tại các cơ sở trông giữ trẻ ngoài quản lý của ngành và địa phương.

Ngày 3/3, UBND thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo liên quan đến vụ bé trai 17 tháng tuổi (ở xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín) tử vong bất thường sau khi ở lớp mầm non. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn chỉ đạo, giao UBND huyện Thường Tín chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra, làm rõ sự việc theo quy định pháp luật, báo cáo UBND Thành phố kết quả trước ngày 10/3/2023; giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội, UBND huyện Thường Tín tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình cháu bé theo quy định.

Ông Trường cho hay, việc đăng ký hoạt động đối với nhóm trẻ không phải là khó khăn. Các tổ chức, cá nhân mở cơ sở nhận trông giữ trẻ nên có sự đầu tư đầy đủ cả về chuyên môn và các điều kiện trang thiết bị, nộp hồ sơ đăng ký với UBND xã, thị trấn, trên cơ sở hồ sơ đó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện sẽ tham mưu cho UBND xã cấp phép hoạt động. Về quản lý hành chính trên địa bàn xã, thị trấn nên sát sao, nắm bắt đầy đủ và kiên quyết cho đình chỉ đối với các cơ sở hoạt động không phép.

Cần xử lý nghiêm minh hành vi bạo hành trẻ em

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn- Chủ tịch Hội LHPN huyện Thường Tín cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, chiều ngày 3/3, Hội LHPN huyện và Hội LHPN xã đã đến thắp hương cho cháu bé và hỗ trợ gia đình 4 triệu đồng. Đồng thời, Ban Thường vụ Hội LHPN Huyện cũng gửi công văn tới cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Thường Tín đề nghị điều tra xử lý nghiêm minh vụ xâm hại sức khỏe, tính mạng của trẻ em tại xã Vạn điểm, huyện Thường tín.

Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Thường Tín nhận thấy đây là vụ việc xâm hại đặc biệt nghiêm trọng đến quyền trẻ em –đó là quyền được sống, quyền đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Vụ việc gây hoang mang và bức xúc trong dư luận, cần sớm được điều tra làm rõ tính chất, mức độ hành vi của tội phạm và lên án xử lý nghiêm minh.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty Luật Đức An, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: Hành vi của 2 cô trông trẻ đã thể hiện sự côn đồ, hung hãn, đánh đập dã man, tàn ác đối với cháu bé dẫn đến cháu tử vong. Hai người phụ nữ này cũng ở tuổi 29-30 tuổi là người trưởng thành, có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Họ đã vì lợi ích mà bất chấp pháp luật, tổ chức trông giữ trẻ mà không được cơ quan quản lý nhà nước cho phép. Xét về đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, khi họ có hành vi đánh đập trẻ mới 17 tháng tuổi đã thể hiện rằng không có tình thương yêu đối với trẻ, mà đã bạo hành cháu bé đến hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, cần thiết phải xử lý nghiêm mới có tác dụng răn đe, ngăn chặn, phòng chống tội phạm bạo lực trẻ em đang có xu hướng gia tăng phức tạp hiện nay.

Cũng theo Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, trong vụ án này, 2 người cùng thống nhất ý chí bạo hành cháu bé nên có vai trò ngang nhau, cùng phải chịu trách nhiệm đồng phạm về hành vi bạo hành đối với trẻ em dẫn đến chết người. Hành vi sẽ bị xem xét theo tội danh nào cần đợi kết luận từ cơ quan điều tra. Chi hội luật sư vì quyền trẻ em Việt Nam thuộc Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam sẵn sàng cử luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại là trẻ em trong vụ án trên nếu nhận được đơn đề nghị cử luật sư tham gia bảo vệ cho cháu bé.

“Đối với các vụ án bạo hành trẻ em dẫn đến tử vong đã xảy ra thời gian gần đây cho thấy cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý đối với các cơ sở giáo dục độc lập. Giải pháp trước mắt phải tiến hành song song công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục (tất cả các cấp học), cần đóng cửa những cơ sở không đảm bảo chất lượng để bảo vệ tốt nhất quyền trẻ em theo quy định tại Luật trẻ em 2016 tại Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm (Tước đoạt quyền sống của trẻ em và xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em)”­ - Luật sư Phạm Thị Bích Hảo nhấn mạnh.

Để tránh việc “giao trứng cho ác”, phòng tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Trường khuyến cáo với người dân, nhất là người dân ở những địa phương làng nghề có nhu cầu gửi con cả ngày nghỉ nên gửi con vào trường công lập, những cơ sở hoạt động có phép, hãy tìm hiểu kỹ về nơi nhận trông giữ trẻ để đảm bảo an toàn cho con trẻ.

Tin cùng chuyên mục

Quận Tây Hồ: Phấn đấu "đường sạch, cây xanh, Hồ Tây không rác"

Quận Tây Hồ: Phấn đấu "đường sạch, cây xanh, Hồ Tây không rác"

(PNTĐ) -  Sáng 27/4, UBND quận Tây Hồ đã tổ chức Lễ phát động ra quân đảm bảo vệ sinh môi trường (VSMT), trật tự đô thị (TTĐT) với sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các lực lượng, đơn vị trên địa bàn quận. Hoạt động nhằm  đảm bảo công tác VSMT, TTĐT trên địa bàn Quận nói chung và xung quanh Hồ Tây nói riêng từng bước đi vào nề nếp.
Ấn tượng chương trình nghệ thuật “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”

Ấn tượng chương trình nghệ thuật “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”

(PNTĐ) - Tối 26/4, tại Quảng trường thành phố Điện Biên Phủ, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”; tổng kết Cuộc thi tìm hiểu 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024) và 70 năm Ngày ký hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954 – 21/7/2024).
Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

(PNTĐ) - Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".
Bảo mật dữ liệu trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Bảo mật dữ liệu trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(PNTĐ) - Sau khi xảy ra liên tiếp các vụ tấn công mã hóa dữ liệu, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong nước đã quan tâm đầu tư hơn vào an toàn thông tin. Trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng đã ráo riết chỉ đạo công tác này.