Cần quy hoạch nhưng không bị trùng lặp, chồng chéo giữa các quy hoạch

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Góp ý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nêu 3 vấn đề góp ý vào dự thảo luật, đó là vẫn còn chồng chéo trong nội bộ hệ thống quy hoạch, về quy định về thời hạn, hiệu lực của quy hoạch và làm thế nào để phương án quy hoạch sẽ tạo ra được một đô thị phát triển bền vững.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, mặc dù đây là 2 phạm trù khác nhau nhưng nội dung lại đan xen mật thiết với nhau, bởi vì trong nông thôn có đô thị, ví dụ như thị trấn trong vùng nông thôn hoặc trong đô thị thì lại có nông thôn, ví dụ như một thành phố có thể có phường, có xã.

Cần quy hoạch nhưng không bị trùng lặp, chồng chéo giữa các quy hoạch - ảnh 1
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

Các nội dung này có liên quan đến nhau nhưng hiện nay quy hoạch đô thị đang thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị, còn nội dung quy hoạch nông thôn thì lại được điều chỉnh theo Luật Xây dựng, chính vì vậy đại biểu rất đồng tình chúng ta cần phải hình thành một luật chung về quy hoạch đô thị và nông thôn là rất cần thiết. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ: “Đây cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại tổng thể các quy hoạch có liên quan đến đô thị và nông thôn để có một hệ thống quy hoạch đồng bộ, logic, mang tính tầng bậc, vừa làm tiền đề, vừa làm căn cứ để thực hiện các quy hoạch cấp dưới và cụ thể hóa được các quy hoạch cấp trên. Đồng thời, thể hiện được tính tích hợp để vừa bao quát hết các đối tượng cần quy hoạch nhưng lại không bị trùng lặp, chồng chéo giữa các quy hoạch với nhau”.

Vẫn còn chồng chéo trong nội bộ hệ thống quy hoạch

Vấn đề thứ nhất, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng: Các quy hoạch về đô thị và nông thôn trong dự thảo luật này tuy đã có sàng lọc song vẫn còn chồng chéo trong nội bộ hệ thống quy hoạch được điều chỉnh tại luật này cũng như các quy hoạch được điều chỉnh tại Luật Quy hoạch. 

Cần quy hoạch nhưng không bị trùng lặp, chồng chéo giữa các quy hoạch - ảnh 2
Các đại biểu dự kỳ họp

Đại biểu nêu một số ví dụ, theo dự thảo luật này trên địa bàn tỉnh sẽ có quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, quy hoạch chung thị xã, quy hoạch chung huyện, các quy hoạch này đều có tỷ lệ là 1/10.000, như vậy nó phủ kín toàn bộ không gian của một tỉnh. Nhưng, sau đó lại có quy hoạch chung khu chức năng cũng tỷ lệ 1/10.000, như vậy phải chăng quy hoạch này sẽ trùng với các quy hoạch trên. 

Hoặc đã có quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ là 1/5.000 nhưng lại có quy hoạch thị trấn tỷ lệ 1/5.000, vậy phải chăng nó lại trùng với lại quy hoạch phân khu đô thị. Hoặc có quy hoạch chung của huyện tỷ lệ 1/10.000 đồng thời lại có quy hoạch chung của xã cũng tỷ lệ 1/10.000, như vậy phần nội dung này sẽ trùng với quy hoạch của huyện. 

Hoặc trong quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch thì có quy hoạch vùng huyện nhưng trong luật này lại có quy hoạch chung của huyện, vậy giữa quy hoạch vùng luyện theo Luật Quy hoạch và quy hoạch chung huyện sẽ được phân định như thế nào để 2 quy hoạch này không bị trùng.

Đối với các thành phố trực thuộc trung ương, bên cạnh quy hoạch tỉnh sẽ có quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương và để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh. Vậy bây giờ làm thế nào để quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương cụ thể hóa được mà không trùng lặp với nội dung của quy hoạch tỉnh? 

Đây là một vấn đề hiện nay khi triển khai đồng thời Luật Quy hoạch và xây dựng quy hoạch chung ở một số thành phố trực thuộc trung ương đang gặp phải vấn đề gần như quy hoạch chung nhắc lại những nội dung của quy hoạch tỉnh. 

Trong quy hoạch tỉnh còn có quyền kỹ thuật chuyên ngành như quy hoạch cao nền của thoát nước đô thị, giao thông, cấp nước, hạ tầng thoát nước thải đô thị, hạ tầng viễn thông, hạ tầng cung cấp năng lượng, chiếu sáng, hạ tầng nghĩa trang và xử lý chất thải. 

Những hạ tầng kỹ thuật này đều có quy hoạch hạ tầng kỹ thuật chuyên ngành cấp quốc gia. Vậy, trên địa bàn tỉnh có cần thiết phải xây dựng riêng mỗi một loại hạ tầng quy hoạch kỹ thuật này một kế hoạch riêng hay không? 

Theo đại biểu, chúng ta nên nghiên cứu để gộp các loại hạ tầng kỹ thuật lại, ví dụ giao thông, điện nước, viễn thông vào chung một quy hoạch để tránh tình trạng nếu chúng ta tách riêng nhiều khi xảy ra tình trạng mâu thuẫn, giao thông làm đường xong có khi lại đào lên để làm điện, làm nước. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, chúng ta có thể chỉ cần có 2 loại quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, một là quy hoạch gộp chung các loại hạ tầng kỹ thuật, trong đó có cả thêm hệ thống hạ tầng kỹ thuật về thủy lợi, vì tôi thấy chưa nhắc đến trong đây, đồng thời có loại thứ hai là quy hoạch về môi trường, xử lý chất thải nghĩa trang, nghĩa địa.

Không cần quy định về thời hạn, hiệu lực của quy hoạch

Vấn đề thứ hai, về thời kỳ quy hoạch, thời hạn, hiệu lực của quy hoạch và thời hạn quy hoạch. Quy định giữa luật này với Luật Quy hoạch đại biểu thấy chưa thống nhất.

Cần quy hoạch nhưng không bị trùng lặp, chồng chéo giữa các quy hoạch - ảnh 3
Quang cảnh kỳ họp

Quy hoạch là có tính dài hạn và có tính kế tiếp, một phương án quy hoạch đã được phê duyệt thì không có thời hạn hết hiệu lực mà sẽ được tiếp nối bằng các quy hoạch kỳ sau hoặc sẽ bị xóa bỏ khi điều chỉnh quy hoạch hoặc duyệt sau sẽ phủ nhận lên.

Do vậy, theo đại biểu không cần quy định về thời hạn, hiệu lực của quy hoạch. Thời hạn quy hoạch được quy định trong luật này có nội hàm giống như thời kỳ quy hoạch trong Luật Quy hoạch, đều là thời gian để xác định và dự báo các chỉ tiêu của quy hoạch. 

Tuy nhiên, quy hoạch đô thị và nông thôn chúng ta phải cụ thể hóa quy hoạch tỉnh, nhưng thời hạn của quy hoạch đô thị, nông thôn hiện nay chúng ta đang xác định là 20 năm, trong khi quy hoạch tỉnh chỉ có 10 năm.

Vậy, làm thế nào để 10 năm còn lại khi quy hoạch tỉnh chưa có, chúng ta lại cụ thể hóa được? Do vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng đây là một điều bất hợp lý. 

Theo đại biểu, kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, quy hoạch về xây dựng đô thị người ta thường chỉ xác định trong khoảng thời gian từ 10-15 năm. Do vậy, đại biểu đề nghị chúng ta nên điều chỉnh lại thời kỳ, thời hạn quy hoạch trong kế hoạch xây dựng đô thị cũng nên chỉ khoảng 10 năm cho phù hợp với quy hoạch tỉnh, nhưng tầm nhìn của quy hoạch phải dài hạn, từ 30-50 năm.

So sánh được chi phí trước mắt và lợi ích trong tương lai của phương án

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, vấn đề thứ ba, làm thế nào để phương án quy hoạch sẽ tạo ra được một đô thị phát triển bền vững? Một phương án quy hoạch chỉ phát triển bền vững khi triển khai thực hiện nó thì phải tạo ra được giá trị gia tăng trong tương lai, có như thế thì nhà đầu tư mới bỏ tiền vào để thực hiện phương án quy hoạch để kỳ vọng hưởng lợi giá trị gia tăng trong tương lai. 

Cần quy hoạch nhưng không bị trùng lặp, chồng chéo giữa các quy hoạch - ảnh 4
Các đại biểu tại kỳ họp

Điều đó sẽ tạo ra sức hút cho người dân đến sinh sống, đồng thời tạo thêm các việc làm, tạo các dịch vụ tại chỗ và đó chính là cơ sở để tạo nên một khu vực ngày càng phát triển, mang tính bền vững.

Ngược lại, nếu như phương án quy hoạch chỉ tạo ra giá trị trước mắt, không có khả năng tạo giá trị gia tăng trong tương lai thì chỉ thu hút nhà đầu tư ngắn hạn đến đầu tư để kiếm cơ hội trước mắt và sau đó sẽ rời đi. Điển hình của tình trạng này như chúng ta thấy rất nhiều những khu đô thị quy hoạch tràn lan với nhà thấp tầng, hàng trăm hecta nhưng quy mô dân số rất nhỏ, không đủ thị trường để phát triển các dịch vụ, không có dịch vụ thì người dân không muốn đến sống và các nhà đầu tư thì cũng sẽ không đầu tư dài hạn vào đấy.

Như vậy quy hoạch này chỉ giải quyết một mục tiêu trước mắt là bán đất đô thị, thu tiền và sau đấy thì không phát triển được. 

Do vậy, đại biểu đề nghị phải luật hóa các phương án quy hoạch đô thị thì phải dựa trên cơ sở đánh giá, so sánh được chi phí trước mắt và lợi ích trong tương lai của phương án, đặc biệt là so sánh giữa chi phí lợi ích trong việc sử dụng đất. 

Đồng thời, chúng ta cũng phải quy định cụ thể các nội dung quy hoạch đô thị theo định hướng giao thông TOD như thế nào để quy hoạch sẽ thu hút các nhà đầu tư tạo nguồn lực phát triển hạ tầng để được hưởng lợi từ đô thị sau khi hạ tầng được đầu tư, tránh tình trạng như hiện nay là các dự án đô thị sẽ đầu tư trước, sau đó tạo ra những bức bách, Nhà nước phải bỏ tiền ra đầu tư hạ tầng và khi đấy Nhà nước lại vừa khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, vừa mất tiền đầu tư mà người hưởng lợi lại chỉ là các chủ đầu tư dự án.

 

Tin cùng chuyên mục

  Lần đầu tiên tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công mức 35,7%

Lần đầu tiên tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công mức 35,7%

(PNTĐ) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có thông tin về Nghị định số 77/NĐ-CP về điều chỉnh mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh từ 2.055.000 đồng lên mức 2.789.000 đồng (tăng 35,7%).
Thành phố lựa chọn chất vấn, tái chất vấn là “đúng” và ‘trúng”, phù hợp với thực tiễn

Thành phố lựa chọn chất vấn, tái chất vấn là “đúng” và ‘trúng”, phù hợp với thực tiễn

(PNTĐ) - Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, vấn đề được HĐND thành phố lựa chọn chất vấn, tái chất vấn là “đúng” và ‘trúng”, quan trọng, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển của thành phố (TP).